Trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa
Thánh lễ với Ðức Thánh Cha: Trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Vatican (Vat. 14-12-2015) - Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ hai, ngày 14 tháng 12 năm 2015, tại nhà nguyện thánh Marta, Ðức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: "Trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ mở ra những khung trời tự do. Sự cứng lòng của các thượng tế và kỳ mục, như được nhắc đến trong bài đọc Tin Mừng, đã khép kín con tim và từ đó gây ra nhiều điều tồi tệ.
Bài đọc một trích sách Dân Số kể về chuyện ông Bi-lơ-am. Ông là vị tiên tri được nhà vua phái đi để nguyền rủa Israel. Chắc chắn, ông Bi-lơ-am đã gây ra những lỗi lầm, thậm chí đã phạm tội. Bởi vì tất cả mọi người đều có tội. Tất cả đều là tội nhân. Nhưng chúng ta đừng hoảng sợ, vì Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta. Trong cuộc hành trình của mình, ông Bi-lơ-am gặp thiên thần của Thiên Chúa và tâm hồn ông đã được biến đổi, không chỉ là thay đổi chọn theo bên nào, nhưng là biến đổi từ điều lầm lạc sang chân lý. Hơn hết, ông đã dám nói điều ông chứng kiến. Thực vậy, khi đứng nhìn về sa mạc nơi dân Thiên Chúa đang đóng trại, Bi-lơ-am đã thấy hoa trái thánh thiện, vẻ đẹp và sự vinh thắng của dân tộc Israel. Ông đã mở lòng mình ra, đã hoán cải, đã nhìn ra xa và nhìn thấy chân lý. Với ý hướng tốt lành, người ta luôn có thể nhìn thấy chân lý. Và chính chân lý ấy sẽ đem đến niềm trông cậy.
Trông cậy là một nhân đức Kitô giáo. Mỗi người chúng ta đều có nhân đức ấy, vì nó là món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban tặng. Nhân đức Cậy giúp chúng ta nhìn ra xa; nhìn vượt lên trên những khó khăn, những vấn nạn, những đau khổ và thách đố; và nhìn vượt lên trên tội lỗi của chúng ta. Chính niềm trông cậy giúp chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa.
Một người có lòng cậy trông sẽ được mạnh sức để đối diện với những khoảnh khắc tồi tệ của cuộc sống: khi ốm đau, bệnh tật; khi vất vã lo lắng cho con cái hoặc một người thân trong gia đình. Với nhân đức Cậy, dù giữa những khổ đau, người ta luôn có được đôi mắt sắc bén, luôn có tự do để nhìn vượt lên trên thực tại để chạm tới niềm hy vọng. Ðây chính là lời tiên tri mà hôm nay Giáo hội nhắn gởi chúng ta: Giáo hội muốn chúng ta là những người biết cậy trông, nhất là trong những khó khăn, thách đố của cuộc sống. Lòng trông cậy mở ra những khung trời tự do chứ không phải gông cùm nô lệ. Nhân đức Cậy luôn có chỗ để sắp xếp và xử lý mọi trạng huống trong cuộc sống.
Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, những thượng tế và kỳ mục trong dân đã chất vấn Ðức Giêsu về quyền nào để Ngài làm những điều ấy. Và như thế, họ đã không hề có những chân trời rộng mở. Họ khóa kín mình trong những toan tính cá nhân. Họ bị cầm tù nô lệ trong chính sự cứng lòng của mình. Những con người toan tính luôn đóng kín cánh cửa tâm hồn và dập tắt tự do, trong khi đó niềm hy vọng cậy trông lại dẫn chúng ta đến vùng trời chan hòa ánh sáng.
Sự tự do, tính cao thượng và lòng trông cậy đẹp đến là dường nào. Nhưng thật là xấu xa và tội tệ nếu con cái Giáo hội lại cứng đầu bướng bỉnh, lòng chai dạ đá. Sự cứng lòng chính là thái độ của những người không có lòng trông cậy. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, có hai con đường mở ra phía trước: Con đường thứ nhất dành cho những ai trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và biết rằng Thiên Chúa là Cha luôn tha thứ, tha thứ tất cả. Ðằng sau sa mạc khô cằn của tội lỗi là cái ôm nồng thắm và sự thứ tha của Thiên Chúa đang đón chờ. Con đường thứ hai dành cho những người đi tìm nơi trú ẩn trong kiếp sống nô lệ của sự cứng lòng và chẳng biết gì về lòng thương xót của Thiên Chúa. Có thể họ là những bậc tiến sỹ, đã học hành và nghiên cứu thật nhiều, nhưng sự hiểu biết và những bằng cấp ấy không thể cứu được họ."
Ðức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng cách kể một câu chuyện đã xảy ra năm 1992 ở Buenos Aires, nước Argentina, trong một thánh lễ dành cho bệnh nhân: "Có một bà cụ đã 80 tuổi đến xưng tội thật lâu. Tuy mắt mũi đã kèm nhèm nhưng cụ lại có lòng trông cậy và có thể nhìn vượt lên trên những thực tại tầm thường. Tôi nói với bà: 'Ngoại ơi, ngoại đến xưng tội ạ?' Hỏi như thế, vì tôi vừa mới bước ra khỏi tòa giải tội để chuẩn bị đi. Bà cụ đáp: 'Dạ.' Tôi nói với cụ: 'Ngoại làm gì có tội mà xưng?' Bà cụ đáp: 'Cha ơi, con là kẻ tội lỗi. Con phạm rất nhiều tội. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ tha thứ cho con. Chúa tha thứ tất cả, phải không cha?' Tôi hỏi lại: 'Nhưng tại sao cụ biết Thiên Chúa tha thứ tất cả?' Cụ đáp: 'Thưa cha, nếu Thiên Chúa không tha thứ tất cả, thế giới này đã tan thành tro bụi, chứ chẳng thể tồn tại được.' Quả vậy, trước mắt bà cụ này chỉ có sự tự do và niềm trông cậy. Và chính điều đó đã kéo xuống cho bà lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự khép kín, cái tôi chủ nghĩa chỉ khiến con người rơi vào tình trạng nô lệ vì cứng lòng mà thôi. Chúng ta hãy nhớ bài học của bà cụ 80 tuổi này: Thiên chúa tha thứ tất cả. Ngài đang trông chờ chúng ta bước lại gần Ngài."
Vũ Ðức Anh Phương
(Radio Vatican)