Ðức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai

Như Một Người Thầy

 

Ðức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai Như Một Người Thầy!

Vĩnh Long (GP Vĩnh Long 11-12-2015) - Ngày 11 tháng 12 năm 2015 giáo dân khắp mọi nơi hân hoan tiến về Nhà Thờ Chính Tòa Vĩnh Long tham dự Thánh lễ Tấn Phong tân Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long Ðức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai.

- Alo, tớ nghe nè!

- Alo, chào cậu, có khỏe không? chúc mừng có Giám Mục rồi nhé!

- Ah, cám ơn cậu. Tớ cũng mới nghe được tin.

- Bận này ngon rồi nhé. Ðức Cha là sư phụ mà.

- Ờ... thì cũng là sư phụ của cậu đó thôi.

- Nhưng mình khác địa phận, đâu ngon bằng cậu.

- Ðức Cha của mọi người, tớ cũng là một linh mục như bao linh mục khác thôi. Lén phén cũng "no đòn", chứ sư phụ sư tổ gì.

- Ok, nói vậy thôi, chứ mà lo phụng sự ngài cho tốt đó. Bye hé.

- Ok, nhớ qua dự lễ tấn phong nha. Bye.

Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai làm Giám mục. Tôi không ngạc nhiên lắm về thông tin này, không phải vì tôi đã biết nhưng vì tôi hiểu được rằng điều gì đến phải đến thôi. Như thế, sau bao nhiêu chờ đợi mỏi mòn, sau bao lời cầu xin đến "rách giấy", hôm nay Giáo phận cũng đã có được vị chủ chăn. Ðiều này làm tôi vui lắm, hết bị mang tiếng là "mồ côi". Cũng như là tôi cũng hơi "nở mũi' một chút vì Ðức Cha là sư phụ triết học của tôi (tất nhiên là không chỉ một mình tôi). Thế nhưng, tôi cũng hơi xuống tinh thần vì từ nay sư phụ sẽ không còn thời gian để "hội bàn đào" với đám đệ tử nữa. Nghĩ đến đây, tôi miên man nhớ lại ngày xưa tháng cũ.

Sư phụ rất từ tốn, chất phát, rặc chất Nam Bộ từ lời nói cho đến nụ cười. "Anh em chúng mình" là từ mà chúng tôi rất khoái mỗi khi nghe sư phụ huấn đức. Nó gần gũi và thân tình. Nó không làm chúng tôi bị "phân biệt" bề trên và bề dưới.

Năm tôi đi thử, một lần sư phụ ghé thăm. Sư phụ vừa cười vừa đánh lên vai tôi cái bộp: "nhắm ở đây được không? Không thì về ở với cha". "Ơ, con đang đi thử mà cha? Về ở với cha có khác gì tù treo đâu?" Chắc chắn sư phụ không bảo tôi đào ngũ nhưng đó là một sự quan tâm, một cách động viên, hiểu được cho những khó khăn của đứa học trò.

Sư phụ tôi vui tính lắm. Thỉnh thoảng cũng "mầy, tao" với chúng tôi như những người bạn thân thích. Dù là đi tĩnh tâm hay là những giờ lên lớp, những lúc đi nghỉ, chúng tôi luôn thấy rất thân thiện với sư phụ, chẳng chút gì nơi sư phụ khiến chúng tôi phải dè chừng hay giữ kẽ. Tự nhiên như thế nhưng không phải không chuẩn mực. Khi nào chúng tôi hành xử không ra dáng "ông thầy" là sư phụ bảo ban ngay. Sư phụ luôn lấy tình thương mà uốn nắn, luôn tìm kiếm và tạo những cơ hội để đám đệ tử được tăng tốc trí lực và thần lực. Tôi vẫn nhớ, trước mỗi kỳ gửi chúng tôi đi thử, sư phụ luôn đắn đo, tìm hiểu kỷ lưỡng những nơi chúng tôi sẽ được gửi đến. Ðơn giản vì sư phụ không bao giờ muốn bất kỳ đứa nào trong chúng tôi phải hư mất. Có lẽ những ngày tháng đã qua, sự thăng trầm của những "thằng đệ tử này" cũng chính là sự thăng trầm của chính sư phụ.

Giờ thì sư phụ đã là giám mục. Một cái gì đó rất thân quen cũng thật lạ. Thân quen vì mình đã tiếp xúc nhiều với ngài. Lạ vì Ngài tay cầm gậy mục tử, ngực đeo thánh giá, đầu đội mũ Mitre, tay đeo nhẫn vàng...Ngài không còn là "Cha Hai" của ngày xưa nữa. Không biết rồi Ngài có còn dạy học cho chúng tôi nữa không!

Nhưng hình như tôi nghĩ qua xa rồi. Tất cả áo, mũ, cân đay, đó chỉ là "đặc ân" (Giáo Luật 1917) riêng được quy định cho chức vụ Giám mục thôi chứ không để làm dấu hiệu quy định chức vụ dân thường không được đến gần những ai sử dụng chúng. Chắc chắn không bao giờ Ðức Cha muốn đánh mất hình ảnh thân thiện của ngày xưa của mình. Tôi gặp Ngài. Ôi, vẫn bình dân, vẫn cười tươi, vẫn rất dễ gần, vẫn là "anh em chúng mình" như ngày nào. Phong thái thì Giám Mục nhưng phong cách vẫn là "Cha Hai, sư phụ của tôi đây mà". Ngài vẫn không ngần ngại chỉ bảo, hướng dẫn và khuyên răn. Có khác hơn là vì hôm nay, cùng với Ngài, chúng tôi chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Không đơn giản chỉ là những câu chữ định nghĩa mang tính lý thuyết mà là từng hoàn cảnh cụ thể của từng giáo xứ. Vì thế, lời dạy của Ðức Cha sẽ cụ thể hơn, cặn kẽ hơn, hữu dụng hơn.

Ðức Cha vẫn vỗ vai tôi bộp bộp, vẫn vui lòng ngồi bàn "tám" chuyện với chúng tôi. Hình như Ðức Cha vẫn cố tình không nhớ vị trí người đứng đầu Giáo phận của mình, mà đâu đó Ngài vẫn muốn đến với chúng tôi trong tư thế của một người thầy. Và nếu có lúc nào Ðức cha muốn nói rằng: "Thầy yêu chúng con, hãy làm môn sinh của thầy" thì Ðức Cha hãy cứ tự nhiên. Chúng con mãi mãi vẫn là môn sinh của thầy.

Và với tư cách "thầy dạy học thuyết" (Giáo luật điều 375). Con lại tin chắc sư phụ sẽ cặm cụi nhả tơ cho chúng con bằng tất cả sự khôn ngoan triết gia của mình, cộng với sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần đã ban cho sư phụ trong chức Giám mục.

Kính chúc Ðức Cha luôn là mục tử như lòng Chúa mong ước!

 

GP Vĩnh Long

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page