Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô
trong Thánh lễ khai mạc
Năm Thánh Lòng Thương Xót
Bài
giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ kính Ðức
Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và khai mạc Năm Thánh
Lòng Thương Xót tại Quảng trường Thánh Phêrô Thứ Ba 8
tháng Mười Hai năm 2015.
Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ sự nghi thức Mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày lễ Ðức Maria Vô nhiễm nguyên tội, 8 tháng Mười Hai năm 2015. |
Vatican (WHÐ 09-12-2015) - Năm Thánh Lòng Thương Xót đã chính thức khai mạc với nghi thức Mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày lễ Ðức Maria Vô nhiễm nguyên tội, 8 tháng Mười Hai năm 2015. Nghi thức diễn ra sau Thánh lễ cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 9g30 do Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ tế cùng với 60 Hồng y, 100 Tổng giám mục và Giám mục, và gần 2,200 linh mục từ khắp nơi trên thế giới.
Mặc dù trời mưa, số người tham dự là hơn 50,000 người, trong đó có Tổng thống Sergio Mattarella và Thủ tướng Matteo Renzi của Italia; cựu Quốc vương Albert II cùng với Hoàng hậu Paola của Vương quốc Bỉ.
Sau Thánh lễ, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức mở Cửa Thánh. Trước khi cử hành nghi thức, vị đương kim giáo hoàng đã gặp Ðức giáo hoàng tiền nhiệm Bênêđictô XVI bên trong Ðền thờ Thánh Phêrô và hai vị giáo hoàng đã ôm chào nhau. Bước qua Cửa Thánh đầu tiên là Ðức Thánh Cha Phanxicô, rồi đến Ðức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI, và sau đó là các hồng y, giám mục và mọi người.
Chúa nhật 13 tháng 12 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, và các Ðức giám mục chính toà trên khắp thế giới cũng mở Cửa Thánh tại các Nhà thờ chính toà của các giáo phận.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ kính Ðức Maria Vô nhiễm nguyên tội và khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót:
* * *
Lát nữa đây, tôi sẽ vui mừng mở Cửa Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta thực hiện cử chỉ này - như tôi đã làm ở Bangui - rất đơn giản nhưng lại mang tính biểu tượng mạnh mẽ, trong ánh sáng của Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe. Lời ấy làm nổi bật tính tối thượng của ân sủng. Thật vậy, một lần nữa những bài đọc này làm cho chúng ta nghĩ đến lời của sứ thần Gabriel đã nói với một cô gái trẻ, đầy kinh ngạc và bối rối về mầu nhiệm đang bao phủ lấy mình: "Kính chào Ðấng đầy ơn phúc" (Lc 1,28).
Ðức Trinh Nữ Maria được kêu gọi vui lên, trước hết là vì điều Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Ân sủng của Thiên Chúa bao bọc Mẹ, làm cho Mẹ xứng đáng trở thành Mẹ của Chúa Kitô. Khi sứ thần Gabriel vào nhà của Mẹ, mầu nhiệm sâu xa nhất đã vượt khỏi mọi khả năng của lý trí, trở nên lý do để Mẹ vui mừng, tin tưởng, và phó thác cho sứ điệp đã được mạc khải cho Mẹ. Sự viên mãn của ân sủng có khả năng biến đổi tâm hồn con người và làm cho con người thực hiện được một hành động lớn lao đến mức có thể thay đổi lịch sử nhân loại.
Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội diễn tả nét cao cả của tình yêu Thiên Chúa. Ngài là Ðấng không chỉ tha thứ tội lỗi, nhưng nơi Ðức Maria, Ngài còn cho Mẹ không vương mắc tội nguyên tổ, vốn có nơi mỗi con người khi được sinh ra. Chính tình yêu của Thiên Chúa đi bước trước, thực thi trước và cứu thoát. Khởi đầu của lịch sử tội lỗi nơi Vườn địa đàng kết thúc nơi một kế hoạch tình yêu cứn rỗi. Những lời trong sách Sáng Thế phản ánh kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta: chúng ta luôn bị cám dỗ bất tuân phục, sự bất tuân muốn sắp xếp cuộc đời mình ngoài thánh ý Chúa. Ðó là sự thù địch luôn cám dỗ đời sống của con người, đặt con người vào thế đối nghịch với kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng lịch sử của tội lỗi chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng của tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Tội lỗi chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này. Nếu mọi sự đều quy vào tội lỗi, chúng ta sẽ là những người tuyệt vọng nhất trong các thụ tạo. Nhưng chiến thắng của tình yêu Chúa Kitô hứa trước đã gói trọn mọi sự trong lòng thương xót của Chúa Cha. Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe bảo đảm cho điều này. Ðức Trinh nữ vô nhiễm nguyên tội hiện diện ở trước chúng ta như một nhân chứng tuyệt vời của lời hứa này và việc hoàn tất lời hứa ấy.
Năm Thánh ngoại thường này chính là một món quà của ân sủng. Bước qua Cửa Thánh có nghĩa là khám phá lại lòng thương xót vô biên của Chúa Cha, Ðấng đón nhận tất cả mọi người và đích thân đến gặp từng người. Chính Thiên Chúa đi tìm chúng ta! Chính Người đến gặp chúng ta! Ðây sẽ là một năm để chúng ta tin tưởng hơn bao giờ hết vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta đã sai lầm biết bao đối với Thiên Chúa và ân sủng của Ngài khi chúng ta nói rằng tội lỗi sẽ bị phép công thẳng của Thiên Chúa trừng phạt trước khi chúng ta nói rằng tội lỗi sẽ được lòng thương xót của Ngài tha thứ (x. Thánh Augustinô, De Praedestinatione Sanctorum, 12, 24)! Nhưng sự thật là thế. Chúng ta phải đặt lòng thương xót trước sự phán xét, và phán xét nào của Chúa cũng luôn ở trong ánh sáng của lòng thương xót của Ngài. Vậy, khi bước qua Cửa Thánh, ước gì chúng ta cảm nhận được rằng chúng ta đang tham dự mầu nhiệm này của tình yêu và lòng nhân từ. Chúng ta hãy bỏ đi mọi nỗi sợ, vì sợ hãi không xứng hợp với người được yêu thương. Nhưng chúng ta hãy sống niềm vui được gặp gỡ ơn thánh biến đổi mọi sự.
Hôm nay, tại Roma này và tại khắp các giáo phận trên toàn thế giới, khi bước qua Cửa Thánh, chúng ta lại muốn nhớ đến một cánh cửa khác 50 năm trước đã được các Nghị phụ Công đồng Vatican II mở ra bước vào thế giới. Dịp kỷ niệm này không thể chỉ dành để mừng di sản các văn kiện của Công đồng, vốn đã cho thấy một bước tiến lớn về đức tin, mà trước hết, để nhớ rằng Công đồng là một cuộc gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ đích thực giữa Giáo hội và mọi người nam nữ trong thời đại chúng ta. Cuộc gặp gỡ mang dấu ấn quyền năng Chúa Thánh Thần đã kéo Hội Thánh ra khỏi vũng lầy giam hãm trong nhiều năm tháng, để Giáo hội tìm lại được niềm hăng say trên hành trình truyền giáo. Ðó là sự khôi phục cuộc hành trình gặp gỡ con người tại nơi họ đang sống: trong những thành phố và các gia đình, tại nơi họ làm việc. Bất cứ nơi đâu có con người, Giáo hội đều được kêu gọi hãy đến với họ và mang cho họ niềm vui Tin Mừng, lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Sau những thập niên này, chúng ta lại được cùng một sức mạnh và niềm hăng say đó thôi thúc lên đường truyền giáo. Năm Thánh đặt chúng ta trước yêu cầu phải biết rộng mở này, và đòi chúng ta không được quên tinh thần đã xuất hiện từ Vatican II, tinh thần của người Samaria, như Chân phước giáo hoàng Phaolô VI đã trình bày tại phiên họp bế mạc Công đồng. Xin cho việc bước qua Cửa Thánh hôm nay giúp chúng ta biết dấn thân thực hiện lòng thương xót như người Samaria nhân hậu...
Minh Ðức chuyển ngữ