Một số nhận định của cha Federico Lombardi

về chuyến công du Phi châu

của Ðức Thánh Cha Phanxicô

 

Một số nhận định của cha Federico Lombardi về chuyến công du Phi châu của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Vatican (SD 1-12-2015) - Một số nhận định của Linh Mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh, về chuyến công du Phi châu vừa qua của Ðức Thánh Cha Phanxicô

Như quý vị đã biết, Ðức Thánh Cha Phanxicô vừa kết thúc chuyến công du Phi châu ba nước Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi về hôm 30 tháng 11 năm 2015. Ngày mùng 1 tháng 12 phóng viên Alessandro Gisotti của chương trình Ý ngữ đài Vaticăng đã phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, là người đã tháp tùng Ðức Thánh Cha trong những ngày qua. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định tổng kết của ngài.

Hỏi: Thưa cha Lombardi, đây là lần đầu tiên ÐTC Phanxicô viếng thăm Phi châu. Nhưng nhìn các hình ảnh người ta có cảm tưởng ngài rất thoải mái trong mọi tình trạng. Là người theo sát ÐTC trong chuyến công du cha có các cảm tưởng nào?

Ðáp: Ðúng thế. Ðức Thánh Cha đã hoàn toàn thoải mái, và tôi còn nói rằng cả các anh chị em phi châu cũng rất thoải mái trong việc gặp gỡ và đón tiếp Ðức Thánh Cha nữa. Ðã có một ước mong gặp gỡ nhau rất sâu đậm từ cả hai phía. Ðức Thánh Cha luôn luôn nói về cuộc gặp gỡ: đó đã là một cuộc gặp gỡ thật đẹp giữa Ðức Thánh Cha và Phi châu! Dĩ nhiên, Phi châu đối với tất cả chúng ta và đối với thực tại của thế giới ngày nay, nó hơi ở vùng ngoại ô trên bình diện quyền bính trong thế giới hiện tại, và vì thế Ðức Thánh Cha muốn đi Phi châu một cách đặc biệt và cả trong một nước như Trung Phi, là một trong các quốc gia bị tàn phá nhất Phi châu hiện nay, để chứng minh cho thấy sự chú ý của ngài đối với toàn đại lục này, và đối với các quốc gia đau khổ vì nhiều khía cạnh của nghèo đói, bệnh tật, bị gạt bỏ ngoài lề, và của khó khăn tìm ra con đường cho tương lai trong phẩm giá tràn đầy của con người.

Hỏi: Trong cả ba nước đã được viếng thăm, Ðức Thánh Cha thường bỏ một bên diễn văn đã dọn sẵn để nói buông, cho tới chỗ đối thoại với những người hiện diện, nhất là với giớii trẻ. Sự đáp trả của dân chúng đã thật là ngoại thường, có đúng thế không thưa cha?

Ðáp: Vâng, đúng thế. Ðây là điều chúng ta đã hiểu ngay từ đầu triều đại của ngài, đó là kiểu Ðức Thánh Cha truyền thông. Ngài rất ưa thích kiểu tự phát này, kiểu đối thoại, kiểu lôi cuốn cử tọa, bằng cách trả lời và nói chuyện với các người hiện diện, làm sao để họ cảm nhận và thấy rằng họ là phần tích cực của một tiến trình đối thoại và dấn thân. Ðiều này cũng đã xảy ra bên Á châu. Tôi đã rất bị đánh động về sự kiện chính trong các chuyến công du đầu tiên bên Á châu, trong đó Ðức Thánh Cha đã ở trong một nền văn hóa vô cùng khác biệt, và với sự khó khăn sử dụng ngôn ngữ của những người hiện diện, vì thế cần phải có thông dịch viên, nhưng kiểu truyền thông này đã chạy một cách hoàn hảo. Như vậy, người ta thấy đặc sủng truyền thông tự phát, của các cử chỉ và tất cả cách diễn tả mà Ðức Thánh Cha có. Ngài thành công trong việc vượt thắng các khác biệt ngôn ngữ. Ðiều này, nếu đã thành công bên Á châu, thì cũng đã thành công bên Phi châu, nơi chúng ta thấy sự sẵn sàng của người trẻ trong sự phấn khởi đuợc lôi cuốn của họ. Các dịp cổ điển, trong đó Ðức Thánh Cha ưa thích con đường đối thoại, là các cuộc gặp gỡ với người trẻ và cả các cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ tu sĩ, nghĩa là khi ngài đứng trước một cử toạ, mà ngài cảm thấy được đưa tới chỗ đối thoại một cách tự phát hơn.

Hỏi: Ðã có sự chờ đợi lớn đối với việc mở Của Thánh của nhà thờ chính toà Bangui. Cử chỉ này sẽ thực sự là một trong các viên đá ghi dấu triều đại giáo hoàng của Ðức Thánh Cha Phanxicô, có phải thế không thưa cha?

Ðáp: Ðúng thế. Ở đây tôi tin rằng chúng ta tất cả đều đã có một suy tư, và tự hỏi việc mở Cửa Thánh sớm hơn ngày đã loan báo, tức mùng 8 tháng 12 là ngày chính thức bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót, có ý nghĩa gì? Và chúng ta đã nghĩ đây là một luật trừ đối với những người đang đặc biệt sống trong hoàn cảnh khó khăn. Họ gặp khó khăn trong việc di chuyển hay tham dự các biến cố thế giới lớn, do đó đây là một cử chỉ chú ý tới địa phương. Nhưng trước khi mở Cửa Thánh Ðức Thánh Cha đã nói: "Ðây là thủ đô tinh thần của thế giới, chiều nay". Như vậy, chính ngài đã cho cử chỉ này một ý nghĩa không phải chỉ là địa phương, mà thực sự là đại đồng. Trong một nghĩa nào đó, tôi tin rằng chúng ta phải nói: Năm Thánh Lòng Thương Xót, đối với những ai đã theo dõi chuyến viếng thăm này, chúng tôi đã rất hiểu rằng đối với Ðức Thánh Cha nó đã được mở ra từ bên đó. Ðức Thánh Cha là người đi ra các vùng ngoại biên và nói rằng cần phải chú ý tới vùng ngoại ô của Giáo Hội, chú ý tới các người nghèo, các người đau khổ vv# và ngài đã muốn mở Năm Thánh Lòng Thương Xót trong một tình trạng "của vùng ngoại biên" để thực sự trao ban cho nó ý nghĩa tình yêu thương của Thiên Chúa, được biểu lộ ra cả với một sự chú ý ưu tiên đối với những người nghèo và những ai đau khổ. Ðiều này không lấy mất đi cái gì nơi tầm quan trọng của lễ nghi khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót ngày mùng 8 tháng 12, và việc mở các cửa năm thánh khác trên thế giới, trong viễn tượng của Năm Thánh Lòng Thương Xót đại đồng, được phổ biến khắp nơi trên toàn cầu. Tại sao? Bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa có thể gặp tại bất cứ đâu. Tuy nhiên, việc bắt đầu, kiểu thứ nhất, trong đó Ðức Thánh Cha đã muốn loan báo đã là ở bên đó. Và tôi muốn nói thêm một điều nữa. Sau khi mở Cửa Thánh và bắt đầu buổi canh thức, Ðức Thánh Cha đã giải tội cho 5 người trẻ. Ðó đã là một buổi canh thức khó khăn, bởi vì ban đêm tại Bangui, với tất cả các vấn đề sẵn có, thật không dễ dàng cho người trẻ đến và tham dự! Như vậy, đối với người nhìn từ bên ngoài xem ra đó là một buổi canh thức đôi khi không có các đám rất đông người tham dự. Tuy nhiên, vào sáng hôm sau tôi đã nói chuyện với Ðức Giám Mục và với vài linh mục, các vị đã rất hứng khởi và hài lòng, bởi vì các vị nói đã có rất đông người trẻ xưng tội, trong suốt buổi canh thức và suốt đêm, sau khi Ðức Thánh Cha đã khai mạc. Ðiều này có nghĩa là giới trẻ đã hoàn toàn hiểu đây là gì. Như vậy, Năm Thánh Lòng Thương Xót là đi gặp gỡ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cả qua bí tích Giải Tội, và các người Trung Phi, giới trẻ đã hiểu rất rõ. Ðối với tôi xem ra đó cũng là một sứ điệp mà chúng ta phải nhận thức được. Ðức Thánh Cha đã không chỉ mở một cánh cửa một cách biểu tượng, nhưng cũng đã cử hành Bí Tích Hoà Giải, và tất cả đã đi nếm hưởng cánh cửa thiêng liêng này là Bí Tích Hoà Giải. Chúng ta phải học từ các anh chị em Trung Phi ý nghĩa của Năm Thánh, bằng cách nghĩ tới tất cả những gì người ta đang thảo luận cả tại Roma này, từ bình diện phối hợp tới bình diện kinh tế và an ninh vv# và nói rằng: "A, chúng tôi đã hiểu rồi: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được biểu lộ, và chúng ta phải nhận lấy nó trong các bí tích một cách thiêng liêng".

Hỏi: Chúng ta hãy ở lại trong điểm này. Trước chuyến công du của Ðức Thánh Cha đã không thiếu người khuyên Ðức Thánh Cha đừng đi Trung Phi vì các lý do an ninh. Với chuyến viếng thăm của ngài Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cho một chứng tá can đảm lớn, và nó cũng sẽ trao ban hy vọng cho người dân Trung Phi, có đúng thế không thưa cha?

Ðáp: Rất đúng.Tôi tin rằng tất cả những người đã phát biểu ý kiến, bắt đầu từ bà tổng thống chuyển tiếp, đều đã bầy tỏ lòng biết ơn đối với Ðức Thánh Cha đã đến Trung Phi, dù biết rằng có rất nhiều nỗ lực, kể cả các nỗ lực mạnh mẽ từ phía các lực lượng quyền bính trên thế giới ngày nay khuyên ngài đừng đi. Nhưng mà Ðức Thánh Cha đã đi, ngài chứng minh cho thấy sự cương quyết hoàn toàn của ngài, không bao giờ để cho mình bị đặt vào trong sự không chắc chắn liên quan tới việc này, và đây đã là một sứ điệp - một phần chính của sứ điệp - mà Ðức Thánh Cha đã mang lại: "Tôi đến, tôi đến và tôi muốn đến với anh chị em, chính vì anh chị em đang gặp khó khăn, và tôi ở với anh chị em để khích lệ anh chị em tìm ra con đường cho tương lai". Như thế khía cạnh này của lòng can đảm đối với vấn đề an ninh là một khía cạnh minh nhiên sự hiện diện của Ðức Thánh Cha tại Trung Phi. Tôi xin được phép ghi nhận rằng trong khía cạnh này Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng tiếp tục một truyền thống của các vị tiền nhiệm, vì ai có một chút trí nhớ đều nhớ rằng trong nhiều trường hợp khác nhau các vị tiền nhiệm cũng đã phải quyết định đi viếng thăm, dù trong các hoàn cảnh khó khăn, và các Giáo Hoàng chứng minh cho thấy một lòng can đảm đáng kể, và kháng cự các áp lực ngược lại. Chuyến công du cuối cùng khá gần với thời gian là chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI bên Libăng - đối với những ai còn nhớ - nó đã xảy ra trong một hoàn cảnh nóng cháy của Trung Ðông, của miền bắc Libăng, trong xung đột và với các cuộc mưu sát. Vì thế, đó cũng đã là một tình trạng, trong đó quyết định của Ðức Thánh Cha đi thăm đã được đánh giá cao như là một cử chỉ can đảm và một sứ điệp hoà bình. Và ai có trí nhớ dai hơn và trở lại thời Ðức Gioan Phaolô II, thì biết rằng Ðức Gioan Phaolô II cũng đã có lòng can đảm như thế, ngài vẫn công du trong những hoàn cảnh khó khăn, và không cần ai phải dậy cho ngài. Ai biết và nhớ, thì chẳng hạn như chuyến viếng thăm Sarajevo: người ta đã tìm thấy chất nổ ở dưới một cây cầu nơi Ðức Thánh Cha đi qua, người ta đã không biết đó là một việc dàn cảnh hay là một cuộc mưu sát, nhưng đã có sự kiện ấy. Như vậy, cả chuyến viếng thăm Sarajevo nữa, ai có trí nhớ thì đều biết là đã có vấn đề an ninh. Và ai có trí nhớ dai hơn nữa thì nói tới chuyến viếng thăm Nicaragua của ngài hồi năm 1983, trong đó đã có một tình trạng căng thẳng rất hiển nhiên, bên ngoài và bên trong, và nó cũng đã được biểu lộ ra trong chuyến viếng thăm. Và khi Ðức Gioan Phaolô II đi thăm Perù, trong thời gian du kích quân "Con đường sáng" hoành hành, đã có các vụ mưu sát đó đây trong nước này. Như vậy, sự kiện các Giáo Hoàng đi thăm những nơi nào cần đi thăm, nơi có sự chờ đợi, nơi cũng có một vài nguy hiểm, nhưng cũng chính vì sứ điệp đem trong chính nó sự cần thiết của một dấn thân, của một sự can đảm, còn nếu không thì sứ điệp# chả nhẽ là đi du lịch, nghĩa là đi vì có sự cần thiết, và điều này cũng có giá phải trả!

Tôi xin phép được nói thêm, bởi vì đây đã là một khía cạnh mà trong các ngày qua người ta đã đặt nghi vấn nhiều lần - có một giai thoại khác đã đánh động tôi: đó là trong các tuần trước nữa, trong số các nỗ lực khác nhau nhằm thuyết phục hay trình bầy các khó khăn và các nguy hiểm, tôi cũng đã tiếp chuyện một người đã nói chuyện với các nhân vật có quyền cao hơn tôi, và ông ta cho tôi biết các khó khăn và các nguy hiểm, đặc biệt trong việc viếng thăm khu phố hồi và đền thờ hồi giáo. Ông ta đã nói một cách kính trọng và với xác tín. Thế mà tôi lại gặp ông ta trong đền thờ, đó là một nhân vật quan trọng cũng như nhiều vị khác trong đền thờ, và ông ta đã nhảy lên vì sung sướng, hứng khởi một cách tuyệt đối và nói: "Quý vị thật ghê gớm! Quý vị quá dũng cảm! Ðức Thánh Cha đã làm chính điều cần làm... Chúng tôi tất cả đều vô cùng biết ơn ngài!" Như vậy chính ông ta là nhân vật đã lo lắng, đã nhận ra rằng quyết tâm của Ðức Thánh Cha đi thăm Trung Phi và đến thăm cả đền thờ hồi giáo nữa có một ý nghĩa vô cùng quý báu đối với tất cả mọi người, và đặc biệt đối với cộng đoàn hồi giáo của thủ đô Bangui và của Trung Phi.

Hỏi: Thưa cha, mùng 1 tháng 12 hôm nay là Ngày quốc tế chống bệnh liệt kháng AIDS. Ðây cũng đã là một đề tài hiện diện một cách mạnh mẽ trong chuyến công du của Ðức Thánh Cha Phanxicô, cách riêng tại Uganda...

Ðáp: Vâng. Uganda là một quốc gia có nhiều hệ lụy đối với bệnh liệt kháng. Trường hợp bị bệnh AIDS đầu tiên đã được khám phá ra tại Uganda hồi năm 1982: việc lan tràn của bệnh dịch liệt kháng rất lớn, rồi có dấn thân mạnh mẽ của các chính quyền địa phương, cũng như của Giáo Hội tại Uganda để chống lại bệnh dịch này - và chúng ta phải nói là rất may với các kết quả đáng kể trong việc ngăn chặn và giảm sự lan tràn của nó. Dĩ nhiên là đề tài đã hiện diện trong chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha. Chúng ta đã nghe chứng từ của một thiếu nữ trong buổi gặp gỡ giới trẻ, và đã hiểu sống với bệnh AIDS có nghĩa là gì. Thật là một chứng từ rất đánh động! Ðức Thánh Cha cũng đã gặp các người đặc trách các sinh hoạt này, chẳng hạn, cho các trẻ em bị bệnh liệt kháng của "Dự án Mơ Ước". Ðức Thánh Cha đã nói tới bệnh AIDS, khi viếng thăm Nhà Bác Ái Nalukolongo. Vì thế, ngài hoàn toàn ý thức được điều này. Trong buổi họp báo trên chuyến bay về Roma cũng đã có một câu hỏi liên quan tới vấn đề này, và ai đó đã giải thích sai, làm như thể là Ðức Thánh Cha đã lướt qua vấn đề, không chú ý. Trái lại, Ðức Thánh Cha đã muốn lồng nó vào trong một bối cảnh rộng rãi và tổng quát hơn của tất cả các trách nhiệm, mà nhân loại và các dân tộc có, để tạo dựng công lý, phát triển, và dĩ nhiên để chống lại các điều kiện của nghèo túng và thiếu sức khoẻ đang có đó đây trên thế giới. Ngài đã cho rằng câu hỏi chỉ liên quan một cách chuyên biệt tới việc dùng túi cao su là quá hạn hẹp, và vì thế có thể tạo ra hiểu lầm. Nhưng chúng ta có thể nói rằng - và thật tốt, khi nhắc đến như anh đã nói đúng - trong ngày quốc tế chống bệnh liệt kháng - nói rằng Giáo Hội đi tiên phong, đặc biệt tại Uganda, cũng như tại các quốc gia khác của Phi châu, với nhiều sáng kiến rất rộng rãi: chống lại bệnh AIDS dĩ nhiên có nghĩa là có hoạt động phòng ngừa, và tất cả các chuyên viên đều biết rằng trong việc phòng ngừa sự kiện giảm các sinh hoạt thái quá trong các liên hệ tính dục chung chạ, hay nhiều, và vô trách nhiệm là khía cạnh chính và hữu hiệu nhất: "tiết dục" và "trung thành" là hai từ quan trọng đầu tiên giúp chống lại bệnh AIDS một cách hữu hiệu, và một cách chính xác tất cả khía cạnh giáo dục, mà Giáo Hội làm trong nghĩa này, là điều quan trọng trước tiên. Thế rồi, còn có tất cả khía cạnh của việc chữa trị, bởi vì nói rằng: "Tốt, các bạn hãy dùng túi cao su và sẽ không lây bệnh AIDS"... Nhưng rồi tất cả những ai bị bệnh, và nhiều lắm, thì ai chữa trị cho họ đây? Có tất cả sinh hoạt chữa trị với việc dùng các thứ thuốc chống vi rút, theo dõi các bệnh nhân và gần gũi họ; lo lắng cho các bà mẹ và các trẻ em; lo lắng cho các bà mẹ góa bụa... Ðó là tất cả một lãnh vực, trong đó sự hiện diện của Giáo Hội vô cùng quan trọng - đặc biệt tại Uganda - nhưng cũng ở khắp mọi nơi. Như vậy, tôi tin rằng thật là đúng đắn nhắc tới dấn thân của Giáo Hội trong lãnh vực này, và hiểu rằng không cần phải có một quan niệm rất hạn hẹp về một vấn đề, mà Ðức Thánh Cha cũng biểu lộ sự chú ý của ngài và một việc lượng định chuyên biệt các trường hợp có thể có, khi ngài nói tới vấn đề của điều răn thứ năm hay thứ sáu. Việc chú ý tới vấn đề tự nó và dấn thân của Giáo Hội tại Phi châu trong lãnh vực bệnh AIDS vô cùng rộng rãi, khổng lồ, như tôi đã nói. Tôi muốn trở lại khía cạnh giáo dục của lời mời gọi nêu bật cung cách hành xử có trách nhiệm trong cuộc sống hôn nhân, trong cuộc sống lứa đôi, và tránh một việc sử dụng tính dục vô trách nhiệm, không hạn chế, là một điểm tuyệt đối quan trọng, kể cả đối với việc phòng ngừa nữa. Ngoài ra, khi nhớ tới ngày này, hôm nay, đặc biệt đối với các anh chị em Phi châu cũng là ngày lễ nhớ nữ chân phước Anuarite Nengapeta, là một nữ tu đã bị giết năm 1964, chính vì đã chống lại các đòi hỏi giao hợp tính dục của các lãnh tụ phiến quân Congo. Như thế chị là một vị tử đạo của lòng trung thành với sự khiết tịnh, với dấn thân của chị, và nhiều người tại Phi châu coi chị như là người che chở dấn thân của các kitô hữu và của Giáo Hội trong cuộc chiến đấu chống lại bệnh AIDS. Một người đã sống cho việc phục vụ và đã chết vì trung thành với dấn thân của mình trong lãnh vực thê thảm này đối với vấn đề liệt kháng.

Hỏi: Khi tìm nối liền các chuyến viếng thăm trong ba nước Kenya, Uganda và Cộng hoà Trung Phi, theo cha đâu là sứ điệp mạnh mẽ nhất mà Ðức Thánh Cha Phanxicô đã để lại cho Giáo Hội, nhưng dĩ nhiên cũng để lại cho toàn đại lục Phi châu, chứ không phải chỉ riêng cho ba nước được viếng thăm mà thôi?

Ðáp: Tôi sẽ rất thành thật, khi trả lời câu hỏi này. Ðiều đã đánh động chúng ta tất cả khi đi Phi châu, đó là giới trẻ. Ðại đa số các người hiện diện và hoan hô Ðức Thánh Cha, kể cả và đặc biệt là dọc theo các con đường, là các trẻ em và người trẻ. Ða số dân chúng rất trẻ, và vì thế chúng ta hiểu tại sao cả các chuyên viên dân số cũng nói rằng chỉ trong vòng vài thập niên nữa dân số phi châu sẽ phát triển lên đến hàng tỷ người, và như vậy Phi châu sẽ là một lục địa có một tầm quan trọng, cả trên bình diện dân số toàn cầu nữa. Ðức Thánh Cha hiện diện, Giáo Hội hiện diện, hiện diện cho trẻ em, hiện diện cho các người trẻ này, hiện diện cho tương lai của dân tộc này, hiện diện với sự chân tình. Có Giáo Hội, và Giáo Hội đồng hành, và là một dấu chỉ của việc quy chiếu, của niềm hy vọng, cuả sự tin tưởng đối với một tương lai tốt đẹp hơn của một đại lục đã có một sự phát triển không thể tin được: dù chúng ta muốn hay không muốn, tốt hay xấu, đó là điều người ta sẽ phải trông thấy, phải xây dựng trong tinh thần trách nhiệm... Khi trông thấy các Hội Ðồng Giám Mục gặp gỡ Ðức Thánh Cha, tôi đã bị đánh động bởi sự kiện vài vị cao niên nhất là các giám mục thừa sai âu châu, trong khi đa số, hầu như tất cả, trái lại, là các Giám Mục phi châu, địa phương. Như thế Giáo Hội đã lớn lên bên Phi châu, đã đâm rễ sâu, hiện diện và đồng trách nhiệm đối với việc phát triển của các dân tộc này. Giáo Hội là phi châu với các người phi châu, và đồng hành với đại lục này trong các vấn đề và trong các niềm hy vọng của nó. Trung Phi đã là một tình trạng sống thê thảm hơn một chút, vì thế Ðức Thánh Cha đã dấn thân hơn để đem lại hy vọng và các định hướng tích cực cho tương lai nước này. Các nước khác đã tiến hơn một chút, được hệ thống hóa hơn một chút, như Kenya và Uganda, nhưng Giáo Hội hiện diện cho tất cả mọi người. Giáo Hội cùng đi với mọi người và là một Giáo Hội phi châu, với một Giáo Hoàng đại đồng, cảm thấy mình là phi châu với những người phi châu, và ngài đã thực sự thành công trong việc đối thoại và được lắng nghe như một người cha bởi tất cả các kitô hữu và tất cả những người thiện chí sống ở đó. Tất cả mọi người. Ðể kết thúc với một hình ảnh đã rất đánh động tôi: sự kiện Ðức Thánh Cha đi xe díp cùng với Imam để chào mọi người đã là một sứ điệp rất mạnh mẽ. Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ và gặp gỡ trở lại trên khán đài của cuộc đối thoại liên tôn, gồm Ðức Tổng Giám Mục, nữ mục sư chủ tịch của các cộng đoàn tin lành, và Imam hồi giáo, là một sứ điệp rất mạnh mẽ. Ðó là tương lai của Phi châu. Giáo Hội đóng góp phần mình, và không nghĩ là phải làm một mình. Nhưng Giáo Hội làm với các người khác, cho sự đối thoại, cho nền hoà bình, với sự trợ giúp của tất cả mọi người thiện chí, và đặc biệt với các tín hữu.

(SD 1-12-2015)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page