Khía cạnh tôn giáo của vụ thảm sát

tại San Bernadino, California

 

Khía cạnh tôn giáo của vụ thảm sát tại San Bernadino, California.

San Bernadino, California (VietCatholic News 5-12-2015) - Mãi một ngày sau khi vụ thảm sát tại San Bernadino xẩy ra, Cơ Quan Ðiều Tra Liên Bang Mỹ mới cho hay: cuộc điều tra của họ đang hướng theo chiều khủng bố vì có những chứng cớ cho thấy một trong hai người tình nghi từng liên lạc với nhóm ISIS.

Trong khi đó, có những chứng cớ rõ ràng hơn chứng tỏ vụ thảm sát này có mầu sắc tôn giáo. Thực vậy, một trong 14 nạn nhân bị thảm sát là Nicholas Thalasinos, một Kitô hữu Tin Lành gốc Do Thái theo giáo phái gọi là Messianic Judaism (Do Thái Giáo Xức Dầu). Ðây là một hệ phái Thệ Phản nhằm kết hợp Kitô Giáo, nhất là tín điều Chúa Giêsu là Ðấng Messiah (Ðấng Kitô hay Ðấng Ðược Xức Dầu), với các yếu tố của Do Thái Giáo và truyền thống Do Thái. Hình thức này xuất hiện trong hai thập niên 1960 và 1970 và tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Ðược Xức Dầu của Do Thái và là "Chúa Con" (một Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa) và Thánh Kinh Do Thái và Tân Ước đều là các sách có thế giá. Phần lớn các tín hữu của giáo phái này là người gốc Do Thái. Có lẽ vì thế, phần lớn tín hữu của giáo phái này thích được gọi là yehudim (Do Thái), chứ không notzrim (Kitô hữu). Huy hiệu của họ gồm cây nến 7 ngọn, ngôi sao Ðavít và con cá. Tuy nhiều yếu tố Do Thái (2 chọi 1: nến 7 ngọn + ngôi sao Ðavít chọi con cá), nhưng họ đích thực là Kitô Giáo. Nhà nước Israel cũng coi họ như vậy.

Từ năm 2003 tới năm 2007, ở Mỹ, giáo phái này tăng từ 150 nhà thờ phượng lên 438 nhà, với 100 nhà ở Israel và nhiều nơi trên thế giới. Năm 2012, con số tín hữu của họ ở Mỹ trong khoảng từ 175,000 tới 250,000 người; ở Israel từ 10,000 tới 20,000 người. Khắp thế giới, con số này vào khoảng 350,000 người.

Có thể gọi các tín hữu này là Do Thái Tin Chúa Giêsu (Jew for Jesus). Và Nicholas Thalasinos quả là một người Do Thái Tin Chúa Giêsu điển hình. Vợ ông, Jennifer Thalasinos, mô tả ông như một "thanh tra lịch thiệp" luôn ăn mặc chỉnh tề khi đi làm: với dây đeo quần mầu đỏ, kim gài cravat có hình Sao Ðavít và tua dải quần truyền thống Do Thái.

Ðiều đặc biệt có liên quan, theo lời người vợ kể với tờ Los Angeles Times, "chồng tôi là một tín hữu rất sùng đạo. Anh ấy trở thành người tái sinh cách nay mấy năm và vì thế tôi tin tưởng rất mạnh, tôi biết rõ anh ấy hiện đang ở một nơi tốt hơn nhiều".

Bà cho biết chồng bà truyền giảng Tin Lành rất nhiều. "Anh ấy muốn phụng sự Chúa và mang nhiều người về với Chúa".

Theo bà, chồng bà biết Farook, kẻ tình nghi hiện đã bị cảnh sát bắn gục, là người Hồi Giáo, nhưng chưa bao giờ nhắc đến việc người đồng nghiệp này có bất cứ quan điểm quá khích nào. Tuy nhiên, bà cho biết: có nghe việc, trước khi xẩy ra vụ thảm sát, rất có thể đã có một cuộc tranh luận tại buổi liên hoan. Bà mô tả chồng như một người ăn nói thẳng thắn về chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo, với khuynh hướng bảo thủ về chính trị. Bà nhận định: "tôi biết chắc anh ấy sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ người ta".

Jennifer Thalasinos quả quyết: "để việc này xẩy ra, người đàn ông này, dù tôi biết anh ta nhắm bất cứ người nào trong nhóm, nhưng tôi biết chắc anh ta nhắm chồng tôi vì đức tin của anh và tôi thực sự cảm thấy chồng tôi tử vì đạo".

Tờ Times of Israel của Do Thái thêm một số chi tiết về Nicholas Thalasinos: ông là người say mê bênh vực Israel, và tích cực tranh luận về tôn giáo trong các diễn đàn trên mạng và đích thân... Chỉ mới hai tuần trước, Thalasinos đã có một cuộc tranh luận rất sôi nổi tại sở làm về bản chất của Hồi Giáo với Syed Rizwan Farook...

Người bạn của Thalasinos là Kuuleme Stephens nói với Associated Press rằng bà có dịp thăm ông lúc ông đang làm việc với Farook và ông mời bà tham gia cuộc tranh luận, lớn tiếng tuyên bố rằng Farook "không chịu đồng ý rằng Hồi Giáo không phải là một tôn giáo hòa bình". Bà nghe Farook phản công cho rằng người Mỹ không hiểu Hồi Giáo, và Thalasinos đáp lại mà cho rằng "tôi không biết phải nói với anh ta ra sao".

Stephens cho biết lúc ấy bà không cảm thấy có gì bạo động sẽ xẩy ra cả và chính Thalasinos cũng nghĩ rằng Farook không bao giờ bạo động.

Tuy nhiên, nhận định của Jennifer Thalasinos với CNN có hơi khác khi bà nhấn manh tới cố gắng truyền giảng Tin Lành của chồng. Dĩ nhiên việc truyền giảng Tin Lành đối với một người có thể là cố gắng cải đạo xấu xa đối với người khác. Nhiều người hễ nghe tới cố gắng truyền giảng Tin Lành là nghĩ tới những cuộc tranh luận nóng bỏng trong đó một người nói liên miên, biến cuộc gặp gỡ thành một vụ kình chống gây xúc phạm.

Việc trên có thực sự xẩy ra trong trường hợp này hay không, không nhà báo nào trả lời được câu hỏi này. Trong cuộc phỏng vấn của CNN, tuy Jennifer quả quyết rằng bà không biết có tranh luận gì gắt gao trước khi xẩy ra thảm sát hay không, nhưng bà tin rằng chồng bà có "giảng đạo" cho Farook, cũng như cho mọi người khác ông gặp. Và chồng bà rất thẳng thắn trong các nhận định về Hồi Giáo quá khích.

Cảnh sát cũng như FBI đang tiếp tục cuộc điều tra của họ để xác định đây có thực sự là một cuộc khủng bố hay không. Theo truyền thống, khủng bố khác với các hình thức giết người tập thể khác ở nét chính trị của nó. Luật liên bang của Hoa Kỳ định nghĩa khủng bố là hành vi nguy hiểm nhằm mục đích gây hoảng sợ nơi dân chúng, gây ảnh hưởng đối với chính sách của chính phủ hay thay đổi tác phong của chính phủ "bằng hủy diệt, ám sát hay bắt cóc hàng loạt".

Lịch sử Hoa Kỳ không lạ gì khủng bố. Ngay sau Chiến Tranh Nội Chiến, đã có bọn Ku Klux Klan, rồi bọn Weather Underground trong hai thập niên 1960 và 1970, và gần đây vụ ném bom toà nhà liên bang ở Oklahoma City bởi bọn dân quân cánh hữu. Nhưng từ cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín năm 2001, hạn từ này được hoàn toàn liên kết với các nhóm ở ngoại quốc như Al Qaeda và gần đây ISIS, nghĩa là Hồi Giáo quá khích.

Cho nên, vì vậy, như thường lệ, Tổng Thống Obama rất do dự trong việc sử dụng hạn từ khủng bố để chỉ những kẻ bị nghi ngờ gây ra vụ thảm sát ở San Bernadino. Ông tuyên bố vào hôm thứ Năm 4 tháng 12 năm 2015 rằng: "Có thể biến cố này liên quan tới khủng bố, nhưng chúng ta không biết (chắc). Nó cũng có thể chỉ liên quan tới chỗ làm việc".

Tưởng cũng nên biết năm 2012, Ðảng Cộng Hòa mạnh mẽ chỉ trích Ông Obama vì đã không lập tức sử dụng hạn từ khủng bố để mô tả cuộc tấn công vào tòa đại diện của Mỹ tại Benghazi, Libya, sát hại 4 người Hoa Kỳ.

Ðiều bất nhất, theo Peter Baker của New York Times, nhiều nhóm phò phá thai đang áp lực Bộ Tư Phạm phải xác định các cuộc tấn công vào các trạm xá phá thai là hành vi khủng bố; áp lực này đang gia tăng với cuộc tấn công tại trung tâm Phá Thai Planned Parenthood tại Colorado. Thống Ðốc Tiểu Bang này, John W. Hickenlooper, không ngần ngại gọi đó là "một hình thức khủng bố". Ông này thuộc cùng Ðảng Dân Chủ với ông Obama.

Nhưng tháng Sáu năm 2015, khi tên kỳ thị da trắng sát hại 9 giáo dân Da Ðen ở một nhà thờ tại Charleston, S.C., Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta E. Lynch của chính phủ Obama không truy tố hắn tội khủng bố. Vị bộ trưởng này, Thứ Năm 4 tháng 12 năm 2015, chỉ gọi biến cố San Bernadino là "tội ác không thể nói được" chứ không gọi nó là một hành động khủng bố.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page