Ðức Thánh Cha tiếp kiến
Ðại hội Bộ Truyền Giáo
Ðức Thánh Cha tiếp kiến Ðại hội Bộ Truyền Giáo.
Vatican (SD 3-12-2015) - Ðức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi sức sinh động của nhiều xứ truyền giáo và cổ võ sự cộng tác của các xứ truyền giáo với các nước Kitô kỳ cựu.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3 tháng 12 năm 2015, dành cho 160 tham dự viên Ðại hội lần thứ 19 của Bộ truyền giáo, vừa kết thúc sau 4 ngày tiến hành tại thính đường Ðại Học Giáo Hoàng Urbaniana ở Roma. Trong số các Hồng Y và Giám Mục thành viên của Bộ tham dự Ðại hội này có Ðức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn Tổng Giám Mục Hà Nội và Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn Tổng Giám Mục Sàigòn, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha ghi nhận Ðại hội này kiểm điểm các hoạt động truyền giáo cho dân ngoại và đề ra những chỉ dẫn quí giá cho tương lai. Ngài nhắc đến chuyến viếng thăm mới thực hiện tại 3 nước Phi châu và ca ngợi sức sinh động của các Giáo Hội trẻ, mặc dù có nhiều khó khăn. Ðức Thánh Cha nói:
"Tôi có thể nhận thấy rằng nơi nào có nhu cầu, thì hầu như luôn luôn có sự hiện diện của Giáo Hội sẵn sàng săn sóc vết thương của những người túng thiếu nhất, trong đó Giáo Hội nhận ra thân mình bị thương tích và bị đóng đanh của Chúa Giêsu. Bao nhiêu hoạt động bác ái và thăng tiến con người! Bao nhiêu những người Samaritano nhân lành vô danh đang hoạt động hằng ngày trong các xứ truyền giáo".
Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến sứ mạng truyền giáo như một điều bẩm sinh của Giáo Hội, một sứ mạng đã có ở ngay trong bí tích rửa tội: "Giáo Hội phục vụ sứ mạng truyền giáo.. Không phải Giáo Hội làm nên sứ mạng truyền giáo, nhưng chính sứ mạng truyền giáo làm nên Giáo Hội. Vì thế việc truyền giáo không phải là dụng cụ, nhưng là điểm khởi hành và là đích điểm của Giáo Hội".
Ðức Thánh Cha phê bình hiện tượng tục hóa trong thế giới ngày nay, trong đó người ta đón nhận xác giá trị Tin Mừng như yêu thương, công bằng, hòa bình và tiết độ, nhưng không tỏ ra sẵn sàng đối với chính Chúa Giêsu, họ không coi Ngài là Ðức Messia, là Con Thiên Chúa. Cùng lắm họ coi Ngài là người đã được "giác ngộ", được soi sáng. Do đó họ tách rời sứ điệp ra khỏi sứ giả, tách rời hồng ân ra khỏi Ðấng Ban tặng.
Trong bối cảnh đó, Ðức Thánh Cha nói: "điều sinh tử là trong lúc này là "Giáo Hội cần đi ra ngoài và loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, ở mọi nơi và trong mọi dịp, không do dự, không co quắp, không sợ hãi" (E.G. 23). Thực vậy, sứ mạng truyền giáo là sức mạnh biến đổi Giáo Hội từ bên trong".
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng ngày nay nhiều Giáo Hội trẻ biết cho đi, chứ không phải chỉ nhận. Những hoa quả đầu tiên là các Giáo Hội trẻ sẵn sàng nhường các linh mục của mình cho các Giáo Hội chị em cùng một nước, cùng một đại lục hoặc phục vụ các Giáo Hội đang thiếu Linh Mục ở các miền khác trên thế giới... Có một chuyển động ngược lại: đó là đáp lễ thiện ích đã nhận lãnh từ các thừa sai đầu tiên. Ðó là những dấu hiệu chứng tỏ các Giáo Hội trẻ đạt tới mức trưởng thành". (SD 3-12-2015)
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)