Nội dung bài phỏng vấn

Ðức Thánh Cha Phanxicô

trên chuyến bay từ Bangui

Cộng Hòa Trung Phi về Roma

 

Nội dung bài phỏng vấn Ðức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay từ Bangui Cộng Hòa Trung Phi về Roma.


Ðức Thánh Cha Phanxicô trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Bangui Cộng Hòa Trung Phi về Roma.


Roma (1-12-2015) - Chiều thứ hai 30 tháng 11 năm 2015 trên chuyến bay từ thủ đô Bangui của Cộng hoà Trung Phi về Roma, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn dài một giờ liên quan tới chuyến tông du Phi châu, cũng như một số vấn đề của Giáo Hội và quốc tế. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn Ðức Thánh Cha:

Trước hết cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, thay mặt các nhà báo cám ơn Ðức Thánh Cha về truyền thống họp báo sau mỗi chuyến công du, nhất là sau chuyến viếng thăm dầy đặc sinh hoạt như chuyến viếng thăm ba nước Kenya Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Cha cũng cám ơn chị Elena Pinardi của Liên hiệp Phát thanh truyền hình Âu châu đã phát trực tiếp chuyến viếng thăm Trung Phi, nhờ đó hình ảnh các sinh hoạt của Ðức Thánh Cha đã đến với khán thính giả thế giới. Cha cũng chúc mừng Liên hiệp mừng 65 năm hoạt động.

Trước tiên là anh Namu Name của Nhật báo quốc gia Kenya. Anh hỏi:

- Thưa Ðức Thánh Cha, tại Kenya Ðức Thánh Cha đã viếng thăm các gia đình nghèo ở Kangemi. Ðức Thánh Cha đã nghe các câu chuyện của họ bị loại trừ khỏi các quyền con người như thiếu nước trong lành để uống. Trong cùng ngày Ðức Thánh Cha đã đến sân vận động Kasarani để gặp gỡ giới trẻ. Các ban trẻ cũng kể cho Ðức Thánh Cha nghe tình cảnh không được hưởng các quyền căn bản của họ, vì sự hà tiện và gian tham thối nát của con người. Ðức Thánh Cha đã cảm thấy gì khi nghe các câu chuyện như vậy. Và phải làm gì để chấm dứt các tình trạng bất công này thưa Ðức Thánh Cha?

Ðáp: Liên quan tới vấn đề này tôi đã nói rất mạnh ba lần. Trong cuộc gặp gỡ lần thứ nhất các Phong trào bình dân tại Vaticăng, lần thứ hai tại Santa Cruz de la Sierra bên Bolivia, rồi còn hai lần nữa: đó là một chút trong Thông điệp "Niềm vui Phúc Âm", rồi một cách rõ ràng hơn trong Thông điệp "Laudato si'". Tôi không nhớ các thống kê, vì thế xin anh chị em đừng đăng tải các thống kê mà tôi sẽ nói, bởi vì tôi không biết chúng có thật không. Nhưng mà tôi tin là có tới 80% tài nguyên thế giới nằm trong tay của 17% dân chúng toàn cầu - tôi không biết có thật không nhưng nếu nó không thật thì nó đã được tìm ra, vì các sự việc là như thế. Nếu có ai trong anh chị em biết thống kê, thì xin nói để nó được điều chỉnh. Ðây là một hệ thống, trong đó ở trung tâm có tiền bạc, có thần tiền, Tôi nhớ có lần gặp một vị đại sứ lớn nói tiếng Pháp nói với tôi câu này - ông ta không phải là người công giáo - ông nói: "Chúng tôi đã rơi vào chỗ tôn thờ ngẫu tượng tiền bạc". Và nếu các sự việc tiếp tục như thế, thì thế giới sẽ tiếp tục như vậy. Anh hỏi tôi cảm thấy gì, khi nghe các chứng từ của người trẻ và tại Kangemi, tôi đã nói rất rõ về các quyền con người. Tôi cảm thấy đau đớn. Và tôi nghĩ làm sao mà người ta không cảm thấy điều đó# Một nỗi đớn đau rất lớn. Chẳng hạn hôm qua, tôi đã tới thăm nhà thương nhi đồng, đây là nhà thương nhi đồng duy nhất tại Bangui và toàn Trung Phi. Và trong khu vực chữa trị cấp bách họ không có dưỡng khí. Có rất nhiều trẻ em thiếu dinh dưỡng, nhiều lắm! Và bà bác sĩ nói với tôi: "Ða số các em sẽ chết, bởi vì các em bị bệnh sốt rét rừng rất nặng, và các em thiếu dinh dưỡng". Tôi không muốn giảng đâu, nhưng mà Chúa đã luôn luôn quở trách dân Israel, nhưng đó là từ mà chúng ta chấp nhận, vì nó là Lời Chúa, chúng ta tôn thờ thần giả. Và đó là tôn thờ thần giả, khi một người đánh mất đi căn tính của mình, là con cái Thiên Chúa, nhưng lại thích tìm cho mình một vị thần hợp với mình. Ðây là nguyên tắc. Và nếu nhân loại không thay đổi, thì các bần cùng, các thảm cảnh, chiến tranh, trẻ em chết vì đói, bất công sẽ tiếp tục# Số người chiếm giữ 80% của cái thế giới nghĩ gì? Ðây không phải là chủ thuyết cộng sản đâu, đây là sự thật. Ðó là sự thật, thật không dễ nhìn nó, và tôi xin cám ơn anh đã đặt câu hỏi này, bởi vì đó là cuộc sống.

Câu hỏi thứ hai là của anh Mumo Makau của Radio thủ đô Kenya. Anh hỏi:

- Thưa Ðức Thánh Cha con muốn biết đâu đã là lúc đáng ghi nhớ nhất trong chuyến viếng thăm này của Ðức Thánh Cha tại Phi châu? Ðức Thánh Cha có sẽ mau trở lại viếng thăm Phi châu không, và mục tiêu tới là ở đâu?

Ðáp: Chúng ta hãy bắt đầu từ phần cuối của câu hỏi: nếu mọi chuyện xuôi chảy, tôi tin là chuyến viếng thăm tới sẽ là Mêhicô. Ngày tháng chưa được xác định. Thứ hai, tôi có trở lại Phi châu không? Tôi không biết, tôi già rồi... Các chuyến du hành nặng nề... Và câu hỏi thứ nhất là gì nhỉ? Xin đợi một chút, tôi phải nghĩ đã. Ðiều đáng nhớ đó là đám đông dân chúng, niềm vui và khả năng mừng lễ, mừng lễ với cái dạ dầy trống rỗng. Ðối với tôi Phi châu đã là một sự ngạc nhiên. Tôi nghĩ Thiên Chúa khiến cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng cả Phi châu cũng gây kinh ngạc cho chúng ta. Và có nhiều lúc đáng ghi nhớ lắm. Ðám đông, đám đông dân chúng. Họ cảm thấy được viếng thăm. Họ có một ý thức tiếp đón, bởi vì họ sung sướng cảm thấy được viếng thăm. Thế rồi mỗi nước có căn tính riêng của mình. Kenya thì tân tiến hơn một chút, phát triển hơn. Uganda có căn tính của các vị Tử Ðạo: người dân Uganda, công giáo cũng như anh giáo, tôn kính các vị tử đạo. Tôi đã ở trong hai đền thánh: anh giáo trưóc, rồi tới công giáo và ký ức của các vị tử đạo là căn tính của họ. Lòng can đảm trao ban mạng sống cho một lý tưởng. Và Trung Phi thì có ước muốn hòa bình, hoà giải, tha thứ... Cho tới cách đây 4 năm các tín hữu công giáo, anh giáo, hồi giáo sống chúng với nhau như anh em. Hôm qua tôi đã đi thăm đền thờ hồi giáo. Tôi đã cầu nguyện trong đó, và cả Imam cũng đã lên xe giáo hoàng để đi một vòng trong sân vận động nhỏ. Ðó là những cử chỉ bé nhỏ mà tôi làm, và đó là diều mà họ muốn. Và có một nhóm nhỏ - tôi tin là kitô hữu vì họ nói họ là kitô hữu - rất là bạo lực, tôi không hiểu rõ lắm, nhưng không phải là Nhà nước hồi giáo, nó là một cái gì khác. Nhưng mà là kitô. Và họ muốn có hoà bình. Giờ đây nếu có các cuộc bầu cử họ đã lựa chọn Nhà nước chuyển tiếp, họ đã chọn bà thị trưởng như là tổng thống của Nhà nưóc chuyển tiếp, và bà sẽ tổ chức các cuộc bầu cử. Nhưng họ kiếm tìm hòa bình, hòa giải giữa họ. Không có thù hận.

Tới phiên anh Philip Putella của hãng tin Reuters hỏi Ðức Thánh Cha:

- Thưa Ðức Thánh Cha, ngày nay người ta nói nhiều về vụ Vatileaks. Không đi sâu vào vụ xử án đang xảy ra, con muốn hỏi Ðức Thánh Cha tại Uganda Ðức Thánh Cha đã nói buông rằng gian tham hối lộ có ở khắp mọi nơi, và cả trong tòa thánh Vaticăng nữa. Như thế câu hỏi của con là: đâu là tầm quan trọng của báo chí tự do và của giáo dân trong việc nhổ tận gốc rễ sự gian tham hối lộ này, tại khắp nơi nó hiện diện?

Ðáp: Tôi sẽ nói là báo chí tự do, đời và cả tôn giáo nữa, nhưng chuyên nghiệp. Bởi vì sự chuyên nghiệp của báo chí có thể là đời hay tôn giáo: điều quan trọng đó là các chuyên viên, thật vậy, để các tin tức không bị lèo lái, có đúng thế không? Ðó. Ðối với tôi nó quan trọng, bởi vì việc tố cáo các bất công, các gian tham hối lộ là một công việc đẹp: "Ở đó có gian tham hối lộ!" Và rồi người có trách nhiệm phải làm cái gì đó, đưa ra một phán đoán, loan báo một toà án. Nhưng báo chí nguyên nghiệp phải nói tất cả, mà không rơi vào trong ba tội thông thường nhất là thông tin sai lạc, nói một nửa và không nói nửa kia, vu khống - báo chí chuyên nghiệp, khi không có sự chuyên nghiệp, thì làm bẩn người khác với sự thật hay không sự thật - và nói xấu, tức là nói những điều lấy mất đi danh tiếng của một người với các điều, mà trong lúc này không gây hại gì cả, có lẽ đó là các điều trong quá khứ... Và đó là ba thiếu sót mưu sát tính chuyên nghiệp của báo chí. Chúng ta cần có sự chuyên nghiệp, sự đúng đắn: câu chuyện là như thế, câu chuyện là như thế, câu chuyện là như thế. Và liên quan tới việc gian tham hối lộ, phải coi kỹ các dữ kiện và nói lên các dữ kiện ấy: phải, có gian tham hối lộ ở đây, vì cái này, vì cái này, vì cái này. Rồi, một nhà báo mà chuyên nghiệp nếu sai, thì xin lỗi. Tôi đã tin rằng, nhưng rồi tôi nhận thấy là không có, và như thế các chuyện xuôi chảy. Nó rất là quan trọng.

Tới phiên anh Philippe de Saint Pierre, đặc trách đài truyền hình công giáo Pháp. Chúng ta sang Paris, mọi người đều gần gũi với nước Pháp trong lúc này. Anh hỏi:

- Thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha đã trao ban danh dự cho khán đài có sự hiện diện của Ðức Tổng Giám Mục, Imam và Mục Sư tại Bangui. Ngày nay hơn bao giờ hết người ta nói rằng khuynh hướng tôn giáo quá khích đe dọa toàn hành tinh. Chúng ta đã thấy tại Paris. Như vậy trước nguy hiểm này Ðức Thánh Cha có nghĩ rằng các vị lãnh đạo tôn giáo phải can thiệp nhiều hơn vào lãnh vực chính trị hay không?

Ðáp: Can thiệp vào lãnh vực chính trị, nếu anh muốn nói là "làm chính trị", thì không. Hãy làm linh mục, mục sư, imam, rabbi: đó là ơn gọi của họ. Nhưng người ta làm chính trị một cách gián tiếp: bằng cách giảng các giá trị, các giá trị đích thật, và một trong các giá trị lớn nhất là tình huynh đệ giữa chúng ta. Chúng ta tất cả là con cái của Thiên Chúa, chúng ta có cùng Cha. Cần phải làm chính trị trong nghiã này: một chính trị của sự hiệp nhất, của hoà giải# và của một từ, mà tôi không thích nhưng phải dùng nó, đó là của sự "khoan nhượng", nhưng không phải chỉ của sự khoan nhượng, mà là của sự chung sống, của tình bằng hữu. Nó là như vậy. Khuynh hướng quá khích là một căn bệnh có trong tất cả mọi tôn giáo. Chúng tôi là công giáo chúng tôi cũng đã có vài khuynh hướng quá khích, không phài vài, mà biết bao nhiêu qúa khích. Mà người ta lại tin là sự thật tuyệt đối, và người ta tiếp tục bằng cách bôi nhọ người khác với sự vu khống, nói xấu và họ làm bậy, họ làm bậy. Và tôi nói lên điều này, vì nó là Giáo Hội của tôi: cả chúng ta nữa, tất cả! Và phải chiến đấu. Khuynh hướng quá khích tôn giáo không phải là tôn giáo. Tại sao? Bởi vì nó thiếu Thiên Chúa. Nó là tôn thờ thần giả cũng như tiền bạc là thần giả. Làm chính trị trong nghĩa thuyết phục người có khuynh hướng này là một nền chính trị, mà chúng ta là hàng lãnh đạo tôn giáo phải làm. Nhưng khuynh hưóng quá khích luôn luôn kết thúc trong một thảm kich hay trong các tội phạm. Nó là một điều xấu, nhưng trong mọi tôn giáo đều có một mảnh nhỏ.

Tiếp theo đây là chị Cristina Caricato của TV2000, là đài truyền hình công giáo của các Giám Mục Italia. Chị hỏi:

- Thưa Ðức Thánh Cha sáng nay khi chúng ta đang ở Bangui, thì tại Vaticăng có vụ xử án Ðức Ông Vallejo Balda và bà Chaouqui cũng như hai nhà báo. Con xin đưa ra câu hỏi mà nhiều người khác cũng muốn đưa ra: đó là tại sao lại có hai người này? Làm sao trong tiến trình cải tổ mà Ðức Thánh Cha đã bắt đầu hai người thuộc loại này lại đã có thể vào trong Uỷ ban COSEA được? Ðức Thánh Cha có tin là mình đã lầm hay không?

Ðáp: Tôi tin là đã có một lầm lẫn. Ðức Ông Vallejo Balda đã vào Ủy ban vì chức vụ ngài đã có, và đã có cho tới nay. Ngài đã là thư ký của Sở tài chính Tòa Thánh, nên đã vào. Còn bà Chaouqui, tôi không chắc chắn, nhưng tin là mình không sai, nếu nói là chính ngài đã giới thiệu bà như là một phụ nữ hiểu biết thế giới của các tương quan thương mại. Nó là như thế và họ đã làm việc. Khi công việc đã xong, thì trong các thành viên của uỷ ban gọi là COSEA có vài người ở tại chức trong Vaticăng, cả chính Ðức Ông Vallejo Balda. Còn bà Chaouqui thì đã không ở trong Vaticăng nữa. Vài người nói rằng bà đã giận dữ vì vậy, nhưng các thẩm phán sẽ nói cho chúng ta biết sự thật liên quan tới các ý hướng như họ đã làm. Ðối với tôi, đó đã không phài là một ngạc nhiên, nó đã không khiến cho tôi mất ngủ, bởi vì họ đã cho thấy công việc đã bắt đầu với Uỷ Ban 9 Hồng Y là tìm kiếm gian tham hối lộ và những gì không ổn. Và ở đây tôi muốn nói lên một điều, không có Vallejo và Chaouqui, nhưng tất cả mọi người, mọi sự. Thế rồi nếu chị muốn, tôi trở lại đề tài gian tham hối lộ. Từ "gian tham hối lộ" một trong hai người Kenya đã nói 13 ngày trước cái chết của thánh Gioan Phaolô II, trong buổi đi đàng Thánh Giá, khi đó do Ðức Hồng Y Ratzinger hướng dẫn. Ông đã nói đến các "dơ bẩn của Giáo Hội" ông đã tố cáo điều đó trong ngày thứ Sáu tuần thánh. Thế rồi, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời trong tuần bát nhật Phục Sinh. Ðức Hồng Y Ratzinger trở thành Giáo Hoàng. Nhưng trong thánh lễ cho việc bầu giáo hoàng ngài đã là Hồng Y niên trưởng. Ngài cũng đã nói lên cùng điều ấy, và chúng tôi đã chọn ngài vì sự tự do nói lên các chuyện này. Và từ lúc đó có trong không khí của Vaticăng là ở đây có gian tham hối lộ: có sự thối nát. Trên sự phán đoán này, tôi đã cho các thẩm phán các tố cáo cụ thể: bởi vì điều quan trọng đối với việc bệnh vực là đưa ra các lời tố cáo. Tôi đã không đọc các lời tố cáo cụ thể, kỹ thuật. Tôi đã muốn là chuyện này kết thúc trước ngày mùng 8 tháng 12 cho Năm Lòng Thương Xót. Nhưng tôi tin là không thể làm được, bởi vì tôi muốn là tất cả các luật sư bào vệ có giờ để bênh vực, có sự tự do bênh vực. Và họ đã được chọn làm sao, thì là cả lịch sử. Nhưng việc gian tham hối lộ đến từ xa...

Hỏi: Nhưng Ðức Thánh Cha có ý tiến hành như thế nào để những chuyện như vậy không xảy ra nữa?

Ðáp: Tôi cám ơn Chúa vì không có Lucrezia Borgia. (Các nhà báo đều cười). Nhưng tôi không biết, tiếp tục với các Hồng Y, với ủy ban để quét dọn sạch sẽ.

Cha Lombardi nói bây giờ tới phiên anh Nestor Ponguta người Colombia của Radio W và Caracol:

- Thưa Ðức Thánh Cha con xin hỏi Ðức Thánh Cha về một đề tài đặc biệt liên quan tới Mỹ châu Latiinh bao gồm cả đất nước Argentina của Ðức Thánh Cha nữa. Tại Argentian với ông Macrri sau 12 năm sống dưới chế độ của bà Kirchner, đang hơi có thay đổi. Ðức Thánh Cha nghĩ gì về các thay đổi này, và nền chính trị tại châu Mỹ Latinh đang theo một hướng đi mới như thế nào?

Ðáp: Tôi dã nghe vài ý kiền, nhưng thực ra vể tình hình địa lỹ chính trị trong lúc này thì tôi không biết nói gì. Thực sự là như vậy, tôi không biết. Bởi vì có các vấn đề trong nhiều nước trong đường lối này, nhưng thật sự tôi không biết nó đã bắt đầu tại sao và như thế nào. Tôi thực sự không biết. Có nhiều nước châu mỹ latinh ở trong tình trạng của một chút thay đổi này, đúng vậy, nhưng tôi không biết giải thích nó.

Tiếp đến là anh Juergen của hãng tin DPA Nam Phi:

- Thưa Ðức Thánh Cha bệnh AIDS đang tàn phá Phi châu. Các thuốc điều trị có nghĩa là ngày nay nhiều người có thể sống lâu hơn. Nhưng mà nạn dịch tiếp tục. Chỉ tại Uganga năm ngoái đã có tới 135 ngàn trường hợp lây bệnh mới. Tại Kenyha tình hình còn tệ hơn. AIDS là lý do đầu tiên gây ra cái chết cho người trẻ phi châu. Thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ các trẻ em bị bệnh liệt kháng và đã lắng nghe chứng từ cảm động tại Uganda. Nhưng Ðức Thánh Cha đã nói rất ít về đề tài này. Chúng ta biết là việc phòng ngừa là nền tảng. Chúng ta biết là bao cao su không phải là phương thế duy nhất giúp chặn đứng nạn địch. Nhưng chúng ta cũng biết nó là một phần quan trọng của câu trả lời. Có lẽ đã đến lúc làm nhẹ bớt các lập trường của Giáo Hội đối với vấn đề này, và cho phép dùng bao cao su để phòng ngừa việc lây bệnh chưa thưa Ðức Thánh Cha?

Ðáp: Ðối với tôi câu hỏi xem ra nhỏ qúa và cũng là một câu hỏi phiến diện nữa. Ðúng, nó là một trong các phương thế. Trong điềm này nền luân lý của Giáo Hội - tôi nghĩ - đang đứng trước một sự phức tạp. Nó là điều răn thứ năm hay thứ sau? Bênh vực sự sống hay liên hệ tính dục rộng mở cho sự sống? Nhưng đây không phải là vấn đề. Vấn đề lớn hơn. Câu hỏi này khiến tôi nghĩ tới câu hỏi, mà một lần kia người ta đã đưa ra cho Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, chữa bệnh ngày sabát có hợp pháp không ?" Phải chữa lành! Câu hỏi là có được phép chữa bệnh như thế không, nhưng thiếu dinh dưỡng, khai thác bóc lột con người, lao động nô lệ, thiếu nước trong lành để uống, đó là các vấn đề. Chúng ta không nói tới việc có thể dùng cái băng này hay cái băng kia cho một vết thương bé tí. Vết thương lớn đó là bất công xã hội, bất công môi sinh, bất công mà tôi đã nói tới, của khai thác bóc lột và thiếu dinh dưỡng. Cái đó thì có. Tôi không thích đi xuống các suy tư có tính cách giải nghi học, khi ngưòi ta chết vì thiếu nưóc trong lành và vì đói, vì thiếu nhà ở# Khi tất cả mọi người đều được chữa lành, hay khi sẽ không còn có các bệnh thê thảm này mà con người gây ra, vì bất công xa hội hay để kiếm được nhiều tiền hơn, tôi tin rằng có thể hỏi: "Có đưọc phép chữa bệnh ngày thứ bẩy không ?" Tại sao, nếu người ta tiếp tục chế tạo vũ khí và buôn bán vũ khí? Các cuộc chiến là ly do gây ra chết chóc lớn lao hơn nhiều... tôi sẽ nói là đừng nghĩ tới việc có được phép hay không được phép chữa bệnh ngày sabat. Tôi sẽ nói vơi nhân loại: hãy tạo dựng công bằng, và khi tất cả mọi người sẽ được chữa lành, khi không còn bất công trên thế giới này nữa, thì chúng ta có thể nói tới ngày sabat.

Anh Marco Ansaldo của nhật báo "Cộng hòa" Italia hỏi:

- Thưa Ðức Thánh Cha, trong các nhật báo tuần qua có hai biến cố lớn được các phương tiện truyền thông nói tới: một là chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Phi châu, và chúng con hạnh phúc vì nó đã kết thúc thành công lớn duới mọi khía cạnh. Thứ hai là một cuộc khủng hoảng quốc tế xảy ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay Nga bay trên không phận Thổ trong vòng 17 giây khiến cho có các lời tố cáo, không xin lỗi từ phiá này và tố cáo từ phiá kia, tạo ra cuộc khủng hoảng không cần phải có trong tình hình đệ tam thế chiến từng mảnh mà Ðức Thánh Cha nói tới. Con xin hỏi đâu là lập trường của Tòa Thánh Vaticăng trong vấn đề này? Ðức Thánh Cha có nghĩ tới việc viếng thăm Armenia nhân dịp kỷ niệm 101 năm các biến cố của Armenia vào tháng 4 năm tới như Ðức Thánh Cha đã làm với Thổ Nhĩ Kỳ hay không?

Ðáp: Năm ngoái tôi đã hứa với ba vị Thượng Phụ là sẽ đi. Có lời hứa. Tôi không biết tôi có thể thực hiện được không, nhưng có hứa rồi. Thế rồi các chiến cuộc. Chiến tranh xảy ra vì tham vọng. Tôi nói tới các chiến tranh, không phải các cuộc chiến tự vệ chính đáng chống lại một kẻ xâm lăng bất công - nhưng các cuộc chiến làm thành một kỹ nghệ. Trong lịch sử chúng ta đã thấy biết bao lần một quốc gia. Ngân quỹ không chạy. Thôi chúng ta hãy làm một cuộc chiến, và thế là hết thiếu hụt. Chiến tranh là một áp phe, một áp phe buôn bán khí giới. Các kẻ khủng bố có khí giới không? Có lẽ họ có một ít. Ai là người cho họ khí giới để gây chiến tranh? Có cả môt mạng lưới lợi nhuận: nơi đâu có tiền bạc, thì đàng sau có quyền lực. Quyền bính đế quốc hay quyền bính kết hợp. Nhưng từ bao năm nay chúng ta đang ở trong chiến tranh, và mỗi lần càng nhiều hơn: các mảnh, ít là các mảnh và càng ngày chúng càng to hơn. Tôi nghĩ gì à? Tôi không biết Tòa Thánh Vaticăng nghĩ gì. nhưng tôi nghĩ gì? Tôi nghĩ rằng chiến tranh là một tội, và nó chống lại nhân loại, tàn phá nhân loại, gây ra cảnh khai thác bóc lột, buôn người và biết bao nhiều điều khác... Cần phải chặn nó lại. Tại Liên Hiệp Quốc tôi đã nói điểu này hai lần, ở đây bên Kenhya cũng như bên New York. Ước chi công việc của quý vị không là một chủ trương duy danh tuyên bố, nhưng hiệu nghiệm: ước chi người ta tạo dựng hòa bình. Họ làm biết bao nhiêu diều. Ỏ dây bên Phi châu tôi đã thấy các lính bảo hòa làm việc. Nhưng điều này không hữu hiệu. Các cuộc chiến không phải của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thiên Chúa của hòa bình. Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới, Ngài đã làm mọi sự tốt đẹp, tất cả đều tốt đẹp, và rồi như Thánh Kinh trình thuật, một người anh em giết người anh em khác: đó là cuộc chiến thứ nhất. Ðệ nhất thế chiến giữa các anh em. Tôi không biết, các điều này đến với tôi như thế, và tôi nói lên diều này với rất nhiều đau đớn.

Anh Beaudonné thuộc đài Truyền hình Pháp, hỏi Ðức Thánh Cha:

- Hôm nay, hội nghị thế giới về thay đổi thời tiết khai mạc tại Paris; Ðức Thánh Cha đã cố gắng nhiều để mọi sự tiến hành tốt đẹp. Nhưng chúng ta đang chờ đợi rất nhiều từ hội nghị thượng đỉnh quốc tế này: chúng ta có chắc rằng hội nghị COP 21 này sẽ là điểm khởi đầu của biện pháp giải quyết không?

Ðáp: Tôi không chắc, nhưng tôi có thể quả quyết rằng: hoặc bây giờ hay không bao giờ nữa. Ngay từ hội nghị đầu tiên, hình như nhóm tại Tokyo, cho đến ngày nay, đã chỉ có rất ít thành quả đạt được, và mỗi năm tình hình càng trầm trọng hơn. Trong một buổi họp với giới sinh viên đại học về đề tài "chúng ta muốn để lại cho con cháu của thế hệ này thế giới nào", một người đã nói: Mà có chắc là thế hệ này sẽ để lại đàn con cháu không? Chúng ta đang ở mức giới hạn, giới hạn của cuộc tự tử tập thể, nếu muốn dùng một chữ mạnh bạo. Và tôi tin chắc rằng hầu như tất cả mọi nhân vật có mặt tại Paris, hiện diện tại hội nghị COP 21, đều ý thức được điều này, và muốn làm một cái gì đó. Hôm trước, tôi có đọc thấy sự kiện tại Groenlandia, các vùng băng đá đã mất đi hàng tỷ tấn. Trong Thái Bình Dương, có một quốc gia đang mua đất đai của một nước khác để thuyên chuyển quốc gia đến đó, bởi vì trong vòng 20 năm nữa, đất nước này sẽ không còn hiện hữu nữa. Không, tôi có lòng tin. Tôi tin tưởng rằng những người này sẽ làm một điều gì đó# Tôi tin chắc rằng họ có thiện chí hành động, và tôi mong được như vậy. Tôi cầu nguyện cho điều này

Delia Gallagher, phái viên đài CNN, hỏi Ðức Thánh Cha:

- Kính thưa Ðức Thánh Cha, ngài đã thực hiện nhiều cử chỉ đầy sự tôn trọng và tình thân hữu đối với người hồi giáo. Con tự hỏi: hồi giáo và giáo huấn của tiên tri Mohamed còn có thể nói gì với thế giới ngày nay?

Ðáp: Tôi không hiểu rõ lắm câu hỏi này... Nhưng mà người ta có thể đối thoại: họ có những giá trị, nhiều giá trị. Họ có nhiều giá trị và các giá trị này rất xây dựng. Ngay cả tôi, tôi cũng có một kinh nghiệm tình bạn, nhưng mà tình bạn là một lời quá mạnh, với một người hồi giáo, một vị lãnh đạo thế giới... Chúng tôi có thể nói chuyện: ông ấy có những giá trị riêng, tôi có những giá trị của tôi. Ông ấy cầu nguyện, tôi cầu nguyện. Có nhiều giá trị lắm chứ! Chẳng hạn như cầu nguyện. Ăn chay cũng là một giá trị tôn giáo chứ. Còn nhiều giá trị khác nữa. Không thể xóa bỏ một tôn giáo chỉ vì trong một lúc nào đó, tronog một thời điểm lịch sử nào đó có một hay nhiều nhóm quá khích. Dĩ nhiên là các cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo vẫn luôn có trong lịch sử xưa nay. Ngay cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải xin lỗi. Bà hoàng Caterina de Medici đâu có phải là một vị thánh đâu? Và rồi cuộc chiến Ba Mươi năm, rồi Ðêm của thánh Bartolomeo# nữa? Ngay cả chúng ta, chúng ta cũng phải xin lỗi vì những kẻ cực đoan thái quá trong những cuộc chiến tôn giáo. Người hồi giáo họ cũng có những giá trị và có thể đối thoại với họ được. Ngày hôm nay, tôi đã đến một đền thờ hồi giáo, tôi đã cầu nguyện tại đó, rồi Imam hồi giáo đã muốn cùng đi với tôi một vòng quanh sân vận động nhỏ, nơi có bao nhiêu người khác không có chỗ vào, phải đứng bên ngoài... Trên xe chở tôi, có Ðức Giáo Hoàng và Imam. Cũng như ở khắp mọi nơi, có những người mang nhiều giá trị tôn giáo, có những người không mang giá trị nào# Nhưng mà có biết bao nhiêu chiến tranh, không chỉ có những chiến tranh tôn giáo mà thôi... người ky tô chúng ta cũng đã từng gây ra nhiều chiến tranh Vụ cướp phá Roma đâu có phải do người hồi giáo gây ra đâu. Họ cũng có các giá trị, nhiều giá trị.

Ðến lượt Marta Calderon, thuộc hãng thông tấn Catholic News Agency, cô hỏi:

- Kính thưa Ðức Thánh Cha, chúng con biết ngài sẽ viếng thăm Mêhicô. Chúng con muốn, nếu có thể, biết thêm nhiều hơn về chuyến viếng thăm này và vẫn trong chiều hướng viếng thăm những quốc gia có nhiều vấn đề, Ðức Thánh Cha có nghĩ đến chuyện thăm dân nước Colombia hay là trong tương lai, thăm cả các nước như Perù hay không?

Ðáp: Quý vị biết đó, vào tuổi tôi, đi nhiều quá không tốt... Nếu ở đó không có Ðức Mẹ, thì tôi sẽ chẳng đến thành phố Mêhicô đâu, vì tiêu chuẩn các cuộc viếng thăm là đi thăm ba hay bốn thành phố chưa bao giờ được các Giáo Hoàng viếng thăm. Nhưng tôi sẽ đi Mêhicô vì Ðức Mẹ. Rồi tôi sẽ đi Chiapas, ở miền Nam giáp giới với Guatemala, rồi sang Morella, và gần như là chắc chắn trên đường về Roma, tôi sẽ ghé lại một ngày, hay là ít hơn một chút, ở Ciudad Juarez. Còn về việc viếng thăm các nước Mỹ la tinh khác thì vào năm 2017, tôi đã được mời đến Aparecida, Ðức Mẹ Aparecida bổn mạng của các nước Mỹ châu nói tiếng Bồ Ðào Nha. Quý vị biết là Mỹ châu la tinh có hai vị bổn mạng mà! Từ đó có thể nghĩ đến chuyện viếng thăm một nước khác, sau khi dâng lễ tại Aparecida... Nhưng hiện thời thì chưa có chương trình nào...

Câu hỏi kế tiếp là của Mark Masai, thuộc đài National Media của Kenya. Anh hỏi:

- Trước hết, xin cám ơn Ðức Thánh Cha đã viếng thăm Kenya và Phi châu. Chúng con vẫn chờ đợi Ðức Thánh Cha đến Kenya lần nữa, không phải để làm việc mục vụ mà để nghỉ ngơi. Chuyến viếng thăm vừa rồi của Ðức Thánh Cha là chuyến đầu tiên và mọi người đều đã lo lắng nhiều về vấn đề an ninh. Ðức Thánh Cha sẽ nói gì với thế giới luôn đinh ninh rằng Phi Châu là vùng đất chỉ có chiến tranh và đầy dẫy hủy hoại mà thôi?

Ðáp: Tôi không hiểu rõ lắm chiều hướng của câu hỏi này... Phi châu là nạn nhân. Phi châu đã và luôn luôn bị các cường quốc khác bóc lột. Từ Phi châu, bao nhiêu người đã bị bắt và đem bán sang Mỹ châu làm nô lệ. Có bao nhiêu cường quốc chỉ biết tìm cách chiếm đoạt những tài nguyện lớn lao của Phi châu, tôi không rõ lắm, nhưng có lẽ Phi châu là lục địa giàu nhất đấy... Họ không nghĩ đến chuyện giúp đỡ lục địa này lớn mạnh, phát triển, kiến tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây... Họ chỉ muốn bóc lột... Phi châu là một lãnh thổ tử đạo, tử đạo vì bị bóc lột suốt dòng lịch sử. Những kẻ cho rằng tất cả các thiên tai và chiến tranh đều đến từ Phi châu đã không hiểu rõ là một số hình thức mệnh danh là phát triển có thể gây hại cho toàn nhân loại chừng nào. Vì thế, tôi rất yêu quý Phi châu bởi lẽ Phi châu đã là một nạn nhân của các cường quốc khác.

Ðến đây, cha Lombardi nói rằng buổi nói chuyện đã kéo dài một tiếng đồng hồ và chấm dứt các câu hỏi. Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, các ký giả muốn tặng Ðức Thánh Cha một cuốn sách mà tuần báo Paris Match của Pháp ấn hành và tặng cho các vị nguyên thủ quốc gia hiện diện trong hội nghị COP 21 về thay đổi thời tiết đang nhóm tại Paris. Cuốn sách gồm 1,500 hình ảnh về các vấn đề môi sinh do các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và tài tử thực hiện, cũng được tặng cho Ðức Thánh Cha. Sau đó, cha Lombardi đã cám ơn Ðức Thánh Cha mặc dù mệt mỏi sau chuyến viếng thăm, vẫn dành thời giờ cho các ký giả phỏng vấn. Mọi người xin chúc Ðức Thánh Cha an vui trở lại Roma và tiếp tục hoạt động bình thường. Ðức Thánh Cha Phanxicô cười và cám ơn các ký giả cùng công việc của họ. Ngài nói: Cám ơn quý vị về công việc của quý vị. Bây giờ là lúc dọn bữa trưa, nhưng người ta nói là hôm nay quý vị sẽ phải nhịn đói vì phải làm việc trên cuộc phỏng vấn này. Cám ơn quý vị nhiều vì công việc của quý vị và vì những câu hỏi, về sự quan tâm của quý vị. Chỉ có một điều tôi muốn nói nói rõ là tôi trả lời theo những gì tôi biết, còn những gì tôi không biết thì tôi không nói tới. Tôi không bày đặt gì cả. Xin cám ơn mọi người.

 

Linh Tiến Khải - Mai Anh

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page