Ðức Thánh Cha cử hành
thánh lễ kính các Thánh Tử Ðạo Uganda
Tường
thuật ngày thư hai Ðức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Uganda:
Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ kính các Thánh Tử Ðạo
Uganda.
Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ kính các Thánh Tử Ðạo Uganda. |
Uganda (Vat. 28-11-2015) - Thứ bẩy 28 tháng 11 năm 2015 là ngày thứ hai Ðức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Uganda. Ban sáng ngài đã viếng thăm đền các vị tử đạo Anh giáo và đền các vị tử đạo công giáo tại Namugongo, trước khi chủ sự thánh lễ kính các vị tử đạo Uganda lúc 9 giờ 30 tại đền thánh công giáo Namugongo. Vào ban chiều Ðức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Uganda tại phi trường cũ Kololo, hiện là nơi tổ chức các biến cố lớn, có thể chứa tới 100,000 người. Sau khi viếng thăm trung tâm bác ái Nalukolongo, Ðức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Uganda và vào lúc 19 giờ chiều ngài gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ chính tòa Kampala.
Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Ðức Thánh Cha. Lúc 8 giờ sáng ngày 28 tháng 11 năm 2015 Ðức Thánh Cha rời Tòa Sứ Thần đi xe đến Namugongo cách đó 13 cây số rưỡi để viếng thăm Ðền các vị tử đạo Anh giáo được xây trên nơi 25 kitô hữu Uganda gồm công giáo và anh giáo chết vì đạo giữa các năm 1884-1887. Hài cốt các vị được lưu giữ trong một nhà nguyện bên cạnh đền thánh, cách Ðền thánh công giáo 3 cây số.
Ðức Thánh Cha đã được Ðức Tổng Giám Mục Anh giáo tiếp đón và ngài đã khánh thành một bảng kỷ niệm gần nhà nguyện vừa được tân trang. Tiếp đến Ðức Thánh Cha tiến tới nơi các vị tử đạo đã bị kết án, tra tấn và giết chết. Trong Ðền thánh có khoảng 40 Giám Mục anh giáo Uganda và một số tín hữu. Sau một lúc thinh lặng cầu nguyện Ðức Thánh Cha đã từ giã các Giám Mục và tín hữu anh giáo để tiếp tục đến Ðền thánh công giáo cách đó 3 cấy số.
Ðền thánh quốc gia công giáo Namugongo tọa lạc trong một công viên thiên nhiên rộng lớn, và các buổi cử hành phụng vụ thường được tổ chức ngoài trời, vì có đông tín hữu đến tham dự. Ðền thánh có hình thù giống như một căn lều truyền thống của chủng tộc Baganda hay Akasiisiira, dựa trên 22 cột trụ biểu tượng cho 22 vị tử đạo công giáo. Ðối diện lối vào chính của Vương cung thánh đường dưới bàn thờ lớn chính là nơi thánh Carlo Lwanga đã bị thiêu sống ngày mùng 3 tháng 6 năm 1886. Nhà thờ được xây trên chính nơi các tín hữu Uganda đã bị giết, và đã được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI khánh thành trong ngày cuối của chuyến công du Uganda, kéo dài từ 31 tháng 7 cho tới mùng 2 tháng 8 năm 1969. Thật khó mà tiếp nhận đưọc tâm hồn sâu xa của Giáo Hội tại Uganda, nếu không hiểu biết lịch sử Namugongo, và vị thế của nó trong tâm thức của các kitô hữu Uganda. Ðền thánh là đích điểm hành hương quanh năm của tín hữu, đặc biệt là cuộc hành hương toàn quốc ngày mùng 3 tháng 6, là lễ kính thánh Carlo Lwanga và các bạn tử đạo. Có hàng chục ngàn tín hữu từ khắp nước Uganda và các nước láng giềng đổ về đây hành hương trong ngày này.
Thánh Carlo Lwanga sinh tại Bulima năm 1865 và tử đạo tại Namugongo ngày mùng 3 tháng 6 năm 1886. Thánh nhân đã là trưởng nhóm thị đồng trong triều đình vua Buganda Mwanga II. Carlo bị giết trong các cuộc bách hại chống kitô hữu giữa các năm 1885-1887 và là vị tử đạo nổi tiếng nhất của Uganda. Carlo Lwanga được các cha dòng Trắng của Ðức Hồng Y Charles Lavigerie đạy đạo, và theo Kitô giáo. Là quan trông coi các thị đồng trong triều đình, Carlo che chở các em khỏi các chú ý bệnh hoạn của nhà vua. Vì thế Carlo bị vua thù ghét, và bị kết án thiêu sống ngày mùng 3 tháng 6 năm 1886, trên đồi Namugongo cùng với các kitô hữu khác, công giáo cũng như anh giáo, khi mới 21 tuổi. Carlo Lwanga đã được Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XV tôn phong chân phước ngày mùng 6 tháng 6 năm 1920, và được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI tôn phong hiển thánh tại Roma ngày mùng 8 tháng 10 năm 1964. Mộ của thánh nhân là đích điểm hành hương của tín hữu Uganda từ khi thánh nhân tử đạo cho đến nay. Giáo Hội kính nhớ thánh Carlo Lwanga và các bạn tử đạo ngày mùng 3 tháng 6 hàng năm.
Xe chở Ðức Thánh Cha tới Ðền thánh lúc 9 giờ ngày 28 tháng 11 năm 2015 và dừng tại lối vào Ðền thánh. Ngài đã được linh mục giám đốc Ðền thánh tiếp đón. Ðức Thánh Cha đã dừng lại thinh lặng cầu nguyện trước bàn thờ nơi giữ các thánh tích của thánh Carlo Lwanga. Tiếp đến ngài đã vào phòng thánh mặc lễ phục để chủ sự thánh lễ mừng kính thánh Carlo Lwanga và các bạn tử đạo, nhân kỷ niệm 50 năm ngày tôn phong hiển thánh cho các vị. Hiện diện trong thánh lễ cũng có Tổng thống Uganda và vua Ronald Muwenda Mutebi, con cháu của triều đại các vua Buganda. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Anh. Bàn thờ và khán đài được dựng trước một hồ nhân tạo tại trung tâm một hí trường thiên nhiên. Kinh vinh danh đã đưọc hát bằng tiếng Luganda.
Ðức Thánh Cha mời gọi noi gương các Thánh Tử Ðạo Uganda làm chứng tá cho Chúa trong mọi môi trường cuộc sống, để thăng tiến công ích, xây dựng một xã hội công bằng, yêu thương, tôn trọng nhân phẩm và môi sinh
Bài Giảng của Ðức Thánh Cha
Giảng trong thánh lễ Ðức Thánh Cha đã khích lệ tín hữu Uganda noi gương các thánh tử đạo làm chứng tá cho Chúa Kitô trong gia đình, đối với hàng xóm láng giềng, tại nơi làm việc, trong các xã hội dân sự và khắp mọi nơi trên thế giới, trung thánh với Chúa, qua cuộc sống liêm chính, biết lo lắng cho thiện ích của tha nhân, cộng tác với mọi người để xây dựng một xã hội công bằng hơn, thăng tiến nhân phẩm, bảo vệ sự sống, che chở căn nhà chung là thụ tạo, thiên nhiên và môi sinh.
Mở đầu bài giảng Ðức Thánh Cha nói: "Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần xuống trên các anh em và anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong toàn vùng Giuđêa, Samaria và cho tới tận cùng bờ cõi trái đất" (Cv 1,8).
Từ thời các Tông Ðồ cho tới ngày nay, đã có một số lớn các chứng nhân rao giảng Chúa Giêsu và biểu lộ quyền năng của Thánh Thần. Hôm nay, chúng ta biết ơn tưởng niệm sự hy sinh của các vị Tử Ðạo Uganda, mà chứng tá tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội Người đã thực sự đạt tới "tận cùng bờ cõi trái đất", Chúng ta cũng tưởng nhớ các vị tử đạo anh giáo đã chết vị Chúa Kitô, mà cái chết làm chứng cho sự đại kết của máu. Tất cả các chứng nhân này đã vun trồng ơn của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời họ, và đã tự do làm chứng tá cho niềm tin của họ nơi Chúa Giêsu Kitô, cả với mạng sống, và nhiều người rất trẻ tuổi.
Cả chúng ta cũng đã nhận được ơn Thánh Thần, để trở thành con cái Thiên Chúa, nhưng cũng để làm chứng cho Chúa Giêsu và khiến cho Ngài được biết đến và yêu mến khắp nơi. Chúng ta đã nhận được Thần Khí, khi chúng ta được tái sinh trong bí tích Rửa Tội, và khi chúng ta được củng cố với các ơn của Ngài trong bí tích Thêm Sức. Mỗi ngày chúng ta đều được mời gọi đào sâu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống chúng ta, "làm sống dậy" ơn của tình yêu thiên chúa để đến lượt mình chúng ta trở thành suối nguồn của sự khôn ngoan và sức mạnh cho người khác.
Tiếp tục bài giảng Ðức Thánh Cha nói: Ơn của Chúa Thánh Thần là một ơn đuợc trao ban để chia sẻ. Nó hiệp nhất chúng ta với nhau như tín hữu và chi thể Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Kitô. Chúng ta không chỉ nhận ơn của Thần Khí cho chính chúng ta, nhưng để xây dựng cho nhau trong đức tin, đức cậy và đức mến. Tôi nghĩ tới các thánh Giuse Mkasa và Carlo Lwanga. Sau khi đã được các người khác dậy dỗ trong đức tin, các vị đã thông truyền ơn đã nhận lãnh. Các vị đã làm điều này trong thời điểm nguy hiểm. Không phải chỉ có mạng sống các vị bị đe dọa, mà cả mạng sống của các người trẻ được giao phó cho sự săn sóc của các vị nữa. Các vị đã vun trồng đức tin của mình và đã làm cho tình yêu đối với Thiên Chúa lớn lên, nên đã không sợ đem Chúa Kitô đến cho người khác, đến độ mất cả mạng sống. Ðức tin của các vị trở thành chứng tá. Ngày nay được tôn kính như các vị tử đạo, gương sáng của các vị tiếp tục gợi hứng cho biết bao nhiêu người trên thế giới. Các vị tiếp tục loan báo Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh của Thập Giá.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng: Nếu giống như các vị tử đạo, hàng ngày chúng ta làm sống dậy ơn của Thần Khí ở trong tim chúng ta, thì khi đó chắc chắn chúng ta sẽ trở thành các môn đệ thừa sai, mà Chúa Kitô gọi đến với Ngài. Ðối với gia đình và bạn bè của chúng ta chắc chắn rồi, nhưng đối với cả những ai chúng ta không quen biết, một cách đặc biệt đối với những người có thể ít tử tế với chúng ta, hay cả khi thù nghịch chúng ta nữa. Việc rộng mở này đối với tha nhân bắt đầu trong gia đình, trong nhà của chúng ta, nơi chúng ta học sống bác ái và tha thứ, nơi trong tình yêu của cha mẹ chúng ta học biết sống lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Sự rộng mở này cũng được diễn tả ra trong việc săn sóc người già và người nghèo, các người góa bụa và trẻ mồ côi.
Chứng tá của các vị tử đạo cho tất cả những người đã lắng nghe lịch sử của các vị, xưa kia và ngày nay, thấy rằng các thú vui thế tục và quyền bính trần gian không trao ban niềm vui và an bình lâu dài. Và Ðức Thánh Cha nhấn mạnh như sau:
Ðúng hơn, sự trung thành với Thiên Chúa, sự liêm chính và toàn vẹn của cuộc sống và việc lo lắng tinh tuyền cho thiện ích của người khác đem lại cho chúng ta sự bình an, mà thế giới không thể cống hiến. Ðiều này không làm suy giảm sự chăm lo của chúng ta cho thế giới này, như thể là chúng ta chỉ nhìn cuộc sống tương lai. Trái lại, nó cống hiến một mục đích cho cuộc sống trong thế giới này, và giúp chúng ta đến với nhưxng người thiếu thốn, cộng tác với người khác cho thiện ích chung, và xây dựng một xã hội công bằng hơn, một xã hội thăng tiến nhân phẩm, không loại trừ ai hết, bảo vệ sự sống, ơn của Thiên Chúa, và che chở các điều tuyệt diệu của thiên nhiên, che chở thụ tạo, căn nhà chung của chúng ta.
Anh chị em thân mến, đó là gia tài mà anh chị em đã nhận được từ các thánh Tử Ðạo Uganda, các cuộc sống đã được ghi dấu bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, các cuộc sống giờ đây cũng làm chứng cho quyền năng biến đổi của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Ước chi gia tài ấy đừng bị mất đi với một kỷ niệm nhất thời, hay bằng cách giữ gìn nó trong một viện bảo tàng như thể là một đồ trang sức qúy! Chúng ta thực sự tôn kính gia tài ấy, và chúng ta tôn kính tất cả các Thánh, khi chúng ta đem chứng tá cho Chúa Kitô của các vị vào trong nhà của chúng ta, đến cho các người hàng xóm láng giềng của chúng ta, vào các nơi làm việc, và vào trong xã hội dân sự, khi chúng ta ở trong nhà mình hay khi chúng ta đi đến các góc xa nhất của thế giới.
Ước chi các thánh Tử Ðạo Uganda, cùng với Ðức Maria, Mẹ Giáo Hội, bầu cử cho chúng ta, và ước chi Chúa Thánh Thần đốt lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa. Omukama Abawe Omukisa. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em.
Chào Ðức Thánh Cha sau thánh lễ
Ðức Cha Cyprien Kizito Lwanga, Tổng Giám Mục Kampala, đã cám ơn sự hiện diện của Ðức Thánh Cha tại đền các thánh Tử Ðạo Uganda, nơi thánh Carlo Lwanga đã chết vì đạo ngày mùng 3 tháng 6 năm 1886. Sau Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II, Ðức Thánh Cha là vị Giáo Hoàng thứ ba tới hành hương đền thánh. Ðức Cha đã cho biết vài hoa trái của lễ tôn phong hiển thánh cho các vị Tử Ðạo Uganda: số ơn gọi linh mục tu sĩ gia tăng; niềm tin kitô gia tăng cùng với lòng tôn sùng các Thánh Tử Ðạo Uganda; nhiều dòng tu trên thế giới mang tên các Thánh Từ Ðạo Uganda; đức tin gia tăng tại Phi châu; nhiều phong trào giáo dân được thành lập và nhận các Thánh Tử Ðạo làm Quan Thầy. Ðức Cha cũng cám ơn chính quyền đã tuyên bố ngày mùng 3 tháng 6 là ngày lễ nghỉ toàn quốc tôn kính các Thánh Tử Ðạo.
Sau khi từ giã mọi người Ðức Thánh Cha đã đi xe trở về Tòa Sứ Thần cách đó 12 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt vào ban chiều.
Ðức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ
Lúc 15 giờ ngày 28 tháng 11 năm 2015 Ðức Thánh Cha đã rời Tòa Sứ Thần lên xe đến Kololo cách đó 5 cây số rưỡi để gặp gỡ giới trẻ. Kololo là phi trường cũ, hiện được dùng làm nơi tổ chức các biến cố lớn và có thế chứa tới 100,000 người. Tới nơi Ðức Thánh Cha đã đi xe díp để chào tín hữu và người trẻ. Tín hữu tụ tập tại Kololo đã theo dõi thánh lễ Ðức Thánh Cha cử hành tại Ðền thánh Namugongo trên các màn truyền hình khổng lồ đặt tại đây.
Hiện điện trong buổi gặp gỡ cũng có các giới chức của chính quyền dân sự, bộ giáo dục và thể thao. Có một khu vực đặc biệt dành cho 200 người trẻ điếc, giới trẻ tỵ nạn và các linh mục tuyên úy đặc trách mục vụ cho giới trẻ. Trên khán đài, ngoài Ðức Tổng Giám Mục Kampala và Ðức Cha đặc trách giới trẻ của Hội Ðồng Giám Mục Uganda, còn có 50 người trẻ nam nữ, đại diện cho mọi giáo phận toàn nước, cũng như một nhóm trẻ em mồ côi.
Linh tiến Khải
(Radio Vatican)