Kenya sẵn sàng nghinh đón Ðức Phanxicô

 

Kenya sẵn sàng nghinh đón Ðức Phanxicô.

Roma (VietCatholic News 24-11-2015) - Chỉ còn một ngày nữa, Ðức Phanxicô sẽ đặt chân lên Kenya trong chuyến viếng thăm ba nước Châu Phi từ 25 tới 30 tháng Mười Một năm 2015. Ðể tỏ lòng tôn kính ngài, chính phủ Kenya vừa tuyên bố ngày 26 tháng Mười Một năm 2015 sẽ là ngày nghỉ của cả nước. Khi loan báo tin này, Bộ Trưởng Truyền Thông Manoah Esipisu nhận định rằng: "Trong dịp chúng ta được vinh hạnh đón tiếp Ðức Thánh Cha, ngài sẽ lên cung giọng cho ngày này".

Bài học cho các chính trị gia

Cung giọng đó được tờ The Standard phân tích qua bài nhận định tựa là "Ðiều Ðức Giáo Hoàng Phanxicô có mà các chính trị gia Kenya rất thèm thuồng". Theo tờ này, Ðức Phanxicô tới đúng vào lúc Kenya đang ở một ngã ba đường. Nhiều thách đố đã và đang đe dọa nhận chìm đất nước; viễn cảnh kinh tế không sáng sủa, nạn tham nhũng, tranh chấp sắc tộc, mất an ninh gia tăng, nhiều biến cố khủng bố, và trên hết, một giai cấp chính trị chuyên cãi cọ nhau nhưng lại đi hẳn ra ngoài các vấn đề đang đe dọa đất nước.

Tờ báo này quả quyết rằng Ðức Phanxicô "đem tới một sứ điệp hy vọng và công lý và nhờ thế, chuyến viếng thăm của ngài sẽ củng cố niềm tin nơi tín hữu, và có thể nơi những người không tin; tất cả, có lúc, đã buông xuôi trước hai giá trị vừa kể. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô làm nhiều người bẽ mặt. Phong cách bình dân của ngài, kiểu cách cư xử của ngài làm ngỡ ngàng một Vatican vốn quen thói cửa quyền. Ngài cung ứng một giọng nói hữu lý khích lệ một thế giới đang khó chịu với chính nó. Không như vị tiền nhiệm là Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô, ngài là một người không lãnh đạo bằng đầu mà bằng trái tim. Trong khi Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô dùng bộ óc sắc như dao và trí nhớ nhậy như máy để tích lũy càng nhiều kiến thức bao nhiêu có thể theo sự đòi hỏi của sứ vụ, thì Ðức Giáo Hoàng Phanxicô hài lòng với sự lôi cuốn và phong cách thanh thản trong lối nói năng. Nhưng bạn chớ vội bác bỏ phương thức xem ra kém dùng đầu óc này. Vì trong gần ba năm qua, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện được những điều mà nhiều chính trị gia chuyên nghiệp thèm thuồng và không thu lượm được trong suốt cuộc đời chạy vạy và vận động ở hậu trường. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô có đức tính qúy hóa mà mọi chính trị gia khắp trần hoàn này sẵn sàng bỏ cả hàng tỷ đồng mà vẫn không mua được. Ngài sở hữu điều mà các bậc thánh tiếp thị của thế giới này gọi là "tính chân thực".

Ngài sở hữu được nó nhờ làm tốt những điều đơn giản. Ngài nói một ngôn ngữ được cả thế giới hiểu. Ngài nói ngôn ngữ này với người giầu và người nghèo, người không được ai đụng tới, người không chịu hoán cải, người bị đẩy qua bên lề. Không như phần đông chúng ta, ngài nhìn nhận những người này như là những hữu thể đồng nhân bản. Ngài nói ngôn ngữ đó với người Cuba và với người Iran và ngôn ngữ này có hiệu quả. Ngài đóng vai trò chính trong việc xích lại gần nhau từng đem hai quốc gia từ trước tới nay vẫn "đi hoang" trở về với căn nhà quốc tế. Người ta lắng nghe ngài vì ngài nói thẳng thắn. Ngài đả kích sự ác trong đời ta, những sự ác như khủng bố, đói khát, bệnh tật và nghèo khó. Ngài không khiếp sợ bước vào tranh cãi. Ngài nói mạnh dạn về các đe dọa xuất phát từ việc hâm nóng địa cầu, về chủ nghĩa tư bản mất thăng bằng trong đó cơm bánh, dù dư thừa, nhưng đã không được phân phối cùng khắp. Ðã đành ngài là người mạnh mẽ bảo vệ đức tin Kitô Giáo, nhưng ngài vẫn dành giờ cho các tín ngưỡng khác nữa. Ngài đã tìm cách hợp tác với các tôn giáo khác để tìm giải pháp cho các cơn bệnh của thế giới. Ngài cũng được ban phúc kiên nhẫn của tuổi già. Ngài biết thì giờ của ngài không còn lâu, nên ngài không để phí một giây. Ngài thấy thế giới đầy tự mãn và sứ mệnh của ngài là lấy cái tự mãn ấy ra khỏi chúng ta. Cũng không thể nói ngài tìm danh tiếng. Ngài từng bị kết án là đã lảng tránh một số vấn đề lớn đang ám ảnh Giáo Hội trong nhiều năm qua; vấn đề hôn nhân đồng tính, vấn đề tính dục và hôn nhân, vấn đề lạm dụng trẻ em trong Giáo Hội. Ngài từng nói Chúa mới là người phê phán, không phải ngài. Chủ trương này có thể chưa làm hài lòng những người đòi phải cải tổ nhiều hơn, nhưng điều chắc chắn là ngài không phải là người dạy đời. Ngài coi tôn giáo như một lực lượng hòa bình và thịnh vượng chứ không phải là máng dẫn bất đồng, bạo lực và vô chính phủ. Các chính trị gia của chúng ta có thể học được dăm ba điều nơi ngài".

"Giáo Hoàng Kenya"

Làm sao bảo vệ được vị giáo hoàng bình dân? Ðó là ưu tư của các giới chức an ninh Vatican và nhất là Kenya. Ngài có tiếng là phá bỏ mọi qui định an ninh, thường làm ngơ các vệ sĩ mà xông vào đám đông để thăm hỏi và chúc lành cho họ. Quả là một cơn đau đầu. Phải tìm cách thôi.

Thế là một toán chuyên viên an ninh Kenya đã được phái qua Rôma để thao tác chuyến viếng thăm này một cách thấu đáo, thấu đáo đến nỗi một người trong toán này đã nhận thủ vai "giáo hoàng". Anh ta thuộc Ðơn Vị Hộ Tống Tổng Thống, được chọn để phản ảnh mọi di chuyển và ngôn ngữ thân xác của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Viên chức này nghiên cứu các cuốn video, thậm chí còn học cách mô phỏng thế đứng của ngài khi đọc diễn văn hay bài giảng. Ở Rôma, anh dành thì giờ mô phỏng mọi di chuyển có thể có của Ðức Phanxicô. Khi trở lại Kenya, anh đã sử dụng các hiểu biết của mình để mô phỏng Ðức Phanxicô trong buổi tập dượt an ninh về ngài. Vatican nhấn mạnh tới những sắp xếp này vì họ quan tâm tới cung cách đám đông náo nhiệt tới gần Ðức Giáo Hoàng bao nhiêu có thể. Vì Ðức Phanxicô có thói quen dừng giáo hoàng xa bất chợt để thăm dân chúng xếp hàng hai hè phố, hay để an ủi người bệnh, nên "vị giáo hoàng Kenya" cũng phải thực tập việc ra lệnh cho tài xế dừng lại cách đột ngột ngay bên vệ đường.

Vị đứng đầu cảnh sát Nairobi là Japheth Koome cho hay họ đã thực tập đủ và đã sẵn sàng nghinh đón Ðức Giáo Hoàng. "Chúng tôi sẽ để một số người chúc mừng ngài nhưng chúng tôi có đủ an ninh để theo dõi các cử động của họ. Chúng tôi có bổn phận giữ an ninh cho Ðức Giáo Hoàng". Vatican cho hay Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới việc sử dụng xe không cửa trong một số dịp tại Nairobi, nhưng việc này còn tùy ở tóan an ninh. Trong khi toán an ninh của Kenya ở Rôma, thì toán an ninh của Vatican, dưới sự hướng dẫn của ThanhTra Trưởng Domenico Giani, tới Nairobi để nghiên cứu lộ trình Ðức Giáo Hoàng sẽ theo trong chuyến tông du của ngài và kiểm soát các sắp xếp an ninh ở đây dành cho ngài. "Các bạn hẳn biết dân chúng sẽ ném nhiều thứ: nào cờ, nào búp bê và cả em bé nữa. Quả là khó khăn vì chúng tôi không muốn nhân viên của chúng tôi quá bạo tay. Ðức Giáo Hoàng không bao giờ muốn thế, nhưng chắc bạn cũng không thể sơ suất được".

An ninh ở Nairobi được tăng cường vì tin tình báo cho hay các ổ khủng bố rất có thể hành động trước, trong và sau chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng. Ngoài 10,000 cảnh sát viên ra, còn có khoảng 10,000 nhân viên Nghĩa Vụ Quốc Gia hỗ trợ nữa. Không như chuyến viếng thăm của Tổng Thống Obama vào đầu năm nay, Thanh Tra Trưởng Cảnh Sát Joseph Boinet cho hay họ sẽ vận động để càng nhiều người Kenya ra nghinh đón Ðức Phanxicô càng hay.

Thách đố kinh tế và thiếu đoàn kết trên bình diện lãnh đạo

Trong khi đó, Hội Ðồng Giám Mục Kenya có một ưu tư khác nhân chuyến viếng thăm của Ðức Phanxicô. Ðức Cha Alfred Rotich, đặc trách phối hợp chuyến viếng thăm này, cho hay: "Ðất nước chúng ta đang đương đầu với nhiều thử thách lớn lao đe doạ xé nát nó. Xứ sở và nhân dân chúng ta vốn từng chịu đựng nhiều hoạn nạn như kinh tế leo thang nhưng không thể chịu đựng cảnh thiếu đoàn kết trên bình diện lãnh đạo".

"Chúng ta tuyên bố và đòi một cuộc ngưng bắn trung thực và chấm dứt việc không ngừng réo gọi tên xấu của nhau nơi các chính trị gia của chúng ta. Chúng ta yêu cầu phải chấm dứt ngay những giọng điệu kỳ thị chủng tộc và những nhận định gây khích động của các nhà lãnh đạo vốn được bầu lên để bảo vệ phúc lợi của mọi người".

"Chúng ta kêu gọi một ngày toàn quốc cầu nguyện và hoán cải. Chúng ta hãy nhân dịp này mưu cầu một đời sống mới và một khởi đầu mới cho đất nước chúng ta, cho gia đình chúng ta và cho nơi làm việc của chúng ta".

Nhiều tiềm năng, trừ thực dân ý thức hệ

Linh Mục Conor Donnelly, một người Ái Nhĩ Lan, thuộc Tu Hội Opus Dei, đang làm việc tại Kenya trong 10 năm qua, có cái nhìn khá lạc quan về Kenya. Theo Cha, nước này đang rộn ràng với nhiều tiềm năng: gần 50% dân số dưới 20 tuổi, giáo dục được trân quí, trẻ em nào cũng muốn đến trường, dù học phí hơi cao; Nairobi luôn là một thành phố quan trọng của miền Ðông Châu Phi, nhiều tổ chức đa quốc chuyển trụ sở của họ từ Johannesburg về đây...

Dù việc phát triển có bị tham nhũng và chủ nghĩa bộ lạc ngăn cản, nhưng một xã hội mới đang xuất hiện gồm những người trẻ được học hành đàng hoàng, có tài chuyên môn và liêm chính.

Giáo Hội hiện điều khiển 30% số bệnh viện trong nước và rất nhiều trường học hàng đầu. Các chủng viện lúc nào cũng đầy người. Các vị giám mục thì trẻ trung; số người tham dự Thánh Lễ cao; có lòng tôn kính những gì thánh thiêng; không có vấn đề cho phép người ly dị tái hôn rước lễ; dân chúng trân quí đức tin của họ; gia đình vững ổn; không có những hình thức rối loạn của hôn nhân đồng tính; người Công Giáo chiếm khoảng 40% dân số...

Tuy nhiên, Cha Donnelly ưu tư về điều Ðức Phanxicô vốn gọi là "chính sách thực dân ý thức hệ". Theo Cha, "cần phải thay đổi các chương trình của nền văn hóa sự chết và biến chúng thành các chương trình của nền văn hóa sự sống".

Ðặc biệt là tử xuất của các bà mẹ: tỷ xuất này tại các nước đã phát triển chỉ là 1 trên 15,000, nhưng ở vùng quê Kenya nó là 1 trên 15. Ðây là một tai tiếng vĩ đại của nền y khoa hiện đại.

Chính phủ và các cơ quan viện trợ chỉ lưu ý tới HIV/AIDS, mà quên phụ nữ và các bà mẹ: chỉ 7.9% ngân sách Liên Hiệp Quốc được dành cho sức khỏe sản phụ và thai nhi mà thôi, phiền một nỗi đây chính là nơi tử vong diễn ra nhiều hơn cả.

Ngừa thai và phá thai, oái oăm thay, đã được nâng lên hàng đầu trong trận chiến chống tử suất cao nơi các bà mẹ. Theo cha, chính sách này vừa phản hậu quả, vừa chống lại nền văn hóa và tâm tư Châu Phi, nơi hôn nhân, sinh nở và việc làm mẹ được đề cao. Nó nhằm loại trừ việc làm mẹ chứ không nhằm giảm tử xuất nơi các bà mẹ.

Cha hy vọng chuyến viếng thăm của Ðức Phanxicô sẽ đem lại nhiều hòa bình và hoà hợp hơn cho xứ sở, đức tin được thâm hậu hóa hơn, thấm nhập vào cuộc sống xã hội hơn "để có được những quyết định nghề nghiệp đúng đắn", không sợ phải có lập trường Công Giáo, nhất là trong phạm vi chăm sóc sức khỏe, mọi người nên thông thạo các nguyên tắc của Humanae vitae và Donum vitae hai văn kiện của Huấn Quyền nói về việc cổ vũ nền văn hóa sự sống.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page