Tường thuật ngày đầu tiên

Ðức Thánh Cha Phanxicô công du Kenya

 

Tường thuật ngày đầu tiên Ðức Thánh Cha Phanxicô công du Kenya.

Ðức Thánh Cha gặp gỡ giới lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hòa và ngoại giao Kenya.

Kenya (Vat. 25-11-2015) - Hoạt động với sự toàn vẹn và trong sáng cho công ích, thăng tiến một tinh thần liên đới trên mọi bình diện xã hội, ân cần lo lắng cho các nhu cầu của người nghèo, cho các khát vọng của giới trẻ và cho một việc phân chia công bằng các tài nguyên nhân lực và thiên nhiên, giúp chung xây một đất nước công bằng huynh đệ và phồn thịnh hơn.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các vị lãnh đạo chính trị, dân sự, kinh tế và văn hóa Kenya như trên trong cuộc gặp gỡ tại Dinh quốc gia trong thủ đô Nairobi chiều 25 tháng 11 năm 2015.

Bắt đầu từ ngày 25 tháng 11 năm 2015 Ðức Thánh Cha đã lên đường viếng thăm ba nước Phi châu, là Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Chặng đầu tiên là Kenya.

Lúc 7 giờ 15 phút sáng Ðức Thánh Cha đã đi xe đến phi trường quốc tế Fiumicino, cách Vaticăng 29 cây số, để lấy máy bay đi Kenya. Tại nhà trọ Santa Marta có một nhóm gồm 11 phụ nữ và 6 trẻ em thuộc một nhà trú ẩn dành cho các nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn buôn phụ nữ mại dâm do một cộng đoàn dòng tu trông coi trong vùng Lazio, đã đến chào ÐTC. Họ thuộc các nước Italia, Nigeria và Rumania.

Chào đón và tiễn chân Ðức Thánh Cha tại phi trường có Ðức Cha Gino Reali, Giám Mục giáo phận Porto-Santa Rufina, bao gồm phi trường Fiumicino. Chiếc A330 của hãng hàng không Alitalia đã cất cánh lúc 7 giờ 45 và phải bay mất 7 tiếng vượt đoạn đường dài 5,389 cây số để đến phi trường quốc tế Jomo Kenyatta của thủ đô Nairobi.

Kenya rộng hơn 580 ngàn cây số vuông nằm ở mạn Ðông Phi châu quay ra Ấn Ðộ dương và giáp giới với các nước: Nam Sudan, Ethiopia, Somalia, Tanzania và Uganda. Kenya có 43 triệu dân, 32.4% theo Công Giáo, 47.7% theo Tin Lành và 20% theo các tôn giáo khác. Giáo Hội Công giáo có 38 Giám Mục cai quản 28 giáo phận, với 925 giáo xứ và 6,542 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 2,744 linh mục trong đó có 1,830 linh mục giáo phận, 914 linh mục dòng, 794 tu huynh, 5.505 nữ tu, 1.463 đại chủng sinh và 11,343 giáo lý viên. Giáo Hội điểu khiển 12,195 cơ sở giáo dục và 2,748 trung tâm bác ái xã hội.

Lịch sử Giáo Hội Công giáo Kenya đã bắt đầu hồi thế kỷ XV, chính xác là vào năm 1498, khi người Bồ Ðào Nha ghé Kenya trên đường đến Ấn Ðộ để mua bán hàng hoá, đặc biệt là các thứ gia vị. Tuy nhiên, sự hiện diện của Kitô giáo đã không đâm rễ sâu. Chứng tích của biến cố này là cây Thánh Giá bằng đá trồng trên một cây cột do nhà thám hiểm Vasco de Gama cho dựng trên núi Malindi vẫn còn tồn tại cho tới nay. Vào cuối thế kỷ XVI các thừa sai dòng thánh Agostino đến rao giảng Tin Mừng cho dân chúng sống dọc vùng duyên hải. Năm 1631 Sultan Mombasa theo Kitô giáo tên là Jeronimo Chingulia bắt đầu bách hại các cộng đoàn kitô. Ngày 21 tháng 8 năm 1631 có 150 kitô hữu bị giết vì đạo: đó là các vị tử đạo Mombasa, hiện đang có án phong chân phước cho các vị. Việc loan truyền Tin Mừng lan rộng vào hậu bán thế kỷ XIX với các cha dòng Chúa Thánh Thần, cùng một Giám Mục của dòng đến sống trên đảo Zanzibar bên Tanzania.

Năm 1860 Giáo quận tông toà Zanzibar được thành lập bao gồm Kenya, và năm 1863 được giao cho các tu sĩ dòng Chúa Thánh Thần trông coi. Giữa các năm 1889-1892 các cha dòng Chúa Thánh Thần mở các cứ điểm truyền giáo tại Bura và Mombasa trên sông Tana. Năm 1899 các thừa sai dòng thánh Agostino và dòng Thánh Gia mở các cứ điểm truyền giáo tại Nairobi. Năm 1902 các cha dòng Ðức Bà An Ủi mở một cứ điểm truyền giáo tại Tuthu và Muran'a trong vùng Kikuyu. Năm 1903 các cha dòng Mill Hill mở một cứ điểm truyền giáo tại Kisumu trong vùng Luo.

Năm 1929 Tòa Thánh cho thành lập các Giám quản tông toà Nyeri, Kisumu, Zanzibar và giáo quận tông toà Meru. Năm 1927 hai linh mục bản xứ Kenya đầu tiên được thụ phong. Năm 1953 Toà Thánh cho thành lập Hàng Giáo Phẩm công giáo Kenya với các giáo phận đầu tiên là Nairobi, Nyeri, Kisumu và Meru. Năm 1957 Giám Mục tiên khởi người Kenya được tấn phong là Ðức Cha Maurice Otunga, sau này cũng là Hồng Y tiên khởi người Kenya năm 1973. Kenya đã được Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm ba lần: lần đầu tiên năm 1980, lần thứ hai năm 1985 nhân Ðại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50, và lần thứ ba năm 1995 nhân dịp công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục "Giáo Hội tại Phi châu".

Năm 1989 Giáo Hội Kenya đã mừng kỷ niệm 100 năm đón nhận hạt giống Tin Mừng. Năm 1990 Tòa Thánh nâng các giáo phận Kisumu, Mombasa và Nyeri lên hàng Tổng Giáo Phận.

Tên gọi của cộng hòa Kenya bắt nguồn từ tên ngọn núi Kenya. Trong cả ba thứ tiếng Kikuyu, Embu và Kamba núi này được gọi là Kirinyaga, Kirenyaa và Kiinyaa có nghĩa là "Chỗ nghỉ ngơi của Thiên Chúa". Người Anh đọc là Keenya. Vào thế kỷ XIX nhà thám hiểm người Ðức là Johann Ludwig Krapf sống với người Bantu Kamba cho biết khi hỏi tên núi dân chúng trả lời là " Ki-Nyaa" hay "Kiima-Kiinyaa", có lẽ vì mầu đen của đá và mầu trắng của tuyết phủ trên đỉnh núi nhắc cho họ nhớ tới con đà điểu.

Kenya là vùng đất đã có người sinh sống từ hàng triệu năm trước công nguyên. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy gần hồ Turkana các bộ xương người "Homo habilis" Người khéo léo sống trong khoảng thời gian giữa 1.8 tới 2.5 triệu năm, và "Homo erectus" Người đứng thẳng sống giữa 1.8 triệu tới 350,000 năm trước công nguyên. Có thể họ đã là tổ tiên của "Homo sapiens" người khôn ngoan. Ðặc biệt các cuộc đào bới năm 1984 đã đưa ra ánh sáng bộ xương của một chú bé sống vào khoảng thời gian 1.6 triệu năm trước công nguyên thuộc nhóm "Homo erectus".

Các người đầu tiên sống tại Kenya là các nhóm chuyên về nghề săn bắn, bà con với chủng tộc Khoisan. Sau đó họ được thay thế bởi các nhóm Cush. Vào khoảng năm 500 trước công nguyên có các nhóm du mục gốc sông Nilo di cư từ miền Nam Sudan sang Kenya, trong đó có các nhóm Samburu, Luo, Turkana và Maasai. Vào ngàn năm thứ nhất có các nhóm nông dân Bantu đến từ mạn Tây Phi châu, tức Ðông Nigeria và Tây Camerun ngày nay. Nhóm này bao gồm các chủng tộc Kikuyu, Lyhya, Kamba, Kisii, Meru, Aembu, Ambeere, Wadawida-Watuweta, Wapokomo và Mijikenda.

Vùng duyên hải có các cộng đoàn chuyên nghề thợ rèn, và các nhóm Bantu sống về nghề nông, săn bắn và đánh cá. Nhiều thành phố vùng duyên hải đã do người A rập thành lập bao gồm Mombasa, Malindi và Zanzibar. Và từ thế kỷ XII người Arập buôn bán với các nhóm thổ dân. Từ sự gặp gỡ này nảy sinh ra nền văn hóa Swahili, bao gồm hai yếu tố hiệp nhất: đó là tiếng Kiswahili và Hồi giáo. Người dân sống tại đây là các nông dân Kikuyu thuộc chủng tộc Bantu và người Masai là dân tộc gốc vùng sông Nilo di cư sang Kenya vào thế kỷ XVII. Hồi đó người Bồ Ðào Nha chiếm đóng vài vùng trên bờ duyên hải, nhưng họ bị lấn át bởi các Sultan hồi Oman vùng Zanzibar. Sự hiện diện của các người âu châu khác đã chỉ bắt đầu gia tăng vào cuối thế kỷ XIX, khi Kenya trở thành thuộc địa của Anh quốc.

Sau Ðệ Nhị Thế Chiến người Kikuyu bắt đầu cuộc chiến dành độc lập, và ngày 12 tháng 12 năm 1963 Kenya thoát ách thống trị của Anh quốc. Các cuộc bầu cử đưa ông Jomo Kenyatta, một trong các lãnh tụ phong trào độc lập, lên làm tổng thống đầu tiên của Kenya. Ông Kenyatta thăng tiến một đường lối chính trị tân tiến và theo Âu châu, bằng cách thực hiện các cuộc cải cách kinh tế chính trị hiện đại và kỹ nghệ hóa đất nước, duy trì các bang giáo tốt với Anh quốc và các nước láng giềng.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page