Làn sóng khủng bố bạo lực tại Paris

 

Paris (RG 15-11-2015) - Một số nhận định của Ðức Hồng Y André Vingt Trois, Tổng Giám Mục Paris và của ông Paolo Magri, giám đốc Học viện nghiên cứu chính trị quốc tế

Chiều tối ngày 13 tháng 11 năm 2015 đã có một loạt các vụ khủng bố xảy ra tại Paris do Nhà nước Hồi chủ mưu, khiến cho 129 người chết và 352 người bị thương, trong đó có hơn 80 người bị thương rất nặng. Ðã có ba vụ nổ bom xẩy ra bên ngoài sân vận động Pháp trong trận đấu túc cầu giữa Ðức và Pháp, một vụ bắt giữ con tin và tàn sát khán thính giả trong nhà hoà nhạc Pataclan, và các vụ nổ súng vào khách của hai quán giải khát.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng 11 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chia buồn với tổng thống và toàn dân Pháp và mạnh mẽ lên án các bạo lực vô nghĩa này. Ngài nói: "Tôi muốn bầy tỏ nỗi đớn đau sâu thẳm của tôi đối với các vụ tấn công khủng bố chiều tối ngày thứ sáu đã khiến nước Pháp đổ máu, gây ra nhiều nạn nhân. Tôi xin bầy tỏ sự chia buồn sâu xa với tổng thống và mọi công dân của Cộng Hòa Pháp. Tôi đặc biệt gần gũi gia đình những người đã mất mạng sống và những người bị thương. Biết bao nhiêu dã man khiến cho chúng ta kinh hoàng, và người ta tự hỏi làm sao trái tim con người lại có thể nghĩ ra và thực hiện các biến cố kinh khủng như thế, không chỉ đảo lộn nước Pháp mà còn đảo lộn toàn thế giới nữa. Trước các hành động bất khoan nhượng như vậy, không thể không lên án việc xúc phạm tới phẩm giá con người một cách xấu hổ như thế. Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng con đường của bạo lực và thù hận không giải quyết được các vấn đề của nhân loại, và việc sử dụng tên của Thiên Chúa để biện minh cho con đường này là một sự phạm thượng.

Tôi xin mời anh chị em hiệp nhất với lời cầu nguyện của tôi: chúng ta hãy phó thác cho lòng thương xót Chúa các nạn nhân không được bênh đỡ của thảm cảnh này. Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ của lòng thương xót, dấy lên trong con tim của mọi người các tư tưởng của sự khôn ngoan và các ý hướng hòa bình. Chúng ta hãy xin Mẹ che chở và canh thức trên quốc gia Pháp thân yêu, trưởng nữ của Giáo Hội, trên Âu châu và trên toàn thế giới."

Tổng thống Francois Hollande đã tuyên bố tình trạng giới nghiêm trong 3 tháng và huy động 1,500 binh sĩ duy trì an ninh tại nhiều nơi trong thủ đô Paris. Ông cũng tuyên bố toàn quốc để tang ba ngày, và khẳng định sẽ chiến đấu chống lại các lực lượng của nhà nước hồi tại khắp nơi.

Lúc 18 giờ rưỡi chiều Chúa Nhật 15 tháng 11 năm 2015 Ðức Hồng Y André Vingt Trois đã chủ sự thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân trong nhà thờ chính tòa Ðức Bà Paris, và chuông các nhà thờ toàn nước cũng đã gióng lên để tưởng niệm những người đã chết.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của Ðức Hồng Y André Vingt Trois, Tổng Giám Mục Paris, và của ông Paolo Magri, giám đốc Học viện nghiên cứu chính trị quốc tế, về làn sóng khủng bố bạo lực này.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y nghĩ gì về các vụ khủng bố tại Paris vừa qua?

Ðáp: Nó chỉ có thể là một phản ứng kinh hoàng: chúng ta đang đứng trước một cuộc tàn sát mù quáng những người hoàn toàn xa lạ với các vấn đề chính trị. Thế rồi, nó cũng là một phản ứng xót thương đối với các nạn nhân và gia đình họ, cũng như đối với tất cả những ai dấn thân cứu giúp các nạn nhân và nỗ lực đem lại cho họ một chút vơi nhẹ trong lúc khổ đau này.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Paris đã bị đánh trúng tim. Sau Beirut, Nigeria và biết bao nhiêu nước khác, như vậy đây là "chiến tranh từng mảnh" mà Ðức Hồng Y Phanxicô nói tới, có phải vậy không?

Ðáp: Vâng, đó chính là điều mà chúng ta đang chứng kiến. Phải nói rằng bạo lực không thể biện minh, tự nó không bao giờ có thể biện minh; bạo lực mù quáng như chúng ta đang thấy trong các vụ khủng bố này còn kinh khủng hơn nữa, nếu có thể nói như vậy.

Hỏi: Sự kiện Paris bị tấn công khiến người ta xúc động. Nhưng thật là quan trọng phải nhớ rằng tại nhiều nước như Iraq và Siria bạo lực là điều xảy ra hằng ngày, thưa Ðức Hồng Y.

Ðáp: Vâng, đúng thế. Nhưng cái đặc biệt của điều đã xảy ra tại Paris là trong ý muốn thiết lập một liên quan giữa các vụ khủng bố này và điều đang xảy ra bên Siria. Ngoài ra nhà nước hồi giáo đã công khai thừa nhận trách nhiệm. Thật thế, nó tuyên bố ý muốn đem chiến tranh vào trung tâm của mọi quốc gia chống lại nhà nước hồi.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, như thế phải phản ứng ra sao trước sự kinh hoàng này, trước các tâm tình sợ hãi và thù hận, mà một thảm cảnh như thảm cảnh tại Paris có thể khơi dậy?

Ðáp: Thật ra, tôi tin rằng một trong các mục tiêu của vụ tàn sát mù quáng và đẫm máu này chính là dấy lên lòng thù hận và gieo rắc sự kinh hoàng trong trái tim con người. Tôi tin rằng phương cách phản ứng tốt nhất, đặc biệt đối với chúng ta là tín hữu kitô, đó là tín thác nơi bàn tay của Thiên Chúa, trong đức tin, tuy vẫn khẳng định một cách rõ ràng và không hàm hồ rằng bạo lực không bao giờ là một giải pháp, như chính Ðức Thánh Cha Phanxicô đã làm.

* * *

Tiếp theo đây là các nhận định của ông Paolo Magri, giám đốc Học viện nghiên cứu chính trị quốc tế.

Hỏi: Thưa giáo sư Magri, theo các thống kê của Bộ Nội Vụ Pháp, có khoảng 2,000 công dân Pháp có liên lạc với các tổ chức hay các nhóm hồi thánh chiến. Và trong số các chiến binh bên Siria và Iraq có nhiều người gốc Pháp. Giáo sư nghĩ gì về các vụ khủng bố tại Paris?

Ðáp: Nước Pháp là một mục tiêu tấn công, vì Pháp có một đường lối chính trị đối ngoại rất tích cực. Pháp tích cực can thiệp vào tình hình của Mali. Pháp cũng là quốc gia can thiệp quân sự vào Siria. Nó đã là một mục tiêu tấn công trong vụ "Charlie Hebdo". Nhưng yếu tố mới đưa tới vụ khủng bố này đó là Pháp là một nước có các thành phần tích cực hơn các nước khác, là một trong các nước Âu châu có nhiều "chiến binh nước ngoài", tức các người Pháp bỏ nước để ra đi chiến đấu bên Siria và Iraq. Tuy nhiên, đối với các vụ khủng bố tại Âu châu, cho tới nay chúng ta chưa có bằng chứng hiển nhiên nào cho thấy chúng do những chiến binh trở về gây ra. Giả thuyết dã luôn luôn được kiểm thực liên quan tới các người đã sinh ra và lớn lên trong các nước âu châu, thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba, đã trở nên các thành phần cấp tiến hoạt động.

Hỏi: Thưa giáo sư, các chuyên viên tình báo cho biết chiến dịch do tổng thống Hollande phát động bên Siria có mục đích trung lập hóa một nhóm chiến binh đang chuẩn bị các vụ khủng bố tại Pháp: họ chỉ bị nghi ngờ thôi hay có các bằng chứng xác thực?

Ðáp: Anh quốc cũng đã có một can thiệp theo chiều hướng này, nó là can thiệp duy nhất, bởi vì nước Anh không can thiệp quân sự vào Siria. Tuy không có các tin tức, nhưng đây là hai hiện tượng rõ ràng có liên hệ với nhau, có thể không phải là việc khủng bố: hiện tượng tình hình bên Siria và Iraq, nơi xảy ra các hành động bạo lực đối với các nhóm thiểu số, đối với dân chúng và hiện tượng các vụ khủng bố bên Âu châu. Từ nhiều tháng nay chúng tôi đã lo sợ có việc "tràn bờ" từ đó sang đây, qua các chiến binh nước ngoài trở về. Cho tới nay chúng ta chưa có sự hiển nhiên nào trong nghĩa này, tuy nhiên chúng ta có sự "tràn bờ", bởi vì chúng ta thấy có các vụ khủng bố ở bên đó cũng như ở đây.

Hỏi: Giáo sư đọc sự kiện các mục tiêu bị khủng bố thuộc cuộc sống thường ngày như thế nào, như báo chí viết: chúng rất biểu tượng cho lối sống tây phương như một phòng hòa nhạc, một sân vận động, một tiệm Mc Donald... ?

Ðáp: Chúng là các mục tiêu và là các biểu tượng của cuộc sống thường ngày, vì chúng là các quán ăn, viả hè đường phố, các sân vận động. Như vậy không còn như trong quá khứ nữa, một tấn công các biểu tượng có thể là tuần báo Charlie Hebdo vẽ các hình hí họa, hay như trong trường hợp bên Canada là Quốc hội, các biểu tượng của quyền bính nhưng không liên quan tới người dân thường, có thể nghĩ mình có thể tiếp tục con đường và cuộc sống của mình. Cái mới mẻ, bước "nhảy vọt về phẩm chất" đó là một đàng có một loạt các vụ tấn công đồng lúc và liên hoàn, đàng khác nó là việc tấn công vào cuộc sống thường ngày của người dân, khiến cho chúng ta nghĩ tới điều xảy ra hằng ngày bên Trung Ðông, nơi người dân đi chợ và bị bom nổ giết chết tại chợ, hay đi cầu nguyện và bị bom nổ chết. Ðây là điều chúng ta không được quên.

Hỏi: Nghĩa là sự kiện khủng bố nhắm vào dân chúng một cách trực tiếp, chứ không phải là các mục tiêu nhạy cảm, hơn nữa là vào thời điểm trưóc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Paris#

Ðáp: Có một giải thích kỹ thuật cho sự kiện này: một dàng trong các tháng qua các mục tiêu nhậy cảm đã rất được bảo vệ; đàng khác chúng ta đã biết là khi xảy ra một vụ khủng bố bên Tây Phương, thì số người chết bên Tây Phương đối với điều xảy ra trong một chợ của thủ đô Baghdad, gây ra một phản ứng và một tiếng vang truyền thông không thể so sánh được. Hơn nữa, nếu điều này xảy ra cho những người đi trên đường, thì sự sợ hãi - đây là diều mà các kẻ khủng bố muốn tạo ra: ý thức sợ hãi nơi dân chúng - thì sự sợ hãi gia tăng, nghiã là "ý thức không được che chở". Và nếu có sự sợ hãi, thì các chính quyền cảm thấy có bổn phận phải can thiệp. Và ở đây chúng ta đụng tới chuyện "phải làm gì". Bởi vì nếu chúng ta can thiệp với các đường lối chính trị và các hành động đúng đắn, thì sau cùng thảm cảnh này có thể có một kết qủa tích cực; trái lại nếu chúng ta mất đi sự bình tĩnh và bận rộn với các nhu cầu của các nước khác nhau, từ phía các chính quyền khác nhau, muốn chứng mình rằng mình mạnh mẽ hơn, và làm một cái gì đó để chống lại các đảng phái bài người nước ngoài, thì chúng ta có nguy cơ sản xuất ra nhiều quái vật hơn và khiến cho cục diện trở thành phức tạp hơn.

Hỏi: Ngoài ra chứng từ của những người sống sót cho biết là các tay khủng bố giết người này là những ngưòi da trắng, trẻ tuổi và xem ra là các binh sĩ của các lực lượng đặc biệt...

Ðáp: Cả khi chúng ta có coi các người trẻ này là da trắng hay da mầu, họ thuộc thế hệ thứ hai, của các vùng ngoại ô, được tuyển mộ giữa những người Marốc, Tunisi vv# đi nữa, chúng ta cũng biết rằng tại Pháp một công dân trên mười đến từ các quốc gia này. Có 6 triệu người thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba này. Như vậy chúng ta đã thấy bẩy tám người đã giết 150 người Pháp, trong số 150 người đó, nếu chúng ta tôn trọng phần trăm dân Pháp, thì có 15 người Magreb-Tunisi-Marốc bị giết.

Hỏi: Nhà nước Hồi nhận mình chủ mưu các vụ khủng bố nói trên nói rằng bây giờ sẽ tới phiên Roma, Luân Ðôn và Washington. Ðiều này có nghĩa là gì thưa giáo sư?

Ðáp: Trong lúc này, vì là tổ chức mạnh nhất, nên Nhà nước Hồi IS đội mũ cho tất cả những gì xảy ra. Chúng ta không biết đó có phải là Nhà nước Hồi IS, hay các phần tử của tổ chức Al Qaeda điên khùng, hay các thành phần Al Qaeda liên minh với Nhà nước hồi IS, hoặc với tổ chức Al Nusra hay một tổ chức khủng bố nào khác nữa. Thế rồi, trong việc thú nhận này Nhà nước hồi IS nói "bây giờ tới phiên Roma, Washington#" họ nói điều này từ nhiều tháng nay rồi, và viết cả trên nguyệt san "Dabiq" nữa. Nó là phần của cái luận lý nhằm tạo ra sự sợ hãi, và khi tạo ra sợ hãi, nó tạo ra các phản ứng và cầu mong rằng các phản ứng ấy đi theo hướng của một sự chống đối giữa Tây Phương và Hồi giáo, là chính điều mà họ muốn nhằm chứng minh cho dân chúng hồi thấy rằng họ có lý, với các thuyết của họ, nhằm tạo ra một sự chống đối giữa hai bên.

(RG 15-11-2015)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page