Ðức Thánh Cha viếng thăm mục vụ
tại Firenze, trung Italia
52 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ
Ðức Thánh Cha cử hành tại Firenze
Ðức
Thánh Cha viếng thăm mục vụ tại Firenze, trung Italia: 52 ngàn
tín hữu tham dự thánh lễ Ðức Thánh Cha cử hành tại
Firenze.
52 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ Ðức Thánh Cha cử hành tại Firenze. |
Firenze (Vat. 10-11-2015) - Trong thánh lễ trước 52 ngàn tín hữu tại Firenze, trung Italia, Ðức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội quan tâm và gần gũi dân chúng, đồng thời gắn bó với Chúa Kitô.
Trong cuộc viếng thăm mục vụ tại Firenze ngày 10 tháng 11 năm 2015, sau khi gặp gỡ các Giám Mục và 2,500 đại biểu của 220 giáo phận toàn nước Italia, Ðức Thánh Cha đến Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Truyền Tin gần đó để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin và viếng thăm các bệnh nhân tại đây, rồi ngài tiến qua quán ăn cạnh đó tên là "thánh Phanxicô người nghèo" do Caritas Firenze đảm trách. Tại đây Ðức Thánh Cha đã dùng bữa trưa với 60 người nghèo thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, trong đó có 30 người Italia.
Sau khi nghỉ trưa tại tòa Tổng Giám Mục, lúc gần 15 giờ chiều, Ðức Thánh Cha đã đến Sân vận động "Artemio Franchi". Ngài tiến qua các lối đi để chào thăm 52 ngàn tín hữu ngồi chật thao trường. Ðồng tế với ngài có các Giám Mục của 220 giáo phận Italia và hơn 300 linh mục. Lễ đài tại đây do các tù nhân tự nguyện làm để tặng Ðức Thánh Cha.
Bài giảng của Ðức Thánh Cha
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha đã diễn giảng bài Tin Mừng ghi lại lời Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: người ta bảo Thầy là ai? Và các con nói Thầy là ai? Sau cùng là lời tuyên xưng của thánh Phêrô: Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống!
Từ những ý tưởng đó, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải quan tâm đến con người và cuộc sống của họ: duy trì một sự tiếp xúc lành mạnh với thực tại, nghĩa là với cuộc sống cụ thể của dân chúng, những đau buồn và vui mừng của họ, là cách thức duy nhất để có thể giúp đỡ, huấn luyện và đả thông với họ. Các môn đệ của Chúa Giêsu không bao giờ được quên mình đã được chọn từ đâu nghĩa là từ nơi dân chúng, và không bao giờ được rơi vào cám dỗ có thái độ xa cách, như thể những điều dân chúng nghĩ và sống chẳng liên hệ gì đến mình.
Ðức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: điều quyết định đối với căn tính và sứ mạng của chúng ta là biết Chúa Giêsu trong sự thật, chỉ như thế chúng ta mới có thể nhìn thấy chân lý trong thân phận con ngừơi của chúng ta và mới có thể góp phần nhân bản hóa trọn vẹn xã hội.
Ðức Thánh Cha cũng nói với các tín hữu rằng: "Anh chị em thân mến, ngày nay cũng vậy, niềm vui của chúng ta là chia sẻ niềm tin và cùng nhau thưa với Chúa Giêsu: "Ðối với chúng con, Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Niềm vui của chúng ta cũng là đi ngược dòng và vượt lên trên dư luận thông thường, dư luận này ngày nay cũng như thời xưa, không nhìn thấy nơi Chúa Giêsu một Ðấng vượt lên trên một vị ngôn sứ hoặc một tôn sư. Niềm vui của chúng ta là nhận ra nơi Chúa Giêsu sự hiện diện của Thiên Chúa, Ðấng được Chúa Cha sai đi, là Chúa Con đến để trở thành dụng cụ cứu độ nhân loại. Sự tuyên xưng đức tin này mà Simon Phêrô xướng lên vẫn có giá trị đối với chúng ta. Sự tuyên xưng ấy không phải chỉ là nền tảng ơn cứu độ chúng ta, nhưng cũng là con đường qua đó ơn cứu độ được thể hiện và là mục tiêu phải tiến tới".
Sau cùng, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh tới khía cạnh bác ái của thuyết nhân bản mà thành Firenze đã từng chứng kiến. Thuyết này luôn có một khuôn mặt bác ái. "Thiên Chúa và con người không phải là hai thái cực đối nghịch nhau: cả hai vẫn luôn tìm kiếm nhau, vì Thiên Chúa nhận ra nơi con người chính hình ảnh của Ngài và con người chỉ nhận ra mình khi nhìn Thiên Chúa. Ðó là sự khôn ngoan đích thực và sách Huấn Ca mô tả như đặc tính của người bước theo Chúa. Ðó là sự khôn ngoan của thánh Lêô Cả, người miền Toscana này, kết quả của sự đồng qui các yếu tố khác nhau: lời nói, trí tuệ, kinh nguyện, giáo huấn, ký ức. Thánh Lêrô cũng nhức nhở chúng ta rằng không thể có sự khôn ngoan chân thực nếu không ở trong mối liên hệ với Chúa Kitô và trong việc phục vụ của Giáo Hội".
Sau khi kết thúc thánh lễ, Ðức Thánh Cha đã đáp trực thăng bay về Vatican lúc quá 6 giờ chiều, kết thúc cuộc viếng thăm tron ngày tại hai giáo phận Prato và Firenze.
Cuộc viếng thăm được hơn 850 ký giả đăng ký để theo dõi và tường thuật.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)