Hội nghị liên tôn lần thứ năm

tại Trung Tâm Mục Vụ Sàigòn

 

Hội nghị liên tôn lần thứ năm tại Trung Tâm Mục Vụ Sàigòn.


Hội nghị liên tôn lần thứ năm tại Trung Tâm Mục Vụ Sàigòn.


Sàigòn (VietCatholic News 31-10-2015) - Nhận được thư mời của Cha giáo Phanxicô Xaviê Bảo Lộc - đặc trách ban mục vụ đối thoại liên tôn Tổng Giáo Phận Sài gòn, tôi đến tham dự cuộc Hội Ngộ Liên Tôn do Ban Mục vụ đối thoại liên tôn của Tổng Giáo phận Sài Gòn tổ chức vào lúc 14g30 ngày 27 tháng 10 năm 2015 tại Trung tâm mục vụ Sài gòn. Cuộc hội ngộ có chủ đề là "Bồi Ðắp Văn Hóa Gặp Gỡ".

Từ 13g30, quý thầy Ðại Chủng Viện Giuse Sài gòn, các Nữ tu, anh chị em hướng đạo sinh và các bà mẹ Công Giáo đã niềm nở đón chào quý khách.

Chương trình hội ngộ bắt đầu lúc 2g45, với bài ca "gần nhau trao cho nhau..." nối kết khoảng 400 tham dự viên trong niềm vui gặp gỡ. 2 MC thật duyên dáng giới thiệu quý khách mời, chương trình, lý do và ý nghĩa ngày hội ngộ.

Ðây là lần thứ năm, Ban mục vụ liên tôn Tổng Giáo Phận Sài gòn tổ chức hội ngộ. Năm nay (2015) kỷ niệm 20 năm ngày Ðức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995) qua đời. Ngài đã để lại một dấu ấn rất đậm nét cho lịch sử Tổng giáo phận. Ngài là biểu tượng tinh thần của những cuộc gặp gỡ chân thành và khôn ngoan.

Ðặc biệt, ở Rôma từ ngày 26 - 28 tháng 10 năm 2015, đang diễn ra Hội nghị quốc tế tại đại học Giáo Hoàng Grêgôriô đánh dấu 50 năm công bố tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Ðồng Vaticanô II về quan hệ của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Bản tuyên ngôn là tài liệu ngắn nhất trong các văn kiện của Công Ðồng, nhưng đây là bản văn rất quan trọng định hướng cho Hội Thánh Công Giáo trong viễn cảnh đối thoại và loan báo Tin Mừng. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, một Công đồng đã long trọng trình bày các nguyên tắc liên hệ đến các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Chính từ tinh thần của tuyên ngôn này cùng với định hướng chung của Công Ðồng Vaticanô II, Hội Thánh Công Giáo muốn mở những cánh cửa để nhìn vào những giá trị cao đẹp của các truyền thống tôn giáo khác và đem các tôn giáo khác lại gần với Kitô giáo. Có thể nói, Nostra Aetate khai mở các nỗ lực đối thoại liên tôn.

Ðức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám Mục Giáo Phận Cần thơ, đặc trách ban Ban mục vụ đối thoại liên tôn của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam có lời mở đầu. Ngài chào mừng quý tham dự viên và nói rằng "văn hóa gặp gỡ" là ngôn từ Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, thế giới chúng ta đang sống là thế giới của văn hóa quy tụ và gặp gỡ. Quy tụ và gặp gỡ để hiểu biết nhau, để cảm thông với nhau, để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, để giúp nhau thăng tiến, cuộc hội ngộ hôm nay giúp chúng ta tìm hiểu và chia sẻ những tâm tình này. Ngài đại diện Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và ban tổ chức công bố khai mạc hội ngộ lần thứ năm và đánh trống khai mạc.

Chương trình gồm 2 phần.

Phần I. Ðạo: con đường gặp gỡ. Các bài tham luận của đại diện Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo, Baha'i, Công Giáo.

Sau đó tham dự viên viếng mộ Ðức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình tại Nhà nguyện Ðại Chủng Viện Sài gòn và tham quan triển lãm "Ðồ thờ tự cổ" tại Nhà truyền thống.

Phần II. Nhân. Kinh nghiệm gặp gỡ. Ðây là phần sôi nổi qua những cuộc đối thoại thú vị, trao đổi chia sẻ rộn ràng và phỏng vấn các diễn giả. Chị ca sĩ Phật tử Hiếu Ngọc để lại những ấn tượng thật đẹp. Chị là một Phật tử, đã từng phục vụ ca hát ở một Thánh thất Cao đài, hiện nay chị là một ca viên trong ca đoàn giáo xứ Bình Thọ. Gia đình chị sùng đạo Phật, nhưng người thân không những không cản trở chị hát Thánh ca mà còn tạo điều kiện cho chị nghe và tập hát Thánh ca từ thời niên thiếu.

Tham dự Hội ngộ liên tôn lần này, gặp gỡ và trò chuyện các vị chức sắc các tôn giáo bạn, lắng nghe các bài tham luận, tôi thấy giữa các tôn giáo có chung một khát khao là được sống yêu thương và thực thi tình thương cho tha nhân.Khi con người đến với nhau bằng tình thương, họ sẽ tôn trọng nhau và cùng hướng về Thiên Chúa tình yêu.

Sứ điệp của Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 48 có chủ đề "Truyền thông phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thực". Ðức Cha Phêrô Nguyễn Khảm chia sẻ: Vấn đề là ý thức rằng truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật nhưng là vấn đề "con người". Chính con người mới là chủ thể và tác giả của những phương tiện truyền thông. Từ đó, điều quan trọng là phải làm sao để truyền thông phục vụ con người và những giá trị nhân văn, phục vụ tình yêu hơn là hận thù, phục vụ hiệp thông thay vì xa cách, phục vụ sự liên đới thay vì cô lập. Văn hóa gặp gỡ là ở đó. Cho nên Ðức Phanxicô kêu gọi chúng ta: "Chỉ nối mạng mà thôi thì chưa đủ, việc nối mạng này cần phải phát triển thành những cuộc gặp gỡ thật sự", nghĩa là truyền thông phải phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thực. Ðể thật sự gặp gỡ, cần có sự đồng cảm, lắng nghe, chia sẻ. Ðể có được sự gặp gỡ đích thực như thế, với các Kitô hữu, giả thiết phải có cuộc gặp gỡ ở chiều sâu tâm hồn: Gặp gỡ Lời Chúa, gặp gỡ chính mình. Ðây là lý do Ðức Phanxicô kêu gọi chúng ta phải dành thời giờ và tập thói quen sống thinh lặng, kiên nhẫn. Chỉ khi chúng ta cảm nghiệm được Chúa Kitô Phục sinh đồng hành với mình và làm cho tâm hồn mình bừng sáng bằng Lời của Ngài, khi ấy ta mới có thể trở thành những người sử dụng truyền thông để phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thực.

Cách đây 29 năm, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập Ngày liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi và mời giới lãnh đạo của các tôn giáo lớn toàn thế giới tham dự. Ngài đã dùng thuật ngữ "tinh thần Assisi" để gọi ngày lịch sử 27 tháng 10 năm 1986, khi các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn, theo lời mời của Ðức Giáo Hoàng, cùng về Assisi để cầu nguyện cho hòa bình.Các vị Giáo Hoàng kế nhiệm đã tiếp tục con đường đó, và cũng đã mời các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn tụ tập về Assisi để lập lại dấn thân của các tôn giáo trong việc xây dựng hòa bình trên thế giới.

Theo Ðức Hồng Y Gianfranco Ravasi, nếu muốn giải thích "tinh thần Assisi", ta có thể dùng hình ảnh thánh Phaolô đã dùng trong chương 2 của thư Êphêxô: nay không còn ngăn cách giữa dân Do Thái và Dân Ngoại nữa, cả hai đã thành một. Ðức Giêsu đã phá đổ bức tường ngăn cách, đó chính là "tinh thần Assisi", nhưng luôn luôn nhớ rằng mỗi người vẫn đứng vững trong miền đất của mình. Bởi vì sự phong phú của mỗi tôn giáo vẫn được duy trì, chứ không có việc loại bỏ lẫn nhau. Từ đây tuôn trào ra một sứ điệp về sự khiêm nhường, nghèo khó, hiền lành, liên đới, tạo ra một bầu khí lý tưởng trong đó các khác biệt có thể gặp nhau, mà không ai phải từ chối căn tính của mình, nhưng đồng thời được thúc đẩy khẳng định căn tính này là không có thứ kiêu ngạo tạo ra những hàng rào và gây ra những cuộc chiến tranh. (Lm Phanxicô X. Vũ Phan Long, ofm).

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi thăng tiến đối thoại liên tôn trong tinh thần xây dựng, tôn trọng xác tín và căn tính tôn giáo của nhau. Trong Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm" ngài viết: "Một thái độ cởi mở trong sự thật và yêu thương phải là đặc tính của cuộc đối thoại với các tín đồ các tôn giáo không Kitô, tuy có những chướng ngại và khó khăn, đặc biệt là những trào lưu cực đoan trong cả hai phía" (250); "Ðối thoại không có nghĩa là từ bỏ căn tính của mình khi đi gặp người khác, và cũng không phải là chiều theo những thỏa hiệp về đức tin và luân lý Kitô. Trái lại "sự cởi mở chân thực bao hàm sự giữ vững những xác tín sâu xa nhất của mình, với một căn tính rõ ràng và vui tươi" (251), nhờ đó, biết cởi mở tìm hiểu những lý do của tha nhân, có khả năng có được những quan hệ tôn trọng lẫn nhau, với xác tín rằng cuộc gặp gỡ người khác biệt chúng ta có thể là cơ hội để tăng trưởng trong tình huynh đệ, được phong phú hơn và là dịp để làm chứng tá"; "Ðối thoại liên tôn và loan báo Tin Mừng là hai điều không loại trừ nhau nhưng nuôi dưỡng nhau. Chúng ta không áp đặt điều gì cả, chúng ta không sử dụng chiến lược tinh quái để thu hút tín đồ, nhưng chúng ta làm chứng trong niềm vui, với tinh thần đơn sơ, về những gì chúng ta tin và về thực tính của mình.".

Trong những ngày cuối tháng Mười năm 2015, các đại diện các tôn giáo trên thế giới đã quy tụ về Roma để tham dự Hội nghị kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II về mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo khác. Hội nghị diễn ra trong ba ngày từ 26 đến 28 tháng 10 năm 2015 do Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn và Uỷ ban Toà Thánh phụ trách các quan hệ với người Do Thái tổ chức. Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn, nói rằng: "Một trong những thành tựu cơ bản của Nostra Aetate là Giáo Hội nhìn nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác. Trong Tuyên ngôn này, lần đầu tiên, huấn quyền đã nhìn nhận sự thánh thiện cũng có thể hiện diện nơi các tôn giáo khác và điều này có thể dẫn đến một 'tia sáng chân lý soi chiếu tất cả nhân loại'" (WHÐ).

Hội ngộ liên tôn lần thứ năm kết thúc, mọi người vui vẻ chụp hình lưu niệm, lưu luyến chia tay, cho nhau số điện thoại địa chỉ email, hứa hẹn sẽ gặp gỡ lại nhau cách này cách khác. Ước mong kinh nghiệm cụ thể về mối tương quan này ngày càng được gắn kết hơn qua nhiều hình thức tiếp xúc, trao đổi, và khai phá khác nhau; để nhờ đó, cùng với Giáo Hội, người Kitô hữu mở lòng mình ra đối với các truyền thống tôn giáo khác, ngỏ hầu mọi người kính trọng các giá trị đạo đức, tâm linh và tâm lý hiện hữu trong từng truyền thống nơi các tôn giáo bạn. Có những con đường dẫn mọi người đến gần nhau, đó là con đường của tình người,tình đồng bào,tình đồng hương,tình đồng đạo,tình đồng nghiệp, tình đồng môn, tình đồng đội. Những con đường ấy bồi đắp cho nền văn hóa gặp gỡ. Gặp gỡ đối thoại và loan báo Tin Mừng là con đường của mọi kitô hữu hôm nay.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page