Hậu Thượng Hội Ðồng

một vòng nhận định của các nghị phụ

 

Hậu Thượng Hội Ðồng: một vòng nhận định của các nghị phụ.

Roma (VietCatholic News 30-10-2015) - Khách quan mà nhìn, Thượng Hội Ðồng năm 2015 về gia đình quả là một biến cố được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ðó là nhận định hậu Thượng Hội Ðồng của một số nghị phụ.

Lòng thương xót và sự thật

Ngay trước ngày họp cuối cùng của Thượng Hội Ðồng, Ðức Tổng Giám Mục Chaput của Philadelphia, Hoa Kỳ, đã có cái nhìn tổng quát và rất tích cực về Thượng Hội Ðồng. Trong một cuộc phỏng vấn trên liên mạng của tờ National Catholic Register, ngài cho biết "Xét chung, đây là một trải nghiệm rất tốt đẹp, rất thân ái. Bên trong Thượng Hội Ðồng, nó thân ái hơn những người ở bên ngoài tưởng tượng nhiều. Có một số vấn đề và dị biệt nghiêm trọng nơi các nghị phụ Thượng Hội Ðồng, như về bản chất của lương tâm và vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn chẳng hạn# Thủ tục thì mới mẻ. Có một số trục trặc và hàm hồ. Các bản dịch có vấn đề. Tôi nghĩ nhiều nghị phụ muốn thấy Ủy Ban soạn thảo bản văn cuối cùng trong tương lai sẽ được bầu hơn là chỉ định. Nhưng cho tới nay, trải nghiệm này rất tích cực, và tôi tin Bản Tường Trình Sau Cùng sẽ khá hơn bản Tài Liệu Làm Việc rất nhiều".

Về ngôn ngữ cần có để chuyển tải Tin Mừng Gia Ðình, Ðức Tổng Giám Mục Chaput cho rằng ngôn ngữ này càng thổi phồng, ta càng cần ái ngại về ý nghĩa thực sự của các từ ngữ và điều người ta cố tình mập mờ. "Khi các giám mục lên tiếng, ta cần nói đơn giản và rõ ràng như là nội dung lời dậy đòi hỏi. Ta cũng cần trung thực; không lẩn thánh, không hàm hồ. Hiển nhiên, lời lẽ của ta cần được khuôn định bởi đức ái, dè dặt và trọng kính người ta, và cả bởi sự thật nữa. Ðây là hồng phúc vĩ đại nhất mà Kitô Giáo có thể đem tặng thế giới. Sẽ không có lòng thương xót đích thực nếu không có sự thật".

Ngài cũng đánh giá cao phẩm chất các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Ðồng. "Ðem các giám mục lại với nhau sẽ không có nghĩa lý gì, trừ khi bạn muốn các ngài lên tiếng một cách thành thực. Và thẳng thắn là đức tính luôn được Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đề cao# Giáo Hội có thể dùng nhiều đức tính này ở mọi bình diện: trung thực thảo luận, luôn trong tinh thần bác ái và kính trọng. Nhất là hai chữ cuối: bác ái và kính trọng cần hơn là những lời lẽ nghe ra đạo đức mà thực sự giả hình chỉ nhằm tiêu diệt các suy nghĩ của người mình không thích".

Ðức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Ái Nhĩ Lan cũng vậy, ngay trước ngày Thượng Hội Ðồng kết thúc, đã nói với đại diện Ðài Phát Thanh Vatican rằng: Ngài rất ngưỡng phục cách Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tạo khung cho một nghệ thuật lắng nghe đầy chăm chú đối với các vị giám mục suốt trong ba tuần lễ hội họp. Theo ngài, sức mạnh của Thượng Hội Ðồng nằm ở chỗ biết lắng nghe nhau và tại Phòng Thượng Hội Ðồng cũng như trong các nhóm nhỏ, có nhiều ý kiến mạnh mẽ "nhưng cũng có việc lắng nghe nhau một cách kính trọng", mưu cầu hiệp lực và đồng quy...

Không nhằm qui luật tổng quát

Về lại giáo phận của mình, Ðức Cha Jean-Luc Brunin, giám mục giáo phận La Havre, Pháp, trong một cuộc phỏng vấn của tờ La Croix, cho hay: "Tham dự Thượng Hội Ðồng đòi hỏi một việc đầu tư bản thân nhất quán: cần phải biện phân giữa các giám mục sống trong các bối cảnh khác nhau, phải cố gắng hiểu điều các ngài nói khởi đi từ chính kinh nghiệm mục vụ của các ngài. Cũng cần phải lên hình thức cho các đề nghị tiên tiến. Nhưng đây quả là một kinh nghiệm phong phú trong việc biện phân ở bình diện Giáo Hội hoàn cầu. Ðiều này khích lệ tôi diễn tiến trong tính năng động này, luôn chú ý tới các tình huống cụ thể của các gia đình. Như Ðức Thánh Cha đã nói với chúng tôi, chúng tôi không thể vùi đầu vào cát mà phải chào đón thực tại sống của các gia đình và đồng hành với họ".

Ðức Cha Brunin nói thêm: "cần phải nhấn mạnh rằng chúng tôi không được mời gọi đưa ra các qui luật tổng quát mà được mời gọi cùng đi với người ta trong cuộc hành trình bản thân của họ trong đó, các tín hữu tìm hiểu điều Thiên Chúa muốn họ sống. Người ta không thể quyết định kỳ hạn của con đường trước khi đi hết con đường ấy".

Nói về hành trình biện phân của những người ly dị và tái hôn, Ðức Cha giải thích thêm: "kết quả của con đường biện phân như thế không hẳn là quyền được rước lễ mà là quyết định đáp trả điều Chúa Kitô kêu gọi họ sống".

Trả lời một câu hỏi cho rằng kết quả mà Thượng Hội Ðồng đạt được là một kết quả khiến người ta ngã lòng, vì nó thật khó hiểu: xét từng trường hợp một là thế nào; sau một năm chờ đợi, đáng lẽ Ðức Giáo Hoàng phải đã đưa ra được một quyết định dứt khoát mới đúng chứ, Ðức Cha Brunin cho hay: "Xem ra ông ngã lòng vì sự kiện: viễn tượng được mở ra là một viễn tượng về một cuộc hành trình có tính đến tình huống bản thân của người ta. Tuy nhiên, lời mời gọi của Chúa Giêsu và cuộc gặp gỡ với Người luôn có tính bản thân# nghĩa là từng trường hợp một. Chúa Giêsu không bao giờ nhận cho đăng ký làm môn đệ dựa vào một khuôn khổ duy nhất, Người kêu gọi từng người một và những người này lên đường với tính khí của họ, với lịch sử bản thân của họ. Nhờ quan tâm chiêm niệm phương cách hành động của Chúa Giêsu, Thượng Hội Ðồng đã nhấn mạnh rằng điều chủ yếu là lưu tâm tới đường đời của mỗi người, tới các tình huống cụ thể, tới các bối cảnh đặc thù. Tôi giúp ông dấn thân vào một cuộc gặp gỡ với một ai đó, người này sẽ đồng hành với ông trên con đường biện phân để khám ra điều Thiên Chúa muốn kêu gọi ông, Người mời gọi ông hội nhập nhiều hơn vào cộng đồng các môn đệ của Người ra sao".

Nói thêm về Thượng Hội Ðồng nói chung, Ðức Cha Brunin cho biết: "Trong ba tuần lễ, chúng tôi đã sống một trải nghiệm đầy say mê thú vị. Chúng tôi không ở đó để bênh vực các chủ trương lập trường, để lôi kéo người khác theo quan điểm của mình. Chúng tôi ở đó với nhau để biện phân điều Chúa Thánh Thần mời gọi Giáo Hội đồng hành với những con người và những gia đình trong sự đa dạng của hoàn cảnh nơi họ. Chúng tôi đã làm việc đó trong tư cách các mục tử của một Giáo Hội đặc thù, người đem tới cuộc sống, niềm vui, các khó khăn và các đau khổ của các gia đình trong giáo phận chúng tôi. Chính nhờ vậy, từ từ, ý tưởng con đường biện phân và đồng hành đã phát sinh. Thái độ mục vụ này bám rễ sâu trong "sư phạm Thiên Chúa" từng được nêu lên từ phiên đầu của Thượng Hội Ðồng. Sau cùng, chính trong nền thân học ơn thánh, mà Thượng Hội Ðồng đã đặt căn bản cho các đề nghị trình lên Ðức Giáo Hoàng. Diễn tiến này đã nối liền với tính thượng hội đồng mà Ðức Thánh Cha vốn mời gọi Giáo Hội ở mọi bình diện dự phần, từ giáo xứ tới Thượng Hội Ðồng giám mục, xuyên qua các giáo phận và các hội đồng giám mục".

Báo La Croix còn thuật lại nhận định của Ðức Cha Laurent Ulrich, Tổng Giám Mục Lille, Pháp, về Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Ðồng. Ngài hoan nghinh "sự thống nhất tốt đẹp trong quan niệm" và viễn kiến "thực tiễn, mà không bi quan". Theo ngài, bản văn này mở cho các gia đình một con đường hy vọng, một con đường trên đó các gia đình có thể gặp gỡ Chúa Kitô, và biểu lộ các khả năng sống theo Thần Khí ngay trong các yếu đuối mỏng dòn của họ: họ mang quanh họ một phần ánh sáng của Người.

Một diễn trình

Tờ báo này cũng nhắc tới Ðức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục Hoa Thịnh Ðốn, một trong các vị thuộc ủy ban soạn thảo Bản Tường Trình Sau Cùng. Viện Phụ Schroder, một nghị phụ tại Thượng Hội Ðồng năm 2015, cũng nhắc tới vị Hồng Y này, người mà Viện Phụ coi là nhiều kinh nghiệm nhất về Thượng Hội Ðồng, và có cách tiếp cận hết sức quân bình đối với nhiều sự việc, thường khích lệ các điều hợp viên lèo lái các nhóm đi theo hướng đúng.

Trong cuộc phỏng vấn của David Gibson, thuộc Religion News Service ngày 28 tháng Mười, 2015, Ðức Hồng Y Wuerl cho rằng với Thượng Hội Ðồng 2015, Giáo Hội Công Giáo đã chuyển từ chủ nghĩa duy luật qua lòng thương xót và khung tham chiếu từ nay sẽ là: Tin Mừng thực sự đã nói gì về vấn đề này?

Theo ngài, điều mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô cố gắng làm trong hai năm qua với hai Thượng Hội Ðồng liên tiếp về gia đình chính là kêu gọi một diễn trình (process) chứ không hẳn một Thượng Hội Ðồng: một cuộc thảo luận cởi mở về những vấn đề Giáo Hội đang băn khoăn (chữ ngài dùng mạnh hơn: struggling), một cuộc thảo luận mà bạn sẽ không nên đóng cửa trong tương lai.

Ðã đành là Giáo Hội có một giáo huấn rõ ràng về gia đình và Giáo Hội luôn công bố giáo huấn ấy, nhưng giáo huấn ấy cũng bao gồm cả lòng thương xót của Thiên Chúa và sự chăm sóc từng cá nhân tín hữu nữa. Hai yếu tố của cùng một thực tại này là điều Ðức Giáo Hoàng đề cao và làm cho hiển thị một cách chưa từng thấy. Nếu bạn không thể phục vụ con người ở trạng huống hiện tại của họ, là bạn không chu toàn giáo huấn này.

Ý niệm diễn trình hay đồng hành trên nổi bật đến nỗi theo Ðức Hồng Y Wuerl, không nhất thiết Ðức Giáo Hoàng phải ban hành tông huấn hậu thượng hội đồng dựa vào Bản Tường Trình Sau Cùng, mặc dù ngài có thể sẽ làm thế, như nhận định gần đây của Ðức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và của Cha Nicolas, Bề Trên Cả Dòng Tên. Ðức Hồng Y Wuerl cho hay: các bài học rút ra từ Thượng Hội Ðồng 2015 không hẳn phải là các văn kiện, mà trước hết là "Ðây là cách anh chị em thảo luận sự việc trong Giáo Hội: cởi mở". Thứ hai, cố gắng sống giáo huấn trong bối cảnh hiện bạn đang hiện diện và đừng ngã lòng nếu bạn không sống nó cách hoàn hảo, đừng coi bạn không phải là thành phần trong Giáo Hội nếu bạn không sống giáo huấn ấy cách hoàn hảo.

Công trình Chúa Thánh Thần

Báo Lacroix sau đó nhắc tới Ðức Cha Mark Coleridge, Tổng Giám Mục Brisbane, người mà họ coi là hoạt bát nhất tại Thượng Hội Ðồng năm 2015. Vị tổng giám mục này ngỡ ngàng trước "lối nhìn có tính khải huyền của một số nghị phụ quá hăng say trong việc chống lại bất cứ ý tưởng nào nhằm cho phép người ly dị tái hôn rước lễ hay phương thức nào nhân ái và thương cảm hơn đối với người đồng tính". Ngài viết: "đối với một số vị, Thượng Hội Ðồng giống như bãi chiến trường Armaguedon, cuộc quyết đấu cuối cùng giữa con cái ánh sáng và con cái bóng tối. Cuộc quyết đấu giữa thiện và ác, giữa đen và trắng, chứ không gì khác". Tóm lại, là viễn kiến nhị phân mà kết cục là đặt sự đối nghịch giữa "sự thật và lòng thương xót", "Giáo Hội và thế giới", "tín lý và mục vụ". Dù thế, vị tổng giám mục của Úc này vẫn thấy "một điều gì đó lớn hơn", "công trình của Chúa Thánh Thần, Ðấng là tác nhân hàng đầu của Thượng Hội Ðồng". Nhất là khi Ðức Giáo Hoàng lên tiếng. "Vị giáo hoàng này không có chút gì của một người ý thức hệ, ngài ghét ý thức hệ. Ngài có một cảm thức sắc bén về chính trị, nhưng ngài không chơi trò chơi chính trị. Ngài biết có những xác tín và lập trường khác nhau, nhưng ngài nâng ngài lên trên các dị biệt".

Báo Lacroix cũng phỏng vấn Ðức Hồng Y Oscar Maradiaga, phối trí viên của hội đồng chín Hồng Y cố vấn cho Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Vị Hồng Y này cho rằng sau Thượng Hội Ðồng năm 2015, Giáo Hội sẽ Samaritanô (nhân ái) nhiều hơn và ngài cho rằng Thượng Hội Ðồng lần tới nên bàn về tính thượng hội đồng, tính hợp đoàn và việc tản quyền trong Giáo Hội.

Ngài nói rằng ngài rất hãnh diện "vì chúng tôi đã vẫn hợp nhất, bất chấp các dị biệt văn hóa, các lối suy nghĩ khác nhau, các nhận thức thực tại đôi khi cách nhau tới 180 độ của chúng tôi. Các vị giám mục phần lớn làm việc tại các văn phòng, với ít kinh nghiệm mục vụ đoàn chiên, là những vị duy luật nhiều nhất. Nhưng các dị biệt này vẫn không ngăn cản được việc chấp nhận các đường hướng chỉ đạo chung nhằm cải thiện nền mục vụ gia đình. Ngay Liên Hiệp Quốc cũng không có được khả năng này bởi vì chính trị tụ họp họ lại chứ không phải đức tin".

Nói về những điều mới mẻ do Thượng Hội Ðồng này đem tới, Ðức Hồng Y Maradiaga cho hay: có thể là tự do phát biểu, phát biểu thành thực và tinh thần hợp đoàn cũng như tản quyền.

Cung kính

Tạp chí America thì phỏng vấn Ðức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, Anh. Ngài cho rằng các chữ "đồng hành", "biện phân" và "cung kính lắng nghe" trong Bản Tường Trình Sau Cùng là những chữ "tuyệt đối chủ yếu", cho thấy Giáo Hội đặt "lòng thương xót của Thiên Chúa trong cái hiểu trọn vẹn của nó vào trong trái tim mình", một Giáo Hội trong đó, "lòng thương xót vĩ đại của Thiên Chúa trở nên có thực chất đối với đời người".

Một kiểu nói rất hay nữa là kiểu nói ví gia đình là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu thế thì trước gia đình ta phải hành xử một cách tôn kính.

Nhận định về ba đoạn của Bản Tường Trình Sau Cùng nói về ly dị tái hôn bị số phiếu chống cao, Ðức Hồng Y Nichols cho rằng: động lực của số phiếu chống cao này là sự sợ hãi lo lắng, nên trong diễn từ cuối cùng của ngài, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên họ: "can đảm lên, hãy đứng dậy, đừng sợ!".

Ðức Hồng Y Nichols nhắc lại bầu khí cởi mở tại Thượng Hội Ðồng. Ngài còn nhớ câu phát biểu thời danh của Ðức Hồng Y Schonborn: "xin qúy vị thận trọng khi nói về người ly dị vì cha mẹ tôi là những người ly dị. Xin qúy vị suy nghĩ cách nói về vấn đề này, vì chúng ta nói về chính đời sống ta, về đời sống các người của chính ta".

Ðức Giáo Hoàng bảo đảm sự hợp nhất

Tạp chí America cũng phỏng vấn Viện Phụ Jeremias Schroder, một trong các nghị phụ của Thượng Hội Ðồng năm 2015. Viện Phụ năm nay 50 tuổi, thuộc Dòng Biển Ðức Truyền Giáo tại St. Ottilien. Hiện dòng có 1,000 thành viên, rải rác trên 20 quốc gia. Theo Viện Phụ, Thượng Hội Ðồng cần một viễn ảnh lịch sử, vì mối liên hệ của Giáo Hội với thời hiện đại và lịch sử của nó là "những vấn đề bao trùm" của Thượng Hội Ðồng.

Viện Phụ cho rằng "những điều hiện nay ta coi là chân lý trường cửu thực ra đã chỉ được lên công thức tại Công Ðồng Trent, và đây là điều nhiều nghị phụ Thượng Hội Ðồng không hiểu... Là các tu sĩ Biển Ðức, chúng tôi lớn lên với một cảm thức lịch sử, mọi điều chúng tôi có đều được lên khuôn trong lịch sử, nhưng cảm thức này không có trong Thượng Hội Ðồng".

Tuy nhiên, Viện Phụ cho hay các nghị phụ Thượng Hội Ðồng đã tiến lại "gần nhau hơn nhiều", không nhất thiết về lập trường mà là về "cách phát biểu". "Các ngài nhìn vào mắt nhau. Chúng tôi ngồi sát cạnh nhau, đụng cùi chỏ nhau là thường, trong những căn phòng nhỏ xíu".

Các dị biệt lớn lao thường liên hệ tới tín lý, cảm thức đức tin và việc sử dụng ngôn ngữ. Và điều này "củng cố điều Ðức Giáo Hoàng nói vào hôm thứ Bẩy: rằng con đường của Thượng Hội Ðồng đạt tới đỉnh cao của nó nơi Giám Mục Rôma. Ngài là người bảo đảm sự hợp nhất của ta".

Cám ơn mẹ

Ðài Phát Thánh Vatican thì phỏng vấn Ðức Cha Charles Palmer Buckle, Tổng Giám Mục Accra của Ghana về trải nghiệm của ngài trong ba tuần dự Thượng Hội Ðồng năm 2015. Ngài cho biết: Thượng Hội Ðồng đã làm ngài hiểu thấu tầm quan trọng của gia đình.

Ngài bảo: "tôi muốn chạy về nhà ôm lấy mẹ tôi, năm nay đã 88 tuổi, nhẩy nhót vòng vòng với ngài mà nói: 'mẹ ơi, con cám ơn mẹ và thầy'. Thầy tôi qua đời đã 30 năm nay. Mẹ tôi thì còn sống. Tôi muốn cám ơn mẹ. Tôi muốn hôn tay mẹ mà nói: cám ơn mẹ... vì thầy tôi và mẹ tôi đã dưỡng dục chúng tôi trong cảnh đơn sơ. Thầy tôi chỉ là một dược sĩ; mẹ tôi là bà nội trợ. Và cha có biết chúng tôi bao nhiêu người không?... Mười hai người con: bẩy trai, năm gái, tất cả đều được giáo dục đàng hoàng; cao nhất có thể đạt tới".

Ðiều còn kỳ diệu hơn, theo Ðức Tổng Giám Mục Buckle là cha mẹ ngài đã giữ cho anh chị em ngài và các con các cháu đông đúc của họ đoàn kết với nhau cho tới tận nay: "nhờ đức tin của thầy mẹ tôi, tất cả chúng tôi vẫn đoàn kết với nhau".

Trọn vòng Emmau

Thiển nghĩ nhận định cảm động nhất về Thượng Hội Ðồng năm 2015 phải dành cho Ðức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York. Thực vậy, vừa về tới tổng giáo phận của mình ngày 26 tháng Mười, 2015, Ðức Hồng Y tải lên blog của ngài www.cardinaldolan.org một bài chia sẻ, trong đó ngài nói tới ba ơn phúc và hai thách đố.

Ơn phúc đầu tiên là được thấy Ðức Thánh Cha hàng ngày, không hẳn để được lắng nghe ngài mà là được ngài hết sức lắng nghe. Ngài yêu cầu các nghị phụ nói tự do và dành giờ lắng nghe từng vị! Ơn phúc thứ hai là Giáo Hội hoàn vũ: tại Thượng Hội Ðồng, Ðức Hồng Y được gặp các giám mục anh em, các đại biểu đại kết, các thần học gia và các cặp vợ chồng khắp thế giới, tính hoàn vũ thật là hiển hiện. Bài học là: ta thuộc về Giáo Hội, nhưng ta không là toàn bộ Giáo Hội, thành thử khi Thượng Hội Ðồng trở tới trở lui với một số vấn đề tranh cãi "thì cần nhớ rằng# ta phải nhìn quá bên kia những quan tâm hẹp hòi của mình".

Ơn phúc thứ ba: chứng tá đời sống gia đình Công Giáo. Chắc chắn, có những bất đồng tại Thượng Hội Ðồng, nhưng không có bất đồng nào về tầm quan trọng có tính yếu tính tuyệt đối của gia đình, tính trung tâm của nó trong kế hoạch cứu rỗi của ta. Thượng Hội Ðồng nhắc ta nhớ: ta cần cám ơn thầy mẹ ta trước nhất, như Ðức Tổng Giám Mục Buckle muốn làm trên đây. Ðức Hồng Y Dolan tâm sự: Nghe các cặp vợ chồng kể lại chứng từ của họ, ngài cảm thấy phải cám ơn các gia đình trong tổng giáo phận New York vì lòng "đại lượng sống ơn gọi làm môn đệ của Chúa trong phép hôn phối thánh thiện, như những người cha người mẹ, như các phụ huynh và con em, như các ông bà, người đỡ đầu, như cô cậu chú dì, và như anh chị em!"

Còn về hai thách đố, thì thách đố đầu tiên là đi trọn con đường hay hành trình Emmau. Ai cũng đã thuộc lòng câu truyện Chúa đồng hành với hai môn đệ đang ngã lòng trên đường Emmau tiến vào đêm tối và nhờ cuộc đồng hành này, họ mở mắt ra và quyết chí đi ngược trở về ánh sáng phục sinh của Giêrusalem!

Phương thức đồng hành nói trên của Chúa Giêsu đã được Ðức Hồng Y Thomas Christopher Collins của Toronto trình bầy tại Thượng Hội Ðồng và được Ðức Hồng Y Dolan tóm tắt như sau: Chúa Giêsu đến gần. Người đồng hành với họ một cách đầy yêu thương. Người hỏi họ cho biết tình huống của họ. Người lắng nghe trải nghiệm của họ. Người phê phán sai lầm của họ. Người dạy họ sự thật của Thánh Kinh. Người tự mặc khải trong Phép Thánh Thể. Nhờ đó, Người phục hồi niềm hy vọng của họ và dẫn họ trở về (Giêrusalem)!

Các môn đệ đi hướng sai, Chúa Giêsu đã dẫn họ đi ngược lại đúng hướng! Một vòng Emmau tròn trịa. Một số góp ý trong Thượng Hội Ðồng chỉ có nửa vòng Emmau, cái nửa vòng thất vọng đưa người ta vào bóng đêm. Cái nửa vòng chỉ đồng hành mà không trở lại. Cái nửa vòng chỉ có hỏi và lắng nghe, vô tình giam hãm người ta mãi xa ơn cứu rỗi. Nếu chỉ phê phán thì chỉ tổ gây thêm đau khổ cho người đang đau khổ. Nếu chỉ dạy sự thật khách quan của Thánh Kinh, thì ta đâu có chỉ cho người ta thấy làm thế nào nó là tin vui cho từng linh hồn cá thể. Nếu ta mang người ta tới Thánh Thể mà trước đó không chuẩn bị để họ hoán cải hồi tâm, thì làm sao họ được mạc khải của Chúa Giêu biến cải!

Ðã đành là không dễ, nhưng thách đố có bao giờ dễ dàng. Nói tóm lại sứ mệnh của ta là:đến gần, đồng hành, hỏi, lắng nghe, phê phán sai lầm, dạy sự thật của Tin Mừng, tỏ bầy Chúa Kitô, phụ chồi hy vọng, làm người ta hóan cải, trờ lại với Giáo Hội.

Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Ðồng, theo Ðức Hồng Y Dolan, đã bao trùm tất cả các bước ấy trong các đề nghị của mình.

Thách đố thứ hai: Phòng Trên Lầu. Chúa hiện ra với các môn đệ vẫn ở lại Phòng Trên Lầu! Họ chẳng tốt lành gì, cũng nhát đảm, mất tinh thần, đầy hoài nghi, bất trắc, nhưng họ không trốn chạy vào đêm tối như hai môn đệ Emmau, họ tiếp tục ở lại Phòng Trên Lầu, là nơi họ nên ở lại, với nhau, chờ được xác nhận tin vui do Maria Mađalêna mang tới rằng Thầy đã sống lại thật rồi!

Ðức Hồng Y Dolan viết rằng không phải ai ai cũng lên đường đi Emmau, bước vào đêm đen. Có những người vẫn anh hùng ở lại với "tiểu Giáo Hội", dù với cửa kín then cài vì sợ bị lộ là môn đệ của người bị đóng đính! Chúa Giêsu đã đồng hành với họ và Giáo Hội cũng phải đồng hành với họ.

Những người trên ngày nay bị coi là tân thiểu số, dù họ đông vô kể, tân thiểu số đối với nền văn hóa đương thịnh. Các nghị phụ cũng như các quan sát viên tại Thượng Hội Ðồng nhấn mạnh: họ là những người độc thân, những người bị lôi cuốn bởi người đồng phái, những người ly dị, những người góa vợ góa chồng, những người mới tới một quốc gia mới lạ, những ngừơi khuyết tật, những người già cả, quanh quẩn trong nhà, các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo.

Riêng Ðức Hồng Y Dolan thì thêm: họ là những cặp vợ chồng cậy nhờ ơn thánh và lòng thương xót của Chúa luôn cố gắng sống nhân đức và trung thành: trì chí qua các thử thách, vì coi hôn nhân là chuyện vĩnh viễn; là các thanh niên nam nữ quyết định không chung sống với nhau trước khi cưới nhau; người đồng tính nam nữ muốn sống trong sạch...

Những người như trên đáng được ta khích lệ và nâng đỡ. Nhưng ngược lại họ cũng khích lệ ta và nâng đỡ ta bằng chứng tá sống của họ.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page