Thượng Hội Ðồng
tường trình phần hai của nhóm nói tiếng Ðức
Thượng Hội Ðồng, tường trình phần hai của nhóm nói tiếng Ðức.
Roma (VietCatholic News 21-10-2015) - Ngày 14 tháng Mười năm 2015, Tòa Thánh đã bắt đầu cho công bố các bản tường trình các cuộc thảo luận về phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc do 13 Nhóm Nhỏ của Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình đệ trình, trong đó, có tường trình của nhóm nói tiếng Ðức. Sau đây là bản dịch Việt ngữ của bản tường trình vừa nói, dựa trên bản tiếng Anh của hãng tin CNA:
Ðiều hợp viên: Ðức Hồng Y Christof Schonborn
Tường Trình Viên: Ðức Tổng Giám Mục Heiner Koch
Chúng tôi đã thảo luận sâu rộng các ý niệm, vẫn luôn được coi như chống chọi nhau, là thương xót và sự thật, ơn thánh và công lý, và mối tương quan thần học giữa chúng với nhau. Nơi Thiên Chúa, chúng không hề chống chọi nhau: vì Thiên Chúa là tình yêu, nơi Người công bình và thương xót chỉ là một. Lòng thương xót của Thiên Chúa là sự thật nền tảng của mạc khải của Người, không hề chống chọi đối với các sự thật khác của mạc khải. Ðúng hơn, nó vén mở cho ta nền tảng sâu xa nhất của mạc khải, vì nó cho ta hay tại sao Thiên Chúa lại tự đổ mình ra nơi Con một của Người và tại sao Chúa Giêsu Kitô, bằng lời nói và bằng các bí tích của Người, đang hiện diện và ở lại để cứu chuộc ta trong Giáo Hội của Người. Qua việc này, lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ cho ta thấy lý do và mục đích của toàn bộ công trình cứu chuộc. Công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót của Người, với nó, Người đã làm ta ra công chính.
Chúng tôi cũng xét xem việc đi sâu vào nhau này đem lại những hậu quả nào cho việc chúng ta đồng hành với hôn nhân và gia đình. Nó đòi phải loại bỏ việc giải thích một chiều, theo lối diễn dịch, là lối rút các tình huống cụ thể từ một nguyên tắc tổng quát. Theo chiều hướng của Thánh Tôm Aquinô và cũng là của Công Ðồng Trent, người ta mong áp dụng các nguyên tắc nền tảng vào từng tình huống chuyên biệt, thường là phức tạp, một cách thận trọng và khôn ngoan. Ở đây, người ta không nói tới các ngoại lệ, mà Lời Thiên Chúa vốn không áp dụng, mà là nói tới việc áp dụng công bình và thích đáng lời lẽ của Chúa Giêsu một cách thận trọng và khôn ngoan, thí dụ, lời Người nói về tính bất khả tiêu của hôn nhân. Thánh Tôma Aquinô minh họa sự cần thiết của việc áp dụng cụ thể như sau: "việc tùy thuộc sự thận trọng không chỉ có nghĩa phải xem xét lý do, mà cả việc áp dụng vào hành động nữa, một việc vốn là cùng đích của lý trí thực tiễn" (STh II-II 47.3: "ad prudentiam pertinet non solum consideratio rationis, sed etiam applicatio ad opus, quae est finis practicae rationis").
Một khía cạnh khác được chúng tôi thảo luận là chủ đề tiệm tiến dẫn người ta tới bí tích hôn nhân như nhiều lần được nhắc đến trong chương ba của phần thứ hai Tài Liệu Làm Việc, từ các mối liên hệ không chính thức tới những cặp sống chung không cheo cưới tới những cặp kết hôn dân sự và sau cùng tới cuộc hôn nhân bí tích và có tính bí tíc theo Giáo Hội. Ðồng hành với những người này trên những bước khác nhau về mục vụ là một trách nhiệm mục vụ lớn lao, nhưng cũng là một niềm vui.
Ðiều cũng đã trở nên rõ ràng đối với chúng tôi là trong nhiều cuộc thảo luận và nhận xét, chúng tôi suy nghĩ một cách quá tĩnh, không đủ tính lịch sử và đời người (biographically-historically). Giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân đã theo lịch sử mà phát triển và được thâm hậu hóa. Khởi đầu, nó tìm cách nhân bản hóa hôn nhân, nhờ thế mà có xác tín về đơn hôn. Dưới ánh sáng đức tin Kitô Giáo, phẩm giá bản thân của các người phối ngẫu được nhìn nhận một cách sâu sắc hơn và hình ảnh Thiên Chúa nơi con người được nhận thức qua mối tương quan đàn ông đàn bà. Bước tiếp theo, một Giáo Hội học về hôn nhân đã được đào sâu, và hôn nhân được hiểu như một Giáo Hội tại gia.
Cuối cùng, bản chất bí tích của hôn nhân được Giáo Hội hoàn toàn ý thức. Ngày nay, con đường thâm hậu hóa có tính lịch sử này cũng đang được phản ảnh trong tiểu sử nhiều con người. Thoạt đầu, họ được đánh động bởi chiều kích nhân bản của hôn nhân, sau đó, họ được thuyết phục bởi viễn kiến Kitô Giáo về hôn nhân trong đời sống Giáo Hội, và từ đó, họ tìm ra đường cử hành hôn nhân bí tích. Việc phát triển có tính lịch sử của giáo huấn Giáo Hội cần tới thời gian như thế nào, thì phương thức mục vụ cũng phải dành thời gian cho người ta chín mùi trên đường tiến tới cuộc hôn nhân bí tích của họ như thế, chứ không thể hành động theo nguyên tắc "tất cả hay không gì cả".
Chính ở đây, người ta thấy ý niệm về một "diễn trình năng động" (FC số 9) đang khai triển phải được thăng tiến, một ý niệm từng được Ðức Gioan Phaolô II trình bầy trong Familiaris consortio: "Quan tâm mục vụ của Giáo Hội sẽ không chỉ tự giới hạn vào các gia đình Kitô hữu hiện nay; nó sẽ kéo dài tới tận chân trời của nó, phù hợp với Trái Tim Chúa Giêsu, và sẽ tự chứng tỏ là sống động hơn nữa đối với các gia đình nói chung và cách riêng đối với các gia đình đang rơi vào các tình huống khó khăn hay bất hợp lệ" (FC số 65). Giáo Hội không tránh khỏi thấy mình rơi vào một căng thẳng ở đây, giữa một đàng là giáo huấn nhất thiết rõ ràng về hôn nhân và gia đình, và đàng kia là trách nhiệm mục vụ cụ thể phải đồng hành với người ta và thuyết phục họ, khi lối sống của họ chỉ một phần phù hợp với các nguyên tắc căn bản của Giáo Hội. Với họ, Giáo Hội phải bước theo con đường dẫn tới một cuộc sống hôn nhân và gia đình viên mãn như là tin mừng các lời hứa gia đình.
Ðể đạt được điều trên, ta cần phải có một nền chăm sóc mục vụ nhắm vào con người, và bao gồm như nhau tính qui phạm của giáo huấn Giáo Hội và tính nhân vị của con người nhân bản, lưu ý tới khả năng của con người có thể đào tạo được lương tâm và củng cố trách nhiệm của mình. "Vì, trong trái tim họ, con người có một luật lệ được Thiên Chúa viết sẵn ở đó; vâng phục luật lệ này chính là phẩm giá của họ; họ sẽ được phán xét theo đó. Lương tâm là cốt lõi bí nhiệm nhất và là cung thánh của con người. Ở đó, họ một mình với Thiên Chúa; tiếng Người vang vọng tận thẳm sâu nhất của họ" (GS số 16).
Hơn nữa, chúng tôi yêu cầu bản cuối cùng của văn kiện này nên xem xét hai khía cạnh:
Không nên có bất cứ ấn tượng nào rằng Thánh Kinh chỉ được dùng như một nguồn trích dẫn cho các xác tín thuộc tín điều, luật lệ hay đạo đức học mà thôi. Lề luật của Tân Ước là công trình của Chúa Thánh Thần nơi trái tim tín hữu (xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, các số 1965-1966). Lời viết phải được tích nhập vào Lời Hằng Sống vốn ngự cư nơi Chúa Thánh Thần trong trái tim con người. Ðiều này đem lại cho Thánh Kinh một sức mạnh thiêng liêng sâu rộng.
Sau cùng, chúng tôi vật lộn với ý niệm hôn nhân tự nhiên. Trong lịch sử nhân loại, hôn nhân tự nhiên này luôn được văn hóa lên khuôn. Ý niệm hôn nhân tự nhiên có thể bao hàm điều này: có một hình thức sống tự nhiên cho nhân loại mà không cần bất cứ ảnh hưởng sâu rộng nào của văn hóa. Do đó, chúng tôi đề nghị nên viết thế này: "hôn nhân, như được đặt căn bản trên Tạo Dựng".
Vũ Văn An