Thượng Hội Ðồng
phúc trình phần hai của các nhóm nói tiếng Pháp
Thượng Hội Ðồng, phúc trình phần hai của các nhóm nói tiếng Pháp.
Roma (VietCatholic News 19-10-2015) - Phúc trình phần hai của các nhóm nói tiếng Pháp trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 2015 về gia đình:
I. Nhóm A
Ðiều hợp viên: Ðức Hồng Y Gérald Cyprien LACROIX
Tường trình viên: Ðức Tổng Giám Mục Laurent ULRICH
Buổi sáng thứ nhất của chúng tôi bắt đầu bằng một cuộc chia sẻ về cuộc sống giữa chúng tôi. Vị điều hợp viên của chúng tôi đề nghị chúng tôi nói cho nhau, các giám mục, các dự thính viên và các chuyên viên, nghe đời sống gia đình của mỗi người chúng tôi, tuổi thơ của chúng tôi trong gia đình, đã ghi dấu chúng tôi ra sao. Những gì chúng tôi đã ghi nhớ được từ tấm gương của cha mẹ chúng tôi, những gì các ngài đã giúp chúng tôi sống và đào tạo chúng tôi. Và, trong ít lời, mỗi người đã đi rất sâu vào kinh nghiệm nhân bản và tâm linh của mình. Hiển nhiên đây không phải là nơi để thuật lại bất cứ những gì diễn ra trong cuộc chia sẻ này, nhưng chỉ xin nhấn mạnh rằng điều chúng tôi từng sống trong gia đình của mình, ngay từ đầu đời mình, đã chứng kiến ơn gọi của chúng tôi nẩy sinh và cung cách mỗi người chúng tôi đáp lại ơn gọi này. Chính vì thế, việc làm của chúng tôi đã bắt đầu bằng hành vi tạ ơn.
Rồi chúng tôi xem xét toàn bộ phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc. Và chúng tôi xin được đưa ra các nhận xét sau đây:
Chúng tôi đánh giá cao việc khoảng ba mươi số đoạn này đã cho phép thực hiện một tổng hợp để hôm nay trình bầy tin vui về chủ đề đời sống gia đình, và chúng tôi thiển nghĩ phần này quả thực là cần thiết. Không hẳn là việc làm lại trọn bộ nền thần học về hôn nhân và gia đình, vì các trang này không phải là một khảo luận và không thể có tham vọng làm một khảo luận. Nhưng điều được đòi hỏi và mong đợi là Thượng Hội Ðồng này nói lên các khía cạnh nổi bật nhất và khẩn thiết nhất của tin vui này, một tin vui mà chúng ta không dành riêng cho một mình người Công Giáo, nhưng chúng ta có thể và muốn cung hiến cho mọi con người làm nguồn hy vọng. Về khía cạnh này, chúng tôi đánh giá cao các đoạn trực tiếp phát xuất từ Thượng Hội Ðồng đặc biệt năm 2014, nhất là các số 37, 39, 41 và 44, dù chúng tôi có đưa vào đó một số sửa đổi.
Công việc thực hiện tuần trước về phần thứ nhất, đã cho phép nhấn mạnh sự phong phú lớn lao và sự đa dạng văn hóa cũng như các vấn nạn theo từng vùng trên thế giới. Tiện thể, chúng ta nên lưu ý điều này: việc sống chung và hôn nhân dân sự đã được nhắc đến khá nhiều lần; muốn đầy đủ với tính đa dạng này, đã có lời yêu cầu phải luôn kể thêm vào đây những cuộc hôn nhân theo phong tục.
Nhưng dù không phải nơi nào chúng ta cũng đương đầu với cùng những vấn đề như nhau, tính hợp nhất trong giáo huấn của ta về gia đình, ở đây, cũng vẫn cần được phát biểu cách rõ ràng như là một dính kết sống động với Ðấng Cứu Rỗi và Là Ðức Chúa duy nhất của mọi người.
Ðể thuận lợi hóa sự hợp nhất về giáo huấn này, cần phải nói rằng phần này chưa được xây dựng một cách vững mạnh đủ trên Thánh Kinh. Chúng tôi yêu cầu điều này: để phù hợp với giáo huấn của hiến chế Dei Verbum, điều cần được quả quyết ở đây phải chủ yếu dựa vào Lời Thiên Chúa.
Chắc chắn, chính ý niệm "sư phạm Thiên Chúa" cũng phải được mô tả hơn nữa bằng cách tuân theo quá trình từ mạc khải của giao ước đầu tiên qua giao ước mới. Các trình thuật đầu tiên, rồi các lời kêu gọi tiên tri phải trung thành không thể im lặng bỏ qua được. Chúng tôi ghi nhận lời kêu gọi mà chúng tôi đã nghe được ngay ở đây trong Ðại Sảnh này rằng trong tài liệu trình bầy này phải tìm chỗ để nhắc tới các sách khôn ngoan, tới sách Diễm Ca. Và chúng tôi mong muốn rằng ta không nên chỉ tham chiếu vài ba lời rất nổi tiếng của Tin Mừng để tóm lược giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng phải nhấn mạnh tới nhiều cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các gia đình và các thực tại gia đình của cuộc sống: việc chào đón Người dành riêng cho trẻ em, việc lưu tâm Người dành cho các người cha năn nỉ Người tới chữa lành cho đứa con, lời kêu gọi Người ngỏ với các đám đông để họ trở nên gia đình của Thiên Chúa bằng cách lắng nghe lời Người và đem nó ra thực hành. Và có lẽ điều này nữa: bắt đầu với việc nhắc nhớ rằng Chúa Giêsu đã sống phần lớn đời của Người trong cảnh tầm thường của một cuộc sống gia đình.
"Sư phạm Thiên Chúa" đã tự mặc khải bằng việc làm suốt trong mạc khải Thánh Kinh; và nó tiếp tục được Giáo Hội cảm nghiệm trong cách thế nó hiện diện với các cặp vợ chồng và các gia đình, để giúp họ trên đường đời, trong hân hoan cũng như trong thử thách, trong hành vi tạ ơn cũng như trong lúc cầu xin tha thứ, trong việc xây dựng sự hợp nhất của họ cũng như trong việc dấn thân phục vụ toàn bộ xã hội.
Chúng tôi cũng muốn rằng bản văn này, dù chắc chắn phát xuất từ nhiều nguồn khác nhau (nhất là bản Relatio Synodi [tường trình sau cùng của Thượng Hội Ðồng năm 2014] và những đóng góp lần lượt được thêm vào trong một năm qua) sẽ biểu lộ được một sự thống nhất nhiều hơn về quan niệm, và nhất là nó đừng bị ngắt quãng nhiều lần bởi các xem xét, không luôn luôn đồng nhất với nhau, đối với tính bất khả tiêu như thể đây là lo âu duy nhất của chúng ta.
Chúng tôi cũng thấy hiện đang có cơn cám dỗ muốn đi quá nhanh vào các định hướng mục vụ của phần ba, và điều này xâm hại tới tính thống nhất và tính dễ đọc của bản văn. Thí dụ, chúng tôi thấy đáng lưu ý việc người ta khai triển lời mời phải tiếp xúc nhiều hơn với Lời Thiên Chúa trong gia đình, nhưng có lẽ việc này hơi quá sớm khi việc này xuất hiện ngay ở đoạn hai của phần này (số 38). Do dó, chúng tôi xin đề nghị sắp xếp lại chương một của phần này vì cách tổ chức thứ tự hiện nay không rõ ràng lắm.
Sau cùng, chúng tôi yêu cầu, và đã đưa ra các sửa đổi theo chiều hướng này, rằng ta nên nói nhiều đến lòng trung thành và tính bất khả tiêu như một ơn phúc và như một lời kêu gọi, hơn là như những hạn từ luật lệ chỉ bổn phận. Không nên quan niệm chúng như những điều chồng lên trên cam kết, mà đúng hơn như những điều được hội nhập sâu xa vào ngôn ngữ yêu thương và bao gồm trong chiều kích thần học của nó. Nên nói đến hôn nhân trước nhất như ơn gọi và lời mời hiệp thông. Ước chi ta cũng nói tới gia đình bằng các hạn từ ơn gọi và trong tất cả những điều này, ta thấy và khai triển được một quan niệm về tình yêu nhân bản trong tình yêu Thiên Chúa vốn đã được mạc khải cho ta.
II. Nhóm B
Ðiều hợp viên: Ðức Hồng Y Robert SARAH
Tường trình viên: Cha Francois-Xavier DUMORTIER, S.I.
Tôi muốn diễn tiến với ba phần: 1) việc làm của chúng tôi; 2) một vài xem xét tổng quát;
3) một số suy tư.
1. Việc làm của chúng tôi
Khảo sát phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc: "biện phân ơn gọi gia đình" đòi chúng tôi đọc bản văn và việc đọc này đã dẫn tới:
- việc soạn thảo một lần nữa các sửa đổi: 18 sửa đổi đã được bỏ phiếu;
- việc đề nghị một cấu trúc mới cho chương thứ nhất;
- việc quyết định điều này: nhiều số đáng lẽ ra nên thuộc phần thứ ba và cuối cùng có thể tổng hợp vào đó;
- việc buộc phải đương đầu với khó khăn sửa đổi một số yếu tố trong bản văn trong lúc vẫn phải tôn trọng kết cấu hiện tại của Tài Liệu Làm Việc.
2. Một số xem xét tổng quát
Có tất cả bốn xem xét:
2.1. Chúng tôi ước mong bản văn nên được diễn tả nhiều hơn bằng ngôn ngữ thần học Thánh Kinh; hơn nữa, chúng tôi nhất trí nghĩ rằng phần Thánh Kinh của chương thứ nhất đòi một sự thay đổi sâu xa và một việc viết lại hoàn toàn là những việc không thể làm được bằng việc đưa ra các sửa đổi;
2.2. Ðiều quan trọng là bản văn cuối cùng phải rõ ràng và đơn giản, tránh hàm hồ và hiểu lầm rất có hại cho việc hiểu ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay;
2.3. Chắc chắn điều cần là phải xét tới tính mỏng dòn, các khó khăn và đau khổ của gia đình, nhưng không nên đánh gía quá đáng tình huống hiện nay, bằng cách nhớ rằng các vấn nạn này luôn hiện hữu. Việc nhấn mạnh tới chiều kích thực tại gia đình này đã dẫn tới việc phải nhấn mạnh điều này: Giáo Hội đồng hành với mọi con cái của mình, và Giáo Hội phải công bố Tin Mừng và lời của Tin Mừng kêu gọi quay về với Chúa Kitô một cách mạnh mẽ và đầy yêu thương trong việc kính trọng mọi người. Việc tiếp nhận "ơn gọi gia đình" được nhận biết và sống nhờ ánh sáng và sức mạnh của ơn thánh Chúa;
2.4. Cái nhìn hướng về Chúa Giêsu và việc lắng nghe lời Người không dẫn ta tới việc hiểu Tin Mừng gia đình như một gánh nặng gồm những đòi hỏi nặng nề, mà như lời mời sống trong tự do và niềm vui đức tin, sự thật và vẻ đẹp của gia đình. Như Ðức Thánh Cha từng nhắc nhở chúng ta "rất nhiều gia đình sống cuộc hôn nhân của họ như một không gian nơi tình yêu Thiên Chúa tự biểu lộ để bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống, tính đơn nhất và bất khả tiêu của dây hôn phối như là dấu chỉ ơn thánh của Thiên Chúa và khả năng yêu thương nghiêm túc của con người".
3. Một số suy tư
Các suy tư này cũng là bốn:
3.1. Một trong các vấn đề thời sự và hết sức chủ yếu là tự hỏi xem làm thế nào hướng dẫn người ta, nhất là giới trẻ, khám phá ra ý nghĩa và sự quan trọng của hôn nhân Kitô Giáo trong khi họ khó có thể thấy các lý do và cùng đích của nó. Bởi thế, các nghị phụ đã nhấn mạnh tới con số sa sút các cuộc hôn nhân cử hành tại một số giáo xứ của các thành phố lớn ở Âu Châu.
3.2. Chúng tôi đã làm mạnh thêm những gì Tài Liệu Làm Việc nói về sự quan trọng của việc cầu nguyện trong gia đình để có thể sống con đường phát triển đời sống bên trong và thâm hậu hóa chiều kích thiêng liêng của đời sống gia đình. Là Giáo Hội tại gia, gia đình quả đươc mời để sống lời kêu gọi tiến tới sự thánh thiện, tự tìm lại mình và tụ tập với nhau nhân danh Chúa Giêsu Kitô để được nuôi dưỡng bằng lời của Người, để sống sự tha thứ, để thông truyền đức tin và để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô;
3.3. Nhờ suy nghĩ về gia đình theo giáo huấn của Giáo Hội, chúng tôi đã nhất trí bỏ phiếu chấp nhận một sửa đổi như sau: "Việc công bố Tin Mừng gia đình ngày nay đòi Huấn Quyền phải can thiệp để đơn giản hóa và làm cho gắn bó hơn học lý thần học và giáo luật hiện hành về hôn nhân";
3.4. Từ khi bắt đầu các cuộc trao đổi của chúng tôi và trong nhiều chỉnh sửa, chúng tôi đã hoàn toàn tán trợ điều Tài Liệu Làm Việc coi là cần thiết phải cổ vũ gia đình "như chủ thể của hành động mục vụ". Sự chuyển dịch từ gia đình như đối tượng của hành động mục vụ sang gia đình như chủ thể của hành động mục vụ chắc chắn là một trong những đóng góp chủ yếu của Thượng Hội Ðồng này vào đời sống Giáo Hội.
III. Nhóm C
Ðiều hợp viên: Ðức Cha Maurice PIAT, Dòng Chúa Thánh Thần
Tường trình viên: Ðức Cha Paul-André DUROCHER
Kính thưa Ðức Thánh Cha, anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,
Như mọi nhóm khác, nhóm chúng con đã đệ nạp cho Ủy Ban Soạn Thảo một số sửa đổi liên quan tới phần hai của Tài Liệu Làm Việc. Tuy nhiên, ngoài các sửa đổi ra, chúng con tin rằng bản văn này cần được phát biểu lại cho sâu sắc hơn, vì ba lý do sau đây:
1. Trong tính năng động của phương pháp nhìn xem - phán đoán - hành động, phần hai này là phần phải dẫn tới việc bám sâu sự biện phân của chúng ta trong viễn kiến toàn bộ của Mặc Khải. Do đó, Thánh Kinh và Thánh Truyền sống động của Giáo Hội phải xuyên suốt bản văn này từ đầu tới cuối.
2. Theo chủ đề của Thượng Hội Ðồng này, ta phải biện phân không những ơn gọi mà cả sứ mệnh của gia đình nữa. Theo chúng con, không nên dành cho phần ba việc biện phân sứ mệnh này. Phần ba phải chỉ cho thấy các hướng hành động mục vụ cho viễn kiến và sứ mệnh của gia đình mà ta đã biện phân được ở phần hai.
3. Các tương phản tiềm ẩn trong bản văn của Tài Liệu Làm Việc phải được vượt qua bằng một phương thức thống nhất hơn: thí dụ, giữa thần học và mục vụ, giữa trọn vẹn và thương tích, giữa sự thật và lòng thương xót. Chúng ta đừng để mình bị kẹt trong các tương phản và nhượng bộ giả tạo chỉ phát sinh ra lẫn lộn mơ hồ.
Ðể phát biểu lại như đề nghị, chúng con đã soạn một lời mở đầu cho phần hai này, một lời mở đầu như để "dọn bàn", có thể nói như thế, và đưa ra một cái khung tham chiếu để khởi từ đó ta đọc từng đoạn của bản văn này. Vậy thì đây là lời mở đầu mà chúng con xin đề nghị trong một sửa đổi nộp cho ủy ban soạn thảo:
Ðể biện phân và đồng hành với ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong rất nhiều tình huống mà chúng ta đã gặp ở phần một, chúng ta cần một la bàn chắc chắn để hướng dẫn cái nhìn và bước đi của ta. La bàn này chính là Lời Thiên Chúa trong lịch sử, một lịch sử mà đỉnh cao là Chúa Giêsu Kitô, là "Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống" cho mọi gia đình và mọi con người nam nữ trong bất cứ tình huống nào. Như thế, trong giai đoạn suy tư này của chúng ta, chúng ta lắng nghe những gì Giáo Hội dậy về gia đình dưới ánh sáng của việc Giáo Hội thông truyền Thánh Kinh. Chúng ta xác tín rằng Lời Thiên Chúa này nối kết mọi mong chờ sâu xa nhất của trái tim khát khao yêu thương và thương xót của con người. Lời này có thể làm sống dậy nơi con người nhân bản các khả thể hiến tặng và tiếp nhận có thể chữa lành các cõi lòng tan nát và soi sáng những tinh thần bị sỉ nhục.
Dưới ánh sáng trên, chúng ta tin rằng Tin Mừng gia đình đã khởi đầu với việc sáng tạo ra con người, có nam có nữ, giống hình ảnh Thiên Chúa, Ðấng vốn là Tình Yêu và là Ðấng mời gọi vào tình yêu "theo sự giống như Người"(St 1:26). Ơn gọi của cặp vợ chồng và của gia đình bước vào hiệp thông tình yêu và sự sống kéo dài suốt mọi giai đoạn trong kế sách của Thiên Chúa, bất chấp các giới hạn và lầm lỗi nhân bản. Thực vậy, ơn gọi này, ngay từ đầu, đã được xây dựng trên chính Chúa Kitô Cứu Chuộc. Người đã phục hồi và hoàn thiện giao ước phu phụ từ nguyên uỷ, Người chữa lành trái tim con người, Người ban cho trái tim này khả năng yêu đương như Người yêu Giáo Hội bằng cách hiến mình cho Giáo Hội (Eph. 5:32 tt).
Ơn gọi này nhận được tư cách Giáo Hội và truyền giáo của nó nhờ việc cử hành bí tích hôn phối, một cử hành thánh hiến dây hôn phối bất khả tiêu giữa hai người phối ngẫu. Sợi dây bí tích này được thiết lập bởi việc trao đổi các lời ưng thuận. Việc trao đổi này, đối với các người phối ngẫu, có nghĩa việc họ hỗ tương hiến mình và tiếp nhận lẫn nhau, một cách toàn diện và dứt khoát, để chỉ còn tạo nên "một xương một thịt" (St 2:24). Ðược Chúa Thánh Thần đóng ấn, cuộc kết hợp phong phú của họ thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội. Dọc dài suốt cuộc sống gia đình, nó trở thành nguồn ơn thánh đa dạng, ơn chữa lành và tha thứ, ơn hoa trái và làm chứng. Ðược thiết lập như thế, gia đình phúc âm hóa bằng chính hữu thể của mình, một hữu thể nẩy nở trong "cộng đồng sự sống và tình yêu". Trong cộng đồng này, Chúa Kitô cư ngụ với các người phối ngẫu và đồng hành với họ trên đường từ Giêrusalem tới Emmau, nhưng cũng và trên hết từ Emmau về lại Giêrusalem trong ánh sáng phục sinh và việc bẻ bánh của Người.
Lòng thương xót đầu tiên của Thiên Chúa mà Giáo Hội công bố cho gia đình chính là dây liên kết của nó với Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã liên kết một cách bất khả phân Thiên Chúa Ba Ngôi và gia đình bằng việc Người nhập thể trong Thánh Gia Nadarét. Trong Người, sự thật và lòng thương xót đã kết hợp với nhau cách bất khả phân. Chúa Giêsu đã thương xót bằng cách tỏ cho gia đình thấy con đường sự thật và sự sống thế nào, thì Người cũng hay cứu giúp bằng cái nhìn nhân hậu và thái độ thương xót như thế đối với tất cả mọi người và mọi tình huống dù không đúng sự thật bao nhiêu. Thượng Hội Ðồng muốn được cung hiến cho dân Chúa một sự sáng sủa về sự thật của gia đình theo Tin Mừng. Lòng thương xót đã được hứa ban cho mọi gia đình, bất luận mức độ chúng gần hay xa đối với sự thật này. Người ta không thể hiểu Tin Mừng cách khác được.
Một số xác tín khác cũng đã đến với chúng con ở lúc kết thúc chu kỳ trao đổi thứ hai này.
- Các kinh nghiệm mục vụ được trao đổi trong nhóm của chúng con đã thuyết phục chúng con rằng trong Giáo Hội, nói tới các gia đình là nói tới một thực tại nhân bản vốn được ghi khắc trong thời gian và trong không gian. Mỗi gia đình đều có các gia phả của họ, những gia phả bám rễ sâu trong một lịch sử và trong một nền văn hóa. Mỗi gia đình được thiết lập bởi người đàn ông này và người đàn bà này, những người nối kết số phận mình lại với nhau và phó thác nó cho Chúa Kitô, Ðấng muốn cả hai người đều được sống dồi dào. Lịch sử đời họ và tình yêu của họ, việc họ dấn thân cho nhau cách trung thành, ý chí thể hiện nhiệm cục phép rửa bằng giao ước hôn nhân của họ, việc thiết lập "mái ấm" của họ và việc giáo dục con cái họ, tất cả những điều này được gánh lấy và trải qua từ từ nhờ sức mạnh của lòng thương xót Chúa. Do chính sự hiện hữu của nó, sứ mệnh của gia đình là làm chứng cho lời kêu gọi không ngừng bám rễ sâu các giao ước nhân bản của ta trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.
- Lịch sử con người trên đường đi tìm hạnh phúc, hiện nay và ở thời Thánh Kinh, vẫn hết sức phức tạp, tạo thành bởi hân hoan và đau đớn, hy vọng và thất vọng, trung thành và bỏ rơi. Các lịch sử này đều được đánh dấu bởi bối cảnh văn hóa của chúng. Ðôi khi chúng cũng là dịp của những thử thách khó khăn đầy thất bại và lầm lẫn. Tính phức tạp này là nơi và là dịp để mầu nhiệm thương xót của Chúa biểu lộ. Vì Thiên Chúa định vị mỗi lịch sử gia đình này và sắp xếp chúng với nhau trong nền trời hiệp thông Nước Chúa từng được Chúa Kitô hứa hẹn và thể hiện.
- Bởi thế, chúng con ước mong rằng Thượng Hội Ðồng này sẽ mở ra một thời kỳ để các nhà thần học và các mục tử kiên nhẫn tìm tòi với ý định cùng nhau thiết lập ra các tiêu mốc đúng đắn cho một nền mục vụ gia đình, một nền mục vụ biết diễn dịch Tin Mừng gia đình trong chân trời hiệp thông này. Chúng ta ít cần các sắp xếp đối với kỷ luật phổ quát cho bằng cần một căn bản vững chắc để suy nghĩ và dấn thân mục vụ. Như thế, trong mỗi Giáo Hội đặc thù của ta, các mục tử của ta, các cộng đồng của ta và các gia đình của ta sẽ biết cách tốt hơn tự biến mình thành tiếng vang của lòng tín thác không mệt mỏi vào Thiên Chúa trong khả năng sống hiệp thông của con người. Tính đơn nhất của hôn nhân bí tích chính là dấu chỉ ưu việt của sự hiệp thông này. Chúng con xin cám ơn.
Vũ Văn An