Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô

trong Thánh lễ tuyên thánh bốn chân phước

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ tuyên thánh bốn chân phước: "Các vị đã không ngừng phục vụ với lòng khiêm hạ và đức ái phi thường".

Roma (WHÐ 19-10-2015) - Sáng Chúa nhật 18 tháng 10 năm 2015, tại quảng trường Thánh Phêrô (Vatican), Ðức Thánh Cha Phanxicô đồng tế với các Nghị phụ đang tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình và chủ sự nghi lễ tuyên thánh cho bốn chân phước:

- Thánh Vincenzo Grossi (1845-1917), linh mục người Italia, sáng lập Dòng Nữ tử Oratorio;

- Thánh Maria de la Purisima de la Cruz (1926-1998), nữ tu người Tây Ban Nha, bề trên tổng quyền Dòng Nữ Ðoàn Thánh Giá;

- Vợ chồng Thánh Louis Martin (1823-1894), giáo dân người Pháp và Thánh Zélie Martin (1831-1877), giáo dân người Pháp.

Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ tuyên thánh.

* * *

"Các bài sách Thánh hôm nay đều nói về phục vụ, mời gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu trên đường khiêm hạ và thập giá.

Tiên tri Isaia mô tả người Tôi tớ của Chúa (Is 53,10-11) và sứ mệnh cứu độ của Người. Người Tôi tớ không thuộc dòng dõi thế giá; Người bị mọi người khinh miệt, xa lánh, chịu nhiều đau buồn. Người không làm những việc lớn lao hoặc nói ra những lời khuôn vàng thước ngọc, mà chỉ chu toàn kế hoạch của Thiên Chúa bằng sự hiện diện khiêm nhu, lặng lẽ và chịu đau khổ. Người thực thi sứ mạng của mình bằng việc hứng chịu những khổ đau, nhờ vậy Người thấu hiểu những ai đang chịu đau khổ, gánh lấy tội lỗi của muôn người và đền tội cho họ. Người Tôi tớ bỏ mình và gánh chịu đau khổ, đến nỗi nhận lấy cái chết, cho thấy những hy sinh này sẽ sinh ơn ích, mang lại ơn cứu chuộc và giải thoát cho nhiều người.

Chúa Giêsu là Người Tôi tớ của Chúa. Cuộc sống và cái chết của Người, mang dấu ấn của thái độ triệt để phục vụ (x. Pl 2,7), đã là căn nguyên phát sinh ơn cứu độ của chúng ta và sự giao hòa của nhân loại với Thiên Chúa. Loan báo kerygma (lời loan báo tiên vàn và căn bản về Tin Mừng cứu độ - chú thích của người dịch), trọng tâm của Tin Mừng, chứng minh rằng cái chết và sự phục sinh của Người đã hoàn tất những lời tiên báo về Người Tôi tớ của Chúa. Thánh Marcô thuật lại việc Chúa Giêsu phản bác hai môn đệ Giacôbê và Gioan. Bị bà mẹ xúi giục, họ ngỏ ý muốn được ngồi bên hữu bên tả Chúa trong Nước Chúa (Mc 10,37), nhắm những chỗ ngồi danh dự theo cái nhìn phẩm trật của mình về Nước Trời. Tầm nhìn của họ bị những ảo tưởng thành đạt theo lối thế gian che phủ. Chúa Giêsu đã "giáng" cú đầu tiên vào lối suy nghĩ của họ khi Người nói về cuộc hành trình trần thế của mình: "Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống# còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng chỉ dành cho những ai đã được chuẩn bị" (Mc 10,39-40). Với hình ảnh chén đắng, Chúa quả quyết với hai môn đệ họ sẽ hoàn toàn được dự phần vào số phận chịu đau khổ của Người, tuy nhiên, Người không hề hứa hẹn việc ban cho những chỗ danh dự như họ vốn ưa thích. Câu trả lời của Người là mời họ bước theo Người trên con đường yêu thương và phục vụ, đồng thời khước từ những cám dỗ của trần gian là tìm chỗ hạng nhất và chỉ huy người khác.

Trước những người kiếm tìm quyền lực và thành đạt, các môn đệ được mời gọi hãy làm ngược lại. Chúa bảo các ông: "Anh em biết: nơi Chư dân, những người được họ coi là kẻ cai trị thì sai khiến họ, và kẻ làm lớn thì bạo ngược đối với họ. Nhưng nơi anh em thì không được làm vậy; trong anh em ai muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ anh em" (Mc 10,42-44). Những lời Chúa nói cho chúng ta thấy phục vụ là cách thực thi thẩm quyền trong cộng đoàn Kitô hữu. Những ai phục vụ mọi người và thực sự không tìm uy thế thì đang thực thi thẩm quyền đích thực trong Hội Thánh. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy nhìn sự việc khác đi, hãy chuyển khát vọng quyền lực sang tìm niềm vui trong âm thầm phục vụ, chế ngự ham muốn tự nhiên dùng quyền lực đối với mọi người, đồng thời biết sống nhân đức khiêm nhường.

Sau khi đưa ra lối sống đừng nên bắt chước, Chúa Giêsu lấy mình làm lý tưởng để noi theo. Noi gương Thầy, cộng đoàn sẽ có cái nhìn mới về cuộc sống: "Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mình làm giá chuộc nhiều người" (Mc 10,45). Trong Kinh Thánh, Con Người là Ðấng nhận được từ Thiên Chúa "quyền thống trị, vinh quang và vương quyền" (Ðn 7,14). Chúa Giêsu đã làm trọn hình ảnh này bằng một ý nghĩa mới. Người cho chúng ta thấy Người được hưởng quyền thống trị vì Người là một tôi tớ, được hưởng vinh quang vì Người biết hạ mình xuống, hưởng vương quyền vì Người hoàn toàn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình. Nhờ cuộc khổ nạn và cái chết, Người đã nhận chỗ thấp nhất, nên đạt tới đỉnh cao chói lọi của phục vụ, và ban đỉnh cao này cho Hội Thánh của Người.

Không thể có tương quan hòa điệu giữa cách hiểu theo lối thế gian về quyền lực và sự phục vụ khiêm hạ làm nên quyền bính như Chúa Giêsu đã dạy và nêu gương. Tham vọng và thói ham thích địa vị không thể hòa điệu với tinh thần làm môn đệ Chúa của người Kitô hữu; vinh dự, thành đạt, danh vọng và những vinh quang trần thế không thể hòa cùng lôgic của Ðức Kitô chịu đóng đinh. Trái lại, sẽ có mối hòa điệu giữa Chúa Giêsu, "con người mang những buồn đau", và những nỗi đau khổ của chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái làm rõ điều này qua việc trình bày Chúa Giêsu là một vị thượng tế hoàn toàn chia sẻ thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi: "Chúng ta không có một vị thượng tế không biết đồng cảm với những yếu hèn của chúng ta, nhưng có một vị thượng tế đã chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, nhưng không phạm tội" (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã thực thi chức tư tế của lòng xót thương và đồng cảm đích thực của Người. Người thấu hiểu những khó khăn của chúng ta từ chính kinh nghiệm thân phận làm người của mình; việc Người không phạm tội không ngăn cản Người hiểu được những kẻ có tội. Vinh quang của Người không phát xuất từ tham vọng hoặc lòng thèm khát quyền lực, nhưng là vinh quang của Ðấng yêu mến mọi người nam nữ, vinh quang của Ðấng đón nhận và chia sẻ sự yếu hèn của họ, Ðấng dành cho họ ân sủng chữa lành và phục hồi, và lấy sự dịu dàng mà đồng hành với họ trong mọi gian nan thử thách.

Mỗi người chúng ta, qua bí tích Thánh tẩy, được chia sẻ theo cách của mình chức tư tế của Ðức Kitô: giáo dân thì tham dự vào chức tư tế phổ quát, linh mục thì tham dự vào chức tư tế thừa tác. Do đó, tất cả chúng ta có thể nhận được đức ái tuôn trào từ trái tim rộng mở của Chúa, dành cho chúng ta đồng thời cũng dành cho mọi người. Chúng ta trở thành những "kênh" tình yêu và lòng nhân từ của Chúa, nhất là đối với những ai đang chịu đau khổ, thất vọng và cô độc.

Các vị được phong thánh hôm nay đã không ngừng phục vụ anh chị em mình với một lòng khiêm hạ và đức ái phi thường theo gương Thầy Chí Thánh.

Thánh Vincent Grossi là một linh mục coi sóc giáo xứ nhiệt thành, hằng để tâm đến những nhu cầu của những người thuộc về ngài, nhất là giới trẻ. Ðối với mọi người, ngài quan tâm bẻ tấm bánh Lời Chúa, và như thế ngài đã trở thành một người Samaria Nhân hậu đối với những ai đang hết sức thiếu thốn.

Thánh Maria de la Purisima de la Cruz đã lấy sự khiêm hạ cao cả mà dâng cuộc đời mình phục vụ những người anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta, nhất là con cái người nghèo và người bệnh.

Hai vợ chồng Thánh Louis Martin và Thánh Zélie Martin đã thực hành sự phục vụ của người Kitô hữu trong gia đình, ngày này qua ngày khác xây dựng một bầu khí đức Tin và Tình yêu nuôi dưỡng ơn thiên triệu các cô con gái của hai vị, trong số đó có Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu.

Những chứng từ rạng ngời của các vị tân hiển thánh này khơi lên cho chúng ta niềm hứng khởi được hân hoan phục vụ anh chị em của mình, tín thác vào sự trợ giúp của Thiên Chúa và sự che chở của Mẹ Maria. Xin các thánh từ trời cao nhìn đến chúng con và xin dùng lời chuyển cầu có thế giá mà nâng đỡ chúng con".

 

Thành Thi chuyển ngữ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page