Thượng Hội Ðồng Giám Mục

và vấn đề những người ly dị tái hôn

 

Thượng Hội Ðồng Giám Mục và vấn đề những người ly dị tái hôn.

Vatican (SD 16-10-2015) - Trong các phiên khoáng đại vừa qua của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thứ 14 về gia đình, vấn đề cho những người ly dị tái hôn lãnh nhận các bí tích chiếm một phần lớn các bài phát biểu của các nghị phụ.

Ví dụ trong phiên khoáng đại thứ 9, chiều ngày 14 tháng 10 năm 2015, có những nghị phụ nói rằng trong một số trường hợp có thể cho những người ly dị tái hôn được lãnh các bí tích, cụ thể là xưng tội rước lễ, nếu họ ý thức mình sống trong tội lỗi và có ý chí không phạm tội nữa. Nhưng điều này có thể tiến hành theo 3 tiêu chuẩn: trước tiên là phân định từng trường hợp, thứ hai là cặp ly dị tái hôn phải có cung cách hành xử gương mẫu; sau cùng là chỉ lãnh nhận các bí tích trong những buổi cử hành đặc biệt quan trọng.

Một số nghị phụ khác tái khẳng định rằng Giáo Hội không loại trừ một ai và Chúa Kitô không đến để chữa người lành, nhưng là người bệnh: vì thế những người ly dị tái hôn cần được tháp tùng, yêu thương và tha thứ, vì họ là thành phần của Giáo Hội và chi thể của Chúa Kitô, vì thế hậu quả dĩ nhiên là họ có thể lãnh nhận Thánh Thể.

Một số vị khác đề nghị đừng giải thích giáo luật một cách cứng nhắc thái quá, đồng thời yêu cầu những người ly dị tái hôn đừng gây gương mù gương xấu. Vì nhiều khi người ta quên rằng "Thánh Thể trước tiên có giá trị cứu độ cho linh hồn con người". Từ đó các nghị phụ mong ước có một nền mục vụ thích hợp, có khả năng củng cố chứ không làm suy yếu đạo lý, khởi hành từ tiền đề chân lý là cuộc gặp gỡ với Con người Chúa Kitô và nếu nói về các bí tích như phương tiện duy nhất để lãnh nhận ân thánh thì sẽ khó đến gần những người đã cảm nghiệm một sự thất bại hoặc với người không tin. Nhưng điều quan trọng là Giáo Hội đừng tạo nên những ảo tưởng.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 15 tháng 10 năm 2015, Cha Manuel Dorantes, cộng tác viên tiếng Tây Ban Nha, của cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, kể lại một sự kiện cảm động: một em bé lên rước lễ lần đầu, đã cầm Mình Thánh Chúa bẻ ra làm đôi và chia cho ba của em, lý do vì ông không được rước lễ vì là người ly dị tái hôn.

Ðức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, Tổng Giám Mục giáo phận Poznan, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan, nói rằng Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan tái khẳng định giả thuyết cho những người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, nếu họ tiếp tục sống trong tình trạng này, chiếu theo tông huấn Familiaris consortio về gia đình do Ðức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1984. Ðức Tổng Giám Mục nói rằng "Những người ly dị tái khôn không bị vạ tuyệt thông, và có nhiều cách thức tham gia vào đời sống Giáo hội. Ngài nhìn nhận rằng nhiều khi họ là những người có ước muốn được rước lễ, mạnh hơn những ai có thể rước lễ".

Về phần một nghị phụ người Mêhicô, ngài cho biết Thượng Hội Ðồng Giám Mục không bao giờ có ý đi tới những quyết định về vấn đề cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, nhưng chỉ đệ trình Ðức Thánh Cha những suy tư và quan điểm của mình để ngài quyết định.

Các vấn đề khác

Có những nghị phụ nói về sự cần thiết phải chuẩn bị hôn nhân một cách thích hợp cho những người trẻ, đặc biệt để ý tới đức tin của họ, vì sự thiếu đức tin cho thế làm cho hôn phối vô hiệu. Sự huấn luyện thích hợp về hôn phối sẽ tránh được nạn ly dị đang thịnh hành.

Trong phiên họp khoáng đại thứ 8 vào ban sáng ngày 14 tháng 10 năm 2015, trước sự hiện diện của 264 nghị phụ, một vài vị cũng đã đề cập đến sự thiếu đức tin có thể là nguyên nhân làm cho việc kết hôn bất thành.

Có nghị phụ yêu cầu rằng trong việc tháp tùng những người trẻ chuẩn bị kết hôn, cần tránh những ngôn ngữ học đường như "những khóa học tiền hôn nhân". Nên thay tế bằng một sự đồng hành liên tục trong thời gian, theo dõi các gia đình trong mỗi giai đoạn, kể cả sau khi đã kết hôn.

Trong bối cảnh này, các nghị phụ cũng nói về sự dòn mỏng của các gia đình, nhất là những gia đình bị sức ép chứ không tự ý chọn lựa. Ngoài ra không nên chỉ nói về sự phù hợp với đạo lý nhưng tháp tùng các gia đình bị thương hướng về tương lai, không nghiêm khắc phán đoán nhưng gì đã xảy ra trong quá khứ. Trong thực hành, cần có cái nhìn của người Samaritano nhân dành, trông thấy, đón tiếp, chữa lành và hội nhập, tiến hành không phải bằng cách áp đặt, nhưng bằng sự thu hút, nghĩa là qua chứng tá một cuộc sống khiêm tốn, đơn sơ, với kinh nguyện. Xét cho cùng, viễn tượng dịu dàng có thể là giải pháp cho bao nhiêu tình trạng lo âu.

Giáo dục người trẻ

Trong phiên khoáng đại thứ 11, chiều thứ năm, 15 tháng 10 năm 2015, có sự hiện diện của Ðức Thánh Cha và 249 nghị phụ.

Các bài phát biểu trong dịp này đề cập đến sự chuẩn bị thích hợp cho những người sắp kết hôn, hiểu như một hành trình đức tin dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Tiến trình này cũng phải bao gồm việc giáo dục về tính dục, ngày nay có nhiều thiếu sót. Thực vậy, tại các trường công lập, trong việc giáo dục về tình dục có hiện tượng tầm thường hóa các hoạt động này, và thu hẹp vào việc sử dụng các phương tiện ngừa thai.

Theo các nghị phụ, nền giáo dục tính dục tại nhiều nơi thiếu một quan niệm Kitô về tính dục và tình yêu, và không sợ nói về sự khiết tịnh và giá trị của đức tính này.

Một số bài phát biểu khác đề cập đến việc nhận con nuôi và nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ phẩm giá của trẻ vị thành niên và các quyền của cha mẹ tự nhiên, đồng thời khích lệ nền văn hóa tiếp đón và hội nhập.

Về vấn đề sinh sản, các nghị phụ lưu ý về những thuốc phá thai và những nguy hiểm của chúng, nhiều khi ít được biết đến, cũng như những kỹ năng thụ thai nhân tạo, thường được đề nghị với mục đích kinh tế hơn là trị liệu. Trong lãnh vực này có nhiều sự thông tin sai trái không những cho các cặp vợ chồng nhưng cả nơi các linh mục. Vì thế Giáo Hội cần trở thành điểm tham chiếu vững chắc về luân lý, và có thể nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia đa ngành, biết rõ vấn đề son sẻ của các đôi vợ chồng theo luân lý Công Giáo. (SD 16-10-2015)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page