Thượng Hội Ðồng ngày thứ tám

13 tháng Mười năm 2015

 

Thượng Hội Ðồng, ngày thứ tám, 13 tháng Mười năm 2015.

Roma (VietCatholic News 13-10-2015) - Ðài Phát Thanh Vatican hôm 13 tháng 10 năm 2015 đưa tin: tại cuộc họp báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Cha Giám Ðốc Federico Lombardi đã cho hay: các đại biểu Thượng Hội Ðồng đã dành trọn cả ngày 13 tháng 10 năm 2015 để làm việc trong các Nhóm Nhỏ. Ngài cũng đọc lời tuyên bố của các Ðức Hồng Y George Pell và Wilfrid Napier.

Cùng hiện diện trong cuộc họp báo trên, có 3 đại biểu của Thượng Hội Ðồng là: Viện Phụ Jeremias Schroder, Bề Trên Cả Dòng Biển Ðức ở St. Ottilien, Bà Moira McQueen, chủ tịch Viện Ðạo Ðức Sinh Học Gia Nã Ðại và Bà Thérèse Nyirabukeye thuộc Liên Ðoàn Gia Ðình Phi Châu Hành Ðộng.

Ðức Hồng Y George Pell viết rằng lá thư gửi Ðức Thánh Cha là lá thư riêng nên việc phát tán nó "không phản ảnh bản văn hay các người ký vào lá thư". Ngài viết thế để trả lời một lá thư được 13 vị Hồng Y đệ trình Ðức Giáo Hoàng mà có người nói là để tỏ việc các ngài không hài lòng với cung cách điều hành Thượng Hội Ðồng.

Cha Lombardi tiếp tục cho biết: Ðức Hồng Y Pell nói rằng bất cứ ai trao lá thư này và tên các vị ký vào đó cho giới truyền thông đã làm gián đoạn diễn trình của Thượng Hội Ðồng hiện đang được điều hành trong một "bầu khí tốt đẹp".

Cha Lombardi cũng đọc lời tuyên bố của Ðức Hồng Y Wilfrid Napier, một trong các chủ tịch thừa nhiệm của Thượng Hội Ðồng. Vị Hồng Y người Nam Phi này tuyên bố rằng điều giới truyền thông suy đoán "không phản ảnh suy nghĩ của ngài". Theo trích dẫn của truyền thông, Ðức Hồng Y Napier nói rằng ngài sẽ thách thức quyền của Ðức Giáo Hoàng trong việc chọn ủy ban soạn thảo bản tường trình sau cùng. Ngài cho biết: Ðức Giáo Hoàng thực sự có quyền chọn ủy ban soạn thảo như thế. Cha Lombardi nói thêm: lời tuyên bố này được chính tay Ðức Hồng Y Napier ký tên.

Tại buổi họp báo nói trên, ba vị khách mời đã nói về tầm quan trọng của các gia đình tốt lành trong việc cổ vũ các ơn gọi tương lai. Bà Nyirabukeye nói rằng "Ðức tính của cá nhân được rèn luyện trong gia đình".

Về việc phong chức phó tế cho các phụ nữ, Viện Phụ Schroder cho biết đây chỉ là một đề xuất đơn độc của một tiếng nói riêng rẽ xem ra không quan trọng tại phòng thảo luận.

Bà McQueen được yêu cầu cho biết suy nghĩ của bà về việc thụ thai và việc thao túng các bào thai. Bà trả lời rằng phiên họp bàn về "những điều tổng quát rộng rãi" khi đề cập tới các vấn đề đạo đức sinh học vì, trong Thượng Hội Ðồng, "đã có sự hiểu biết rõ ràng về lập trường của Giáo Hội rồi".

Bà Nyirabukeye đề cập nhiều tới kinh nghiệm giảng dạy các cặp vợ chồng về kế họach hóa gia đình cách tự nhiên tại Phi Châu. Bà cho biết: bà đã can dự vào thừa tác vụ này từ năm 1985. Tại cuộc họp báo, bà nói rằng 1,500 cặp vợ chồng, mới đây, đã đăng ký học các phương pháp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên tại Rwanda. Bà nghĩ rằng học hỏi các phương pháp tự nhiên này sẽ đem đến cho các phụ nữ một vốn hiểu biết về thân xác họ, giúp họ có được niềm tự hào. Bà nói: "tôi rất vui khi nói với các nghị phụ Thượng Hội Ðồng rằng các phương pháp này rất hữu hiệu".

Cả ba vị khách mời đều đề cập tới vấn đề đa dạng và hợp nhất và cách điều hợp chúng. Ðã có rất nhiều gợi ý về việc nên tản quyền một số vấn đề, để các hội đồng giám mục địa phương lo liệu. Thí dụ như vấn đề sống chung (đặc biệt ở Ðức) và các giải pháp mục vụ địa phương cho vấn đề đồng tính luyến ái. Viện Phụ Schr#der giải thích rằng nhiều góp ý đã ủng hộ phương thức này, rất ít góp ý tỏ ra thận trọng về nó.

Bà McQueen cho giới truyền thông hay: bà thấy rất nhiều thuận lợi và một số bất thuận lợi đối với phương thức trên. Sẽ là một điều tích cực nếu đem nó ra thực hành nhưng một số khía cạnh về tín lý thì cần phải được dành cho Tòa Thánh. Bà nói rằng theo bà đây là chuyện thuộc cơ cấu Giáo Hội, nên không thể giải quyết tại phiên họp này được.

Các vị khách mời cũng nói về việc tham gia của phụ nữ tại Thượng Hội Ðồng. Cả hai phụ nữ hiện diện đều cho hay các bà rất vui mừng được hiện diện tại Thượng Hội Ðồng và cảm thấy các đóng góp của họ được lắng nghe và coi trọng. Họ cảm thấy "thoải mái" và "hạnh phúc" khi được đóng góp.

Viện Phụ Schroder nhận định rằng ngài ước mong có nhiều nữ tu hiện diện hơn nữa. Ngài giải thích rằng tại một cuộc hội họp của các bề trên cả nam giới, đã có đề nghị cho rằng các ngài nên dành nửa số 10 ghế cho các nữ tu sĩ. Trong khi đó, các nữ tu sĩ từng đích thân gặp tổng thư ký Thượng Hội Ðồng, thế mà chỉ được có 3 ghế!

Bà McQueen cho hay bà nghĩ thủ tục của Thượng Hội Ðồng hợp lẽ và rất dân chủ. Tất cả các đại biểu đều được dành cùng một lượng thời gian như nhau để góp ý: 3 phút mỗi vị.

Cha Lombardi nói với giới truyền thông rằng buổi họp chiều thứ Sáu sẽ được dành để các đại biểu các Giáo Hội anh em, các thính giả và dự thính viên góp ý.

Vào thứ Tư 14 tháng 10 năm 2015, các đại biểu Thượng Hội Ðồng sẽ dự phiên họp khoáng đại để nghe bản tường trình của các Nhóm Nhỏ.

Ba thách đố lớn

Ðài Phát Thanh Vatican cũng cho hay vào hôm thứ Ba 13 tháng 10 năm 2015, các nghị phụ Thượng Hội Ðồng cũng đã kết thúc các cuộc thảo luận tại các Nhóm Nhỏ của các ngài trước khi tham dự Phiên Khoáng Ðại thứ tám vào sáng Thứ Tư 14 tháng 10 năm 2015. Ba thách đố lớn đã xuất hiện trong các buổi thảo luận Nhóm Nhỏ vòng hai này: nguy cơ lý tưởng hóa hôn nhân và gia đình, nhiệm vụ phải duy trì các quan điểm khác nhau xuất phát từ các vùng khác nhau của trái đất, nhu cầu cần có một ngôn ngữ thân thiện hơn để bảo đảm sứ điệp của Giáo Hội được lắng nghe.

Theo đài Phát Thanh Vatican, ít nhất thì đó cũng là nhận định của Ðức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, tường trình viên của Nhóm Nhỏ C nói tiếng Anh. Theo ngài, tại Thượng Hội Ðồng, đang có nguy cơ thực sự trong việc nói tới gia đình một cách quá lý tưởng hóa và đôi chút quá thơ mộng hóa và quá phi thân xác hóa không ăn nhập với thực tại đời sống con người.

Hình ảnh thời "vàng son" gia đình gồm bố, mẹ, ba hay bốn con nay không còn nữa đối với khá nhiều người và nếu Thượng Hội Ðồng không thừa nhận điều này thì liều mình các giám mục chỉ nói cho nhau nghe chứ nhiều người chẳng hiểu gì. Theo ngài, các giám mục cần nắm vững các thực tại ngày nay của gia đình. Các ngài phải là những cột thu thanh (antennas), biết lắng nghe và can dự vào các gia đình "trong mọi nét đa dạng và phức tạp của nó".

Về nhận định trên, có vị như Ðức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan cho hay: ngược lại có nguy cơ giản lược thần học vào xã hội học. Bơi lội trong các "thực tại" ấy đến quên mình đang làm thần học chứ không phải làm xã hội học.

Về việc phải đem lại với nhau các quan điểm khác nhau từng được nói lên tại Thượng Hội Ðồng, Ðức Tổng Giám Mục Coleridge cho hay: ngài tin rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội hết thẩy coi mình là những người "được Thiên Chúa kêu gọi để duy trì và cổ vũ sự thật đã được mạc khải", nên có những vấn đề cần được đề cập, phân tích và quyết định ở cấp địa phương hay vùng.

Về vấn đề trên, ta nên lắng nghe đóng góp của Ðức Tổng Giám Mục Chaput, một tường trình viên của một nhóm nhỏ nói tiếng Anh khác, khi ngài tỏ ý lo ngại trước khuynh hướng tản quyền thái quá.

Còn về nguy cơ sử dụng các "kiểu nói của nhà thờ" (church speak), một kiểu nói khiến ta thất bại không truyền bá được sứ điệp của Giáo Hội gửi người thời nay, Ðức Tổng Giám Mục Coleridge cho rằng như Công Ðồng Vatican II đã là một "biến cố về ngôn ngữ" nghĩa là nói với người ta một cách mới mẻ thế nào, thì Thượng Hội Ðồng này cũng phải tìm ra "các cách mới mẻ, tươi mát, đầy soi sáng" như thế để nói với người thời nay.

Về nhận định trên xin xem bài nhận định của John Paul Shimek trong bài so sánh Thượng Hội Ðồng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về gia đình năm 1980 và Thượng Hội Ðồng cũng về gia đình lần này. Shimek đặc biệt lưu ý tới bản tường trình của nhóm C nói tiếng Anh, tức bản do Ðức Tổng Giám Mục Coleridge soạn thảo, khi bản này cho rằng các kiểu nói như "tin mừng gia đình" hay "Giáo Hội tại gia" không còn hợp thời nữa, cần phải bỏ.

Theo Shimek, bỏ gì chứ bỏ ngôn ngữ thần học có tính Kitô và Giáo Hội để theo thứ ngôn ngữ cảm nghiệm hay chủ quan hơn là điều nguy hiểm. Anh bảo theo Familiaris consortio, tông huấn thành quả của Thượng Hội Ðồng năm 1980, chính Ðức Kitô đã mạc khải gia đình, một gia đình chỉ có thể tự thể hiện mình qua việc công bố Tin Mừng của Người. Cho nên tông huấn về gia đình không rút giáo huấn của mình từ một ngôn từ nhân bản nào mà lại tách rời khỏi mầu nhiệm Kitô Giáo. Nó phải học nói thứ ngôn ngữ của Chúa Kitô. Ngôn ngữ này, không như Ðức Tổng Giám Mục Coleridge nói, không hề là những câu nói rập khuôn (cliché). Nó luôn luôn soi sáng. Vì chỉ có Chúa Kitô mới soi sáng cảm nghiệm nhân bản. Gia đình chỉ có thể biện phân được bản sắc và sứ mệnh của nó bằng việc quay về nguồn, được ánh sáng Tin Mừng soi sáng.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page