Phỏng vấn Ðức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai
tân Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long
Phỏng
vấn Ðức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, tân Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long.
Ðức Tân Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long Phêrô Huỳnh Văn Hai. |
Vĩnh Long (VietCatholic 12-10-2015) - Vào ngày Lễ Ðức Mẹ Mân Côi 07 tháng 10 năm 2015, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh loan tin Ðức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Phó Giám Ðốc Ðại Chủng Viện Thánh Quý, Cần Thơ, làm Giám mục chính toà giáo phận Vĩnh Long, Việt Nam. Nhân dịp này Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic xin được phỏng vấn ngài.
PV: Kính thưa Ðức Cha, Cha Giám Ðốc, Ban Biên Tập, cộng tác viên và độc giả Vietcatholic chúng con xin tạ ơn Chúa và chúc mừng Ðức Cha trong sứ vụ mới. Xin Ðức Cha cho chúng con biết vài cảm tưởng của Ðức Cha khi nhận được tin Ðức Thánh Cha bổ nhiệm Ðức Cha làm Giám Mục chính tòa Vĩnh Long?
Ðức Cha Phêrô: Xin cám ơn Cha Giám Ðốc Vietcatholic và mọi người. Trong hơn hai năm Giáo phận Vĩnh Long trống tòa, toàn thể giáo dân trong Giáo Phận hằng cầu nguyện và xin Chúa sớm cho có một vị Giám Mục để làm chủ chăn và hôm nay nhận được tin vui từ Tòa Thánh bổ nhiệm cho Giáo Phận Vĩnh Long một tân Giám mục. Tin tức nầy đến với tôi cũng rất vui mừng nhưng cũng rất là lo lắng: vui mừng vì có một tân Giám mục, lo lắng vì tôi cảm thấy mình không xứng đáng để quán xuyến một công việc lớn lao nầy. Tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ trong lòng vì Giáo phận Vĩnh Long thì tôi chấp nhận và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, và các Thánh cầu xin Chúa giúp đỡ tôi.
PV: Giáo phận Vĩnh Long bao gồm địa giới bốn tỉnh miền Tây sông nước, xin Ðức Cha cho chúng con biết đôi điều Ðức Cha bận tâm về vấn đề mục vụ và truyền giáo.
Ðức Cha Phêrô: Nhờ Ơn Chúa Quan phòng, anh em chúng tôi Giáo Phận Vĩnh Long có những bận tâm đến vấn đề mục vụ và truyền giáo. Nhiều mối bận tâm: Thiếu nhi, Giới trẻ, Sinh viên, Gia đình, Ơn gọi, Truyền giáo..vv.. Mỗi giới đều có một dự hướng sinh hoạt để giữ vững đức tin và sống đức tin. Riêng vấn đề truyền giáo. Giáo phận Vĩnh Long là một Giáo phận cần thúc đẩy việc truyền giáo, vì trong Giáo phận có rất nhiều tôn giáo khác, người Khơ Me hiện diện, còn rất nhiều người chưa biết đến Chúa và dĩ nhiên chưa biết đến Tin mừng. Mặc dù có những khó khăn của nó, nhưng tinh thần chung của Giáo phận là truyền giáo, truyền giáo bằng nhiều phương tiện khác nhau. Ðặc biệt lưu ý những anh em Khơ Me. Thật rất khó để họ theo một đạo nào khác ngoài Phật giáo bởi vì Phật giáo đối với họ là trên hết; Phật giáo đã ăn sâu trong văn minh và văn hoá Khơ Me không biết là bao nhiêu ngàn năm qua. Nhưng dù vậy, Giáo phận Vĩnh Long đã cho người đi học tiếng Khơ Me, tiếp xúc với họ và nói chuyện tôn giáo với họ. Trên hướng mục vụ nầy, dưới sự quan phòng của Chúa, Giáo phận đang hy vọng rất nhiều vào tương lai.
PV: Chúng con biết Ðức Cha đang là phó Giám đốc và giáo sư Ðại Chủng viện, xin Ðức Cha cho chúng con biết vài ưu tư của Ðức Cha về ơn gọi trong xã hội ngày nay, cách riêng trong giáo phận nhà.
Ðức Cha Phêrô: Nhìn chung, cả ba Giáo Phận Cần Thơ, Long Xuyên và Vĩnh Long đều có nhiều ơn gọi. Hằng năm, Ðại Chủng viện Cần Thơ được mở một lớp 36 thầy. Ðến giờ nầy thì con số vẫn là như thế, nhưng công việc đào tạo để thành một Linh mục đúng nghĩa, đúng theo lòng Chúa mong ước là một điều không hề dễ nếu chỉ dựa vào sức riêng của mình, phải cậy nhờ vào Ơn Chúa. Sở dĩ tôi nói như thế, vì các giai đoạn đào tạo ngày hôm nay rất là khó khăn. Khó khăn thứ nhất không có giai đoạn Tiểu chủng viện, các thầy đã sống ở bên ngoài cho đến sau đại học bị ảnh hưởng rất nhiều với lối sinh hoạt ngoài thế gian. Khó khăn thứ hai là bị ảnh hưởng khoa học kỹ thuật. Làm việc rất máy móc, máy tính thay người. Ðiều nầy chi phối rất nhiều về đời sống suy tư cần phải có đối với một Tu sĩ, một Linh mục của Chúa. Tạm thời kê ra những khó khăn đó thôi... Nói thế nhưng, nếu làm đúng theo Hướng dẫn đào tạo Linh mục thì các thầy cũng có thể trở thành một Linh mục tốt và thánh thiện.
Riêng Giáo Phận Vĩnh Long chúng tôi, chúng tôi có thành lập một ủy ban đặc trách về ơn gọi, từng hạt đều có cha phụ trách, cầu nguyện, vận động và gìn giữ Ơn gọi. Hằng hai tháng có một cuộc học hỏi để tìm hiểu ơn gọi, và sau cuộc thi tuyển, các tuyển sinh được đưa về những lớp tiền chủng viện sau một thời gian ba năm, số chủng sinh tiền chủng viện được gửi sang Ðại Chủng Viện Thánh Quý Cần Thơ.
Các Hội Dòng Mến Thánh Giá, Hội Dòng Kitô Vua cũng theo những thể thức riêng tư để đi tìm Ơn gọi và gìn giữ Ơn gọi.
Dĩ nhiên số người, có năm thì nhiều, có năm thì ít, nhưng dù sao đi nữa, có còn hơn không, xin chọn một câu được sử dụng trong binh pháp của Tôn Tử "quí hồ tinh, bất chính hồ đa" để tự an ủi.
PV: Xin Ðức Cha vui lòng chia sẻ cho độc giả Vietcatholic về hành trình ơn gọi của Ðức Cha.
Ðức Cha Phêrô: Sinh ngày 18-05-1954 tại xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, thuộc Họ Ðạo Thạnh Phú.
- Rửa tội ngày 14-08-1961 tại Họ Ðạo Thạnh Phú.
- Vào Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long ngày 01-06-1966
- Từ ngày 01-08-1973... học Ðại Chủng Viện Vĩnh Long.
- Tác vụ Ðọc sách ngày 08/08/1977
- Tác vụ Giúp lễ ngày 07/05/1978
- Ứng viên Phó tế ngày 13/09/1991
- Phong chức Phó tế ngày 06/01/1993 do Ðức Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp
- Ðược Ðức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu phong chức Linh mục ngày 31-08-1994 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long
- Từ ngày 08-12-1994 du học tại Học Viện Công Giáo Paris, Pháp quốc và trở về Vĩnh Long ngày 25-09-2004 với văn bằng Tiến Sĩ Triết Học.
Khoảng thời gian từ năm 1978 đến 1990 tôi về quê làm ruộng và chăn vịt. Thời gian đầy thách thức: kinh tế, xã hội, tôn giáo. Tại Họ đạo chúng tôi không có Linh mục hiện diện, phải nhờ một Linh mục khác ở xa đến dâng lễ, cả năm mới có một lễ. Anh em chúng tôi mạnh ai nấy lo cho phần rỗi linh hồn của mình. Nhưng nhờ Ơn Chúa, năm 1990 tôi trở lại Chủng viện, ôn tập các môn triết học và thần học và sau đó tiếp tục con đường ơn gọi của mình. Cám ơn Chúa đã gìn giữ tôi.
PV: Xin Ðức Cha cho độc giả biết về khẩu hiệu và biểu tượng huy hiệu Giám mục của Ðức Cha và xin Ðức Cha giải thích ý nghĩa của khẩu hiệu, huy hiệu ấy.
Ðức Cha Phêrô: Qua cuộc hội ý của ban tư vấn Giáo Phận và qua những ngày suy nghĩ trước đó, tôi chọn câu Luca 5, 4: "Duc in altum, et laxate" "Hãy ra khơi và thả lưới". Câu nầy có hai vế liên quan rất nhiều đến việc truyền giáo và động lực truyền giáo. Về thứ nhất "Hãy ra khơi" (Ra chỗ nước sâu) diễn ý ở vùng đồng bằng sông Cửu long có rất nhiều tôn giáo khác, người Khơ Me hiện diện và còn rất nhiều vùng sâu và xa không có một dấu vết gì về Kitô giáo, không hề nghe được chữ Giêsu Kitô; Ra chỗ nước sâu là đi vào sự nguy hiểm theo kinh nghiệm đánh cá; Nhưng ra chỗ nước sâu lại có nhiều cá để đánh bắt. Ðến vế thứ hai "Thả lưới" muốn nói lên rằng khi đi ra chỗ nước sâu thì còn phải làm việc nữa, làm việc vất vả, chớ không thì uổng công, cho nên cần có sự hy sinh, thức đêm thức ngày và nhờ thế mới mong được kết quả... "hầu như rách cả lưới"... Ngoài ra, trong biểu tượng huy hiệu có hình chim bồ câu và con thuyền với ý nghĩa là sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn con thuyền Giáo phận thu được nhiều cá và cập bến bình an. Ðó là những ý tưởng của tôi. Xin chào.
PV: Chúng con xin cám ơn Ðức Cha và cầu chúc Ðức Cha và Giáo phận tràn đầy ơn Chúa trong sứ vụ mới. Xin Ðức Cha chúc lành cho chúng con.
Gioan Lê Quang Vinh thực hiện