Sinh hoạt Thượng Hội Ðồng Giám Mục kỳ thứ 14

 

Sinh hoạt Thượng Hội Ðồng Giám Mục kỳ thứ 14.

Vatican (SD 12-10-2015; Vat. 14-10-2015) - Sáng thứ tư 14 tháng 10 năm 2015, Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 14 sẽ nhóm phiên khoáng đại thứ 8 để nghe các đại diện của 13 nhóm nghị phụ tường trình kết quả cuộc thảo luận trong 2 ngày trước đó về phần II trong tài liệu làm việc, liên quan đến "sự phân định ơn gọi của gia đình".

Tiếp đến mỗi nhóm sẽ nộp các đề nghị đã được nhóm thông qua nhắm cải tiến văn bản của phần 2 của Tài liệu làm việc.

Ban chiều cùng ngày 14 tháng 10 năm 2015, các nghị phụ sẽ nhóm phiên khoáng đại thứ 9 về tiếp tục phát biểu về phần thứ 3 của Tài liệu làm việc, là phần dài nhất, về sứ mạng của gia đình ngày nay, dưới các khía cạnh như: truyền giáo, sinh sản và giáo dục, việc huấn luyện, tương quan với các tổ chức chính quyền, v.v..

Họp báo của Cha Lombardi

Trưa ngày 12 tháng 10 năm 2015, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã mở cuộc họp vào về các sinh hoạt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

Cha minh xác một tin đã được phố biến trước đó và nói rằng: Thượng Hội Ðồng Giám Mục sẽ có bản tường trình chung kết được các nghị phụ bỏ phiếu trong phiên họp áp chót sáng ngày 24 tháng 10 năm 2015 để đệ lên Ðức Thánh Cha Phanxicô sau đó. Cho đến nay người ta chưa rõ sau khi nhận được phúc trình chung kết ấy, Ðức Thánh Cha sẽ làm gì với văn bản ấy: hoặc ngài cho công bố trọn văn bản, hoặc ngài sẽ dùng tài liệu ấy để soạn Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục, như các vị Giáo Hoàng trước vẫn làm, hoặc Ðức Thánh Cha sẽ tìm ra một giải pháp khác.

Thư các Hồng Y gửi Ðức Thánh Cha bị tiết lộ

Trong cuộc họp báo, Cha Lombardi cũng đề cập đến tin về lá thư do 13 Hồng Y ký tên gửi Ðức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ sự không hài lòng về phương pháp làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này. Cha không bình luận về nội dung lá thư vì đây không phải là một thư công để phổ biến cho công chúng, trái lại là một tài liệu dành riêng. Cha cảnh giác các ký giả về tên của các Hồng y ký tên vào thư này, vì đã có 4 hồng y cải chính và nói rằng mình không hề ký vào thư đó, trái với điều báo chí nói đến.

Thư này được ký giả Sandro Magister đăng trên tuần báo Espresso trực tiếp theo đó các Hồng Y ấy cảnh giác chống lại âm mưu lèo lái Thượng Hội Ðồng Giám Mục này. Ðặc biệt các vị thắc mắc về thành phần của Ủy ban soạn Văn kiện chung kết. Các Hồng Y cũng phê bình tài liệu làm việc. Lá thư đó được gửi cho Ðức Thánh Cha ngày đầu tiên của Công nghị Giám Mục nhưng mới được báo chí đăng tải ngày 12 tháng 10 năm 2015. Ðức Thánh Cha đã trả lời cho lá thư này và ngài bác bỏ lập trường cho rằng có sự âm mưu ở trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục này.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 13 tháng 10 năm 2015, Cha Lombardi gọi vụ công bố thư riêng gửi Ðức Thánh Cha là "một điều nhắm gây xáo trộn" và cha kêu gọi các ký giả đừng bận tâm về vụ này và hãy tiếp tục làm việc!"

Các bài phát biểu trong phiên khoáng đại chiều 10 tháng 10 năm 2015

Mặt khác, Văn phòng thông tin của Thượng Hội Ðồng Giám Mục cũng phổ biến nội dung tổng quát các phát biểu của các nghị phụ trong phiên khoáng đại thứ 7 chiều thứ bẩy 10 tháng 10 năm 2015 với sự hiện diện của Ðức Thánh Cha và 228 nghị phụ.

Nói chung, những suy tư khác nhau được trình bày về đề tài "những người ly dị tái hôn dân sự có được rước lễ hay không". Một đàng có những nghị phụ tái khẳng định sự cần thiết phải bảo tồn đức tin, nhưng có những nghị phụ khác nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải tháp tùng những người bị tổn thương, liên kết công bằng và từ bi. Trong viễn tượng này, các nghị phụ cũng nói về thủ tục cứu xét để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, theo Tự sắc "Mitis Iudex, "Vị thẩm phán hiền từ" Ðức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 8 tháng 9 năm 2015 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8 tháng 12 năm 2015. Thủ tục mới vẫn luôn cần được áp dụng nghiêm túc và chính xác.

Có những nghị phụ bàn về điều gọi là "con đường thống hối" để những tín hữu lỵ dị tái hôn có thể được lãnh nhận các bí tích. Các vị cũng suy tư về việc tìm kiếm một giải pháp đồng nhất, đồng đều cho tất cả mọi người, về việc có thể tháp tùng thích hợp các đôi vợ chồng, trong niềm tôn trọng tính cất bất khả phân ly của hôn phối. Về điều gọi là "luật tiệm tiến", mà người ta nêu lên để có thể cho phép các cặp ly dị tái hôn rước lễ, cól một số nghị phụ bày tỏ nghi ngờ về giải pháp này, nhất là về những hệ lụy có thể có liên quan tới đạo lý về ơn thánh của bí tích.

Ngoài ra, có nghị phụ tái khẳng định mối liên hệ giữa đạo lý và lòng từ bi, và nhắc nhớ rằng vấn đề ở đây không phải là xác định điều gì được phép và điều gì bị cấm. Trái lại, như ta đọc trong thư thánh Phaolô (1 Cr 6,12), tất cả đều được phép, nhưng không phải tất cả đều có tính chất xây dựng. Từ đó có lời kêu gọi lương tâm Kitô hữu hãy ra khỏi phạm vi chật hẹp của các quyền để đi vào môi trường của những gì là hữu ích cho cộng đoàn. Nói tóm lại cần giúp mỗi cá nhân khám phá đâu là dự phóng của Thiên Chúa dành cho họ.

Một số nghị phụ nhấn mạnh rằng để tránh sự thất bại trong hôn phối, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chuẩn bị hôn phối thích đáng. Thực vậy ta không thể cho phép kết hôn bằng cách chỉ nhìn xem họ có giấy tờ cần thiết và hợp lệ để cử hành hôn phối, mà không để ý đến sự phân định thực sự và trưởng thành của các đôi vợ chồng tương lai. Cần chuẩn bị hôn phối lâu dài, sâu xa, và có thể chia thành 3 giai đoạn, xa, gần và tức khắc, để chứng tỏ cho người trẻ thấy rằng Tin Mừng về gia đình không phải là một ảo tưởng, và cũng không pải là một sự hạn chế hoặc gánh nặng, nhưng là một dự phóng của Thiên Chúa mà ta cần chấp nhận. Hôn nhân là nguồn mạch sự thánh hóa và sức mạnh, hôn nhân có liên hệ tới toàn thể đời sống Kitô, qua gia đình.

Một số nghị phụ nói về lãnh vực sinh sản con cái, liên quan tới tính dục. Từ giáo huấn của Thông điệp "Sự sống con người" của Ðức Giáo Hoàng Phaolô 6, các vị tái khẳng định tầm quan trọng của sự hiểu biết về việc sinh sản trong tinh thần trách nhiệm và điều hòa sinh sản theo phương pháp tự nhiên, điều này bao hàm sự tôn trọng bản thân và người phối ngẫu của mình, chấp nhận thời kỳ tự nhiên của mỗi người.

Sau cùng có sự tái khẳng định quan hệ không thể thiếu được giữa gia đình và các tổ chức chính quyền, nhán mạnh sự cần thiết của Giáo Hội trong việc bổ túc vai trò của mình trong xã hội, cũng như nghĩa vụ của chính quyền phải bênh vực gia đình.

Có một số rất ít các nghị phụ quyết liệt chống việc cho những người ly dị tái hôn rước lễ. Cũng vậy số người chủ trương mở rộng hoàn toàn cũng chỉ là thiểu số. Hoặc những vị không có ý kiến. Ða số đề nghị những giải pháp mục vụ hoặc đúng hơn là những con đường mục vụ để tiến tới những giải pháp khả dĩ.

Ngoài vấn đề đó, các nghị phụ cũng nói về các đề tài khác như mục vụ giới trẻ, hội nhập văn hóa, bạo hành trong gia đình, hôn nhân khác đạo, nhất là tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo. (SD 12-10-2015)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page