Thượng Hội Ðồng ngày thứ năm

9 tháng Mười năm 2015

 

Thượng Hội Ðồng, ngày thứ năm, 9 tháng Mười năm 2015.

Roma (VietCatholic News 9-10-2015) - Theo tin của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, sáng ngày 9 tháng 10 năm 2015, trong phiên họp toàn thể thứ 4, các Nhóm Nhỏ đã trình bầy kết quả các suy tư của mình về phần thứ nhất của Tài Liệu Làm Việc.

Nói chung, các tường trình viên của các nhóm nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ðức và tiếng Ý, tất cả là 13 nhóm, đã nhận định rằng, như Ðức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Australia, từng viết, ta cần phải cung ứng "một cách đọc ít tiêu cực hơn về lịch sử, văn hóa và tình huống gia đình thời nay. Ðã đành, có những lực lượng tiêu cực đang hành động hiện nay trong lịch sử và trong nhiều nền văn hóa khác nhau của thế giới; nhưng đây không hẳn là trọn bộ câu truyện. Nếu đây là trọn bộ câu truyện, thì Giáo Hội không thể làm gì khác hơn là lên án. Thực ra cũng có những lực lượng tích cực, thậm chí có tính soi sáng nữa, và ta cần nhận diện các lực lượng này vì chúng rất có thể là các dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử".

Vị giáo phẩm trên nhận định thêm: "Giáo Hội không cư ngụ trong một thế giới ở bên ngoài thời gian, như Công Ðồng Vatican II, 'Công Ðồng của lịch sử', đã thừa nhận. Mà Giáo Hội cũng không cư ngụ trong một thế giới ở bên các nền văn hóa nhân bản; Giáo Hội lên khuôn các nền văn hóa và các nền văn hóa lên khuôn Giáo Hội. Khi xem xét hôn nhân và gia đình ở đây và bây giờ, chúng ta ý thức được việc cần phải đề cập tới các sự kiện lịch sử và các thực tại văn hóa, bằng cả con mắt đức tin lẫn trái tim Thiên Chúa. Ðó là điều có ý dành để ta đọc ra các dấu chỉ của thời đại".

Một quan điểm nữa được một số nhóm nêu ra là việc cần phải sử dụng nhiều ngôn từ Thánh Kinh hơn, một ngôn từ "có thể gần gũi hơn với các thực tại của trải nghiệm hàng ngày của các gia đình và có thể trở nên cây cầu nối đức tin và đời sống", tránh các lối nói bị coi là quá "nhà thờ". Ðức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin giải thích rằng điều này "sẽ giúp ta hiểu bản chất giấc mơ của Thiên Chúa mà các gia đình vốn được kêu gọi biến thành của riêng và hiểu ra rằng trong các khó khăn của đời sống, họ có thể đặt lòng tin của họ nơi một Thiên Chúa không làm ta thất vọng và cũng không bỏ rơi ai". Vị giáo phẩm này cũng nhận xét rằng "việc phân tích tình huống gia đình nên thừa nhận việc này: với sự trợ giúp của ơn thánh, các gia đình, dù không hoàn hảo, dù sống trong một thế giới bất toàn, vẫn thực sự thể hiện được ơn gọi của họ, ngay cả khi họ thất bại trong cuộc hành trình của họ. Là thành viên của nhóm, chúng tôi chia sẻ suy tư, mỗi người chúng tôi, về trải nghiệm của chính gia đình chúng tôi. Ðiều nẩy sinh không hề là tiêu mẫu của một 'gia đình lý tưởng', mà đúng hơn là một cắt dán các gia đình khác nhau về bối cảnh xã hội, sắc tộc, và tôn giáo. Giữa nhiều khó khăn, các gia đình của chúng tôi vẫn ban cho chúng tôi hồng phúc yêu thương và hồng phúc đức tin".

Người của gia đình, người của đức tin và các mục tử: Ðức Tổng Giám Mục Paul-Andre Durocher của Gatineau, Canada, trình bầy rằng: các linh mục và các giám mục phải theo quan điểm này mà lèo lái thừa tác mục vụ của các ngài. Ngài nói: "tất cả chúng ta, trước nhất và trên hết, đều là những người của gia đình. Chúng ta có cha mẹ, anh em, cháu trai cháu gái, anh chị em họ. Do đó, các gia đình mà chúng ta nói tới không xa lạ đối với chúng ta, chúng tạo nên một phần đời ta. Ðiều này cần phải thật trong sáng trong ngôn từ của ta, trong các văn bản của ta, trong việc ta chăm sóc và cảm thương các gia đình trên thế giới. Hiện đang có một nguy hiểm trong việc nói về 'gia đình' như thể đây là một điều gì ở bên ngoài ta. Chúng ta là người của đức tin. Chúng ta không cho mình là các nhà tâm lý học, xã hội học hay kinh tế học, dù một số trong chúng ta được giáo dục trong các lãnh vực này. Chủ yếu, chúng ta nói như những người của đức tin và điều này cần được nhìn thấy trong phần thứ nhất có tính phân tích của tài liệu. Chúng ta là các mục tử. Quan tâm của chúng ta là: sứ mệnh mà Chúa Kitô ủy thác cho Giáo Hội của Người, một sứ mệnh là chính Giáo Hội, luôn phải được hoàn thành ngay trong thế giới ngày nay của chúng ta. Mọi cố gắng của Thượng Hội Ðồng phải hướng về mục tiêu này. Mọi văn kiện được chúng ta soạn thảo phải phù hợp với quan tâm nền tảng này. Cách riêng, chúng tôi muốn giúp các gia đình của chúng ta trả lời hai câu hỏi: Về ơn gọi, các bạn là ai? Và về sứ mệnh, các bạn đang làm gì?"

"Tài liệu cuối cùng của chúng ta phải đem hy vọng tới cho các gia đình của chúng ta, chứng tỏ cho họ thấy chúng ta tin tưởng họ, và phải làm họ tin tưởng nơi chúng ta. Chúng ta phải tránh việc gây cho một số người cảm thấy bị loại ra ngoài sự chăm sóc của ta, vì mọi gia đình đều tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội. Chúng ta phải nhớ rằng các gia đình trong Thánh Kinh có lúc cũng đã hành xử lệch lạc, và hãy nhớ những điều Lời Thiên Chúa đã thể hiện nơi họ và cho họ. Thiên Chúa có thể thực thi cùng những phép lạ ấy trong thời ta".

Một số nhóm nhận xét rằng việc phân tích tình huống gia đình trong Tài Liệu Làm Việc không phản ảnh điều kiện phổ quát, mà đúng hơn chỉ là một viễn ảnh chủ yếu có tính Tây Phương và nhất là Âu Châu. Ðức Cha Laurent Ulrich viết rằng "các bối cảnh lịch sử và các nền văn hóa không như nhau. Không thể nói: con số các cuộc hôn nhân và rửa tội đang suy giảm khắp thế giới. Và ta cũng không thể nói tới cùng một hình thức hiện diện như nhau của Giáo Hội tại các xã hội liên hệ của ta. Các khả thể chia sẻ đức tin trong các quốc gia của chúng ta không hoàn toàn đồng nhất, và chứng tá công cộng có thể có cũng không y như nhau. Cũng thế, chính các lý do tạo ra khó khăn này cũng không y như nhau: tự do hành động tại các quốc gia 'tự do' không hề có nghĩa nó thực sự được nhìn nhận và vẫn có thể dẫn tới các thái độ mâu thuẫn. Một số nước chọn chủ trương phải khẳng định một bản sắc mạnh, trong khi nhiều nước khác chọn cuộc đối thoại kiên nhẫn nhưng không luôn được thấu hiểu. Tại một số nước khác, áp lực tôn giáo hay văn hóa đối với các Kitô hữu không có nghĩa họ câm lặng, mà đúng hơn, sau nhiều thế kỷ, họ vẫn phải đối diện với nẻo đường thống khổ".

Chủ đề các gia đình Kitô hữu tại Trung Ðông được nhắc đến khá nhiều trong các bản tường trình của các Nhóm Nhỏ. Ngoài việc tỏ tình liên đới, các Nhóm này cũng cảnh cáo rằng việc bỏ vùng này ra đi của các gia đình này sẽ kết liễu sự hiện diện hàng mấy thiên niên kỷ của Kitô Giáo tại đây.

Sự đa dạng trong các bối cảnh văn hóa xã hội và các tình huống mục vụ cũng đã được ghi nhận bởi nhóm của Ðức Hồng Y Francois-Xavier Dumortier, Dòng Tên, làm tường trình viên. Ngài nhấn mạnh điều này: sự đa dạng này đòi phải nói rõ điều gì có tính phổ quát và điều gì có tính đặc thù đối với chúng ta, nghĩa là phải có một lời chung mạnh mẽ có khả năng đáp ứng các tình huống đặc thù. Về phương diện này, nhóm đề nghị: các hội đồng giám mục được quyền nhất định cho phép các mục tử của mình trở thành các người Samaritanô nhân hậu trong việc phục vụ Giáo Hội của họ. Ðức Hồng Y cũng yêu cầu Thượng Hội Ðồng làm dễ dàng các nẻo đường "để gia đình sống ơn gọi và sứ mệnh của họ theo kế hoạch của Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo Hội", và tìm cách cung ứng "sự gắn bó hơn nữa cho việc gom nhóm các văn kiện thần học và giáo luật, mà hiện nay xem ra có tính chồng đống hơn là liên kết với nhau, để có thể đơn giản hóa việc phát biểu chúng".

Trong các bản tường trình của mọi Nhóm Nhỏ, đều có nhắc đến việc các Nhà Nước cần phải lưu tâm hơn nữa tới các nhu cầu của các gia đình và trên hết tới các thành viên yếu đuối nhất của họ, như người già cả hay tàng tật. Một số bản tường trình bầy tỏ quan ngại đối với lý thuyết gọi là phái tính (gender), mà theo lời viết của Ðức Tổng Giám Mục Durocher, "đã khai triển trong xã hội học và triết học, nhằm phân tích các hiện tượng nhân bản và xã hội khác nhau, có thể làm giầu sự hiểu biết của ta về thế giới. Tuy nhiên, khi các lý thuyết này trở thành tuyệt đối... chúng dẫn tới việc áp đặt một quan điểm nhằm bác bỏ mối liên hệ giữa bản sắc tính dục và các hữu thể tính dục là chính ta trong thân xác của mình".

Nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, mà tường trình viên là Ðức Hồng Y Người Panama, Jose Luis Lacunza Maestrojuan, trong nhiều điều khác, đã ghi nhận "thách đố phải canh tân Giáo Hội"."Chúng ta đã thất bại trong 'việc đào luyện Kitô Giáo' và trong việc 'giáo dục đức tin', và điều này dẫn tới cuộc hôn nhân đầy hố phân cách và quên sót. Không thể nói đây là gia đình được. Và đây không đơn giản chỉ là vấn đề chuẩn bị vì có nhiều cặp vợ chồng, không chuẩn bị gì cả, vẫn đã trung thành và hạnh phúc, còn nhiều gia đình khác tuy được chuẩn bị chu đáo, lại kết cục ở chia ly". Ðức Hồng Y cũng nói tới sự phá vỡ hợp nhất giữa "tình yêu, tính dục và sinh sản", và cũng ghi nhận sự phân rẽ của chiều kích giáo dục. "Mối liên hệ giữa tình yêu, tính dục, hôn nhân, gia đình và giáo dục con cái đã bị bẻ gẫy".

Giống nhiều nhóm khác, các nghị phụ nói tiếng Ý ghi nhận mối quan ngại của các ngài đối với hiện tượng di dân, đang ảnh hưởng tới nhiều gia đình trốn chạy chiến tranh và nghèo đói, và càng ngày càng liên lụy tới các gia đình khác và tới Giáo Hội. Vấn đề đạo đức sinh học cũng rất nổi bật, đặc biệt nơi các cặp vợ chồng không thể có con. Sau khi tái khẳng định việc bình đẳng về phẩm giá nam nữ bắt nguồn từ Tin Mừng, nhóm nói tiếng Ý, mà Ðức Hồng Y Mauro Piacenza là tường trình viên, nhấn mạnh tới việc cần phải kết án "việc khai thác lao động trẻ em, việc trẻ em đi lính và thân xác phụ nữ (chẳng hạn, bởi nạn đĩ điếm, đẻ mướn, bạo hành và sát nhân, hiếp dâm trong chiến tranh).

Cuối cùng, ngài cho rằng cần phải khẳng định rằng Giáo Hội có một quan điểm tích cực về tính dục, vì đây nói lên "sự căng thẳng có tính hợp xướng giữa dục tình và đức ái".

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page