Thượng HÐGM Khoá Thường lệ thứ 14
Tường trình của các Nhóm
"Gia đình không xa lạ với chúng ta"
Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ thứ 14 - Tường trình của các Nhóm: "Gia đình không xa lạ với chúng ta".
Roma (WHÐ 10-10-2015) - Sáng thứ Sáu 09 tháng 10 năm 2015, tại phiên họp toàn thể thứ tư trong khuôn khổ Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ thứ 14 về Gia đình, các Nhóm nhỏ theo ngôn ngữ - tổng cộng có 13 nhóm trong 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ðức và Ý - đã trình bày bản tổng hợp các ý kiến thảo luận trong nhóm theo phần thứ nhất của Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) về sứ vụ của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay.
Các tường trình tập trung cho biết cần phải có một cái nhìn ít tiêu cực hơn về xã hội và văn hóa, và cả về tình trạng gia đình. Ðức Tổng giám mục Mark Coleridge (Australia) tuyên bố: "Ðúng hơn cần phải nhấn mạnh vào các khía cạnh tích cực và thấy được ở đấy những dấu chỉ của Thiên Chúa. Giáo hội không sống trong một thế giới phi thời gian, tách biệt khỏi các nền văn hóa. Bản thân Giáo hội cũng đã được hình thành từ nhiều nền văn hóa khác nhau... Khi chúng ta hướng về gia đình và hôn nhân, chúng ta ý thức về sự cần thiết phải suy nghĩ trên thực tế, dĩ nhiên là với con mắt đức tin và theo ý muốn của Thiên Chúa. Cần phải đón nhận các dấu chỉ thời đại một cách hiệu quả".
Sau khi nhắc lại sự sống là một biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài, Ðức Tổng giám mục Diarmuid Martin (Ailen) đã khẳng định rằng trong mọi nền văn hóa, gia đình tìm được sức mạnh để sống ơn gọi của mình nhờ lòng tin. Thượng Hội đồng cần phải đề cao các gia đình này. "Song song với các thách đố về phương diện văn hóa-xã hội mà các gia đình phải đối mặt, chúng ta cần phải công khai nhìn nhận Giáo hội còn thiếu sự nâng đỡ mục vụ... Chúng tôi đã cùng chia sẻ một suy nghĩ... từ đó dẫn đến ý tưởng là thay vì một khuôn mẫu lý tưởng về gia đình, chúng ta cần có một hình ảnh được phác họa từ nhiều gia đình khác nhau trong môi trường xã hội, dân tộc và tôn giáo của họ. Giữa các khó khăn, các gia đình đã biết diễn tả ân sủng của tình yêu thương và đức tin# điều này có thể dẫn đến một sự phân biệt sâu sắc về cách thức họ phải chịu, từ tình cảnh bị đặt ra ngoài lề và các hình thức của cái nghèo vượt ra khỏi cái nghèo kinh tế. Một sự phân biệt như vậy hẳn sẽ giúp chúng ta nhận ra các nhóm gia đình... vốn nằm trong một tình trạng tương tự như tình trạng của Chúa Giêsu và của cha mẹ của Người, những người không có chỗ trong quán trọ... Do đó, chúng ta đừng quên các gia đình đang phải đau khổ vì không có chỗ trong xã hội, các gia đình đang là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử hay bị gạt ra ngoài lề về niềm tin của họ vào Ðức Giêsu Kitô... Các hoàn cảnh trong đó các gia đình đang khao khát sống ơn gọi của họ rất khác nhau... Mỗi Giáo hội địa phương cần phải tìm cách xác định các hoàn cảnh riêng của việc gia đình bị loại trừ trong chính xã hội của họ... Người trẻ vốn sống trong một nền văn hóa bị giới tính hóa một cách quá mức, cần được giáo dục để có một nền văn hóa hiến ban chính mình, là nền tảng của tình yêu dâng hiến trong hôn nhân. Người trẻ cần phát triển khả năng sống trong sự hài hòa với các cảm xúc và tình cảm, và tìm được sự trưởng thành trong các tương quan với người khác. Ðây có thể là một phương thuốc cho tính ích kỷ và sự cô lập vốn thường dẫn người trẻ tới chỗ thiếu vắng ý nghĩa cho cuộc sống và thậm chí tới chỗ tuyệt vọng# Việc nhân bản hóa xã hội và tương lai của tất cả chúng ta sẽ tùy thuộc cách thức một cộng đoàn thể hiện điều Thiên Chúa mong mỏi nơi công việc tạo dựng của Ngài. Chúng ta chỉ có thể tạ ơn Thiên Chúa cho các gia đình Kitô hữu của chúng ta vốn, qua tình yêu thương và dâng hiến của họ, dù còn bất toàn, biết mở lòng trước tình yêu chữa lành của Thiên Chúa được mặc khải nơi Ðức Giêsu Kitô".
Ðức Tổng Giám mục Paul-André Durocher (Canada) trước tiên đã nhắc lại là các nghị phụ là những con người của gia đình. Chúng ta có cha mẹ, anh chị em, anh em rể và chị em dâu, có anh chị em họ, cháu, chắt, các gia đình chúng ta nói tới chẳng có gì xa lạ đối với chúng ta, gia đình là thành phần của cuộc sống chúng ta... Ðiều này phải hiện rõ trong ngôn ngữ, trong cung giọng của bản văn chúng ta trình bày, trong nỗi lo âu và cảm thông của chúng ta với các gia đình trên toàn trái đất. Quả là nguy hiểm khi chúng ta nói về gia đình một cách trừu tượng, như thể về một thực tại ở ngoài chúng ta. Cần phải cố gắng nói về các gia đình... trong thực tại cụ thể và đa dạng của chúng. Ðặc biệt, cần phải tạo thuận lợi cho tình liên đới quốc tế giữa tất cả các gia đình Kitô hữu với các gia đình ngày nay đang phải chịu cảnh bắt bớ, chiến tranh và bất ổn. Nhưng chúng ta cũng là những con người của lòng tin, không nghĩ mình là những nhà tâm lý học, xã hội học và nhà quản lý, kể cả một số trong chúng ta có thể đã được đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực này. Chúng ta phát biểu trước tiên với tư cách người của lòng tin, và điều này cần phải được lộ rõ... Cuối cùng, chúng ta là những mục tử. Nỗi lo lắng của chúng ta, đó là sứ vụ Ðức Kitô đã giao cho Giáo hội, sứ vụ là Giáo hội, được thể hiện ngày càng hoàn hảo trong thế giới ngày hôm nay. Mọi nỗ lực của Thượng Hội đồng phải hướng về mục tiêu này. Bản văn chúng ta sẽ soạn thảo phải được thúc đẩy bởi nỗi ưu tư căn bản này# Cần phải giúp các gia đình trả lời hai câu hỏi, câu hỏi về ơn gọi (gia đình, bạn là ai?) và câu hỏi về sứ vụ (gia đình, bạn làm gì?). Những gì còn lại, dù hay ho đến đâu, đều là thứ yếu. Bản văn của chúng ta cần phải được gọt giũa theo tiêu chí này. Chúng ta nên nhớ là mục vụ gia đình không chỉ là hành động của định chế Giáo hội giúp các gia đình, mà là hành động của Giáo hội được thể hiện nơi gia đình và qua gia đình. Ðó chính là sự mới mẻ đích thực của mục vụ gia đình chúng ta được mời gọi triển khai tại cuộc họp Thượng Hội đồng này... Nhưng sự phân tích của chúng ta cần phải sáng suốt, bởi chúng ta muốn mục vụ của chúng ta phải được cắm rễ sâu trong thực tế. Ðặc biệt, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng nền nhân học hàm ẩn trong nền văn hóa hiện đại khá xa với nhãn quan Kitô giáo. Việc nhấn mạnh vào cá nhân, với một sự tự do không giới hạn, nhiều khi gắn với chủ nghĩa tương đối về mặt đạo đức, đi ngược lại xác tín của chúng ta về con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa-Ba Ngôi. Gia đình không chỉ đơn thuần là một đơn vị nền tảng của xã hội, mà còn là nơi con người trưởng thành... Chúng ta cần nhấn mạnh hai khía cạnh của nền văn hóa mới mà chúng ta quan tâm một cách sâu sắc. Một là sự xuất hiện của một ý thức hệ về giới; khía cạnh thứ hai, đó chính là sự phát triển các kỹ thuật sinh học cho phép tách và kết hợp lại "vật sống"... Trước hai thực tại này, tất cả chúng ta cần phải cảnh giác và dấn thân".
Ðức Tổng giám mục Laurent Ulrich (Pháp) đã nhấn mạnh rằng không nên chỉ nhìn vào tính cách bí tích của hôn nhân, hay đóng khung trong các vấn đề và hoàn cảnh đau đớn của đời sống gia đình. "Sẽ không tốt nếu Thượng Hội đồng chỉ xoay quanh các vấn đề và khủng hoảng các gia đình ở phương Tây đang trải qua... Có những gia đình đang sống một cách hạnh phúc sự cắm rễ sâu trong Ðức Kitô và trong đức tin... Chúng ta cần phải bắt đầu từ những gì gia đình đã sống và làm thành những điểm tựa cho việc loan báo Tin Mừng". Cần phải tiếp nhận quan điểm về đời sống của các gia đình, mà không giới hạn mình vào đời sống của các cặp sống chung và hôn nhân, cho dù đó là điều thiết yếu phải bàn đến... Dẫu sao, cũng có một số người có kinh nghiệm bày tỏ một sự lo ngại nào đó: một phần các đề nghị của chúng ta, "được soạn và thông qua sau khi đã thảo luận nhưng không được giữ lại... Trong một cuộc tranh luận liên quan đến các khía cạnh rất cụ thể và đa dạng của đời sống gia đình, chúng ta nghĩ là mình coi đó như một kinh nghiệm duy nhất về tính công giáo, điều chưa hề đạt tới một cách vĩnh viễn. Ðó là một ân sủng của Chúa ban cho chúng ta qua kinh nghiệm này của Giáo hội. Chúng ta cần phải tiếp nhận, phải sống với sự trung tín, đào sâu trong chân lý ân sủng này. Chúng ta cần dành thời gian để lắng nghe nhau, đi tới cùng các suy tư của chúng ta và chia sẻ các suy tư này với nhau..."
Ðức hồng y Robert Sarah (Cor Unum), đã tóm tắt các suy tư của nhóm ngài trong ba điểm: 1) Cần phải chú trọng tới tính cách đa dạng của các bối cảnh văn hóa-xã hội và các hoàn cảnh mục vụ. 2) Những điều chờ mong: mong sao Thượng Hội đồng có thể làm cho người ta hiểu là Giáo hội tin tưởng vào các gia đình; Thượng Hội đồng cần đưa ra các điểm mốc và giúp gia đình sống ơn gọi của mình theo kế hoạch của Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo hội; Thượng Hội đồng nên bày tỏ sự nâng đỡ của mình đối với các gia đình ở vùng Trung và Cận Ðông, thường phải sống phân tán và bị cám dỗ ra đi; Thượng Hội đồng cũng cần có một cái nhìn tích cực về gia đình vốn vẫn là một ngôi trường của nhân loại; vượt ra khỏi các nguyên nhân sâu xa của một số khủng hoảng hiện nay, Thượng Hội đồng cần giúp các thành viên của các gia đình lấy lại sức mạnh và niềm hy vọng. 3) Cần xem xét một cách kỹ lưỡng các nguyên nhân của các xáo trộn tác động trên các gia đình và qua gia đình, trên xã hội; cần phải bám chặt vào một sự suy tư cắm rễ sâu nơi Ðức Kitô; cần phải có một sự can thiệp của giáo huấn nhằm làm cho các bản văn có kết cấu chặt chẽ hơn, bởi các bản văn thuộc lĩnh vực thần học và gáo luật này mang tính rời rạc thay vì ăn khớp với nhau. Kế đó, về phần thứ nhất của Instrumentum Laboris, nhóm có hai nhận xét tổng quát: Phân tích được đưa ra về gia đình nhiều khi có tính cách tiêu cực với những từ nặng nề... Bản văn đề cập một cách quá mức về vấn đề của châu Âu, thậm chí quá châu Âu... Cần phải nhớ rằng gia đình là trụ cột không thể thay thế của cuộc sống trong xã hội và người ta không thể né tránh, rằng gia đình là nền tảng của xã hội, điều này buộc Giáo hội, vốn quan tâm tới nhân loại, phải đối diện với vấn đề gia đình ngày hôm nay trong ơn gọi và sứ vụ riêng của gia đình...
Lý thuyết về giống là đối tượng của một cuộc thảo luận rộng rãi... vốn nhấn mạnh đến tính chất ý thức hệ của nó, nhất là khi nó được phổ biến, thậm chí áp đặt, bởi một số tổ chức quốc tế... Trái lại, chúng tôi đánh giá cao cách thức mà Instrumentum Laboris nhấn mạnh vào phẩm giá của người nữ, về vai trò riêng và trách nhiệm riêng của người nữ... Sự nhấn mạnh đúng đắn này kêu gọi xem xét tình trạng các phụ nữ đôi khi thấy mình là thấp kém hay bị lãng quên... Nhiều vấn đề khác cũng được đề cập, đặc biệt là thách đố về người khuyết tật, thách đố về kinh tế, và nhất là thách đố về vấn đề người di dân... Chúng tôi cũng thảo luận về các gia đình thuộc các Giáo hội Công giáo Ðông phương bị buộc phải lưu vong, và hệ quả của hiện tượng này đối với các xã hội tiếp nhận họ.
Các nghị phụ nói tiếng Ý, cũng như nhiều vị khác, cho thấy các ngài lưu tâm đến hiện tượng di cư, đang tác động đến nhiều gia đình trốn chạy khỏi chiến tranh và nghèo đói, và ngày càng liên quan đến nhiều gia đình khác và cả Giáo hội. Vấn đề đạo đức sinh học cũng là nổi bật, đặc biệt là trong số những cặp vợ chồng không thể có con. Sau khi tái khẳng định rằng sự bình đẳng về phẩm giá của người nam và người nữ có nguồn gốc từ Tin Mừng, nhóm nói tiếng Ý, với tường trình viên là Ðức hồng y Mauro Piacenza, nhấn mạnh rằng cần phải lên án "việc bóc lột lao động trẻ em, bắt trẻ em cầm súng và khai thác thân thể phụ nữ (chẳng hạn: mại dâm, đẻ thuê, bạo lực và giết người, hiếp dâm như là một hành động chiến tranh)".
Cuối cùng, ngài cảnh báo về sự cần thiết phải khẳng định rằng Giáo hội có một cái nhìn tích cực về tính dục, như là một cách diễn tả về "sự căng thẳng hoà điệu giữa eros và agape".
Mai Tâm