Ðức Thánh Cha nói về tinh thần gia đình
và mời gọi các tín hữu
cầu nguyện cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục
Ðức Thánh Cha tiếp kiến các tín hữu hành hương: Ðức Thánh Cha nói về tinh thần gia đình và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục.
Vatican (Vat. 7-10-2015) - Trong buổi tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 7 tháng 10 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tinh thần gia đình và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục.
Ðề tài bài huấn dụ trong buổi tiếp kiến là "Tinh thần gia đình" và đây là bài thứ 28 trong loạt bài huấn giáo của ngài về gia đình.
"Anh chị em thân mến, chào anh chị em
"Từ vài ngày nay đã khai diễn Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về đề tài "Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay". Gia đình tiến bước trên con đường của Chúa là điều cơ bản trong việc làm chứng về tình yêu Thiên Chúa và vì thế đáng được Giáo Hội tận tụy quan tâm săn sóc, và Giáo Hội có khả năng làm điều đó. Thượng Hội Ðồng Giám Mục được kêu gọi diễn giải mối quan tâm và sự săn sóc này của Giáo Hội ngày nay. Chúng ta hãy tháp tùng trọn hành trình của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, nhất là bằng kinh nguyện và bằng sự chú tâm của chúng ta. Trong thời kỳ này, các bài huấn giáo của chúng ta sẽ là những suy tư lấy hứng từ một số khía cạnh trong tương quan giữa Giáo Hội và gia đình, chúng ta có thể nói tương quan ấy là bất khả phân ly, với chân trời cởi mở đối với thiện ích của toàn thể cộng đoàn nhân loại.
"Khi chăm chú nhìn đời sống thường nhật của con người nam nữ ngày nay, ta thấy ngay một nhu cầu, đó là ở mọi nơi đều cần đưa vào một tinh thần gia đình mạnh mẽ. Thực vậy, những lối quan hệ - về dân sự, kinh tế, pháp lý, nghề nghiệp và về mặt cộng dân, có tính chất hợp lý, chính thức, có tổ chức, nhưng nhiều khi chúng cũng rất khô cằn, vô danh. Nhiều khi các tương quan ấy trở nên không thể chịu nổi. Tuy chúng cũng muốn có tính chất bao gồm, dưới mọi hình thức, nhưng trong thực tế các quan hệ ấy bỏ mặc trong sự cô độc và bị gạt bỏ một số người ngày càng đông đảo.
"Ðó là lý do tại sao gia đình mở ra cho toàn thể xã hội một viễn tượng nhân bản hơn; mở mắt con cái về sự sống, và không phải mở cái nhìn mà thôi, nhưng còn mở tất cả các giác quan khác, trình bày một cái nhìn về tương quan nhân bản dựa trên sự giao ước tình yêu tự do. Gia đình dẫn vào nhu cầu cần có những quan hệ chung thủy, thành thật, tín nhiệm, cộng tác, tôn trọng; gia đình khích lệ đề ra dự phóng một thế giới có thể cư ngụ được và tin tưởng nơi các quan hệ tín nhiệm, cả trong những hoàn cảnh khó khăn; gia đình dạy thực thi lời đã hứa, tôn trọng mỗi người, chia sẻ những giới hạn của mình và tha nhân. Và tất cả chúng ta đều ý thức về tính chất không thể thay thế được của sự quan tâm gia đình đối với những phần tử nhỏ bé, dễ bị tổn thương, bị thương tổn nhất, thậm chí những người đãng trí nhất trong cách cư xử của họ. Trong xã hội, ai thực thi những thái độ ấy, họ được thấm nhiễm tinh thần gia đình, không phải tinh thần cạnht rang và ước muốn tự thành đạt.
"Tuy biết tất cả những điều đó, người ta vẫn không dành cho gia đình sự quan tâm cần phải có, một sự nhìn nhận và nâng đỡ trong tổ chức chính trị và kinh tế của xã hội ngày nay. Tôi muốn nói hơn nữa: gia đình không những không được nhìn nhận thích đáng, nhưng không được học hỏi nhiều hơn! Nhiều khi điều ấy có nghĩa là: với tất cả những khoa học và kỹ thuật của mình, xã hội tân tiến ngày nay chưa có khả năng diễn tả những kiến thức ấy trong những hình thức sống chung xã hội tốt đẹp hơn. Không những việc tổ chức đời sống chung ngày càng bị sa lầy trong một thứ bệnh bàn giấy rất xa lạ với những quan hệ cơ bản giữa con người với nhau, nhưng thậm chí phong tục xã hội và chính trị thường cho thấy có những dấu hiệu sa đọa, - gây hấn, thô lỗ, khinh rẻ - ở dưới mức độ một nền giáo dục gia đình tối thiểu nhất. Trong bối cảnh đó, hai thái độ đối nghịch nhau trong quan hệ sa đọa - một bên là thái độ duy kỹ thuật, và bên kia là duy gia đình vô luân - liên kết với nhau và nuôi dưỡng nhau. Ðó thực là một điều nghịch lý mâu thuẫn.
"Ngày nay, về điểm này, Giáo Hội xác định ý nghĩa lịch sử sứ mạng của mình, về gia đình và tinh thần gia đình chân chính: bắt đầu từ sự quan tâm kiểm điểm cuộc sống, liên quan đến chính mình. Ta có thể nói rằng tinh thần gia đình là một hiến pháp đối với Giáo Hội; Kitô giáo phải xuất hiện và phải hiện hữu như thế. Kinh thánh đã viết rõ ràng: "Anh chị em không còn là những người xa lạ hoặc khách trọ, nhưng là đồng bào của các thánh và là người nhà của Thiên Chúa" (Ep 2,19). Giáo Hội đang và phải là gia đình của Thiên Chúa.
"Chúa Giêsu, khi gọi Phêrô đi theo Ngài, đã nói với ông là Ngài sẽ làm cho ông trở thành "ngư phủ đánh cá người"; và vì thế Ngài muốn có một thứ lưới mới. Ngày nay chúng ta có thể nói rằng các gia đình là một trong những lưới quan trọng nhất đối với sứ mạng của Phêrô và Giáo Hội. Ðó không phải là lưới làm cho ta trở thành tù nhân bị ràng buộc. Trái lại lưới ấy giải thoát khỏi những vùng biển xấu xa của sự bỏ rơi và dửng dưng, làm cho nhiều người chết đuối trong biển cô đơn và lãnh đạm. Gia đình biết rõ thế nào là phẩm giá được cảm thấy mình là con cái chứ không phải là nô lệ hoặc là người xa la, hay chỉ là một con số trên thẻ căn cước.
"Chính từ đó, từ gia đình, Chúa Giêsu tái bắt đầu tiến qua con người để thuyết phục họ rằng Thiên Chúa không quên họ. Từ đó Phêrô kín múc sức mạnh cho sứ vụ của Ngài. Từ đó, Giáo Hội, tuân theo lời Thầy chí thánh, ra khơi thả lưới, xác tín rằng nếu điều này xảy ra, vì sẽ có mẻ cá lạ lùng. Ước gì lòng nhiệt thành của các nghị phụ Thượng Hội Ðồng Giám Mục, được Thánh Thần linh hoạt, nuôi dưỡng đà tiến của một Giáo Hội từ bỏ những lưới củ kỹ và bắt đầu đánh cá tín thác nơi Lời Chúa. Chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện cho ý nguyện đó! Chúa Kitô đã hứa và khích lệ chúng ta: nếu những người cha xấu tính vẫn không từ chối bánh cho con cái mình đang đói, thì chúng ta tưởng tượng xem, Thiên Chúa chẳng lẽ không ban Thánh Thần của Ngài cho những người nồng nhiệt xin ngài, dù họ là người bất toàn sao!
Sau khi Ðức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, các Linh Mục đã tóm lược bài này bằng nhiều sinh ngữ khác kèm theo những lời chào thăm của Ðức Thánh Cha.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh Cha nồng nhiệt cám ơn Ðức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, và các cộng sự viên đã dấn thân tổ chức Ðại hội kỳ 8 của các gia đình Công giáo thế giới mới đây tại thành phố Philadelphia Hoa Kỳ. Ngài cũng nhắc đến các tham dự viên khóa bồi dưỡng do dòng Ngôi Lời tổ chức. Ðức Thánh Cha không quên các bạn trẻ, các đôi vợ chồng mới cưới và các bệnh nhân, ngài xin sức mạnh của Mẹ Maria dưới chân thánh giá nâng đỡ họ trong những lúc khó khăn nhất.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)