Thượng Hội Ðồng: ngày đầy đủ đầu tiên

thứ Hai, 5 tháng Mười năm 2015

 

Thượng Hội Ðồng: ngày đầy đủ đầu tiên, thứ Hai, 5 tháng Mười năm 2015.

Roma (VietCatholic News 5-10-2015) - "Thượng Hội Ðồng là Giáo Hội đồng hành với nhau để nhìn ra thực tại bằng con mắt đức tin" (Ðức Phanxicô, bài nói chuyện trực tiếp lần đầu với Thượng Hội Ðồng ).

Theo tin của Văn Phòng Thông Tin Tòa Thánh, lúc 9 giờ sáng thứ Hai, 5 tháng Mười năm 2015, Kỳ Họp Khoáng Ðại Thường Lệ Lần Thứ Mười Bốn của Thượng Hội Ðồng về "Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay" đã khởi sự tại Vatican. Trước sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, vị lên tiếng đầu tiên là Ðức Hồng Y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga (Honduras); ngài trình bầy với các nghị phụ Thượng Hội Ðồng một bài suy niệm ngắn tóm tắt các ý hướng và tinh thần của Khóa Họp.

Ðức Hồng Y nói rằng: "Thưa các hiền huynh, những người đến từ bốn phương trên thế giới do Phêrô triệu tập, được tình yêu Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội thúc đẩy. Thánh Phaolô quả đang mời gọi ta tiến tới niềm vui. Niềm Vui Tin Mừng mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô không mệt mỏi công bố khắp thế giới. Nhưng, như ngài từng nói với ta, mối nguy lớn nhất trong thế giới ngày nay, với đặc tính tiêu hao đa dạng và áp đảo của nó, là nỗi buồn rầu cá nhân chủ nghĩa phát sinh từ một tâm hồn ưa thoải mái và ham hố, yếu đuối đi tìm những khoái lạc phiến diện, một ý thức cô lập. Ðôi lúc nó làm ta buồn rầu khi nghe biết thế giới xưa nay vốn tập chú vào Thượng Hội Ðồng như thể chúng ta đến với nhau từ hai phe đối lập để bảo vệ các quan điểm có tính cố thủ#.

"Nhưng chúng ta hãy can đảm lên. Chúng ta không phải là một Giáo Hội đang gặp nguy cơ bị tận diệt# Mà gia đình cũng thế, dù nó đang bị đe dọa và chống đối. Và chúng ta cũng không đến đây để khóc than hay thở than về các khó khăn. Thánh Vịnh 26 dạy ta: 'Hãy can đảm lên, hãy mạnh dạn lên. Hãy hy vọng nơi Chúa'. Tất cả chúng ta hãy một tâm một trí: tất cả chúng ta hãy tìm sự nhất trí nhờ đối thoại, chứ không phải các ý tưởng được bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Thánh Phaolô nhắc nhở ta phải có cùng các tâm tư như Chúa Kitô. Hãy sống hòa bình: như Niềm Vui Tin Mừng dạy ta, đối thoại góp phần tạo hòa bình, vì Giáo Hội công bố 'Tin Mừng hòa bình'. Ðể công bố Chúa Giêsu Kitô, Ðấng vốn là hiện thân của hòa bình, Mẹ Giáo Hội khuyến khích ta trở thành khí cụ của hòa bình và chứng nhân đáng tin cậy của một đời hòa giải. Ðã đến lúc phải đặt kế hoạch cho một nền văn hóa biết cổ vũ đối thoại và mưu cầu đồng thuận và các thỏa thuận làm hình thức gặp gỡ. Chúng ta không cần một dự án của thiểu số và dành cho một thiểu số hay một nhóm có hiểu biết hay thiểu số chỉ nhằm lấy cảm thức tập thể làm của riêng".

Ngài kết luận "Do đó, chúng ta muốn khởi đầu Thượng Hội Ðồng trong hòa bình. Không phải là hòa bình của thế gian, tạo bằng các nhượng bộ hay cam kết thường không được chu toàn. Mà là hòa bình của Chúa Kitô, hòa bình với chính chúng ta. Và câu kết luận đã rõ: 'Thiên Chúa của tình yêu và của hòa bình ở cùng anh em'. Nên chúng ta có thể thưa 'Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con', không phải vì ngày sắp tàn mà đúng hơn ngày đang bắt đầu. Một ngày mới cho các gia đình thế giới, bất kể có đức tin hay không, các gia đình đang mỏi mệt vì bất trắc và nghi ngại do nhiều ý thức gieo rắc, như các ý thức hệ hủy diệt, mâu thuẫn văn hóa và xã hội, mỏng dòn và cô đơn. Lạy Chúa, xin ở với chúng con, để Thượng Hội Ðồng này ấn định được con đường hân hoan và hy vọng cho mọi gia đình".

Sau đó, Ðức Giáo Hoàng đã giới thiệu việc làm của ngày thứ nhất, khi giải thích rằng "Thượng Hội Ðồng không phải là một hội nghị, một chỗ để nói, cũng không phải là một nghị viện hay một thượng nghị viện, nơi người ta đưa ra các mối lái trao đổi để rồi đạt tới các thỏa hiệp. Ðúng hơn, Thượng Hội Ðồng là một phát biểu của Giáo Hội, tức là: Giáo Hội đang cùng nhau sánh bước mong đọc được thực tại bằng con mắt đức tin và bằng trái tim Thiên Chúa; đây là một Giáo Hội biệt tự tra vấn chính mình về lòng trung thành của mình đối với kho tàng đức tin; kho tàng này, đối với Giáo Hội, không phải là một viện bảo tàng để xem, cũng không phải là một điều gì đó chỉ để giữ gìn, mà là một nguồn suối sống động để Giáo Hội múc uống, để thỏa mãn cơn thèm khát kho sự sống và soi sáng kho sự sống này".

Mặt khác, Thượng Hội Ðồng là "nơi được bảo vệ trong đó, Giáo Hội cảm nghiệm được hành động của Chúa Thánh Thần. Tại Thượng Hội Ðồng, Chúa Thánh Thần nói bằng miệng lưỡi mọi người; những người tự để mình được Thiên Chúa hướng dẫn, Ðấng luôn làm ta ngạc nhiên, Ðấng Thiên Chúa luôn tự mạc khải cho những người bé nhỏ, và dấu mặt đối với những người hiểu biết và thông minh: Ðấng Thiên Chúa tạo ra luật lệ và ngày Sabát cho con người chứ không ngược lại; Ðấng Thiên Chúa bỏ 99 con chiên ở lại để đi tìm một con chiên lạc; Ðấng Thiên Chúa luôn lớn hơn các luận lý và các tính toán của ta.Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ điều này: Thượng Hội Ðồng sẽ chỉ là nơi để Chúa Thánh Thần hành động nếu các tham dự viên chúng ta chịu mặc lấy đức can đảm của các tông đồ, đức khiêm nhường của tin mừng và tinh thần tín thác cầu nguyện".

Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng "Can đảm tông truyền để khước từ khiếp đảm trước các cám dỗ của thế gian, những cám dỗ có khuynh hướng giập tắt ánh sáng sự thật trong trái tim con người, thay thế vào đó bằng những thứ ánh sáng mờ nhạt và tạm bợ thoáng qua; cũng không khiếp đảm trước sự cứng như đá của một số tâm hồn, dù có ý tốt, nhưng đang lùa người ta ra xa Thiên Chúa".

"Ðức khiêm nhường của tin mừng là biết cách dốc hết các ước lệ và thiên kiến đi để lắng nghe các hiền huynh giám mục của mình và để đổ đầy Thiên Chúa vào, một đức khiêm nhường không dẫn ta tới chỗ chỉ tay cũng như phê phán người khác, nhưng chìa rộng bàn tay ta để giúp đỡ người khác mà không hề cảm thấy mình hay hơn họ".

"Tín thác cầu nguyện, biết tin tưởng nơi Thiên Chúa, là hành động của một trái tim biết mở ra đón nhận Thiên Chúa, biết dẹp bỏ các ý thích của ta để lắng nghe giọng nói êm nhẹ của Thiên Chúa, một giọng chuyên nói trong im lặng. Không lắng nghe Thiên Chúa, mọi lời ta nói chỉ là những lời không thỏa mãn được nhu cầu nào và không phục vụ bất cứ mục tiêu nào. Không để ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mọi quyết định của ta sẽ chỉ là những đồ trang trí, thay vì tuyên dương Tin Mừng, đã chỉ che phủ và che khuất nó mà thôi".

Ðức Giáo Hoàng kết luận: "Các hiền huynh thân mến, như tôi đã nói, Thượng Hội Ðồng không phải là một nghị viện trong đó, để đạt được đồng thuận hay thỏa hiệp chung, người ta phải dùng tới thương lượng, tới đổi chác chạy chọt, hay nhượng bộ; thực vậy, phương pháp duy nhất của Thượng Hội Ðồng là mở lòng ra đón Chúa Chúa Thánh Thần với đức can đảm của tông đồ, với đức khiêm nhường của Tin Mừng và với tinh thần tín thác cầu nguyện, để Người hướng dẫn ta, soi sáng ta và làm ta luôn để trước mắt thiện ích của Giáo Hội và sự cứu rỗi của các linh hồn, không những bằng các ý kiến bản thân của ta mà còn bằng đức tin vào Thiên Chúa, lòng trung thành với Huấn Quyền nữa".

Vị chủ tịch đại biểu, tức Ðức Hồng Y Andre Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, sau đó đã nhận định rằng quyết định triệu tập hai khóa họp của Thượng Hội Ðồng giám mục về sứ mệnh gia đình trong thế giới ngày nay đã đang sinh hoa trái và hàng giám mục đã làm chứng cho việc này. Các Giáo Hội đặc thù đã thực hiện nhiều cố gắng góp phần vào công trình bằng cách trả lời bản câu hỏi vốn hướng dẫn cho Tài Liệu Làm Việc. "Thượng Hội Ðồng của chúng ta đã được toàn thể Giáo Hội dẫn dắt". Ðức Hồng Y cũng nhắc tới tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus, mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã dùng để cải tổ các thủ tục giáo luật liên quan tới việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu, cũng là tự sắc đem lại sự hướng dẫn giá trị cho hướng đi của giai đoạn này của Thượng Hội Ðồng. "Không hề gây nghi ngại đối với truyền thống bí tích của Giáo Hội chúng ta, cũng như tín lý của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân, Ðức Thánh Cha đã mời gọi chúng con chia sẻ kinh nghiệm mục vụ và mở ra con đường thương xót mà Chúa vốn dùng kêu gọi tất cả những ai muốn và có khả năng bước vào không gian hoán cải để được tha thứ".

Ðức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng, giải thích phương pháp làm việc của Thượng Hội Ðồng trong khóa họp này, kể cả thời gian cho các nghị phụ lên tiếng góp ý sau khi dành ưu tiên cho Các Nhóm Nhỏ (Circuli Minori) nhằm cổ vũ một cuộc tranh luận thâm sâu hơn. Thượng Hội Ðồng cũng đánh giá cao các đóng góp của các cặp vợ chồng cũng như mối liên hệ giữa Thượng Hội Ðồng và các phương tiện truyền thông.

Cuối cùng, vị tổng trường trình, Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Ezstergom-Budapest, Peter Erdo, đã minh giải phần thứ nhất của Tài Liệu Làm Việc, tức phần nói tới việc lắng nghe các thách đố đới với gia đình, đặt chúng vào ngữ cảnh văn hóa xã hội đương thời, và sự thay đổi nhân học của nó, mà đặc điểm là "trốn chạy các định chế" dẫn tới sự bất ổn của các định chế và sự thắng thế của chủ nghĩa duy cá nhân và chủ nghĩa duy chủ quan. Rồi ngài nói tới việc biện phân ơn gọi của gia đình, khoa sư phạm của Thiên Chúa đối với gia đình và tính bất khả tiêu như một hồng phúc và một nghĩa vụ, nói tới gia đình trong Huấn Quyền Giáo Hội và chiều kích truyền giáo của nó, cũng như các gia diình "bị thương tích", đặt họ vào ngữ cảnh lòng thương xót và sự thật. Ðức Hồng Y cũng đề cập tới chủ đề phúc âm hóa của gia đình và việc Giáo Hội đồng hành với các đơn vị gia đình cũng như vấn đề trách nhiệm sinh sản và các thách đố giáo dục.

Ngài bảo: "Lắng nghe Lời Thiên Chúa, đáp ứng của ta phải biểu lộ sự chú tâm thành thực và đầy tình huynh đệ đối với các nhu cầu của người thời ta, phải chuyển tải tới họ sự thật giải thoát và phải là chứng nhân cho lòng thương xót vĩ đại nhất của ta. Muốn đương đầu với các thách đố thời nay đối với gia đình, Giáo Hội phải trở về và trở nên sống động hơn, có tính bản thân hơn, và dựa vào cộng đoàn hơn, cả ở bình diện giáo xứ lẫn cộng đoàn nhỏ. Tại nhiều khu vực, xem ra việc thức tỉnh cộng đoàn đã đang diễn ra. Ðể nó được phổ quát và sâu sắc hơn, chúng ta xin ánh sáng Chúa Thánh Thần chỉ cho ta thấy cả các bước cụ thể ta cần phải tiếp nhận. Nhờ cách này, ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay, vốn là chủ đề của Thượng Hội Ðồng này, sẽ xuất hiện trong một ánh sáng thanh thản và cụ thể giúp ta lớn lên trong niềm hy vọng và tín thách vào lòng thương xót của Chúa; mà vì lòng thương xót này, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã muốn dành một năm thánh đặc biệt. Chúng ta hãy cám ơn Ðức Thánh Cha vì quyết định đầy hy vọng này và phó thác việc làm của chúng ta cho Thánh Gia Nadarét".

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page