Nội dung bài phỏng vấn Ðức Thánh Cha Phanxicô
trên máy bay trở về Roma
Nội dung bài phỏng vấn Ðức Thánh Cha Phanxicô trên máy bay trở về Roma.
Vatican (SD 28-09-2015) - Cũng như trong mọi chuyến công du khác, trên chuyến bay từ Philadelphia về Roma chiều ngày 27 tháng 9 năm 2015 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một bài phỏng vấn dài về nhiều vấn đề khác nhau liên quan tới chuyến viếng thăm mục vụ cũng như tình hình thế giới và các vấn đề của Giáo Hội.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn này. Cha Federico Lombardi Giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh, đã ngỏ lời chào Ðức Thánh Cha như sau:
- "Thưa Ðức Thánh Cha, xin chào mừng Ðức Thánh Cha đến giữa chúng con và dành thời giờ cho chúng con sau chuyến viếng thăm rất mệt nhọc đòi hỏi nhiều dấn thân. Chúng con xin bắt đầu ngay với các câu hỏi. Người đầu tiên là một chị ở đây đã viết một bài về Ðức Thánh Cha trên báo Times nên chị đã được chuẩn bị rất kỹ về chuyến công du của Ðức Thánh Cha. Chị sẽ hỏi bằng tiếng Anh và anh Matteo sẽ dịch ra tiếng Ý cho Ðức Thánh Cha."
Ðức Thánh Cha chào các nhà báo và nói:
+ "Xin cám ơn anh chị em rất nhiều vì công việc của anh chị em. Anh chị em phải chạy từ chỗ này tới chỗ nọ. Còn tôi thì ngồi ở trong xe... Xin cám ơn anh chị em nhiều lắm.
- Xin cám ơn Ðức Thánh Cha rất nhiều., Con là Elisabetta Dias của báo Time Magazine, Chúng con rất tò mò muốn biết: đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của Ðức Thánh Cha tại Hoa Kỳ. Cái gì tại Hoa Kỳ đã khiến cho Ðức Thánh Cha ngạc nhiên nhất, và có cái gì khác với các chờ mong của Ðức Thánh Cha hay không?
Ðáp: Vâng, đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi: tôi chưa bao giờ đến Hoa Kỳ. Ðiều khiến tôi ngạc nhiên đó là sự nồng ấm của dân chúng, họ thật là dễ thương: đây là một điều đẹp và cũng khác nữa. Tại Washington có một sự tiếp đón nồng nhiệt nhưng hơi hình thức một chút; tại New York thì một chút qúa mức, và tại Philadelphia thì rất rõ ràng. Ba cách thức khác nhau, nhưng cùng một sự tiếp đón. Tôi rất bị đánh động bởi lòng tốt, sự tiếp đón, và trong các lễ nghi tôn giáo bởi lòng đạo đức và sùng đạo. Người ta thấy là dân chúng cầu nguyện, và điều này đã đánh động tôi rất nhiều, nhiều lắm. Thật là đẹp!
- Ðức Thánh Cha có nhận thấy một thách đố từ phía Hoà Kỳ mà Ðức Thánh Cha đã không chờ đợi không? Có vài khiêu khích nào không?
Ðáp: Không. Cám ơn Chúa, không. Không. Không. Mọi sự đểu tốt đẹp. Không có khiêu khích nào. Mọi người đều rất có giáo dục, không có lời nguyền rủa nào, không có điều gì xấu xa. Không, Không. Nhưng chúng ta phải tiếp tục làm việc với dân tộc có đức tin này, như họ đã làm việc cho tới nay, đúng không? Bằng cách đồng hành với dân tộc trong tươi vui và trong những lúc khó khăn, khi không có việc làm, khi bị ốm đau... Thách đố của Giáo Hội - bây giờ thì tôi hiểu đúng - thách đố của Giáo Hội ngày nay là sống như Giáo Hội vẫn luôn luôn sống: gần gũi dân chúng, gần gũi nhân dân Hoa Kỳ. Chứ không phải một Giáo Hội cách biệt dân chúng. Không. Gần gũi, gần gũi. Và đây là một thách đố mà Giáo Hội Hoa Kỳ đã hiểu rõ, đã hiểu rõ và muốn làm.
** Cha Lombardi giới thiệu nhà báo thứ hai là anh David O'Reilly của báo "Philadelphia Inquirer" là một trong các nhật báo lớn của Philadelphia. Anh hỏi:
- Thưa Ðức Thánh Cha, Philadelphia như Ðức Thánh Cha biết - đã trải qua một giai đoạn xấu với các vụ lạm dụng tính dục: nó còn là một vết thương mở. Con biết có nhiều người tại Philadelphia ngạc nhiên vì trong bài nói chuyện với các Giám Mục tại Washington Ðức Thánh Cha đã cống hiến cho các vị sự an ủi và củng cố. Con tin rằng tại Philadelphia người ta muốn hỏi: "Tại sao Ðức Thánh Cha lại đã cảm thấy cần phải củng cố và an ủi các Giám Mục như vậy?
Ðáp: Tại Washington tôi đã nói chuyện với tất cả các Giám Mục Hoa Kỳ. Ðã có tất cả các Giám Mục toàn nước. Tôi đã cảm thấy cần bầy tỏ sự cảm thương, bởi vì đã xảy ra một điều hết sức xấu xa, và biết bao Giám Mục đã đau khổ, bởi vì các vị đã không biết điều này, và khi chuyện bùng nổ ra, các vị đã rất là đau khổ: là các người của Giáo Hội, của cầu nguyện và chủ chăn đích thực.. Và tôi đã nói bằng cách trích sách Khải Huyền rằng tôi biết các vị "đang đến từ một nỗi khổ tâm lớn lao". Nhưng không phải chỉ là nỗi khổ đau tình cảm: đó là điều hôm nay tôi đã nói với các người đã bị lạm dụng. Nó đã là... tôi không nói là "một việc chối đạo", nhưng hầu như là một việc phạm thánh! Khi... nhưng chúng ta biết là các lạm dụng tính dục xảy ra khắp nơi: trong môi trường gia đình, trong môi trường hàng xóm, trong các trường học, trong các nơi tập thể thao thể dục, khắp nơi... Nhưng khi một linh mục phạm một lạm dụng như thế, thì là điều rất nặng, bởi vì ơn gọi linh mục là làm cho đứa bé trai bé gái đó lớn lên, hướng về Thiên Chúa, hướng tới sự trưởng thành tình cảm, hướng tới sự thiện. Thay vì làm điều đó, thì vị linh mục lại đè bẹp nó, lại làm điều dữ. Chính vì vậy mà nó như là một sự phạm thánh. Và vị linh mục đó đã phản bội ơn gọi của mình, phản bội tiếng gọi của Chúa. Vì thế Giáo Hội mạnh tay trong lúc này: không được bao che, cả những người bao che cũng có lỗi trong các chuyện này. Cả vài Giám Mục đã che dấu điều này cũng có lỗi! Ðây là một điều vô cùng xấu xa. Và các lời an ủi không phải để nói rằng: "Thôi, cư yên trí, không là gì đâu!": không, không, không! Ðã là điều đó, nhưng thật là một điều xấu xa biết bao nhiêu, và tôi tưởng tượng được anh em đã khóc biết chừng nào": các lời nói của tôi đã ở trong nghĩa đó. Và hôm nay tôi đã nói rất mạnh.
** Câu hỏi tiếp theo là của chị Maria Antonietta Collins:
- Thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha đã nói tới sự tha thứ, rằng Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta và chúng ta thường là những người xin tha thứ. Con muốn hỏi Ðức Thánh Cha khi trông thấy Ðức Thánh Cha ở trong đại chủng viện, có rất nhiều linh mục đã phạm tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và đã không xin lỗi các nạn nhân của mình. Ðức Thánh Cha có tha thứ cho các vị ấy không? Và Ðức Thánh Cha hiểu, từ phiá bên kia, các nạn nhân và gia đình họ không tha thứ được hay không muốn tha thứ thì sao?
Ðáp: Nếu một người đã hành động xấu, ý thức được điều mình đã làm và không xin lỗi, thì tôi xin Thiên Chúa giữ người đó trong sổ. Tôi tha thứ, nhưng người đó không nhận được sự tha thứ, họ bị đóng kín với ơn tha thứ rồi. Trao ban tha thứ là một chuyện, nhưng nhận được ơn tha thứ lại là chuyện khác. Và nếu vị linh mục đó đóng kín với ơn tha thứ, thì không nhận được sự tha thứ, bởi vì đã dùng khóa đóng cửa từ bên trong, và điều còn lại chỉ là cầu nguyện để Chúa mở cánh cửa đó ra. Cần phải sẵn sàng tha thứ, nhưng không phải tất cả mọi người đều nhận được nó, biết nhận nó, hay sẵn sàng nhận nó. Thật là nặng nề điều tôi đang nói. Và điều này giải thích tại sao có người kết thúc cuộc sống mình một cách nặng nề, xấu xa, không nhận được một sự vuốt ve của Thiên Chúa. Câu hỏi thứ hai đã là?
- Ðó là Ðức Thánh Cha có hiểu các nạn nhân và gia đình họ không thể tha thứ hay không muốn tha thứ cho tội lạm dụng đó hay không?
Ðáp: Có, tôi hiểu họ, tôi cầu nguyện cho họ, và tôi không xét đoán họ. Tôi không xét đoán họ, tôi cầu nguyện cho họ. Có một lần trong các buổi họp này tôi đã gặp nhiều người khác nhau và có một bà đã hỏi tôi: "Khi mẹ chồng con, không đó đã bà..., khi mẹ con biết là họ đã lạm dụng tính dục con, bà đã nguyền rủa Thiên Chúa, bà đã mất đức tin và đã chết như người vô thần". Tôi hiểu người đàn bà ấy. Tôi hiểu bà ta. Và Thiên Chúa còn tốt hơn tôi hiểu bà ấy. Tôi chắc chắn như vậy. Thiên Chúa đã chấp nhận bà ấy. Bời vì cái đã bị rờ tới, cái đã bị tàn phá đã là chính thịt xác của bà, thịt xác của con gái bà. Tôi hiểu bà ấy. Tôi không xét đoán người nào đó không thể tha thứ. Tôi cầu nguyện và xin Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là một người vô địch trong việc tìm một con đường hưóng tới giải pháp - tôi xin Ngài sửa nó. Xin lỗi tôi đang nói tiếng Tây Ban Nha...
Anh Andres Beltramo của hãng tin Notimex hỏi:
- Thưa Ðức Thánh Cha, tất cả chúng con đã nghe Ðức Thánh Cha nói nhiều về tiến trình hoà bình tại Colombia, giữa lực lượng FARC và chính quyền. Giờ đây đã có một thoả hiệp lịch sử. Ðức Thánh Cha có cảm thấy mình có một chút phần trong thỏa hiệp này không? Và Ðức Thánh Cha đã nói là sẽ đi Colombia, khi có được một thoả hiệp: bây giờ có nhiều người dân Colombia đang chờ đợi Ðức Thánh Cha... Và con có một câu hỏi nhỏ nữa: ÐTC cảm thấy gì sau một chuyến viếng thăm dầy đặc như vậy và giờ đây máy bay ra đi?
Ðáp: Xin trả lời câu hỏi thứ nhất: khi tôi nhận được tin hồi tháng 3 là thỏa hiệp sẽ được ký kết, tôi đã thưa với Chúa: "Chúa ơi, xin cho chúng con tới tháng 3, và cho họ tới với ý hướng tốt đẹp này", bởi vì còn thiếu các điều nhỏ nhặt, nhưng mà có ý chí. Từ cả hai phía. Có ý chí. Kể cả từ phía nhóm nhỏ có ý chí: cả ba lực lượng đều đồng ý. Chúng ta phải tới tháng ba, tới thoả hiệp vĩnh viễn. Ðó đã là đích điểm của công lý quốc tế - như anh biết - Tôi đã vô cùng hài lòng. Và tôi đã cảm thấy mình là thành phần, trong nghĩa tôi đã luôn luôn muốn điều này, và tôi đã nói chuyện với tổng thống Santos về vấn đề này, và Tòa Thánh - chứ không phải chỉ có mình tôi - Toà Thánh rất cởi mở và trợ giúp như Toà Thánh có thể.
Câu hỏi thứ hai, nhưng điều này hơi cá nhân một chút, nhưng tôi phải thành thật. Khi máy bay rời phi trường sau chuyến viếng thăm của tôi, nhiều cái nhìn của biết bao người đến với tôi và tôi muốn cầu nguyện cho họ và thưa với Chúa: Con đã đến đây để làm một cái gì đó, đề làm điều lành. Có lẽ con đã làm điều dữ, xin tha lỗi cho con. Nhưng xin Chúa giữ gìn tất cả dân chúng đã nhìn con, dã nghĩ những điều con đã nói, đã nghe cả những lời chỉ trích con, tất cả mọi người... Tôi cảm nhận được điều đó. Tôi không biết. Nó đến như vậy. Nhưng xin lỗi nó hơi cá nhân một chút. Ðiều này không thể nói trên báo...
** Tiếp đến là anh Thomas Jansen của hãng tin công giáo Ðức:
- Thưa Ðức Thánh Cha, con muốn hỏi một điều liên quan tới cuộc khủng hoảng di cư vào Âu châu: nhiều nước đang xây dựng các hàng rào ngăn cách mới với kẽm gai. Ðức Thánh Cha nói gì về tiến triển này?
Ðáp: Anh đã dùng từ "cuộc khủng hoảng". Nó trở thành một tình trạng khủng hoảng sau một tiến trình dài. Ðiều này đã bùng nổ từ nhiều năm nay rồi, bởi vì các chiến cuộc khiến cho dân chúng phải ra đi, phải trốn chạy, là các cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm trời. Ðói: cái đói đã là cái đói từ nhiều năm rồi... Nhưng khi tôi nghĩ tới Phi Châu - điều này hơi đơn sơ quá, nhưng tôi xin nói như thí dụ - tôi nghĩ Phi châu là lục địa bị khai thác bóc lột. Và giờ đây thay vì khai thác một lục địa hay một quốc gia hoặc một vùng đất, thì đầu tư để người dân có công ăn việc làm hầu tránh được cuộc khủng hoảng này. Ðúng thế, có một cuộc khủng hoảng người tỵ nạn, như tôi đã nói tại Quốc Hội Mỹ, chưa từng thấy kể từ Ðệ Nhị Thế Chiến tới nay. Nó là cuộc khủng hoảng lớn nhất. Liên quan tới các hàng rào, anh biết các bức tường kết thúc như thế nào. Mọi bức tường, mọi bức tường đều sụp đổ, hôm nay, ngày mai, trong 100 năm nữa. Nhưng chúng sẽ sụp đổ. Ðó không phải là một giải pháp. Bức tường không phải là một giải pháp. Trong lúc này đây Âu châu gặp khó khăn: đúng thật như thế. Chúng ta phải thông minh, bởi vì có cả làn sóng di cư tràn tới và không dễ tìm ta các giái pháp. Nhưng với sự đối thoại giữa các quốc gia, cần phải tỉm ra giải pháp. Các bức tường không bao giờ là các giải pháp. Trái lại, các cây cầu thì luôn luôn là giải pháp. Luôn luôn. Tôi không biết, điều mà tôi nghĩ về các bức tường, các hàng rào... chúng kéo dài ít lâu, không lâu, nhưng chúng không phải là một giải pháp. Vấn đề còn đó, còn đó với nhiều thù hận hơn. Ðó là điều tôi nghĩ.
Anh Jean Marie Guénois, phóng viên của nhật báo Le Figaro, đại diện cho nhóm nhà báo nói tiếng Pháp hỏi Ðức Thánh Cha:
- Thưa Ðức Thánh Cha, chắc chắn là Ðức Thánh Cha không thể nói trước các cuộc thảo luận của các Nghị Phụ tham dự Thượng Hộị Ðồng Giám Mục Thế Giới về gia đình khai mạc vào đầu tháng 10 tới này. Nhưng chúng con muốn biết, trước khi Thượng Hội Ðồng nhóm họp, trong con tim mục tử của mình, Ðức Thánh Cha có thực sự muốn có một giải pháp cho các tín hữu đã ly dị tái hôn hay không? Chúng con cũng muốn biết Tự Sắc liên quan tới việc hủy bỏ hôn nhân được dễ dàng hơn có khép lại việc thảo luận này hay không. Và sau cùng Ðức Thánh Cha trả lời những người sợ rằng với việc cải cách này, có việc tạo thực thụ ra một cái gọi là "ly dị công giáo" hay không?
Ðáp: Tôi xin bắt đầu với câu hỏi cuối cùng. Trong việc cải tổ các vụ án hôn phối và của mô thức, tôi đã đóng cửa con đường hành chánh, qua đó việc ly dị có thể bước vào. Và có thể nói rằng những người nghĩ tới ly dị công giáo sai lầm, bởi vì tài liệu cuối cùng này đã đóng cửa cho việc ly dị đã có thể vào - nó đã dễ hơn - đối với con đường hành chánh. Sẽ luôn luôn có con đường phán xử. Liên quan tới tài liệu, tôi không nhớ nó có phải là tàì liệu thứ ba hay không. Nếu tôi sai thì xin anh sửa...
- Vâng thưa Ðức Thánh Cha, câu hỏi liên quan tới ý niệm "ly dị công giáo" và Tự Sắc có đóng cửa đối với việc thảo luận trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục sắp tới về gia đình hay không?
Ðáp: Ðây là điều đa số các Nghị Phụ đã yêu cầu trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục hồi năm ngoái: đó là làm cho các vụ án được nhẹ nhàng hơn, mau chóng hơn, bởi vì có các vụ xét xử đã kéo dài cả 10-15 năm trời. Một phán quyết, rồi lại một phán quyết khác, sau đó còn có khiếu nại, và khiếu nại, rồi có một khiếu nại khác nữa, và không bao giờ chấm dứt... Hai phán quyết khi nó có giá trị và không có khiếu nại, đã do Ðức Giáo Hoàng Lambertini Biển Ðúc XVI đưa ra, bởi vì tại miền Trung Âu châu - tôi không nói tên nước - đã có vài lạm dụng, và để ngăn chặn các lạm dụng này, Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XV đã đưa ra luật ấy. Nhưng đó không là điểu nòng cốt đối với vụ án. Các vụ án thay đổi, luật thay đổi và trở nên tốt hơn: người ta luôn luôn cải tiến tốt hơn. Trong lúc này thì cần cấp thiết làm việc ấy. Thế rồi Ðức Giáo Hoàng Pio X cũng đã khiến cho nó trở thành nhẹ nhàng hơn, và ngài đã muốn làm cái gì đó, nhưng đã không có thời giờ và khả năng thực hiện.
Các Nghị Phụ đã yêu cầu điều khiến cho các vụ án huỷ bỏ hôn nhân không thành sự được nhẹ nhàng mau chóng hơn. Và tôi dừng trên điều này. Tài liệu này, Tự Sắc này khiến cho các vụ án trong thời gian được dễ dàng hơn, nhưng nó không phải là một cuộc ly dị, bởi vì hôn nhân không thể lìa tan, khi nó là bí tích, và điều này Giáo Hội không thể thay đổi. Nó là một tín lý. Nó là một bí tích bất khả đoạn tiêu. Tiến trình luật pháp là để chứng minh rằng cái xem ra là bí tích ấy đã không phải là một bí tích: chẳng hạn vì thiếu tự do, hay thiếu trưởng thành hoặc vì tâm bệnh... có biết bao nhiêu lý do khiến cho việc nghiên cứu điều tra đi tới chỗ nói rằng: "Không, đã không có bí tích tích, chẳng hạn, bởi vì người đó đã không tự do. Xin đơn cử một thí dụ, bây giờ thì không như vậy nữa, nhưng trong một vài lãnh vực của xã hội thường xảy ra - ít nhất là tại Buenos Aires đã xảy ra - có các cuộc hôn nhân khi thiếu nữ có thai. "Quý vị phải lấy nhau". Tại Buenos Aires, tôi đã khuyên các linh mục của tôi - rất mạnh mẽ hầu như tôi cấm các vị làm đám cưới trong các điều kiện này. Chúng tôi gọi các đám cưới đó là "các hôn nhân vội vã", để che lấp, để cứu vãn mọi vẻ bề ngoài. Và đứa trẻ sinh ra và có vài hôn nhân xuôi chảy, nhưng không có sự tự do. Rồi nếu nó không xuôi chảy, họ chia tay... và "tôi đã bị bó buộc làm đám cưới, bởi vì tôi phải che đậy cho tình trạng này": và đây là một trường hợp của việc hủy bỏ hôn nhân không thành. Có biết bao nhiêu lý do để huỷ bỏ hôn nhân - anh chị em có thể tìm hiểu trong Internet, có tất cả các lý do trong đó. Thế rồi có vấn đề của các hôn nhân thứ hai, của nhũng ngưòi đã ly dị nhưng lại tái lập gia đình. Anh chị em có Tài liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, điều mà người ta thảo luận, theo tôi nó hơi quá đơn sơ một chút, khi nói rằng Thượng Hội Ðồng Giám Mục... rằng giải pháp cho các người này là họ có thể rước lễ. Ðây không phải là giải pháp, không phải là giải pháp duy nhất. Không. Ðiều mà Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục đề nghị thì nhiều biết bao! Nhưng cả vấn đề hôn nhân của các người đã ly dị cũng không phải là vấn đề duy nhất. Trong Tài Liệu Làm Việc có biết bao vấn đề khác nữa. Chẳng hạn người trẻ không lấy nhau, không muốn lấy nhau. Ðó là một vấn đề mục vụ đối với Giáo Hội. Có vấn đề khác là sự trưởng thành tình cảm cho hôn nhân. Có một vấn đề khác là đức tin. Tôi có tin rằng điều này là "cho luôn mãi" không?. "Vâng, vâng, vâng, tôi tin điều đó." Nhưng tôi có tin vào điều đó không? Việc chuẩn bị hôn nhân - tôi, tôi đã nghĩ tới điều này biết bao nhiêu lần: để trở thành linh mục có việc chuẩn bị 8 năm; thế rồi nó không là điều vĩnh viễn, vì Giáo Hội có thể lấy đi tình trạng linh mục của tôi. Ðối với những người lập gia đình, cho suốt cuộc đời, người ta làm bốn buổi dậy, bốn lần...? Có điều gì đó không ổn. Ðiều ấy Thượng Hội Ðồng Giám Mục phải suy nghĩ chín chắn chuẩn bị hôn nhân như thế nào: nó là một trong những điều khó khăn nhất. Và có biết bao nhiêu vấn đề... Nhưng tất cả chúng được liệt kê trong Tài Liệu Làm Việc. Nhưng tôi thích câu anh hỏi liên quan tới "ly dị công giáo": không, không có ly dị công giáo đâu. Hoặc nó đã không phải là hôn nhân - và điều này là tiêu hôn, hôn nhân đã không hiện hữu - mà nếu nó đã hiện hữu, thì nó không thể tan lià. Ðiều đó rõ ràng nhé. Xin cám ơn anh.
Tới lượt anh Terry Moran của đài ABD News, một trong các mạng lưới thông tin lớn nhất Hoa Kỳ. Anh hỏi:
- Thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha đã viếng thăm các Tiểu Muội người nghèo, và người ta nói với chúng con rằng Ðức Thánh Cha đã bầy tỏ sự ủng hộ của Ðức Thánh Cha đối với các chị, cả trên bình diện tư pháp nữa. Thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha ủng hộ cả những người - bao gồm cả các nhân viên chính quyền - vì lương tâm tốt lành của họ, vì lương tâm cá nhân của họ, họ nói rằng họ không tuân giữ các luật lệ xác định hay chu toàn các bổn phận của nhân viên chính phủ, chẳng hạn như ký giấy cho phép hôn nhân của các cặp đồng phái? Ðức Thánh Cha có ủng hộ các đòi hỏi này của quyền tự do tôn giáo không?
Ðáp: Tôi không thể có trong trí tất cả các trường hợp có thể có liên quan tới sự phản kháng của lương tâm. Nhưng có, tôi có thể nói rằng sự phản kháng của lương tâm là một quyền, và nó nằm trong mọi quyền con người. Nó là một quyền, và nếu một người không cho phép thực thi việc phản kháng của lương tâm, là khước từ một quyền. Trong mọi cơ cấu tư pháp phải có quyền phản kháng của lương tâm, bởi vì nó là một quyền, một quyền con người. Ngược lại là chúng ta đi tới chỗ lựa lọc các quyền: đây là một quyền có phẩm chất, đây là một quyền không có phẩm chất, điều này... Nó là một quyền con người. Ðối với tôi xem ra luôn luôn - điều này chống lại tôi nhé - luôn luôn đã khiến tôi xúc động khi tôi còn bé - tôi đã đọc nó nhiều lần, khi tôi đọc tác phẩm "Bài ca của Roland", khi tất cả mọi người hồi giáo xếp hàng, và trước họ có cây cột Rửa Tội, giếng Rửa Tội hay là thanh gươm, và họ phải lựa chọn. Họ dã không có quyền phản kháng lương tâm... Không, đây là một quyền, và chúng ta, nếu chúng ta muốn xây dựng hòa bình, thì phải tôn trọng tất cả mọi quyền con người!
- Ðiều này bao gồm cả các nhân viên chính quyền có phải không ạ?
Ðáp: Nó là một nhân quyền. Nếu nhân viên chính quyền là một bản vị con người, thì họ có quyền đó. Nó là một nhân quyền mà.
Bây giờ tới lượt anh Stefano Maria Paci, thuộc nhóm tiếng Ý của đài Sky News:
- Thưa Ðức Thánh Cha, tại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc Ðức Thánh Cha đã dùng các lời lẽ rất mạnh mẽ tố cáo sự thinh lặng của thế giới truớc cuộc bách hại các kitô hữu bị mất nhà cửa, bị đuổi đi, mất tài sản, bị bắt làm nô lệ và bị sát hại cách tàn bạo. Giờ đây tổng thống Hollande đã loan báo Pháp bắt đầu bỏ bom các căn cứ của Nhà nước Hồi ISIS bên Siria. Ðức Thánh Cha nghĩ gì về hành động quân sự này? Thế rồi con cũng có một tò mò nữa: ông thị trưởng Marino của thành phố Roma, thành phố của Năm Thánh, đã tuyên bố rằng ông đến tham dự Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình, Thánh Lễ, vì đã được Ðức Thánh Cha mời. Xin Ðức Thánh Cha cho biết câu chuyện ra sao?
Ðáp: Tôi xin bắt đầu với câu hỏi cuối: Tôi đã không mời ông thị trưởng Marino. Rõ chưa? Tôi đã không làm điều đó, và tôi đã hỏi những người tổ chức, họ cũng đã không mời ông ấy. Ông ta đã tới và tuyên xưng mình là công giáo, và đã tới một cách tự phát. Ðã là như vậy. Nhưng mà rõ ràng rồi chứ?
Còn câu hỏi kia, à nó liên quan tới việc bỏ bom. Ðúng thật là tôi đã nhận được tin này hôm kia và tôi đã không đọc. Thật sự là tôi không biết rõ tình hình sẽ ra sao. Tôi đã nghe nói là Nga đã ở trong một vị thế, Hoa Kỳ thì chưa rõ ràng... tôi không biết phải nói với anh cái gì, thật vậy, bởi vì tôi đã không hiểu rõ câu chuyện. Nhưng khi tôi nghe từ "bỏ bom", chết, máu... mà, tôi xin lập lại điều tôi đã nói trước Quốc Hội Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc: xin tránh các điều đó, nhưng... tôi không biết, tôi không phán đoán tình hình chính trị, bởi vì tôi không hiểu biết.
Cha Lombardi nói: Bây giờ tới phiên chị Miriam Schmidt của Hãng thông tấn Ðức. Chị hỏi:
- Thưa Ðức Thánh Cha, con muốn hỏi một câu về các tương quan của Toà Thánh với Trung Quốc và về tình hình tại nước này khá khó khăn đối với Giáo Hội Công Giáo. Ðức Thánh Cha nghĩ gì về điều này?
Ðáp: Trung Quốc là một quốc gia lớn đem lại cho thế giới một nền văn hóa lớn và biết bao điều tốt đẹp. Tôi đã nói một lần trên máy bay, khi từ Ðại Hàn về rằng tôi thích đi Trung Quốc: tôi yêu mến nhân dân Trung Quốc, tôi cầu chúc có thể có các khả thể liên lạc tốt... Các liên lạc tốt! Chúng tôi đã đếm các khả thể liên lạc đó, chúng tôi đã nói về chúng... Tiến tới. Nhưng đối với tôi có một quốc gia bạn như Trung Quốc là nước có biết bao văn hóa và biết bao khả thể làm tốt, sẽ là một niềm vui.
Tiếp theo là anh Sagrario Ruiz de Apodaca. Anh hỏi:
- Thưa Ðức Thánh Cha, lần đầu tiên Ðức Thánh Cha viếng thăm Hoa Kỳ, Ðức Thánh Cha đã nói trước Quốc Hội, đã nói trước Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, đã có các buổi tắm đám đông... Ðức Thánh Cha có cảm thấy mạnh mẽ hơn không? Và con cũng muốn hỏi Ðức Thánh Cha, bởi vì chúng con đã nghe Ðức Thánh Cha nói tới việc minh nhiên vai trò của các nữ tu và của chị em phụ nữ trong Giáo Hội Mỹ: chúng ta sẽ có bao giờ trông thấy phụ nữ linh mục trong Giáo Hội Công Giáo không, như vài nhóm tại Hoa kỳ yêu cầu và như xảy ra trong các Giáo Hội Kitô khác?
Ðáp: Vâng. Các nữ tu Hoa Kỳ đã làm các điều kỳ diệu trong lãnh vực giáo dục, trong lãnh vực sức khỏe. Nhân dân Hoa Kỳ yêu mến các nữ tu: tôi không biết họ yêu mến các linh mục cỡ nào, nhưng họ yêu mến các nữ tu, họ yêu mến các chị biết bao. Và các nữ tu rất giỏi, các chị là các phụ nữ giỏi, giỏi, giỏi. Mỗi chị theo dòng của mình, theo các luật lệ của dòng, có các khác biệt, nhưng các chị giỏi, và vì thế tôi đã cảm thấy bó buộc phải cám ơn các nữ tu về những gì các chị đã làm. Trong các ngày này có một nhân vật quan trọng tại Hoa Kỳ đã nói với tôi rằng: "Những gì mà tôi có về văn hóa trước hết chính là nhờ các nữ tu." Các nữ tu có các trường trong mọi khu phố, giầu, nghèo, các chị làm việc với người nghèo và trong các nhà thương... Còn câu hỏi thứ hai?
- Ðức Thánh Cha có cảm thấy mạnh mẽ hơn sau khi ở Hoa Kỳ, với chương trình dầy đặc và sau khi đã có sự thành công này...?
Ðáp: Tôi không biết là mình có thành công hay không. Nhưng tôi sợ chính mình, bởi vì nếu tôi sợ chính tôi, tôi luôn luôn cảm thấy - tôi không biết - mình yếu đuối, trong nghĩa không có quyền bính, quyền bính cũng mau qua: hôm nay có, ngày mai không có... Thật quan trọng nếu với quyền bính bạn có thể làm tốt. Và Chúa Giêsu đã định nghĩa quyền bính: quyền bính thực sự là phục vụ, làm các việc phục vụ, làm các việc khiêm tốn nhất. Tôi phải tiếp tục tiến tới trên con đường phục vụ, bởi vì tôi cảm thấy rằng tôi không làm tất cả những điều tôi phải làm. Ðó là ý nghĩa mà tôi có về quyền bính.
Thứ ba: vấn đề các phụ nữ làm linh mục: điều đó không thể làm được. Thánh Gioan Phaolô II trong các thời gian thảo luận, sau khi đã suy nghĩ lâu dài, đã nói rõ ràng là không, không phải bởi vì các phụ nữ không có khả năng. Nhưng hãy nhìn vào Giáo Hội thì thấy phụ nữ quan trọng hơn nam giới, bởi vì Giáo Hội là phụ nữ. "La" Chiesa chứ không phải "Il" Chiesa: Giáo Hội là hiền thê của Chúa Kitô, và Ðức Mẹ quan trọng hơn các Giáo Hoàng, hơn các giám mục, hơn các linh mục. Ðó là một điều mà tôi phải thừa nhận: chúng ta hơi chậm trễ trong việc soạn thảo một nền thần học về phụ nữ. Chúng ta phải tiến tới nền thần học này. Ðiều đó thì có, nó thật như vậy.
Câu hỏi sau cùng của chị Matilde Imberti, phóng viên Radio France. Chị là người cuối cùng trong danh sách các nhà báo quốc tế xin phỏng vấn Ðức Thánh Cha. Chị hỏi.
- Thưa Ðức Thánh Cha, tại Hoa Kỳ Ðức Thánh Cha đã trở thành một ngôi sao. Giáo Hoàng là một ngôi sao có tốt cho Giáo Hội không ạ?
Ðáp: Giáo Hoàng phải... Chị có biết tước hiệu mà các Giáo Hoàng đã và phải sử dụng không? "Tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa". Nó hơi khác với ngôi sao một chút. Các vì sao đẹp để ngằm nhìn, tôi thích nhìn các vì sao khi trời mùa hè thanh quang... Nhưng Giáo Hoàng phải là phải là "tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa." Ðúng, trong các phương tiện truyền thông người ta dùng kiểu nói này, nhưng có một sự thật khác: có biết bao nhiêu ngôi sao mà chúng ta đã thấy, nhưng rồi chúng tắt lịm và rơi rụng... Nó là một điều mau qua. Trái lại là "tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa", điều này đẹp "Nó không qua đi! Tôi không biết... Tôi nghĩ nó như thế.
Kết luận bài phỏng vấn cha Lombardi đã cám ơn Ðức Thánh Cha về sự sẵn sàng ngài dành cho các nhà báo trong bài phỏng vấn dài 50 phút. Ngài ca ngợi sự dẻo dai của Ðức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm và cả trong cuộc nói chuyện vừa qua. Và chúng ta tiếp tục theo ngài: chưa hết với chuyến công du này. Chuyến công du này kết thúc, nhưng còn Thượng Hội Ðồng Giám Mục, và có biết bao nhiêu chuyện khác nữa. Và chúng ta muốn theo Ðức Thánh Cha với nhiều yêu thương trìu mến, qúy trọng, hy vọng trợ giúp ngài trong việc phục vụ các tôi tớ Thiên Chúa của Ðức Thánh Cha.
Ðức Thánh Cha nói: "Cám ơn rất nhiều công việc của anh chị em, lòng kiên nhẫn, lòng tốt của anh chị em. Xin cám ơn. Tôi sẵn sàng... Tôi cầu nguyện cho anh chị em. Xin cám ơn sự trợ giúp của anh chị em."
(SD 28-9-2015)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)