Bài nói chuyện của Ðức Phanxicô

với các giám mục Hoa Kỳ

tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Mátthêu

 

Bài nói chuyện của Ðức Phanxicô với các giám mục Hoa Kỳ tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Mátthêu ở Hoa Thịnh Ðốn, ngày 23 tháng Chín năm 2015.

Washngton (Vat. 24-24-2015) - Sau đây là bản dịch Việt ngữ bài nói chuyện của Ðức Phanxicô với các giám mục Hoa Kỳ tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Mátthêu ở Hoa Thịnh Ðốn, ngày 23 tháng Chín năm 2015:

Các hiền huynh giám mục thân mến,

Tôi vui mừng khi chúng ta được gặp nhau tại thời khắc này trong sứ mệnh tông đồ đã đưa tôi tới xứ sở của các hiền huynh. Tôi cám ơn Ðức Hồng Y và Tổng Giám Mục Kurtz vì những lời tốt đẹp của ngài nhân danh các hiền huynh. Tôi đánh giá cao sự nghinh đón của các hiền huynh và các cố gắng quảng đại đã được đưa ra để giúp việc đặt kế hoạch và tổ chức chuyến viếng thăm của tôi.

Âu yếm nhìn các hiền huynh, là các mục tử của họ, tôi muốn ôm lấy tất cả Giáo Hội địa phương mà trên đó, các hiền huynh thừa hành trách nhiệm đầy yêu thương của mình. Tôi muốn xin các hiền huynh chia sẻ lòng âu yếm và sự gần gũi thiêng liêng của tôi đối với Dân Chúa trên lãnh thổ mênh mông này.

Trái tim Ðức Giáo Hoàng mở rộng để bao gồm mọi người. Chứng thực sự mênh mông của tình yêu Thiên Chúa vốn là tâm điểm của sứ mệnh đã được ủy thác cho Người Kế Vị Thánh Phêrô, Ðại Diện của Ðấng, trên thập giá, đã ôm lấy toàn thể loài người. Ước chi không một chi thể nào của Nhiệm Thể Chúa Kitô và của nhân dân Hoa Kỳ cảm thấy bị loại ra khỏi vòng tay của Ðức Giáo Hoàng. Bất cứ nơi nào danh Chúa Giêsu được nói tới, xin cho tiếng nói của Ðức Giáo Hoàng cũng được vang lên để quả quyết rằng "Người là Ðấng Cứu Rỗi"! Từ các thành phố duyên hải vĩ đại tới các bình nguyên Trung Tây của các hiền huynh, từ vùng tận Nam tới vùng tận Tây, bất cứ ở đâu dân của các hiền huynh tụ họp nhau trong cộng đoàn Thánh Thể, xin cho Ðức Giáo Hoàng không chỉ là một cái tên nhưng là một hiện diện được cảm nhận, nâng đỡ lời khẩn khoản của Nàng Dâu: "Lạy Chúa, xin hãy đến!"

Bất cứ khi nào một bàn tay đưa ra để làm điều thiện và để biểu lộ tình yêu của Chúa Kitô, để lau khô nước mắt hay để đem an ủi lại cho người cô đơn, để chỉ đường cho một ai đó đi lạc hay để ủi an một tâm hồn tan nát, để giúp người vấp ngã hay để dạy dỗ những ai đói khát sự thật, để tha thứ hay để đề nghị một khởi đầu mới trong Thiên Chúa... các hiền huynh hãy biết rằng Ðức Giáo Hoàng luôn ở cạnh các hiền huynh và hỗ trợ các hiền huynh. Ngài đặt tay ngài lên tay các hiền huynh, bàn tay đã nhăn nheo vì tuổi tác, nhưng nhờ ơn Thiên Chúa, vẫn còn có thể nâng đỡ và khuyến khích.

Lời nói đầu tiên của tôi với các hiền huynh là lời tạ ơn Thiên Chúa vì sức mạnh Tin Mừng đã đem lại sự lớn mạnh đáng kể cho Giáo Hội Chúa Kitô tại các lãnh thổ này và cho phép Giáo Hội quảng đại đóng góp cho xã hội Hoa Kỳ và cho toàn thế giới, trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Tôi hết lòng cám ơn các hiền huynh vì sự liên đới đại lượng của các hiền huynh với Tòa Thánh và sự trợ giúp mà các hiền huynh dành cho việc truyền bá Tin Mừng tại rất nhiều khu vực đang đau khổ của thế giới chúng ta. Tôi đánh giá cao sự dấn thân bền bỉ của Giáo Hội Hoa Kỳ đối với chính nghĩa sự sống và chính nghĩa gia đình, hiện là lý do hàng đầu của chuyến viếng thăm này của tôi. Tôi ý thức rõ các cố gắng lớn lao của các hiền huynh trong việc nghinh đón và hội nhập các di dân vốn tiếp tục hướng về Hoa Kỳ, giống như nhiều người đã đi trước họ, trong niềm hy vọng được hưởng các hồng phúc tự do và thịnh vượng. Tôi cũng đánh giá cao các cố gắng của các hiền huynh để chu toàn sứ mệnh giáo dục của Giáo Hội tại các trường học mọi cấp và trong các dịch vụ bác ái do nhiều định chế của các hiền huynh cung ứng. Các việc làm này thường được thi hành mà không được đánh giá cao hay được hỗ trợ, thường phải hy sinh cách anh hùng, vì phải vâng phục mệnh lệnh của Thiên Chúa, một mệnh lệnh ta không thể bất tuân.

Tôi cũng ý thức được lòng can đảm mà các hiền huynh đã sử dụng để đương đầu với các thời điểm khó khăn trong lịch sử gần đây của Giáo Hội tại đất nước này mà không sợ phải tự phê bình chính mình và đôi lúc phải chịu nhiều sỉ nhục và hy sinh lớn lao. Các hiền huynh cũng không sợ lột bỏ bất cứ điều gì không chủ yếu để có thể lấy lại thế giá và sự tin tưởng vốn được đòi hỏi nơi các thừa tác viên của Chúa Kitô và được các tín hữu chờ mong cách chính đáng. Tôi hiểu được rằng biết bao đau đớn trong những năm gần đây đã đè nặng lên các hiền huynh và tôi hỗ trợ sự dấn thân đầy quảng đại của các hiền huynh trong việc đem lại sự chữa lành cho các nạn nhân, vì biết rằng khi chữa lành như thế cả chúng ta cũng được chữa lành, và cố gắng bảo đảm để những tội ác như thế sẽ không bao giờ được lặp lại.

Tôi nói với các hiền huynh trong tư cách Giám Mục Rôma, được Thiên Chúa kêu gọi lúc đã già, và từ một lãnh thổ cũng thuộc Mỹ Châu, để trông nom sự hợp nhất của Giáo Hội hoàn vũ và để, trong tình bác ái, khuyến khích cuộc hành trình của mọi Giáo Hội đặc thù hướng tới việc hiểu biết, tin tưởng và yêu mến Chúa Kitô nhiều hơn. Ðọc tên tuổi các hiền huynh, nhìn vào gương mặt các hiền huynh, biết phạm vi quản trị Giáo Hội của các hiền huynh và ý thức được lòng tận tụy mà các hiền huynh luôn tỏ bầy cùng người Kế Vị Phêrô, tôi phải nói với các hiền huynh rằng tôi không cảm thấy mình là người xa lạ giữa các hiền huynh. Tôi là người thổ địa của lãnh thổ mênh mông này, với những dẫy núi vĩ đại mở rộng, một lãnh thổ, giống lãnh thổ của các hiền huynh, từng tiếp nhận đức tin từ những nhà truyền giáo đi khắp đây đó. Tôi cũng biết quả là khó khăn xiết bao khi đi gieo vãi Tin Mừng giữa những người đến từ các thế giới khác, với những trái tim đôi khi bị khô cằn vì các thử thách của cuộc hành trình dài. Tôi cũng ý thức được các cố gắng trong nhiều năm qua nhằm xây dựng Giáo Hội tại các thảo nguyên, vùng núi, thành phố và khu ngoại ô của lãnh thổ thường không hiếu khách, nơi các biên giới luôn có tính tạm thời và các giải pháp dễ dàng không luôn có giá trị. Ðiều có giá trị là phải phối hợp cuộc đấu tranh anh dũng của những người khai phá và sự khôn ngoan cũng như bền chí đầy chất phác của người lập cư. Như một trong các thi sĩ của các hiền huynh từng viết: "những chiếc cánh mạnh mẽ và không biết mệt" phối hợp với sự khôn ngoan của những người "biết núi biết non".

Tôi không nói với các hiền huynh bằng giọng nói đơn độc, nhưng tiếp diễn các giọng nói của các vị tiền nhiệm của tôi. Từ lúc khai sinh ra quốc gia này, khi, sau cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, giáo phận đầu tiên được thiết lập ở Baltimore, Giáo Hội Rôma đã luôn gần gũi với các hiền huynh; các hiền huynh không bao giờ thiếu sự giúp đỡ và khuyến khích liên lỉ của Giáo Hội ấy. Trong những thập niên gần đây, ba vị giáo hoàng đã thăm viếng các hiền huynh và để lại cả một di sản giáo huấn đáng kể. Lời các ngài nói vẫn mang tính chất thời sự và từng giúp linh hứng cho các mục tiêu lâu dài mà các hiền huynh đưa ra cho Giáo Hội tại đất nước này.

Tôi không có ý định đề ra một kế hoạch hay vẽ ra một chiến lược. Tôi không tới để phê phán hay giảng giải cho các hiền huynh. Tôi hoàn toàn tin tưởng giọng nói của Ðấng "dạy dỗ mọi sự" (Ga 14:26). Chỉ xin cho phép tôi được nói với các hiền huynh như một người anh em giữa các anh em của mình, trong sự tự do của tình thương. Tôi không hề muốn nói với các hiền huynh phải làm gì, vì tất cả chúng ta đều biết Chúa muốn chúng ta làm gì. Thay vào đó, một lần nữa, tôi xin trở về với bổn phận có tính đòi hỏi này, một bổn phận rất xưa nhưng luôn mới mẻ, là tìm ra các nẻo đường ta cần phải theo và tinh thần ta cần phải có để làm việc. Không dám cho là thấu đáo, tôi muốn chia sẻ với các hiền huynh một số suy nghĩ mà tôi coi là hữu ích đối với sứ mệnh của chúng ta.

Ta là các giám mục của Giáo Hội, các mục tử được Thiên Chúa đề cử để chăn dắt đoàn chiên của Người. Niềm vui lớn hơn cả của chúng ta là được làm mục tử, và chỉ làm mục tử thôi, các người chăn chiên có tâm hồn không bị phân chia và với lòng tận tụy không vị kỷ. Ta cần duy trì niềm vui này và đừng bao giờ để nó bị cướp khỏi ta. Ma quỷ xấu xa luôn gầm thét như sư tử, tìm cách nuốt trửng niềm vui này, làm chúng ta mệt mỏi trong quyết tâm trở thành những điều ta được kêu gọi trở thành, không phải cho chính ta nhưng để hiến tặng và phục vụ "Ðấng Chăn Dắt linh hồn ta" (1 Pr 2:25).

Ta phải tìm tâm điểm của bản sắc ta trong lời cầu nguyện liên lỉ, trong việc giảng dạy (Cv 6:4) và trong việc chăn dắt đoàn chiên đã được ủy thác cho ta chăm sóc (Ga 21:15-17; Cv 20:28-31).

Lời cầu nguyện của ta không nên là bất cứ thứ cầu nguyện nào, mà phải là sự kết hợp có tính quen biết với Chúa Kitô, trong đó, ta hàng ngày được gặp cái nhìn của Người và cảm nhận được câu Người hỏi ta: "Ai là mẹ Ta? Ai là anh chị em của Ta?" (Mc 3:31-34). Một câu hỏi mà ta có thể bình thản trả lời: "Lạy Chúa, đây là mẹ Chúa, đây là anh chị em của Chúa! Con xin trao họ cho Chúa; họ là những người mà Chúa đã ủy thác cho con". Một kết hợp đầy tín thác như thế với Chúa Kitô là điều nuôi dưỡng đời sống vị mục tử.

Không phải là chuyện giảng dạy những giáo thuyết phức tạp, nhưng hân hoan công bố Chúa Kitô đã chết và sống vì ta. "Phong thái" của sứ mệnh ta nên giúp người nghe cảm thấy điều này: sứ điệp được ta rao giảng có ý "dành cho chúng ta". Ước chi lời của Thiên Chúa đem lại ý nghĩa và sự viên mãn cho mọi khía cạnh của cuộc sống họ; ước chi các bí tích nuôi dưỡng họ bằng của ăn mà họ không tự cung cấp cho mình được; ước chi sự gần gũi của mục tử khiến họ mong mỏi được vòng tay Chúa Cha ôm ấp một lần nữa. Hãy tỉnh thức để đoàn chiên luôn gặp được "mùi vị vĩnh cửu" trong trái tim vị mục tử, một mùi vị họ hoài công tìm kiếm nơi các sự vật ở đời này. Uớc chi họ luôn nghe được từ các hiền huynh lời đề cao đối với các cố gắng của họ nhằm củng cố sự thịnh vượng rất phong phú tại lãnh thổ này, trong tự do và công lý. Ðồng thời, uớc mong sao các hiền huynh đừng bao giờ thiếu sự can đảm thanh thản để công bố điều này "chúng tôi phải làm việc không vì của ăn chóng hư thối, mà vì của ăn lâu bền cho cuộc sống vĩnh cửu" (Ga 6:27).

Các mục tử không tự chăm sóc mình, nhưng có khả năng lui ra khỏi trung tâm, "thu nhỏ" mình, để nuôi sống gia đình của Thiên Chúa bằng Chúa Kitô. Những mục tử luôn dõi nhìn, đứng trên cao trông coi đoàn chiên bằng con mắt của Thiên Chúa, vì họ thuộc một mình Người. Những mục tử trèo lên đỉnh cao của thập giá Con Thiên Chúa, địa điểm duy nhất có thể mở trái tim đoàn chiên cho vị mục tử.

Các mục tử không hạ thấp tầm nhìn của ta , chỉ quanh quẩn với các lắng lo của ta, nhưng còn phải không ngừng nâng cái nhìn này hướng về những chân trời Thiên Chúa đang mở ra trước mắt ta và là những chân trời vượt quá mọi điều ta có thể thấy trước hay đặt kế hoạch. Những mục tử cũng biết trông chừng mình để xa tránh những cơn cám dỗ tự yêu mình thái quá làm đui mù đôi mắt mục tử, khiến lời Người không ai nhận ra và các hành động của Người thành vô ích. Trong vô vàn những nẻo đường dẫn vào các quan tâm mục vụ của ta, các hiền huynh nhớ hãy tập chú vào con đường cốt lõi có thể hợp nhất mọi sự: "Các con làm điều ấy vì Thầy" (Mt 25:31-45).

Có được tầm nhìn xa của nhà lãnh đạo và sự khôn khéo của nhà quản trị chắc chắn là điều có ích cho một giám mục, nhưng ta sẽ rơi vào chỗ sa sút vô vọng bất cứ khi nào ta lẫn lộn quyền lực của sức mạnh với sức mạnh của sự bất lực mà Thiên Chúa từng dùng để cứu chuộc ta. Các giám mục cần ý thức sáng suốt cuộc chiến đấu giữa ánh sáng và bóng tối đang diễn ra trên thế giới ngày nay. Tuy nhiên, khốn cho ta nếu ta biến thập giá thành cờ hiệu của các cuộc chiến đấu phàm trần và không chịu hiểu rõ rằng giá của chiến thắng lâu dài là cho phép mình bị thương và hao mòn (Pl 2:1-11).

Tất cả chúng ta đều biết nỗi sầu não của Mười Một Tông Ðồ đầu tiên, co cụm với nhau, bị tấn kích và áp đảo bởi nỗi sợ đoàn chiên bị tan nát vì người chăn bị hạ gục. Nhưng ta cũng biết rằng ta đã được ban tinh thần can đảm chứ không phải tinh thần nhát sợ. Thành thử, ta không thể để mình bị sợ hãi làm cho tê liệt.

Tôi biết rằng các hiền huynh đang đối diện với nhiều thách đố, rằng cánh đồng các hiền huynh đang gieo vãi không sinh hoa trái và luôn có cơn cám dỗ nhường bước cho sợ hãi, ngồi liếm các vết thương của mình, nghĩ về những thời đã qua và vẽ ra nhiều đáp ứng dữ dằn đối với phe đối nghịch cũng dữ dằn không kém.

Ấy thế nhưng, ta là những người cổ vũ nền văn hóa gặp gỡ. Ta là các bí tích sống động của cuộc ôm ấp giữa sự giầu có của Thiên Chúa và sự nghèo nàn của ta. Ta là chứng tá của việc hạ mình và sự chiếu cố của Thiên Chúa, Ðấng yêu thương dự ứng mọi đáp ứng của ta.

Ðối thoại là phương pháp của ta, không như một chiến lược khôn khéo mà vì lòng trung thành của ta với Ðấng chưa bao giờ mệt mỏi đi thăm viếng chợ búa, dù là vào giờ thứ mười một, để cung hiến tình yêu của người cho ta (Mt 20:1-16).

Như thế, nẻo đường trước mắt là cuộc đối thoại giữa các hiền huynh, cuộc đối thoại giữa linh mục của các hiền huynh, cuộc đối thoại với hàng ngũ giáo dân, cuộc đối thoại với các gia đình, cuộc đối thoại với xã hội. Tôi không bao giờ mệt mỏi khuyến khích các hiền huynh đối thoại không sợ sệt. Di sản mà các hiền huynh được mời gọi mạnh dạn chia sẻ càng phong phú, thì đức khiêm nhường mà các hiền huynh dùng để cung hiến nó càng trở nên hùng hồn hơn. Ðừng sợ lên đường nhập cuộc "xuất hành" này, là điều rất cần thiết cho mọi cuộc đối thoại chân chính. Nếu không, ta sẽ không hiểu được suy nghĩ của người khác, hay hiểu rõ tự thẳm sâu rằng anh hay chị em mà ta muốn vươn tới và cứu chữa, bằng sức mạnh và sự gần gũi của yêu thương, đáng kể hơn là các chủ trương của họ, dù chủ trương này xa cách bao nhiêu đối với những điều ta tin là thật và chắc chắn. Ngôn ngữ khó nghe và gây chia rẽ không xứng hợp với miệng lưỡi vị mục tử, không có chỗ đứng trong trái tim vị này; dù xem ra nó có thể tạm thắng thế lúc này, nhưng chỉ có phong thái nhân từ và yêu thương bền bỉ mới thực sự tiếp tục thuyết phục mà thôi.

Ta cần để lời của Chúa liên tục vang vọng trong trái tim ta: "hãy mang lấy ách của Thầy và học hỏi Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các con sẽ tìm thấy sự tươi mát trở lại với linh hồn các con (Mt 11:28-30). Ách của Chúa Giêsu là ách tình yêu và do đó bảo đảm làm ta tươi mát. Trong việc làm của ta, có những lúc, ta nặng trĩu cảm thức cô đơn, và do đó, cảm thấy sức nặng của ách đến nỗi quên khuấy rằng ta đã nhận nó từ chính Chúa. Lúc ấy, dường như nó là cái ách của riêng ta, và do đó, ta kéo lê nó như con bò mệt mỏi làm việc trên cánh đồng khô cằn, khốn khổ vì nghĩ rằng ta lao động hoàn toàn vô ích. Ta có thể quên sự tươi mát sâu xa được liên kết hết sức chặt chẽ với Ðấng đã hứa hẹn với ta.

Ta cần học hỏi từ Chúa Giêsu, hay tốt hơn học hỏi chính Chúa Giêsu, Ðấng hiền lành và khiêm nhường; để đi vào đức hiền lành và đức khiêm nhường của Người bằng cách chiêm niệm đường lối hành động của Người; để dẫn dắt các Giáo Hội của ta và các giáo dân của ta, rất thường bị đè nặng bởi các căng thẳng của đời sống hàng ngày, để đưa họ tới ách êm ái của Chúa. Và để nhớ rằng Giáo Hội của Chúa Giêsu được giữ vẹn toàn không nhờ "lửa thiêu rụi từ trời" (Lc 9:54), mà nhờ sự ấm áp bí nhiệm của Thần Khí, Ðấng "chữa lành những gì bị thương tích, uốn cong những gì cứng cỏi, làm thẳng những gì uốn cong".

Sứ mệnh vĩ đại mà Chúa trao cho ta là sứ mệnh ta thừa hành trong hiệp thông, trong tình hợp đoàn. Thế giới đã bị xâu xé và chia rẽ quá nhiều, tan nát hiện có mặt ở khắp nơi. Thành thử Giáo Hội, "chiếc áo không có đường nối của Chúa" không thể để mình bị xâu xé, bẻ vỡ hay tranh chấp.

Sứ mệnh giám mục của ta, trước nhất và đầu hết, là củng cố sự hợp nhất, một sự hợp nhất mà nội dung đã được ấn định bởi Lời Thiên Chúa và Bánh duy nhất bởi Trời. Với hai thực tại này, mọi Giáo Hội được ủy thác cho ta mãi là Công Giáo, vì mở cửa cho, và hiệp thông với, mọi Giáo Hội đặc thù và với Giáo Hội Rôma là Giáo Hội "chủ trì trong tình bác ái". Do đó, điều phải làm theo mệnh lệnh là trông nom sự hợp nhất này, gìn giữ nó, cổ vũ nó và làm chứng cho nó như là dấu chỉ và khí cụ hợp nhất các dân nước, các chủng tộc, các giai cấp và các thế hệ, vượt lên trên mọi rào cản.

Uớc mong sao Năm Thánh Thương Xót sắp tới, khi dẫn ta vào thẳm sâu khôn dò của trái tim Thiên Chúa trong đó không hề có chia rẽ, trở thành thời đặc ân đối với tất cả các hiền huynh để tăng cường tình hiệp thông, hoàn thiện hóa sự hợp nhất, giảng hòa các dị biệt, tha thứ cho nhau và hàn gắn mọi nứt rạn, ngõ hầu ánh sáng của các hiền huynh tỏa sáng như "một thành xây trên núi" (Mt 5:14).

Việc phục vụ hợp nhất này đặc biệt quan trọng đối với quốc gia này, quốc gia mà các tài nguyên to lớn về vật chất và tinh thần, về văn hóa và chính trị, về lịch sử và nhân bản, về khoa học và kỹ thuật đặt để ra những trách nhiệm đáng kể trong một thế giới đang đi tìm cân bằng mới cho hòa bình, thịnh vượng và hội nhập, một cách mơ hồ nhưng chăm chỉ. Phần chủ yếu trong sứ mệnh của các hiền huynh là hiến tặng cho Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu chất men hiệp thông khiêm nhường nhưng mạnh mẽ. Ước mong sao toàn thể nhân loại biết rằng sự hiện diện giữa họ của "bí tích hợp nhất" (Lumen Gentium, 1) là một bảo đảm để số phận họ không bị suy tàn và phân tán.

Thứ chứng tá này chính là hải đăng mà ánh sáng có thể làm vững lòng những con người nam nữ đang suôi thuyền qua đêm đen cuộc đời vì biết rằng một bến lành vững chắc đang chờ đợi họ, rằng họ sẽ không đụng đá ngầm hay bị sóng dữ nuốt trửng. Bởi thế, tôi khuyến khích các hiền huynh sẵn sàng đối chất với các vấn đề đầy thách thức của thời ta. Luôn hiện diện trong mỗi vấn đề này là sự sống như quà tặng và trách nhiệm. Nền tự do và phẩm giá tương lai của các xã hội chúng ta tùy thuộc cách ta đối diện với các thách thức này.

Nạn nhân vô tội của phá thai, các trẻ em chết vì đói hay vì bom đạn, các di dân chết đuối vì đi tìm một ngày mai tốt đẹp hơn, người cao niên hay người bệnh đang bị coi như gánh nặng, các nạn nhân của khủng bố, của chiến tranh, của bạo lực và buôn bán ma túy, môi trường bị tàn phá do mối liên hệ trấn lột của con người với thiên nhiên, trong tất cả những điều này, ân phúc của Thiên Chúa, mà ta chỉ là người quản lý cao quí chứ không phải các ông chủ, đang gặp nguy cơ. Bởi thế, nhìn đi hướng khác hay giữ im lặng là điều sai lầm. Không kém quan trọng là Tin Mừng Gia Ðình, mà trong Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Ðình Thế Giới tại Philadelphia, tôi sẽ công bố một cách mạnh mẽ cùng với các hiền huynh và toàn thể Giáo Hội.

Những khía cạnh chủ yếu của sứ mệnh Giáo Hội trên thuộc cốt lõi những điều ta lãnh nhận từ Chúa. Bổn phận ta là duy trì và thông truyền chúng, ngay cả khi phương hướng thế gian đề kháng, thậm chí thù nghịch với sứ điệp này (Evangelii Gaudium, 34-39). Tôi khẩn khoản xin các hiền huynh cung ứng chứng tá này, với phương tiện và tính sáng tạo phát sinh từ tình yêu, và với sự khiêm nhường của sự thật. Nó cần được rao giảng và công bố ra bên ngoài, nhưng cũng cần tìm được chỗ trong trái tim con người và trong lương tâm xã hội.

Ðể đạt được mục tiêu trên, điều quan trọng là Giáo Hội tại Hoa Kỳ cũng phải là căn nhà khiêm nhường, là ngọn lửa gia đình lôi cuốn con người nam nữ bằng ánh sáng lôi cuốn và hơi ấm tình yêu. Là các mục tử, ta biết rõ trong thế giới hiện nay có biết bao tối tăm và băng giá; ta biết nỗi cô đơn và sự lãng quên mà nhiều người đang phải cảm nghiệm, dù là giữa các tài nguyên lớn lao của truyền thông và sự giầu có vật chất. Ta thấy nỗi sợ sệt của họ trên gương mặt cuộc đời, nỗi tuyệt vọng của họ và nhiều hình thức trốn chạy do nó tạo ra.

Thành thử, chỉ có một Giáo Hội tụ họp quanh ngọn lửa gia đình mới còn khả năng lôi cuốn người khác. Và không phải bất cứ lửa nào, mà phải là lửa từng rực sáng vào sáng Phục Sinh. Chúa sống lại tiếp tục thách thức các mục tử của Giáo Hội qua những nài van âm thầm của không biết bao nhiêu anh chị em ta: "Các con có gì để ăn hay không?" Ta cần nhận ra tiếng Chúa, như các tông đồ đã nhận ra trên bờ hồ Tiberius (Ga 21:4-12). Ðiều còn khẩn thiết hơn là lớn lên trong sự tin chắc rằng những đóm lửa của sự hiện diện của Người, từng được nhóm từ ngọn lửa thống khổ của Người, luôn đi trước ta và sẽ không bao giờ tàn lụi. Bất cứ khi nào sự tin chắc này yếu đi, thì kết cục ta chỉ còn là người trông coi tro tàn, chứ không phải là người canh giữ và phân phối ánh sáng chân thật và hơi ấm từng khiến trái tim bừng nóng trong ta (Lc 24:32).

Trước khi kết thúc các suy niệm này, xin cho phép tôi đề ra hai khuyến cáo rất gần gũi trong trái tim tôi. Khuyến cáo thứ nhất liên quan tới tư cách làm cha của các giám mục. Các hiền huynh hãy trở thành các mục tử gần gũi với dân, các mục tử láng giềng và đầy tớ. Hãy để sự gần gũi này được biểu lộ một cách đặc biệt đối với các linh mục của các hiền huynh. Các hiền huynh hãy hỗ trợ họ, để họ tiếp tục phục vụ Chúa Kitô bằng một trái tim không phân chia, vì chỉ có trái tim này mới đem sự thành toàn đến cho các thừa tác viên của Chúa Kitô. Bởi thế, tôi thúc giục các hiền huynh đừng để họ bằng lòng với những biện pháp nửa vời. Các hiền huynh hãy tìm các cách để khyến khích sự tăng trưởng thiêng liêng nơi họ, kẻo họ sa vào cơn cám dỗ trở thành các thư lại, các người cạo bàn giấy, nhưng thay vào đó, họ phải phản ảnh chức phận làm mẹ của Giáo Hội, là chức phận sinh đẻ và dưỡng nuôi con cái nam nữ. Hãy canh chừng kẻo họ mệt mỏi đến nỗi không đứng dậy được để trả lời những người đêm khuya đến gõ cửa, chỉ vì cảm thấy mình có quyền nghỉ ngơi (Lc 11:5-8). Các hiền huynh hãy huấn luyện để họ sẵn sàng dừng lại, săn sóc, xoa thuốc, nâng dậy và giúp đỡ những ai "tình cờ" thấy mình bị tước đoạt hết những gì họ nghĩ họ đã có (Lc 10:29-37).

Khuyến cáo thứ hai của tôi liên quan tới các di dân. Tôi xin các hiền huynh tha thứ cho tôi nếu tôi bênh vực cách nào đó chính nghĩa của riêng mình. Giáo Hội tại Hoa Kỳ, giống một số Giáo Hội khác, biết rõ các niềm hy vọng trong tâm hồn những "người hành hương" này. Ngay từ đầu, các hiền huynh đã học hỏi ngôn ngữ của họ, cổ vũ chính nghĩa của họ, biến các đóng góp của họ thành các đóng góp của các hiền huynh, bênh vực các quyền của họ, giúp họ giầu mạnh, và giữ cho ngọn lửa đức tin của họ sống động. Cả ngày nay nữa, không định chế Hoa Kỳ nào làm nhiều cho người di dân bằng các cộng đồng Kitô Giáo của các hiền huynh. Nay các hiền huynh đang đối diện với làn sóng di dân La Tinh gây ảnh hưởng cho nhiều giáo phận của các hiền huynh. Không những với tư cách Giám Mục Rôma, nhưng còn với tư cách một mục tử phát xuất từ Nam Mỹ, tôi cảm thấy cần phải cám ơn và khyến khích các hiền huynh. Có lẽ nhìn vào linh hồn họ là điều không dễ dàng đối với các hiền huynh; có lẽ các hiền huynh sẽ bị sự đa dạng của họ thách thức. Nhưng các hiền huynh nên biết rằng họ cũng có những tài nguyên nhằm để chia sẻ. Nên các hiền huynh đừng sợ tiếp đón họ. Các hiền huynh hãy cung cấp cho họ hơi ấm của tình yêu Chúa Kitô và các hiền huynh sẽ mở khóa được sự bí nhiệm trong trái tim họ. Tôi tin chắc rằng, như thuờng diễn ra trong quá khứ, những người này sẽ làm cho Hoa Kỳ và Giáo Hội nước này nên phong phú.

Xin Thiên Chúa chúc phúc cho các hiền huynh và xin Ðức Mẹ chăm sóc các hiền huynh.

 

Vũ Van An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page