Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Hoa Kỳ
Diễn văn tại Nhà Trắng
Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Hoa Kỳ - Diễn văn tại Nhà Trắng:
"Người
Công giáo Hoa Kỳ đang quan ngại về quyền tự do tôn giáo
của mình".
Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Hoa Kỳ - Diễn văn tại Nhà Trắng. |
Washington (WHÐ 24-09-2015) - 9g15 sáng 23 tháng 09 năm 2015 (giờ Washington D.C.), ngày đầu tiên chính thức tiến hành những hoạt động trong chuyến tông du sáu ngày tại Hoa Kỳ, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhà Trắng tại thủ đô Washington D.C. chào thăm Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Sau đây là toàn văn bản dịch Việt ngữ bài diễn văn của Ðức Thánh Cha tại Nhà Trắng.
* * *
Thưa Tổng thống,
Tôi hết lòng cảm ơn ngài đã nhân danh toàn thể nhân dân Hoa Kỳ đón tiếp tôi. Là con trong một gia đình di dân, tôi vui mừng được làm khách đến thăm đất nước này, một đất nước chủ yếu do các gia đình di dân xây đắp nên. Tôi đặt hy vọng vào những ngày gặp gỡ và đối thoại này, qua đó tôi mong sẽ được lắng nghe và chia sẻ nhiều về hy vọng và mơ ước của nhân dân Hoa Kỳ.
Trong chuyến viếng thăm này, tôi được vinh dự phát biểu tại Quốc hội, ở đây, với tư cách là người anh em của đất nước này, tôi mong gửi những lời khích lệ đến những người được mời gọi thực thi sứ mệnh chính trị đưa quốc gia đi đến tương lai trong sự trung tín với những nguyên lý lập quốc. Tôi cũng sẽ đi Philadelphia tham dự Ðại hội Thế giới Các Gia đình lần thứ VIII, để tôn vinh và nâng đỡ những định chế của hôn nhân và gia đình, vào chính thời điểm nghiêm trọng trong lịch sử nền văn minh của chúng ta.
Thưa Tổng thống,
Cùng với những người đồng hương của mình, người Công giáo Hoa Kỳ đang dấn thân xây dựng một xã hội khoan dung và hoà nhập, để bảo vệ những quyền của các cá nhân và cộng đồng, và loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử bất công. Cùng với đông đảo những người thiện chí khác, người Công giáo Hoa Kỳ cũng đang lưu tâm rằng những nỗ lực xây dựng xã hội theo một trật tự công bằng và sáng suốt phải tôn trọng những mối quan tâm sâu xa nhất và quyền được tự do tôn giáo của họ. Quyền tự do này là một trong những di sản quý báu nhất của Hoa Kỳ. Và, như các anh em giám mục Hoa Kỳ của tôi đã nhắc nhở chúng ta, tất cả mọi người đều được kêu gọi phải thận trọng, chính xác như những công dân tốt, để giữ gìn và bảo vệ quyền tự do này trước mọi đe dọa hoặc mọi điều có thể gây phương hại.
Thưa Tổng thống,
Tôi ủng hộ sáng kiến hạn chế ô nhiễm môi trường do Tổng thống đưa ra. Ðây là điều khẩn cấp và dường như tôi thấy rõ sự thay đổi khí hậu là một vấn đề không để lại cho thế hệ sau được nữa. Về việc chăm sóc "ngôi nhà chung" của chúng ta, chúng ta đang sống ở một thời điểm lịch sử nghiêm trọng. Chúng ta vẫn còn thời gian để thực hiện những thay đổi cần thiết để mang lại "một sự phát triển bền vững và toàn diện, vì chúng ta biết mọi sự đều có thể thay đổi được" (Laudato Si', 13). Một sự thay đổi như thế đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc và có trách nhiệm không những về loại thế giới chúng ta để lại cho con cháu, mà còn cho hàng triệu người đang sống dưới một hệ thống không đếm xỉa đến họ. Ngôi nhà chung của chúng ta thuộc về nhóm bị loại trừ đang kêu thấu trời và hôm nay đang đập mạnh cửa nhà chúng ta, các thành phố và xã hội chúng ta. Mượn lời Mục sư Martin Luther King, chúng ta có thể nói rằng mình đã từng lỗi hẹn trả nợ theo giấy đòi và bây giờ là lúc phải trả món nợ đó.
Nhờ đức tin, chúng tôi biết "Ðấng Tạo hoá không bỏ rơi chúng ta; Ngài không bao giờ từ bỏ chương trình yêu thương của Ngài hoặc ân hận vì đã dựng nên chúng ta. Nhân loại vẫn còn khả năng cộng tác với nhau xây dựng ngôi nhà chung" (Laudato Si', 13). Là những Kitô hữu được niềm xác tín này thúc đẩy, chúng tôi muốn dấn thân chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta một cách ý thức và có trách nhiệm.
Thưa Tổng thống,
Những nỗ lực gần đây đã được thực hiện nhằm hàn gắn những mối tương quan đã bị đổ vỡ và mở ra những cánh cửa mới trong gia đình nhân loại chúng ta, cho thấy những bước tích cực đi theo con đường hoà giải, công lý và tự do. Tôi mong tất cả mọi người nam nữ có thiện chí của đất nước lớn lao này ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ tầng lớp dễ bị tổn thương trong thế giới chúng ta và thúc đẩy những mô hình phát triển mang tính căn bản và toàn diện, nhờ đó anh chị em chúng ta ở khắp mọi nơi có thể nhận biết những ân phúc hoà bình và thịnh vượng Chúa muốn ban cho mọi con cái của Ngài.
Thưa Tổng thống,
Một lần nữa tôi cảm ơn Tổng thống đã chào đón tôi, và tôi đặt nhiều kỳ vọng vào những ngày lưu lại quý quốc. Xin Thiên Chúa chúc lành cho đất nước Hoa Kỳ!
Thành Thi chuyển ngữ