Ðức Phanxicô cải tổ

thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu

 

Ðức Phanxicô cải tổ thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

Roma (VietCatholic News 8-09-2015) - Theo tin của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, thì ngày 8 tháng 9 năm 2015, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành hai Tự Sắc lần lượt tên là Mitis Judex Dominus Jesus và Mitis et misericords Jesus để cải tổ các thủ tục liên quan đến việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

Trong tự sắc thứ nhất, tức Mitis Judex Dominus Jesus (Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ), Ðức Giáo Hoàng viết rằng Chúa Giêsu, "thẩm phán nhân từ, mục tử linh hồn chúng ta, đã ủy thác cho Tông Ðồ Phêrô và các vị kế nhiệm của ngài quyền chìa khóa để chu toàn các công trình công lý và chân lý trong Giáo Hội; quyền tối cao và phổ quát cầm buộc và tháo gỡ trên trái đất này đã khẳng định, củng cố và chứng thực quyền của các mục tử tại các Giáo Hội đặc thù, do chính quyền lợi và bổn phận thánh thiêng trước mặt Chúa của họ, được phán xử các thần dân của mình".

Ngài viết tiếp: "Suốt các thế kỷ qua, trong các vấn đề về hôn nhân, Giáo Hội, nhờ thủ đắc được một ý thức rõ ràng hơn về lời lẽ của Chúa Kitô, nên đã hiểu thấu và đã giải thích sâu sắc hơn tín lý bất khả tiêu của sợi dây hôn phối thánh thiêng, đã khai triển một hệ thống để tuyên bố vô hiệu các lời ưng thuận kết hôn, và đã chỉnh sửa thủ tục luật pháp liên hệ cho thích đáng hơn, nhờ thế, kỷ luật của Giáo Hội nhất quán hơn với chân lý của đức tin vốn được tuyên xưng".

"Tất cả các việc trên đều được thi hành dưới sự hướng dẫn của luật tối cao là cứu rỗi các linh hồn... Ý thức như thế, tôi đã tiến hành việc cải tổ các diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu, và vì mục đích này, tôi đã thiết lập một nhóm các vị nổi tiếng có khả năng về học lý luật pháp, đầy đủ khôn ngoan mục vụ và kinh nghiệm tòa án; các vị này, dưới sự hướng dẫn của Vị Trưởng Tòa Ưu Tú của Tòa Tối Án Cao Rôma, đã soạn thảo một kế hoạch cải tổ, mà không gây thiệt hại gì cho nguyên tắc bất khả tiêu của dây hôn phối... Nhóm này đã khai triển được một khuôn khổ cải tổ làm nền cho tự sắc này, sau khi được xem xét một cách đầy suy nghĩ với sự trợ giúp của các chuyên viên khác.

"Bởi thế, chính niềm lo âu đối với phần rỗi các linh hồn, điều mà, hôm nay cũng như hôm qua, vốn là mục tiêu tối cao của các định chế và luật lệ, đã thúc đẩy Giám Mục Rôma cung hiến cho các vị giám mục văn kiện cải tổ này, xét vì các vị cùng chia sẻ với mình trách vụ chung của Giáo Hội là bảo vệ sự thống nhất trong đức tin và trong kỷ luật liên quan tới hôn nhân, vốn là nền tảng và nguồn gốc của gia đình Kitô hữu. Việc thôi thúc cải tổ này đã được tăng thêm động lực bởi con số rất đông các tín hữu, dù muốn được bình an trong lương tâm, nhưng rất thường bị tách biệt khỏi các cơ cấu luật lệ của các Giáo Hội do sự phân cách về thể lý hay tinh thần; do đó, đức ái và lòng thương xót đòi hỏi điều này: cũng một Giáo Hội vốn là mẹ này phải gần gũi hơn với những đứa con tự coi mình như bị tách biệt".

"Ðịnh hướng này cũng đã được ấn định bởi lá phiếu của đa số các hiền huynh của tôi trong hàng giám mục, từng tụ họp nhau trong Thượng Hội Ðồng đặc biệt gần đây; các vị kêu gọi phải có các diễn trình nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn. Trong tâm tình hoàn toàn phù hợp với khát mong này, bằng tự sắc này, tôi đã quyết định đưa ra các điều khoản nhằm làm dễ dàng không phải chính việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu, mà đúng hơn vận tốc các diễn trình, cùng với tính đơn giản thích đáng của nó, ngõ hầu tâm hồn các tín hữu đang trông đợi tình huống của họ được sáng tỏ sẽ không còn bị đè nén bởi cảnh nghi ngờ đầy tối tăm do việc phải chờ đợi lâu mới có kết luận nữa".

"Tôi làm như trên là theo chân các vị tiền nhiệm của tôi; các vị này muốn các thủ tục trong việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu được giải quyết bằng các phương thế luật pháp hơn là hành chánh, không phải vì bản chất của vấn đề đặt định ra việc này nhưng vì nhu cầu phải hết lòng bảo vệ sự thật của sợi dây thánh thiêng đòi hỏi; và điều này chính là điều được trật tự pháp lý bảo đảm".

Sau đó, Ðức Giáo Hoàng ấn định một số tiêu chuẩn căn bản để hướng dẫn việc cải tổ:

"1. Một phán quyết duy nhất hỗ trợ tuyên bố vô hiệu: điều được coi như thích đáng là không đòi phải có phán quyết kép xác nhận việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu thì các bên mới có khả năng kết ước cuộc hôn nhân khác hợp giáo luật; thay vào đó, sự chắc chắn tinh thần do thẩm phán thứ nhất đạt được trong sự phù hợp với các qui định của luật lệ được coi là đầy đủ.

2. Một thẩm phán duy nhất dưới trách nhiệm của giám mục: việc cử nhiệm vị thẩm phán duy nhất này lúc nào cũng là trách nhiệm của giám mục, người, trong lúc thừa hành quyền tài phán của mình, phải bảo đảm để vị thẩm phán duy nhất này không phạm bất cứ sự lỏng lẻo nào.

3. Giám mục là thẩm phán: Trong Giáo Hội của mình, nơi ngài được thiết lập làm mục tử và người đứng đầu, giám mục là thẩm phán của các tín hữu đã được ủy thác cho ngài. Do đó, hy vọng rằng trong các giáo phận bất kể lớn hay nhỏ, vị giám mục sẽ là dấu chỉ của việc thay đổi các cơ cấu Giáo Hội chứ không hoàn toàn ủy nhiệm chức năng pháp chế liên quan tới hôn nhân cho các phòng sở giáo phận. Ðiều này đặc biệt liên quan tới thủ tục rút ngắn, được đưa ra để giải quyết những trường hợp vô hiệu hiển nhiên".

4. Thủ tục rút ngắn: Thực vậy, ngoài việc hợp lý hóa các diễn trình tuyên bố vô hiệu, song song với thủ tục cung cấp tài liệu hiện hành, một hình thức diễn trình rút ngắn đã được đưa ra để áp dụng trong các trường hợp trong đó, việc cho là vô hiệu hôn nhân được hỗ trợ bởi các luận điểm hết sức rõ ràng". Về việc này, Ðức Thánh Cha nhận định rằng "Ðiều được ghi nhận là thủ tục rút ngắn rất có nguy cơ xâm hại tới nguyên tắc bất khả tiêu của hôn nhân; chính vì lý do đó, tôi đã đòi hỏi điều này: trong một thủ tục như thế thẩm phán phải là chính vị giám mục, người, do chức vụ mục tử của mình, cùng với Phêrô, chính là người bảo đảm hơn hết sự thống nhất của Công Giáo về đức tin và kỷ luật".

5. Kháng án lên tòa giáo khu: Ðiều thích đáng là tái lập việc kháng án lên tòa giáo khu, vì tòa này, suốt trong các thế kỷ qua, vốn là dấu chỉ rõ ràng của tính công đồng trong Giáo Hội.

6. Thẩm quyền của các hội đồng giám mục: Các hội đồng giám mục, một cơ cấu vốn trước nhất phải được thúc đẩy bởi lòng nhiệt tâm tông đồ muốn cứu vớt các tín hữu lầm lỡ, luôn ý thức mạnh mẽ bổn phận phải tham dự vào việc cải tổ trên đây, trong khi hoàn toàn tôn trọng quyền của các giám mục trong việc tự tổ chức lấy thẩm quyền tài phán trong các Giáo Hội riêng của các ngài... Cùng với việc phải gần gũi vị thẩm phán, các hội đồng giám mục còn phải cố gắng bao nhiêu có thể để bảo đảm việc phân phối công bình và xứng đáng con số nhân viên cho tòa án, bảo đảm cho các thủ tục này được miễn phí, vì Giáo Hội, trong các vấn đề quá liên hệ tới phần rỗi các linh hồn, phải chứng tỏ được tình yêu cho không của Chúa Kitô, một tình yêu mà nhờ đó, tất cả chúng ta đều đã được cứu vớt".

7. Kháng án lên Tòa Thánh: Trong mọi hình thức, điều thích đáng là duy trì thủ tục kháng án lên Tòa thông thường của Tòa Thánh, tức Tòa Án Tối Cao Rôma (Roman Rota) vì như thế là ta tôn trọng một nguyên tắc pháp lý cổ thời, nhằm củng cố sợi dây liên kết giữa Tòa Phêrô và các Giáo Hội đặc thù; (tuy nhiên), bất cứ trường hợp nào cũng phải thận trọng: trong việc thi hành sự kháng cáo này, phải hạn chế việc lạm dụng quyền lợi, ngõ hầu tránh gây thiệt hại đến phần rỗi các linh hồn.

Luật lệ của Tòa Tối Cao Rôma sẽ được thích ứng càng nhanh càng tốt cho phù hợp với thủ tục cải tổ này, theo đòi hỏi của cần thiết.

Ðiểm thứ tám, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập tới việc: vì đặc tính riêng của các Giáo Hội Ðông Phương, nên các qui định cải tổ trong phạm vi hôn nhân này sẽ được ban hành riêng cho Bộ Giáo Luật của các Giáo Hội đó.

Cuối cùng, ngài ra sắc lệnh và định rằng Cuốn VI của Bộ Giáo Luật (phần III, tiết I, chương I) về các diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu (các điều 1671 tới 1691) sẽ hoàn toàn được thay thế bởi các qui luật mới, có hiệu lực từ ngày 8 tháng Mười Hai năm 2015.

Trong tự sắc thứ hai "Mitis et misericors Iesus" (Chúa Giêsu nhân từ và hay thương xót) gửi cho Các Giáo Hội Ðông Phương, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định rằng vị tiền nhiệm của ngài, Thánh Gioan Phaolô II, khi ban hành Bộ Giáo Luật cho các Giáo Hội Ðông Phương, đã quả quyết rằng "Kề từ những ngày đầu của công trình ra bộ giáo luật cho các Giáo Hội Ðông Phương, cùng một ý muốn nhất quán của các giám mục Rôma trong việc ban hành hai bộ luật, một cho Giáo Hội La Tinh và một cho các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, đã minh chứng một cách rõ ràng rằng các Giáo Hội vừa kể muốn duy trì điều Chúa quan phòng đã để diễn ra trong Giáo Hội, đó là, được cùng một Thần Khí tái hợp, Giáo Hội phải hít thở bằng hai lá phổi Ðông và Tâ, và cùng bừng cháy bằng tình yêu của Chúa Kitô như một trái tim duy nhất gồm hai tâm thất".

"Theo cùng nẻo đường trên, và sau khi xét tới trật tự Giáo Hội và kỷ luật riêng của các Giáo Hội Ðông Phương, tôi đã quyết định ban hành trong một tự sắc riêng các qui luật cải tổ kỷ luật các diễn trình hôn nhân trong Bộ Giáo Luật của Các Giáo Hội Ðông Phương".

Sau đó, Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến sự quan trọng của thừa tác vụ giám mục; theo giáo huấn của các Giáo Phụ Ðông Phương, các vị là "thẩm phán và y sĩ, vì con người, sau khi bị thương tích và sa ngã, do nguyên tội và tội riêng, đã ngã bệnh và với thuốc thống hối, đã nhận được sự chữa lành và tha thứ từ Thiên Chúa, và được giao hòa với Giáo Hoi. Thực vậy, giám mục, được Chúa Thánh Thần thiết lập thành gương mặt của Chúa Kitô và thay thế cho Người, là thừa tác viên thứ nhất và đầu hết của lòng Chúa thương xót".

 

Vũ Van An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page