Tuyên bố quốc tế đầu tiên của

các quốc gia Hồi giáo về biến đổi khí hậu

 

Tuyên bố quốc tế đầu tiên của các quốc gia Hồi giáo về biến đổi khí hậu.

Istanbul (WHÐ 08-09-2015) - Tập họp tại Istanbul nhân một cuộc hội nghị quốc tế được tổ chức vào giữa tháng Tám năm 2015, các cấp có thẩm quyền của Hồi giáo đến từ 22 quốc gia lần đầu tiên đã cùng nhau bày tỏ lập trường về sự biến đổi khí hậu. Các vị này đã lên án "lòng tham lam của con người" và việc sử dụng "các năng lượng hoá thạch", đồng thời cổ vũ cho một tương lai "100% năng lượng tái tạo".

Ðây là cuộc tập họp thế giới đầu tiên và hẳn là sẽ có những tác động quan trọng trước thềm Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP 21 - sẽ diễn ra tại Paris vào tháng Mười Hai năm 2015. Thật vậy, theo sáng kiến của Quỹ Hồi giáo dành cho sinh học và các khoa học về môi trường, Tổ chức liên tôn Greenfaith và Tổ chức nhân đạo quốc tế của Hồi giáo Islamic Relief, ngày 18 tháng Tám năm 2015, 60 nhà lãnh đạo Hồi giáo đến từ 22 quốc gia đã đưa ra "Tuyên bố của Hồi giáo về sự biến đổi khí hậu toàn cầu".

Trong bản văn rất súc tích gồm tám trang giấy của bản Tuyên bố, những người ký tên trước tiên đã lặp lại các kết luận khoa học của các chuyên gia trong tổ chức GIEC (Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu), đặc biệt là báo cáo thứ năm của các nhà khí hậu học công bố vào năm 2014 - cũng như của Millenium Ecosystem Assessment (Ðánh giá thiên niên kỷ về hệ sinh thái), một báo cáo có tính toàn cầu về tính khác biệt sinh học được chương trình Liên hiệp quốc về môi trường chấp nhận năm 2005. Kế đó, dựa trên nhiều trích dẫn của kinh Coran, Tuyên bố định rõ một thứ "thần học Hồi giáo về Thiên nhiên". Cuối cùng, trong phần thứ ba - phần quan trọng nhất về mặt chính trị - Tuyên bố bày tỏ lập trường rõ ràng chống lại việc sử dụng các năng lượng hóa thạch và ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ các năng lượng tái tạo. Với các nước giàu và các nước sản xuất dầu, Tuyên bố kêu gọi: "Chúng tôi kêu gọi đặc biệt các nước giàu có và các nước sản xuất dầu mở ra con đường loại bỏ dần dần khí đốt có hiệu ứng nhà kính, trợ giúp về mặt kỹ thuật và tài chính cho các nước nghèo hơn, đầu tư mạnh mẽ vào một nền kinh tế xanh". Cụ thể, Tuyên bố nêu rõ cần phải "giữ lại hai phần ba lượng nhiên liệu hóa thạch dự trữ trong lòng đất".

Bản Tuyên bố cũng có những đoạn rất mạnh mẽ về "lòng tham của con người" trong việc khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên, hoặc lên án "việc chúng ta sử dụng một cách bất hợp lý và theo chủ nghĩa ngắn hạn các nguồn tài nguyên hoá thạch" dẫn đến "sự huỷ hoại chính các điều kiện làm cho sự sống trên trái đất tồn tại được".

Tuyên bố kết thúc với lời kêu gọi: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các nhóm hãy phối hợp, hợp tác và tranh đua một cách thân thiện cùng chúng tôi trong nỗ lực này và chúng tôi hoan nghênh những đóng góp đáng kể của các tôn giáo khác, vì tất cả chúng ta có thể đều là những người thắng trong cuộc đua này".

Bản tuyên bố này hẳn cũng sẽ gây khó chịu cho các nước sản xuất dầu hỏa chính và Hồi giáo như: Ả Rập Saudi, Iran, Iraq, Kuweit hoặc các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các nước này không thể không biết rằng bản Tuyên bố đã được ký không phải chỉ bởi các nhà hoạt động Hồi giáo trong lĩnh vực sinh thái mà còn mang chữ ký của ba vị đại mufti (của Liban, Uganda và Bosnia), của chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Inđônêsia và của cả vị Trưởng Ban các fatwa và tài phán về sharia (luật Hồi giáo) thuộc Viện Hàn Lâm Hồi giáo Ả Rập Saudi!

Với việc công bố Thông điệp Laudato Si' hồi tháng Sáu năm 2015 của Ðức giáo hoàng Phanxicô, kế đó, của bản "Tuyên bố của Hồi giáo về sự biến đổi khí hậu toàn cầu " này, chúng ta đang được chứng kiến sự kiện một mặt trận liên tôn đang được thành lập vào gần ngày khai mạc Hội nghị Paris.

Một quan sát viên của các cuộc đàm phán liên quan đến khí hậu đưa ra nhận xét: "2.2 tỉ Kitô hữu và 1.6 tỉ tín đồ Hồi giáo là con số những người sẵn sàng đứng về phía các người bảo vệ thiên nhiên". Dè dặt hơn, Martin Kopp, thần học gia Tin Lành và là khách mời tại hội nghị Istanbul, với tư cách đại diện Liên hiệp Luther Thế giới - một linh mục Công giáo Mỹ và một rabbi đến từ Giêrusalem cũng có mặt - nhấn mạnh: "Ðây là một giai đoạn quan trọng, cho dù tuyên bố này còn phải được các cấp có thẩm quyền Hồi giáo của từng nước, đặc biệt tại Pháp, phê chuẩn, vì Hồi giáo vốn không có tổ chức tập trung. Nhưng tôi thấy bản Tuyên bố là một sự cổ vũ thực sự cho việc đào sâu sự hợp tác liên tôn về khí hậu". Trả lời báo The Guardian, Ðức hồng y Turkson, chủ tịch Hội đồng Toà thánh Công lý và Hoà bình, cho biết ngài "rất vui mừng" đón nhận bản tuyên bố này của Hồi giáo, "trong một tinh thần liên đới".

Một sự kiện khác cũng không kém phần quan trọng và rất khích lệ, đó là tổ chức Climate Action Network -quy tụ tất cả các tổ chức phi chính phủ về môi trường trên thế giới- đã ủng hộ việc chuẩn bị Hội nghị chuyên đề này tại Istanbul. Thêm một bằng chứng cho thấy trước hiểm họa về khí hậu, đối diện với "sự xung đột của các nền văn minh", người không tín ngưỡng và tín đồ của tất cả các tôn giáo không còn ngần ngại liên kết các sức mạnh của mình.

 

Mai Tâm

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page