Ðại hội loan báo Tin Mừng toàn quốc lần III

 

Ðại hội loan báo Tin Mừng toàn quốc lần III.

Huế (VietCatholic News 4-09-2015) - Ðúng 14 giờ ngày 01 tháng 09 năm 2015, Ðại hội loan báo Tin Mừng toàn quốc lần III do Ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội Ðồng Giám mục Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại trung tâm mục vụ Tổng Giáo phận Huế với chủ đề: "Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay." Ngoài sự hiện diện của Ðức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục phụ tá Hưng Hóa, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng - Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Ðức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Ðức tin và cha Ðaminh Ngô Quang Tuyên, Tổng Thư ký cùng các thành viên trong Ủy ban, Ðại hội còn quy tụ 78 linh mục trong đó có quý cha đặc trách Ban Loan báo Tin Mừng của 26 giáo phận, 73 tu sĩ nam nữ đại diện các dòng tu và 70 anh chị em giáo dân đang hoạt động trong sứ mạng loan báo Tin Mừng khắp cả nước.


Ðại hội loan báo Tin Mừng toàn quốc lần III.


Mục đích của Ðại hội là nhằm xác định phương hướng hợp tác và đối thoại trong việc loan báo Tin Mừng; đồng thời nhằm đổi mới phương pháp làm việc của Ủy ban Loan Báo Tin Mừng qua việc tăng cường sự liên kết giữa các ban Loan báo Tin Mừng giáo phận với Ủy ban Loan báo Tin Mừng; thúc đẩy sự dấn thân của giáo sĩ, tu sĩ đang làm mục vụ với việc truyền giáo và huấn luyện tác viên Tin Mừng cho công cuộc truyền giáo.

Trong lời phát biểu khai mạc Ðại hội, sau khi ngỏ lời chào thân ái đến toàn thể tham dự viên đến từ khắp nơi trong cả nước, Ðức Cha Chủ tịch đã đặc biệt chào mừng các tham dự viên giáo dân và nhấn mạnh rằng "sứ mạng loan báo Tin Mừng không phải chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ nhưng cách đặc biệt cho mọi tín hữu." Vị giám mục đến từ giáo phận truyền giáo Hưng Hóa cũng đặc biệt mời gọi các tham dự viên cùng sống tinh thần đồng tâm nhất trí trong tình yêu thương và rộng mở khối óc và con tim cho việc suy tư, thảo luận và đề ra những đường hướng mới cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Ðể làm được điều này, Ðức Cha mời gọi cộng đoàn cùng hướng về Chúa Thánh Thần để xin Ngài đến soi sáng, hướng dẫn và thúc đẩy mọi người làm việc trong tinh thần nghiêm túc và nhiệt thành hơn cho việc phục vụ Chúa và Giáo Hội. Sau hết, Ðức Cha xin mọi người cùng hướng về Mẹ Maria vốn đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô gọi là "ngôi sao của cuộc Tân Phúc Âm Hóa" và các Thánh Tử đạo Việt Nam để xin các ngài bầu cử cho Ðại Hội được diễn ra thành công và tốt đẹp.

Sau phần giới thiệu các tài liệu làm việc của Ðại hội của cha Tổng Thư ký, các đại biểu đã cùng lắng nghe tham luận của Ðức Cha Cosma Hoàng Văn Ðạt, SJ, Giám mục giáo phận Bắc Ninh, Tổng Thư ký Hội Ðồng Giám mục Việt Nam về đề tài: "Những bước chuyển mình của Hội Thánh trên đường loan báo Tin Mừng từ Ad Gentes đến Evangelii Gaudium". Vì lý do sức khỏe nên bài phát biểu của Ðức Cha đã được Ban Truyền thông Giáo phận Bắc Ninh ghi hình và gửi đến Ðại hội.

Trong bài tham luận, Ðức Cha Cosma đã trình bày về những bước chuyển mình của Hội thánh từ ngôn ngữ đến nội dung và phương pháp truyền giáo; từ các đời giáo hoàng như: Ðức Thánh Cha Phaolô VI, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến Ðức Thánh Cha Phanxicô. Tất cả những bước chuyển mình này đều nhấn mạnh đến việc Hội Thánh phải lên đường, ra khỏi chính mình - để "Ad Gentes" đến với muôn dân. Ðồng thời, dựa vào tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Ðức Thánh Cha Phanxicô, Ðức Cha Cosma cũng nhấn mạnh về việc cần phải lên đường loan báo Tin Mừng với niềm hân hoan rạng rỡ trên khuôn mặt chứ không phải một bộ mặt đưa đám. Ðó là niềm vui đích thực của những người có Chúa trong lòng, những người cảm nghiệm cách sâu xa lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngoài ra, Ðức Giám Mục Bắc Ninh cũng thẳng thắn chia sẻ về bối cảnh truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam hôm nay khi đưa ra những nhận định rằng dường như việc truyền giáo ngày nay còn thua cả cả các thừa sai ngày xưa. Thế nên, mỗi người, gia đình, tập thể... phải can đảm xét lại bản thân vì chưa quan tâm đến truyền giáo mà chỉ quan tâm đến nội bộ, đến cộng đoàn của mình hay nói khác đi là một kiểu "túm tụm" cục bộ... Thế nên, ngài kêu gọi mỗi người, mỗi tập thể cần phải có trái tim của Chúa - nên giống trái tim của Chúa để thấy Chúa trong mọi người và mọi sự. Trước khi kết thúc bài tham luận của mình, Ðức Cha đã đưa ra vài đề nghị để Ðại hội trao đổi như:

- Tập trung vào Tin Mừng, con người và xã hội

- Tôn kính tổ tiên

- Hoạt động bác ái

- Sân chư dân (Ðức Giáo Hoàng Bêneđictô XVI): Tết trung thu (trẻ em lương - giáo); dâng hoa, Giáng sinh...

- Gặp gỡ và đối thoại

- Hướng về trời mới đất mới

Dựa vào những chia sẻ của Ðức Cha Cosma, các tham dự viên đã chia thành 4 nhóm gồm: Giáo tỉnh Hà Nội, giáo tỉnh Huế, giáo tỉnh Sài Gòn và nhóm các dòng tu để thảo luận và trình bày về tình hình và phương hướng cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay. Phiên làm việc chính thức của Ðại hội khép lại với phần trình bày thảo luận của đại diện các nhóm và đúc kết của cha Tổng Thư ký Ủy ban.

Sau cơm tối, toàn thể đại biểu cùng hiệp dâng Thánh lễ do Ðức Cha Anphong cử hành cùng với Ðức Cha Phát Diệm và cha Tổng Ðại diện Tổng Giáo Phận Huế. Trong bài giảng Lễ, Ðức Cha đã chia sẻ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ loan báo Tin Mừng thể hiện qua 4 dấu chỉ: 1 - Người loan báo Tin Mừng phải dũng cảm vượt ra chính mình để mở ra cho sự hướng dẫn và điều khiển của Chúa Thánh Thần; 2- Mỗi người cần phải để cho Chúa Thánh Thần biến đổi chính mình; 3 - Cần năng đến với Chúa Thánh Thần qua cầu nguyện vì nếu không có cầu nguyện mọi hoạt động sẽ trở nên vô nghĩa và mọi sứ điệp sẽ trở nên trống rỗng; và 4 - Mọi tín hữu phải sống tình hiệp thông vốn là hoa trái của Chúa Thánh Thần mới có thể làm chúng cho Chúa Kitô.

Trước khi kết thúc ngày làm việc đầu tiên, toàn thể tham dự viên đã được lắng nghe một số linh mục, tu sĩ và giáo dân kể lại những chuyện vui -buồn trên bước đường dấn thân loan báo Tin Mừng. Buổi giao lưu đã diễn ra trong bầu khí hết sức thân tình, chan hòa niềm vui nhưng cũng không kém phần sâu sắc.

Ðại hội Loan báo Tin Mừng toàn quốc lần III: Ngày thứ hai

Ngày 02 tháng 09 năm 2015, sau khi hát kinh sáng, các đại biểu đã cùng hiệp dâng Thánh lễ do Ðức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Ðức tin chủ sự. Trong bài giảng, Ðức Cha Giuse một lần nữa khẳng định thực trạng loan báo Tin Mừng còn chậm chạp tại Việt Nam; đồng thời, kêu gọi mọi người theo gương Ðức Thánh Cha Phanxicô thực hiện một cuộc "đi ra" - ra khỏi chính mình, ra khỏi những cơ cấu an toàn và co cụm hoặc ra khỏi lối mục vụ chỉ biết chăm sóc cho người có đạo... để "ra đi" đến với những "vùng ngoại biên" là những anh chị em lương dân, những tâm hồn đang khao khát chân lý và tình thương.

Ngày làm việc thứ hai của Ðại hội được mở đầu bằng bài tham luận của Ðức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục phụ tá Hưng Hóa, chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng - Hội Ðồng Giám mục Việt Nam về đề tài: "Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay".

Với lối trình bày nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc, Ðức Cha Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng đã điểm qua một số dấu mốc lịch sử quan trọng như: 50 năm sắc lệnh Ad Gentes, Tông huấn niềm vui Tin Mừng, kế hoạch 3 năm Phúc Âm hóa của Giáo Hội Việt Nam, 400 Dòng Tên đến truyền giáo tại Việt Nam để nêu bật lên nhu cầu cần phải thực hiện một cuộc "update cách thức loan báo Tin Mừng" như lời mời gọi canh tân của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Dựa vào một câu nói của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: "Trong thời điểm mới này, trong những điều kiện sống mới ở ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, một cuộc Tân Phúc Âm hóa đã bắt đầu," Ðức Cha kêu gọi thực hiện một cuộc Tân Phúc Âm hóa tại Việt Nam để làm mới lại lòng nhiệt thành truyền giáo và làm mới lại phương pháp truyền giáo.

Ðể làm được điều này, qua đề tài trình bày của mình, Ðức Cha mời gọi các tham dự viên "nhìn lại quá khứ và xem xét hiện tại của công cuộc loan báo Tin Mừng dựa trên Ad Gentes (Ðến với muôn dân) và hướng về tương lai với câu hỏi "Phải làm gì?" dựa trên Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng)."

Trong phần thứ nhất, Ðức Cha Anphong điểm lại một vài thống kê về tình hình truyền giáo 50 năm qua; nêu lên những nguyên nhân lý giải vì sao việc truyền giáo diễn ra khá chậm chạp; đồng thời không quên nhắc nhở các tham dự viên về nhu cầu cấp bách của việc loan báo Tin Mừng ngày nay tại Việt Nam. Trong cái nhìn về tương lai, dựa vào những giáo huấn quý giá của Ðức đương kim Giáo hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Ðức Cha đã rút tỉa ra những bài học và đường hướng cần thiết cho công cuộc loan báo Tin Mừng về phương diện cá nhân lẫn các lãnh vực trong đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế và tôn giáo. Cách đặc biệt, Ðức Cha nhấn mạnh về mối tương quan mật thiết với Chúa Kitô mà sứ giả loan báo Tin Mừng phải đó vì đây chính là động lực sẽ thúc đẩy người ấy mạnh dạn loan báo về Ðức Kitô: "những gì tai nghe mắt thấy chúng tôi không thể không nói ra." Ðức Cha cũng không quên kêu gọi bắt tay ngay vào một chương trình huấn luyện giáo dân truyền giáo, cách riêng trong việc đào sâu sự hiểu biết về Ðức Kitô nơi giáo lý và giáo huấn Giáo Hội, cũng như vận dụng những phương tiện mới (khoa học kỹ thuật, truyền thông xã hội...) để loan báo Tin Mừng.

Khi được lắng nghe chia sẻ của vị đứng đầu Ủy ban Loan báo Tin Mừng, các đại biểu ai ai cũng cảm nhận được sự thao thức và trăn trở của ngài trong việc thực thi lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha Phanxicô: "Giáo Hội phải ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng" (EG 20) mà dường như Giáo Hội Việt Nam chỉ mới trên đường dò dẫm.

Sau phần trình bày của Ðức Cha Chủ tịch, các tham dự viên được chia thành 3 nhóm: linh mục, tu sĩ và giáo dân để cùng thảo luận và góp ý cho vấn đề truyền giáo tại Việt Nam cũng như đường hướng hoạt động của Ủy ban. Ða phần các ý kiến xoay quanh việc cần phải gây ý thức hơn nữa tinh thần truyền giáo nơi các thành phần Dân Chúa tại Việc Nam; phải đẩy mạnh việc đào tạo những môn đệ truyền giáo và tăng cường sự hợp tác giữa các linh mục, dòng tu, đoàn thể với nhau...

Buổi chiều, đại hội được lắng nghe trình bày của Ðức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Phát Diệm về đề tài: "Ad Gentes trong việc dạy giáo lý và phổ biến Kinh thánh."

- Chúng ta có khả năng dạy giáo lý như cách hướng dẫn người khác làm quen và ăn 1 món ăn lạ không?

- Sau khi học Giáo Lý dự tòng xong các học viên có cảm nhận thế nào? Có vui thích học Giáo Lý không? Sau khi các em học sinh Giáo Lý ra khỏi lớp các em có cảm thấy phấn khởi khi vừa được học Giáo Lý không hay là cảm thấy nặng nề?

- Làm sao truyền giáo khi việc dạy Giáo Lý không truyền được hứng khởi cho người học?

Ðây là những câu hỏi mà trong phần dẫn nhập của bài thuyết trình Ðức Cha Giuse đã đặt ra với toàn đại hội. Từ đó, Ðức Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cần phải canh tân việc dạy và học giáo lý như lời mời gọi thực hiện "một cuộc hoán cải mục vụ" toàn diện của Ðức Thánh Cha Phanxicô. Nghĩa là thay đổi toàn diện cách thức làm mục vụ từ một Giáo Hội mang tính cách bảo tồn sang 1 Giáo Hội loan báo Tin Mừng và chọn loan báo Tin Mừng là định hướng chính.

Ðể thực hiện được điều này, Ðức Cha đề xuất dạy giáo lý bằng phương pháp kể chuyện: kể câu chuyện về Ðức Giêsu Kitô. Phương pháp này cần phải lưu tâm đến 4 yếu tố: 1 - Câu chuyện phải hài hòa và hấp dẫn; 2 - Chuyện của cộng đoàn; 3 - Ngôn ngữ kể chuyện phải dễ hiểu, đánh động lòng người và 4 - Người nghe kể chuyện.

Ðức Cha cũng không quên lưu ý rằng kết quả của việc kể chuyện là tùy thuộc vào tự do của người nghe và tác động của Chúa Thánh Thần. Vì thế, người kể cứ làm hết sức của mình và kiên nhẫn đợi chờ kết quả. Bên cạnh đó, khi kể chuyện Chúa Giêsu cho người khác người kể cần cố gắng khơi dậy những tâm tình nơi người nghe để họ cảm nhận và kể lại câu chuyện cuộc đời của họ. Sau hết, khi nhắc lại câu chuyện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, Ðức Cha lưu ý mọi người cần dạy giáo lý thế nào để học sinh giáo lý và người dự tòng sau khi đón nhận Chúa Giêsu thì chính họ là người sẽ ra đi loan báo Tin Mừng cho người khác.

Cũng trong buổi chiều của ngày làm việc thứ 2, Ðại hội đã nghe cha Ðaminh Trần Xuân Thảo thuộc giáo phận Xuân Lộc chia sẻ về kinh nghiệm dạy giáo lý cho dự tòng và việc huấn luyện tác viên Tin Mừng. Trước hết, cha nhắc lại đôi chút lịch sử hình thành nhóm tác viên Tin Mừng, vốn là một nhóm anh chị em giáo dân và tu sĩ được quy tụ và huấn luyện để yêu mến, thấm nhuần và sống Lời Chúa theo sự hướng dẫn của cha Phêrô Phạm Hữu Lai, SJ. Khóa tác viên Tin Mứng thường kéo dài từ 1-2 tuần trong đó có 3 ngày tĩnh tâm. Có 2 loại tác viên: "Tác viên ba lô" - là những tác viên Tin Mừng hăng say được chọn để làm việc 5h/ngày để đến các gia đình rao giảng Tin Mừng và "Tác viên nhảy dù" - là những người sẵn sàng để được gửi đi bất cứ nơi nào. Cha Thảo cho biết, sau 10 năm, chương trình đã đào tạo được 9,000 tác viên Tin Mừng với gần 100 khóa (từ 2010 - nay đào tạo được 2,122 người).

Sau cơm tối, các đại biểu tiếp tục lắng nghe báo cáo đúc kết của đại diện 3 nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ba vị đại biểu này đã trình bày những đề nghị rất thẳng thắn của các vị đại biểu về công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

Ngày làm việc thứ hai của đại hội khép lại sau giờ chầu Thánh Thể do Ðức Cha Anphong chủ sự.

Ðại hội Loan báo Tin Mừng toàn quốc lần III: Ngày thứ ba

Ðại hội bước sang ngày làm việc thứ 3 (03/09/2015) với bài tham luận của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho về chủ đề: "Tính hiện thực của Ad Gentes tại Việt Nam". Ðức Cha mời gọi các tham dự viên cũng như mọi tín hữu xét mình dựa vào Ad Gentes rồi nhìn lại hoàn cảnh VN xem: Sứ mạng truyền giáo đã đi đến đâu? Ðã làm được gì? Và phải làm gì?

Nhìn vào tình hình truyền giáo tại Việt Nam cũng như trên thế giới Ðức Cha cho biết rằng dường như những nỗ lực truyền giáo chưa thật sự đem lại kết quả như lòng mong ước. Lý giải cho thực trạng này Ðức Cha Phêrô nêu ra mấy nguyên nhân sau:

- Dựa vào suy tư thần học của Ðức Hồng Y Ratzinger (sau là Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI) trong Nhật ký công đồng Vatican II của ngài, Ðức Cha cho biết rằng vấn đề then chốt vốn tác động mạnh mẽ lên toàn bộ vấn đề là cuộc khủng hoảng trên chính ý niệm truyền giáo [...] Ðộng lực của các nhà truyền giáo trong việc đem người khác đến với Chúa Kitô dường như đang giảm xuống.

- Bên cạnh đó, Ðức Cha cũng nhấn mạnh rằng niềm xác tín sâu xa vào ơn cứu độ dường như đang cạn kiệt nơi không ít giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Vì thế ngài đặt vấn đề: Nhiệt tình thừa sai nơi mỗi người thế nào? Bản thân người Loan Báo Tin Mừng có còn xác tín vào ơn cứu độ nơi Ðức Kitô hay không?

- Ðức Cha Mỹ Tho cũng nói thêm rằng trên hết mọi sự phải là lòng nhiệt tâm đem Chúa Kitô đến những người chưa biết đến Thiên Chúa trong khi ngày nay các nhà truyền giáo nói nhiều về: chống lại chạy đua vũ trang, môi sinh, nước sạch... Ðây là 1 thực tế khiến nhiều người phải suy nghĩ.

- Sau cùng dựa vào Ad Gentes số 7, Ðức Cha lưu ý đại hội rằng Thiên Chúa có thể dùng những đường lối mà chỉ mình Ngài biết để đưa những người chưa biết Chúa vốn không phải do lỗi của họ để họ được đến với đức tin. Tuy nhiên, Giáo Hội có bổn phận và quyền bất khả xâm phạm trong việc loan báo Tin Mừng. Việc truyền giáo luôn luôn và mãi mãi thật sự cấp bách và cần thiết.

- Trước khi bước qua phần 2 của đề tài Ðức Cha thẳng thắn chất vấn rằng: Trong việc đào tạo Linh Mục, chủng sinh đích hướng tới là gì? Có đạo tạo những Linh Mục ra đi truyền giáo? Hay chỉ là 1 viên chức Giáo Hội làm việc trong 1 văn phòng giáo xứ có sẵn?

Sang phần thứ 2 của bài tham luận, Ðức Cha nhấn mạnh đến 2 chiều kích "làm chứng và loan báo" trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Dựa vào Ad Gentes Ðức Cha cho rằng dù nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chứng tá bao nhiêu Giáo Hội vẫn không thể bỏ qua việc loan báo bằng lời. Thực tế cho thấy người ta hay trích dẫn câu của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nhưng lại quên mất câu kế tiếp là: "Ngay cả những chứng từ tốt lành nhất cũng không có hiệu quả về lâu về dài nếu không được giải thích trình bày bằng sự loan báo Chúa Giêsu." Theo Ad Gentes số 15, không phải chỉ cần hiện diện và làm việc tông đồ bằng gương lành là đủ mà Kitô hữu cần dùng lời nói và việc làm mà loan báo Chúa Kitô cho người ngoài Kitô giáo. Ðức Cha kết luận rằng trong thực tế VN có chăng nhấn mạnh rất nhiều đến chứng ta đời sống mà coi nhẹ việc loan báo Tin Mừng cho lương dân? Có sự e ngại nào? Hay chưa xác tín đủ về ơn cứu độ trong Ðức Giêsu?

Ðức Cha cũng lưu ý các đại biểu về tầm quan trọng của việc truyền giáo trong một "xã hội động". Ðó là một xã hội mà trong đó làn sóng di dân ngày càng tăng mạnh và diễn biến phức tạp. Ðức Cha không hoàn toàn xem điều đó là bất lợi nhưng nhấn mạnh rằng đó là cơ hội tốt để anh chị em di dân trở nên những sứ giả loan báo Tin Mừng trong những vùng đất mới nếu họ được huấn luyện. Từ tầm nhìn truyền giáo Ðức Cha đã cho thấy rằng anh chị em di dân có thể là những sứ giả truyền giáo tích cực. Thế nên, ngài đặt vấn đề là phải làm gì để đồng hành với anh chị em di dân và cùng với họ trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng. Ðức Cha Mỹ Tho cũng nhắc đến một khía cạnh khác nữa của "xã hội động" đó là truyền thông xã hội. Ngài nêu câu hỏi liệu Giáo Hội Việt Nam đã vận dụng truyền thông để loan báo Tin Mừng chưa? Và kêu gọi Giáo Hội Việt Nam cần vận dụng các phương tiện truyền thông để truyền giáo như Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã từng nói: thế giới Internet là 1 diễn đàn mới để loan báo Tin Mừng. Cần làm cho gương mặt và tiếng nói của Ðức Kitô xuất hiện trên Internet.

Trước khi kết thúc Ðại hội, toàn thể tham dự viên đã cùng hành hương Ðức Mẹ Lavang để phó dâng công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam cho Ðức Mẹ.

Sáng ngày 04 tháng 09 năm 2015, Ðại hội đã cùng cử hành Thánh lễ tạ ơn bế mạc Ðại hội loan báo Tin Mừng toàn quốc do Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam chủ sự cùng với Ðức Cha Chủ tịch Ủy ban loan báo Tin Mừng và Ðức Cha Phát Diệm.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha Ðaminh Ngô Quang Tuyên, Tổng Thư ký Ủy ban loan báo Tin Mừng đã long trọng công bố bản ghi nhớ cuối cùng, theo đó điểm lại nội dung những bài tham luận của 3 Ðức Cha cũng như những điểm quan trọng mà Ðại hội đã thảo luận và kiến nghị. Bản ghi nhớ này sẽ được Ðức Cha Chủ tịch đệ trình lên cuộc họp thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ diễn ra vào dịp tháng 10 năm 2015. Ngay sau đó, Ðức Cha Chủ tịch Ủy ban Loan Báo Tin Mừng Anphong Nguyễn Hữu Long cám ơn quý Ðức Cha và mọi thành phần tham dự, đồng thời ngài cũng đã tuyên bố bế mạc Ðại hội.

Trước khi chia tay, các tham dự viên đã được ban tổ chức gửi tặng mỗi người một chuỗi Mân Côi và tấm hình chụp chung toàn bộ Ðại hội làm kỷ niệm.

Sau gần 4 ngày Ðại hội, các sứ giả loan báo Tin Mừng lại hân hoan trở về với những cánh đồng truyền giáo của mình cùng với sự đồng hành của Mẹ Lavang. Ước mong sau Ðại hội lần này công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp hứa hẹn một mùa gặt bội thu trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam.

 

Chỉnh Trần, SJ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page