Quan điểm cứng rắn chống đồng tính luyến ái
đã thắng tại San Francisco
Quan điểm cứng rắn chống đồng tính luyến ái đã thắng tại San Francisco.
San Francisco (VietCatholic News 27-08-2015) - Một thỏa ước lao động mới giữa Tổng Giáo Phận San Francisco và nghiệp đoàn giáo viên tại 4 trường trung học của Tổng Giáo Phận đã khẳng định rằng các giáo huấn Công Giáo phải luôn được coi là quan trọng nhất trong các lớp học và các giáo viên phải chịu trách nhiệm đối với tác phong bản thân nào có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng phục vụ sứ mệnh Giáo Hội của họ.
Chủ Tịch Tim Navone của Trung Học Marin cho biết: thoả ước này, sau nhiều tháng tranh cãi khiến cả nước bàn tán, đã giúp người ta tập chú trở lại với giáo huấn.
Ông nói với tờ Catholic San Francisco ngày 20 tháng 8 năm 2015 rằng "Tôi hết sức phấn khởi khi thấy các giáo viên của chúng ta sắp sửa có khả năng hoàn toàn tập chú, không bị sao lãng chi nữa, vào điều họ sẽ làm tốt nhất, và điều đó là giáo huấn. Là một nhà quản trị, hy vọng và mục tiêu của tôi là họ sẽ chỉ tập chú vào việc giáo dục các học sinh của chúng ta".
Chủ Tịch Navone nói thêm: ông "tràn ngập lòng biết ơn đối với mọi người thuộc mọi phe. Ủy Ban chấp hành nghiệp đoàn đã làm việc thực sự hăng hái".
Ted DeSaulnier, một giáo viên dạy môn tôn giáo tại Trung Học Riordan của Tổng Giáo Phận và là một thành viên của ủy ban chấp hành Liên Ðoàn Giáo Viên của Tổng Giáo Phận, Ðịa Phương 2240, nói rằng ông cảm thấy nhẹ nhõm đã giải quyết được một bất đồng mà ông mô tả là "một trong những cơn bão toàn diện".
Ông cho hay: các vấn đề xã hội của tự do tôn giáo và quyền bình đẳng vốn đụng độ nhau nhưng cuối cùng cả hai phe đã cố gắng đạt được một thỏa ước, trong đó, nghiệp đoàn đề nghị các ngôn từ cuối cùng.
Thỏa ước trên được các đoàn viên của nghiệp đoàn thừa nhận ngày 19 tháng 8 năm 2015, với số phiếu sít sao: 90 thuận 80 chống. Thoả ước này có lời dẫn nhập dài 4 đoạn nhấn mạnh tới mục đích của nền giáo dục Công Giáo và mong các giáo viên hỗ trợ sứ mệnh của Giáo Hội: Mọi giáo viên giáo dân được thỏa ước bảo vệ "lúc nào trong khi thi hành bổn phận, cũng phải hành xử sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn của Giáo Hội".
Trong một thông cáo báo chí, nghiệp đoàn giáo viên nói rằng "cuộc đầu phiếu sít sao phản ảnh sự chia rẽ giữa ban giảng huấn và cộng đồng bao quát hơn sau khi ban quản trị của Tổng Giáo Phận đề xuất một ngôn từ mới muốn tuyên bố các giáo viên là các 'thừa tác viên', một ngôn từ, nếu được thi hành, sẽ đặt các giáo viên ra ngoài các che chở của Ðạo Luật Liên Hệ Lao Ðộng Toàn Quốc".
Ðức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone, trong một tuyên bố báo chí, nói rằng "Tôi muốn cám ơn các nhóm thương thuyết của nghiệp đoàn và của ban quản trị vì đã làm việc hăng hái trong ít tháng qua nhằm đạt thỏa ước này... Tôi cũng đánh giá rất cao khi các cuộc thương thuyết đã bao gồm cuộc thảo luận phong phú về sứ mệnh và mục đích của nền giáo dục Công Giáo và vai trò sinh tử mà các giáo viên các trường trung học của ta vốn đóng trong việc thi hành sứ mệnh này. Tôi rất hài lòng trước việc các cuộc thảo luận này đã củng cố và minh giải các mục đích và các vai trò vốn được nhắc tới trong các thỏa ước trước đây. Và tôi xin chuyển các lời cám ơn đặc biệt của tôi tới mọi giáo viên của chúng ta đã thừa nhận thỏa ước này".
Nina Russo, tổng quản trị lâm thời của các trường, nói rằng "chúng tôi mong đợi các học sinh của chúng ta trở lại một năm học tập và nhiều trải nghiệm phong phú, có ý nghĩa cả về học thuật lẫn sinh hoạt học đường. Chúng tôi đánh giá cao các cố gắng phối hợp của các giáo viên và của ban lãnh đạo học đường trong việc chuẩn bị cho năm học mới mở đầu bằng một mức độ dấn thân và chuyên nghiệp cao độ nhất".
Thỏa ước trên đã chấm dứt 10 tháng thương thuyết, được đánh dấu bằng việc kháng cự mạnh của một số giáo viên. Họ cho rằng các đề xuất của Tổng Giáo Phận nhằm củng cố sứ mệnh Công Giáo của các trường có thể đe dọa tới sự an toàn việc làm của họ cũng như dẫn tới việc xen vào cuộc sống tư riêng của họ.
Các đề xuất trên bao gồm một ngôn ngữ khởi đầu muốn định nghĩa các giáo viên như các thừa tác viên, và việc duyệt lại thủ bản giảng dậy nhằm nhấn mạnh tới nền luân lý và các nguyên tắc thần học Công Giáo.
Trong diễn trình thương thuyết, Tổng Giáo Phận đã bỏ không nhắc tới các giáo viên như những thừa tác viên nữa và hai bên đã thỏa thuận chỉ chú trọng tới các ngôn từ nhấn mạnh tới việc giảng dạy và tác phong bản thân được chờ mong nơi một giáo viên Công Giáo.
Linh mục Dòng Tên, John Piderit, Ðại Diện Tổng Giáo Phận về quản trị và điều hợp hội đồng giáo phận, nói với tờ Catholic San Francisco ngày 20 tháng 8 rằng "Ðức Tổng Giám Mục cố gắng mềm giẻo bao nhiêu có thể. Nếu đi quá xa trong việc nhán mạnh tới những điều này có lẽ ngài đã không đạt được thỏa ước".
Cha Piderit cho biết các quản trị viên và hiệu trưởng mỗi trường có quyền điều tra và giải quyết bất cứ quan ngại nào đối với sự kiện: tác phong một giáo viên có thể khiến người ta sao lãng công việc tại lớp học. Theo ngài, Ðức Tổng Giám Mục đã nói rõ: các vị này phải ráng tự giải quyết lấy vấn đề. Những vấn đề không thể giải quyết mới trình lên cho vị tổng quản trị các trường.
Nghiệp đoàn thì ra thông cáo cho hay "ngôn từ đã làm sáng tỏ điều này: các vấn đề liên quan tới tác phong giáo viên lúc làm việc cũng như lúc không làm việc, tùy thuộc thủ tục giải quyết khiếu nại theo lối thương thảo tập thể, chứ không phải là lãnh vực duy nhất do ban quản trị quyết định. Ngôn từ ở đây đã được xem xét chặt chẽ bởi các luật sư của Liên Ðoàn Giáo Viên California, nhằm bảo đảm việc tuân hành các đạo luật bảo vệ lao động".
Chủ tịch nghiệp đoàn, Gina Jaeger, cho hay "các cuộc thương thảo đã trở thành một diễn trình cam go, thử nghiệm sự quyết tâm của ban chấp hành và các đoàn viên của chúng tôi. Nhưng nền dân chủ nghiệp đoàn đã cung cấp nền tảng vững chắc cho các cuộc thảo luận của chúng tôi#"
Phần Cha Piderit thì cho biết: tác dụng nói chung của thỏa ước là làm sáng tỏ căn tính Công Giáo nhất là tại Vùng Vịnh nơi các ý niệm thường rất mù mờ. Thỏa ước khẳng định rằng "chúng tôi mong người ta đừng xâm phạm tới giáo huấn Công Giáo bằng lời và bằng hành động".
Trong thời gian thương thuyết, việc duyệt xét thủ bản cho ban giảng huấn, một việc diễn ra đồng thời, nhưng không phải là thành phần, với diễn trình thương thuyết, do một ủy ban đảm nhiệm gồm nhiều giáo viên dạy thần học do Ðức Tổng Giám Mục chỉ định, đã được mở rộng thành một văn kiện có tính thần học rộng lớn hơn, lấy Chúa Kitô làm tâm điểm.
Cha Piderit nói rằng: nay, với thoả ước trong tay, cuốn thủ bản sẽ được dùng làm khuôn thước cho việc tu nghiệp các giáo viên, trước nhất tại Trung Học Marin, sau đó tại ba trung học còn lại.
Chủ tịch Trung Học Matin là Navone cho biết 4 buổi gặp gỡ đã được hoạch định để các nhà quản trị và ban giảng huấn học hỏi văn kiện. Trước đây, các giáo viên tỏ vẻ quan ngại đối với các vấn đề về đồng tính luyến ái và hôn nhân đồng tính.
Ông nói thêm: "không có gì mới và không có gì thay đổi về cung cách chúng tôi dạy dỗ nhưng hiện có nhiều người ở đây lo âu trước sự kiện họ không nắm được giáo huấn Công Giáo cách trọn vẹn và không muốn buớc vào một bãi mình. Chúng tôi muốn dành thì giờ nói về các vấn đề họ có thể gặp trong phạm vi học trình và các vấn đề khác họ gặp trong đời sống hàng ngày".
Một số điều khoản đáng lưu ý
Tưởng nên đề cập tới một số điều khoản trong thỏa ước:
Xét rằng, Nghiệp Ðoàn và các đoàn viên của nó nhìn nhận rằng bản chất độc đáo của hệ thống trung học của Tổng Giáo Phận nằm ở chỗ đây là hệ thống Công Giáo Rôma, một hệ thống cam kết cung cấp nền giáo dục bên trong khuôn khổ các nguyên tắc Công Giáo; nhìn nhận rằng các giáo huấn và giới răn Công Giáo phải luôn chiếm chỗ cao suốt trong thời kỳ của thoả ước này; và nhìn nhận rằng không điều gì trong thỏa ước bị giải thích như là can thiệp bất cứ cách nào vào các chức năng và bổn phận của Vị Tổng Quản Trị bao lâu chúng hợp giáo luật; và
Xét rằng, Nghiệp đoàn và các đoàn viên của nó nhìn nhận rằng mọi giáo viên giáo dân được Thoả Ước này che chở sẽ thi hành mọi bổn phận của họ như đã được liệt kê trong thỏa ước một cách phù hợp với các tín lý và giới răn của Giáo Hội Công Giáo Rôma, và lúc nào trong khi thi hành các bổn phận này, cũng sẽ hành xử phù hợp với các tiêu chuẩn của Giáo Hội; và
Xét rằng, Các bên của thoả ước này nhìn nhận rằng mục đích của các trường Công Giáo là để khẳng định các giá trị Công Giáo phản ảnh qua Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, và đề giúp các học sinh học tập và khai triển các khả năng phê phán và luân lý của các em; và
Xét rằng, người ta mong các giáo viên hỗ trợ mục đích của các trường Công Giáo chúng ta bằng cách nào đó khiến tác phong bản thân của họ sẽ không gây tác động tiêu cực đối với khả năng dạy dỗ tại các Trung Học Công Giáo của chúng ta; và
Xét rằng, Các bên nhìn nhận rằng các cuộc tranh cãi về tác phong giáo viên lúc làm việc cũng như lúc không làm việc tùy thuộc thủ tục khiếu nại sẽ xác định xem tác phong như thế có gây tác động tiêu cực đối với khả năng dạy dỗ của giáo viên này tại các Trung Học Công Giáo của ta hay không.
Nói chung, đây là chiến thắng rõ ràng của Ðức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone khi ngài cho biết sẽ không dung dưỡng những người công khai sống chung trong các liên hệ đồng tính được giảng dạy trong các trung học của Tổng Giáo Phận. Sau quyết định ấy, cả một cơn sóng gió đã ập tới chống lại ngài bằng sách nhiễu, chỉ trích thô tục, từ những người chống đối giáo huấn của Giáo Hội đã đành mà còn từ một số chính trị gia và giáo viên Công Giáo nữa. Ngài đã nhất định không nhượng bộ.
Nay, theo lời Cha Piderit, dù có bỏ những từ ngữ người ta không thích, Ðức Tổng Giám Mục đã thắng trong việc nhấn mạnh tới căn tính của các trung học Công Giáo và tư cách một giáo viên tại các trung học này.
Tiến Sĩ Dan Guernsey, giám đốc các chương trình giáo dục từ lớp mẫu giáo tới lớp 12 của Hội Ðức Hồng Y Newman, cũng cho hay: dù ngôn từ trong khế ước không mạnh bằng nhiều văn kiện nhân dụng khác của tổng giáo phận, nhưng Ðức Tổng Giám Mục Crodileone đã thành công trong việc nói lên các trách nhiệm luân lý quan trọng mà các giáo viên phải chấp nhận nếu chịu làm việc tại một trường Công Giáo.
Trong một bài báo mới đây đăng trên tờ Crisis Magazine, Tiến Sĩ Guernsey ca ngợi Ðức Tổng Giám Mục Cordileone vì đã có "trái tim mục tử" trong việc "dẫn đoàn chiên của mình tới gần trái tim Giáo Hội và trái tim yêu thương của Chúa Cứu Thế chúng ta hơn, Ðấng đang ngự trong Giáo Hội". Tiến Sĩ Guernsey đánh giá cao phần dẫn nhập mới dẫn vào các văn kiện nhân dụng cập nhật của Tổng Giáo Phận; ông nhận thấy nhiều điều đáng ca ngợi".
Ông viết: "Các người ủng hộ nền giáo dục trung thành với Công Giáo hẵn sẽ vui mừng khi thấy khế ước quả quyết rằng việc giáo dục và mọi bổn phận tại chỗ phải phù hợp với các 'tín lý và điều răn của Giáo Hội Công Giáo Rôma' và 'tuân giữ các tiêu chuẩn của Giáo Hội'".
Phần dẫn nhập đã buộc nghiệp đoàn giáo viên phải thừa nhận rằng các giáo huấn và giá trị Công Giáo phải là ưu tiên đối với các trường của Tổng Giáo Phận và các giáo viên phải trung thành với giáo huấn này. Văn kiện cũng "nhận diện mục tiêu của các trường Công Giáo là 'để khẳng định các giá trị Công Giáo phản ảnh trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, và giúp các học sinh học tập và triển khai các năng khiếu phê phán và luân lý của các em".
Ông lấy làm tiếc khi hạn từ "thừa tác viên" đã bị loại bỏ vì theo ông "Ít nhất cũng đã có 25 giáo phận toàn quốc coi việc giảng dậy như một thừa tác vụ. Tháng Năm vừa qua, Hội Ðức Hồng Y Newman có phỏng vấn vị giám sát của một trong các giáo phận này, đó là Jim Rigg tại Cincinnati. Ông này giải thích: các giáo viên nhất thiết phải là các thừa tác viên, vì họ tiếp diễn "chính thừa tác vụ dạy dỗ của Chúa Kitô, một thừa tác vụ được truyền lại cho ta qua các thế kỷ".
Vũ Van An