Viễn kiến Công Giáo tại cuộc gặp gỡ Rimini
Viễn kiến Công Giáo tại cuộc gặp gỡ Rimini.
Rimini (VietCatholic News 24-08-2015) - Cuộc gặp gỡ thân ái hàng năm do Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức tại Rimini luôn lôi cuốn chừng 7 trăm ngàn người. Năm 2015, cuộc gặp gỡ lần thứ 36, với sự hiện diện của đại diện nhiều tôn giáo và tuyên tín khác, diễn ra trong các ngày từ 20 tới 26 tháng 8 năm 2015, chủ đề trích từ một câu thơ của thi sĩ Ý quá cố Mario Luzi "Hỡi trái tim, thiếu thốn này là thiếu thốn chi, một thiếu thốn bỗng nhiên ngươi được tràn đầy?"
Chỉ Thiên Chúa mới đổ đầy trái tim con người
Nhân dịp này, Ðức Hồng Y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, đã gửi tới Ðức Cha Francesco Lambiasi, Giám Mục Rimini, một thông điệp nhấn mạnh rằng chỉ có Thiên Chúa mới làm tràn đầy trái tim con người. Nguyên văn thông điệp như sau:
Thưa Ðức Cha rất đáng kính,
Nhân danh Ðức Thánh Cha Phanxicô và nhân danh cá nhân tôi, tôi xin ngỏ lời chào thân ái tới Ðức Cha, tới những người tổ chức và tham dự Cuộc Gặp Gỡ Thân Hữu Giữa Các Dân Tộc Lần Thứ 36. Biểu thức gây suy nghĩ và đầy chất thi ca được chọn làm chủ đề năm nay: "Hỡi trái tim, thiếu thốn này là thiếu thốn chi, một thiếu thốn bỗng nhiên ngươi được tràn đầy?" (Mario Luzi), đã nhấn mạnh tới trái tim vốn hiện hữu trong mỗi người chúng ta, một trái tim mà Thánh Augustinô đã mô tả là "thổn thức khôn nguôi" không bao giờ hài lòng, luôn tìm kiếm một điều gì đó để sống cho đáng ước mong. Ðây là cuộc tìm kiếm vốn được phát biểu thành các câu hỏi về ý nghĩa của sống và chết, về yêu thương, về việc làm, về công lý và về hạnh phúc.
Tuy nhiên, muốn xứng đáng tìm được câu trả lời, ta phải xem xét một cách nghiêm chỉnh nhân tính của ta, bằng cách luôn gọt tỉa sự thổn thức lành mạnh trên. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô bảo ta rằng trong cam kết này, "ta có thể đơn giản cậy nhờ một số kinh nghiệm nhân bản thường có như niềm vui của những gặp gỡ mới, những nỗi thất vọng, sợ bị cô đơn, cảm thương nỗi đau của người khác, không chắc chắn trước tương lai, lo âu cho người thân" (Tông huấn Evangelii gaudium, 155).
Ở đây, ta thấy đặt ra một trong các câu hỏi vĩ đại về thế giới ngày nay: đứng trước quá nhiều câu trả lời phiến diện, những câu trả lời chỉ đem lại "những sai lầm khôn cùng" (Ðức Bênêđíctô XVI) và chỉ sản sinh ra thứ gây mê kỳ lạ, làm thế nào ta giúp tiếng nói cho các câu hỏi mà tất cả mọi người đều mang trong mình? Ðứng trước sự tê cóng của đời người, làm thế nào để hồi tỉnh lương tâm? Một con đường hấp dẫn mở ra cho Giáo Hội, cũng như thời kỳ đầu của Kitô Giáo, lúc con người long đong ở đời mà không có can đảm, sức mạnh hay sự nghiêm túc nói lên các câu hỏi có tính quyết định của mình. Và, như đã xẩy ra với Thánh Phaolô tại Areopagus, nói về Thiên Chúa cho người từng giản lược, từng cắt xén hay quên khuấy các câu "tại sao" của mình thường kết cục ở sự kỳ lạ xem ra xa vời đời thực với những bi hài kịch và thử thách gian nan của nó.
Bởi thế, không ai trong chúng ta có thể khởi diễn cuộc đối thoại về Thiên Chúa nếu mình không thành công trong việc nuôi dưỡng ngọn đèn hiu hắt đang cháy trong trái tim, không tố cáo ai vì các giới hạn của họ, mà cũng là các giới hạn của ta, và không lấy đi, nhưng tiếp nhận và lắng nghe mọi người. Trách nhiệm của các Kitô hữu, như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô hay thích nhắc đi nhắc lại, là khởi đầu các diễn trình hơn là chiếm giữ nơi chốn (xem đã dẫn, số 222). Và do đó, bước đầu tiên là tái đánh thức ý nghĩa của điều thiếu thốn vốn làm đầy trái tim và là điều trái tim hay dối trá vì trĩu nặng bởi mệt mỏi và các hy vọng tan vỡ. Nhưng "trái tim" thì luôn và luôn tìm kiếm.
Bi hài kịch ngày nay hệ ở mối nguy hiểm cận kề của việc chối bỏ căn tính và phẩm giá con người nhân bản. Việc thực dân hóa có tính ý thức hệ đáng lo ngại đang giản lược cảm nhận của ta về nhu cầu chân thực của trái tim bằng cách đưa ra các câu trả lời có giới hạn vốn không hề xét đến chiều sâu rộng của cuộc tìm kiếm tình yêu, sự thật, vẻ đẹp và công lý vốn hiện hữu trong mỗi người chúng ta. Tất cả chúng ta đều là con cái của thời đại, nên tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng của một não trạng (cho rằng mình) cung hiến các giá trị và cơ hội mới nhưng (thực ra) cũng đã điều kiện hóa, giới hạn hóa và làm hỏng trái tim con người bằng những đề xuất tha hóa nhằm giập tắt sự thèm khát Thiên Chúa. Nhưng, như Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng nói với giới trẻ tại San Marino, trái tim không hài lòng vì "nó là cửa sổ mở vào vô hạn" (19 Tháng 6, 2011). Tại sao ta chịu đau khổ và cuối cùng chết?Tại sao có sự ác và mâu thuẫn? Có đáng sống không? Liệu ta còn hy vọng gì trước một "đệ tam thế chiến từng mảnh" như hiện nay và với biết bao anh chị em đang bị bách hại và giết chóc vì đức tin của họ không? Liệu có còn nghĩa lý gì để mà yêu thương, làm việc, hy sinh và dấn thân hay không? Ðời tôi và đời những người tôi không bao giờ muốn rời bỏ sắp sửa kết thúc ở đâu? Chúng tôi phải làm gì trên thế giới? Ðó là những câu hỏi ai ai cũng tự hỏi mình, bất luận trẻ hay già, có tín ngưỡng hay không. Chẳng sớm thì muộn, ít nhất một lần trong đời, vì một thử thách hay một biến cố hân hoan, khi suy nghĩ về tương lai con cháu mình hay về sự hữu dụng của việc mình làm, mỗi người chúng ta đều thấy mình cần phải tính đến một trong các câu hỏi này. Ngay những người bất cẩn nhất cũng không thể loại mình khỏi hiện sinh của mình cách trọn vẹn được.
Ðời sống không hề là một ước muốn vô lý, không hề có dấu hiệu nào cho thấy ta sinh ra "do lầm lẫn", trái lại, có những tiếng chuông báo hiệu cho ta thấy bản chất ta được tạo nên vì những điều cao cả. Như Người Tôi Tớ Thiên Chúa là Ðức Ông Giussani (sáng lập viên của Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng) từng viết, "các nhu cầu của con người tạo nên một tham chiếu, một khẳng định mặc nhiên cho câu trả lời tối hậu vốn vượt trên mọi mô thức hiện sinh từng được cảm nghiệm xưa nay. Nếu lý thuyết về một 'cõi bên kia' bị loại bỏ, thì các nhu cầu này sẽ bị bóp nghẹt một cách không tự nhiên" ("Cảm Thức Tôn Giáo", Milan, 1997, 157). Huyền thoại Ulysses nói với ta về nostos algos, tức niềm hoài nhớ chỉ có thể tìm thấy thoả mãn nơi thực tại khôn cùng. Bởi thế, Thiên Chúa, Mầu Nhiệm khôn cùng, đã cúi xuống sự hư vô thèm khát Người của ta, và cung hiến câu trả lời mà tất cả chúng ta đều đang chờ đợi tuy không nhận ra nó, vì mải lo tìm nó trong thành công, trong tiền tài, trong quyền lực, trong ma túy đủ loại, trong việc khẳng quyết các thèm muốn tạm bợ của mình. Chỉ có sáng kiến của Thiên Chúa Hóa Công mới có thể đổ đầy dung tích trái tim mà thôi; và Người đã đến gặp gỡ ta, tự để Người được ta coi là bằng hữu. Và nhờ thế, ta có thể nghỉ yên ngay giữa đại dương sóng gió, vì ta biết chắc Người đang hiện diện với ta. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói: "Cho dù đời một con người có là một đại họa đi chăng nữa, cho dù nó có bị đủ thói hư phá hủy bằng ma túy hay bất cứ điều gì khác đi chăng nữa, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đời họ. [#] Cho dù đời một con người có là một mảnh đất đầy gai góc và cỏ dại đi chăng nữa, vẫn luôn có chỗ để hạt giống tốt mọc lên. Ðiều cần là tin tưởng Thiên Chúa" (La Civilta Cattolica, 19 tháng Chín, 2013, 470).
Với chủ đề năm nay, Cuộc Gặp Gỡ có thể góp tay vào trách nhiệm chủ yếu của Giáo Hội, là: "không đồng ý với một ai chỉ hài lòng chút chút, mà là với một ai dám nói dứt khoát 'không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi' (Gl 2:20)" (Tông huấn Evangelii gaudium, 160), vì Chúa Giêsu "là lời công bố đáp ứng được niềm hoài mong vô hạn vốn có trong trái tim mọi con người nhân bản" (Ðã dẫn, 165). Chúa Giêsu "đến để cho ta thấy, để biến tình yêu mà Thiên Chúa vốn dành cho ta thành hữu hình. [#] một tình yêu tích cực, có thực chất. [#] một tình yêu hàn gắn, tha thứ, nâng dậy và chữa lành; một tình yêu tới gần và tái lập phẩm giá; một phẩm giá ta dễ dàng đánh mất nhiều cách và dưới nhiều hình thức. Nhưng Chúa Giêsu rất "ngoan cố" trong điều này: Người đã hiến đời Người vì nó, để tái lập phẩm giá mà ta đã đánh mất" (Ðức GH Phanxicô, Diễn Văn tại Trung Tâm Cải Tạo ở Santa Cruz de la Sierra, Bolivia, ngày 10 tháng 7, 2015). Ðó chính là sự đóng góp được đức tin Kitô Giáo cung hiến cho mọi người và là sự đóng góp sẽ được Cuộc Gặp Gỡ này làm chứng trước nhất bằng đời sống của những người thể hiện nó.
Bởi thế, Ðức Thánh Cha hy vọng rằng các người tổ chức và thiện nguyện của Cuộc Gặp Gỡ sẽ ra đi gặp gỡ mọi người, được nâng đỡ bởi ước nguyện muốn đề xuất Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa một cách mạnh mẽ, tươi đẹp và đơn sơ, Ðấng mà hôm nay cũng đã cúi xuống đổ vào trái tim thiếu thốn của ta đầy nước trường sinh vốn chẩy ra từ Chúa Giêsu phục sinh. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho thừa tác vụ của ngài và xin gửi tới Ðức Cha và với mọi tham dự viên của Cuộc Gặp Gỡ phúc lành Tòa thánh tự đáy lòng ngài. Cùng với các cầu chúc tốt đẹp nhất, tôi xin mượn dịp may hiếm có này để bày tỏ lòng trân trọng của riêng tôi.
Nền nhân học về giới hạn
Sự thiếu thốn trong chủ đề của Cuộc Gặp Gỡ Rimini được Ðức Cha Nunzio Galantino, thư ký Hội Ðồng Giám Mục Ý, khai triển dưới ý niệm giới hạn trong một nền nhân học phục vụ con người.
Trong tham luận trước đại hội tựa là "con người và cảm thức giới hạn", Ðức Cha nói về một xã hội "không xem xét các nhóm và các quốc gia theo số lượng sản xuất hay theo các tài nguyên tài chánh". Xã hội này sử dụng các tài nguyên của nó "để chú tâm tới mọi người nghèo, tới những người không có việc làm hay mất việc làm, tới những người phát xuất từ các vùng nghèo nhất và chậm tiến về kinh tế, tới những ai không có khả năng tự phòng vệ".
Ngài cho rằng "giới hạn [...] là trường dạy ta bí quyết sống. Càng thừa nhận giới hạn, con người càng bước vào trạng thái trách nhiệm. Nơi con người, giới hạn là một sức mạnh đào luyện, vì nó phát sinh ra ước muốn vốn là động lực của ý chí. Nếu con người có tất cả, họ sẽ không đi tìm bất cứ điều gì nữa".
Theo Ðức Cha Galantino, "nền nhân học giới hạn không tự diễn dịch thành lời ca ngợi chính giới hạn, nhưng nhờ nâng cao hữu thể nhân bản, nó có khả năng sản sinh ra một lý tưởng về một sự hoàn hảo có tính tới các giới hạn".
Ngài quả quyết rằng "qua nền nhân học giới hạn này, Giáo Hội được mời gọi đổi mới cơ cấu của mình, trong diễn trình quyết định và trong các thực hành cụ thể của cộng đồng... Thời ta, các cộng đồng và các hiệp hội trong Giáo Hội đã là dấu chỉ tuyệt vời của sự hiện diện Thiên Chúa và của tình yêu phát sinh từ Người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều điều phải làm trong lãnh vực chứng tá; do đó, ta vẫn cần phải phát triển hơn nữa trong lãnh vực tạo ra một ngọn lửa năng động và thực sự có tính phúc âm nhằm biểu lộ đức ái một cách mỗi ngày một trong sáng hơn"
Một Giáo Hội biết "biến giới hạn thành tài nguyên mang phong thái truyền giáo từng được Ðức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi, và càng ngày càng ít trở nên một nơi phân phối dịch vụ nhưng càng ngày càng trở nên một bệnh viện dã chiến hơn (...) trong đó, chứa những kho báu vĩ đại nhất, trong đó có chính Chúa".
Ngài kết luận "vâng, nếu được chấp nhận, ý thức giới hạn sẽ tự biến đổi thành ý chí cởi mở chào đón những người khác và Ðấng Khác viết hoa tức chính Thiên Chúa". Như thế "khiêm nhường là thái độ bên trong giúp bạn biết đánh giá giới hạn, biến nó thành nguồn sinh trưởng chứ không hối tiếc".
Thiên Chúa chưa chết
Trong khi đó, Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran, người phụ trách cuộc đối thoại của Tòa Thánh với các tôn giáo khác, nói với các đại diện cao cấp của Do Thái Giáo và Hồi Giáo tại Cuộc Gặp Gỡ Rimini rằng: Thiên Chúa chưa chết.
Theo vị Hồng Y này, quả là một nghịch lý khi các tôn giáo bị liên kết với bạo lực. Ðây là kết quả của các nhóm khủng bố và cực đoan thiểu số trong các tôn giáo, nhất là Hồi Giáo. "Nhưng hiển nhiên, đó không phải là Hồi Giáo đích thực". Ngài bảo: tôn giáo không phải là vấn nạn mà là giải pháp cho an ninh quốc tế.
Về Thiên Chúa, Ðức Hồng Y Tauran cho rằng "chúng ta hiện sống trong một thế giới nghịch lý. Một đàng, có những người tuyên bố Thiên Chúa đã chết, ta không cần Người nữa. Nhưng đàng khác, chỉ cần nhìn các sạp báo: bao nhiêu lần Thiên Chúa được nhắc tới trên báo chí?"
Về ba tôn giáo độc thần là Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo, ngài cho hay họ có ba thách đố: "bản sắc, tư cách người khác, và thành thực trong ý hướng".
Thành thực, theo ngài, là ý thức rằng trong đối thoại tôn giáo không nên có ý hướng cải đạo người khác. Ngài bảo: "đối thoại liên tôn có thể cổ vũ việc trở lại, nhưng đó không phải là mục đích. Mục đích của đối thoại là từng bước tiến tới sự thật".
Trong cuộc thảo luận này, có sự hiện diện của Azzedine Gaci, trưởng Ðền Thờ Hồi Giáo Othman ở Villeurbanne, Pháp, và Haim Koria, trưởng giáo sĩ Do Thái Giáo của Pháp.
Giáo Sĩ Koira cho rằng "khoan dung là một hạn từ gần như bao hàm kín đáo ý niệm chấp nhận chứ không chia sẻ suy nghĩ của một ai khác. Thay vào đó, ta phải lùi lại để nghĩ tới việc cần sự hiện hữu của người khác như điều kiện chủ yếu để tôi hiện hữu. Ðây là chứng cớ chứng minh tư cách người khác (otherness) làm giầu hữu thể nhân bản và là điều kiện không có không được để hữu thể này hiện hữu".
Nên biết Cuộc Gặp Gỡ Rimini năm nay thu hút các thành phần ưu tú nhất trong đời sống chính trị và xã hội Ý và một số nhân vật "nặng ký" của Vatican. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon có gửi tới đại hội một sứ điệp video. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng Thống Ý Sergio Mattarella dều có gửi thông điệp cho đại hội.
Vũ Van An