Nội dung cuộc họp báo của Ðức Phanxicô
trên chuyến bay từ Paraguay về Rôma
Nội dung cuộc họp báo của Ðức Phanxicô trên chuyến bay từ Paraguay về Rôma.
Roma (VietCatholic News 14-07-2015) - Trên chuyến bay từ Paraguay trở về Rôma ngày 12 tháng 7 năm 2015, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành 64 phút cho cuộc họp báo trên không. Ngài đã trả lời các câu hỏi của các ký giả đi theo liên quan tới chính trị, cuộc tông du Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2015, và cảm giác khi chụp ảnh "tự xướng".
Cha Federico Lombardi: Ðức Thánh Cha đã nói rằng ngài dành cho chúng ta một tiếng đồng hồ chứ không nhiều hơn. Thành thử, xin qúy vị biết cho đấy là giới hạn. Chúng ta sẽ diễn tiến theo giới hạn đó, và đến một điểm nào đó, chúng ta sẽ kết thúc. Bây giờ, với câu hỏi đầu tiên, chúng ta nhường chỗ cho Anibal Velazquez từ Paraguay...
Ðức Phanxicô: Chào buổi chiều mọi người và xin cám ơn vì công việc qúy vị đã thực hiện. Hẳn nó làm qúi vị mệt mỏi. Xin cám ơn!
Anibal Velazquez: Kính chào Ðức Thánh Cha. Con là Anibal Velazquez người Paraguay. Chúng con cám ơn Ðức Thánh Cha đã nâng Ðền Ðức Mẹ Caacupé lên hàng một vương cung thánh đường, nhưng người Paraguay tự hỏi: tại sao chúng ta chưa có một Hồng Y? Paraguay mắc tội gì mà chúng ta lại chưa có một vị Hồng Y? Có phải còn xa vời lắm chúng ta mới có một vị Hồng Y không?
Ðức Phanxicô: Ðược lắm, (nhưng) không có Hồng Y đâu phải là cái tội. Phần lớn các nước trên thế giới đâu có Hồng Y nào, đa số (không có). Tính quốc gia của các Hồng Y, tôi không nhớ chúng là bao nhiêu, nhưng chỉ là thiểu số so với toàn bộ.
Ðúng thế, Paraguay chưa bao giờ có một Hồng Y cho tới nay, nhưng tôi không thể cho ông một lý do. Ðôi khi, phải lượng giá, nghiên cứu hồ sơ từng trường hợp một, ông phải xét con người, đặc sủng, nhất là của vị Hồng Y xem có thể cố vấn và trợ giúp Ðức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ hay không. Dù thuộc một Giáo Hội đặc thù, vị Hồng Y được nhập tịch vào Giáo Hội Rôma, và cần có một viễn kiến phổ quát. Ðiều này không có nghĩa không vị giám mục nào ở Paraguay có những điều đó. Nhưng ông luôn phải chọn một con số, ông không thể vượt qua giới hạn 120 vị Hồng Y có quyền bầu cử#
Bolivia đã có hai Hồng Y. Urugauy đã có hai. (Ðức Hồng Y) Antonio Maria Barbieri (ghi chú của ban biên tập:ngài là Tổng Giám Mục Montevideo 1940-1976 và được nâng lên hàng Hồng Y năm 1958) và đức Hồng Y hiện nay (ghi chú của ban biên tập: Fernando Sturla). Còn các nước Mỹ Châu La Tinh khác nữa... Một số nước Trung Mỹ cũng chưa có Hồng Y nào. Tôi không nhớ rõ, nhưng nhất định không có tội gì cả, còn tùy hoàn cảnh và con người, đặc sủng để nhập tịch. Việc này không nói lên bất cứ nhục mạ nào hoặc các giám mục Paraguay vô giá trị. Một số vị rất vĩ đại. Hai vị [nghe không rõ] đã tạo nên lịch sử ở Paraguay. Tại sao các vị không được nâng lên hàng Hồng Y? Vì không có cơ hội. Chắc chắn không phải là chuyện thăng thưởng. Tôi xin đặt ra một câu hỏi khác: Paraguay có xứng đáng có Hồng Y không, nếu ta nhìn vào Giáo Hội Paraguay? Tôi dám nói là có, họ xứng đáng được hai Hồng Y. Nó không liên quan gì tới công phúc cả. Nó là một Giáo Hội sinh động, một Giáo Hội vui tươi, một Giáo Hội có tinh thần chiến đấu với một lịch sử vẻ vang.
Cha Federico Lombardi: Một triệu lần cám ơn. Và bây giờ xin nhường chỗ cho hai đồng nghiệp từ Bolivia là Priscilla và Cecilia đang ở đây, họ nói họ chỉ hỏi một câu hỏi.
Priscilla Quiroga Sarmiento (Cadena "A" Red Nacional): Kính thưa Ðức Thánh Cha, xin làm ơn, chúng con muốn biết các tiêu chuẩn của Ðức Thánh Cha về việc liệu Ðức Thánh Cha có xem xét khát vọng của người Bolivia muốn có đường độc lập ăn thông ra biển, trở lại với trạng thái có đường độc lập ăn thông ra Thái Bình Dương hay không.
Cecilia Dorado Nava, (El Deber): Và kính thưa Ðức Thánh Cha, trong trường hợp Chile và Bolivia yêu cầu sự trung gian của Ðức Thánh Cha, thì Ðức Thánh Cha có chấp nhận không?
Ðức Phanxicô: Ðể trả lời câu hỏi, vấn đề làm trung gian là một vấn đề tế nhị. Và, chỉ là bước cuối cùng. Tôi muốn nói Á Căn Ðình từng sống vấn đề này với Chile, và đó thực sự là việc chấm dứt một cuộc chiến tranh, một tình thế cực kỳ khắc nghiệt, và đã được đương đầu rất tốt bởi những người được Tòa Thánh đề cử, phía sau họ luôn có Ðức Gioan Phaolô II, ngài rất quan tâm, và bởi thiện chí của cả hai quốc gia, những nước từng tuyên bố rằng "hãy xem xem việc này có tiến triển hay không".
Ðiều lạ là: ít nhất tại Á Căn Ðình, có một nhóm người không bao giờ muốn có sự trung gian này và khi Tổng Thống (Raul) Alfonsin mở cuộc trưng cầu dân ý để xem xem đề nghị làm trung gian có được chấp thuận hay không, thì hiển nhiên, đại đa số trong nước đều trả lời "có" ấy thế một nhóm người lại kháng cự, luôn luôn kháng cự.
Về trường hợp làm trung gian, ít khi nào cả nước nhất trí hết. Nhưng đó là biện pháp cuối cùng, còn có nhiều phương tiện ngoại giao khác có thể giúp trong trường hợp này, các điều giải viên, v.v...
Cho tới nay, tôi vẫn luôn phải rất tôn trọng về việc này vì Bolivia đã kháng án lên tòa án quốc tế. Thành thử hiện lúc này, nếu tôi đưa ra nhận định, trong tư cách nguyên thủ quốc gia, người ta có thể giải thích rằng tôi cố gắng pha mình vào chủ quyền một quốc gia khác và là người không tôn trọng quyết định của nhân dân Bolivia đã thực hiện vụ kháng án này. Ðiều này há không đúng sao?
Tôi cũng biết đã có những điển hình muốn đối thoại trước đây. Tôi không nhớ rõ. Có người có lần đã nói với tôi như thế này: có lúc họ đã gần đạt được một giải pháp. Ðó là thời Tổng Thống Lagos, Tổng Thống Lagos của Chile, nhưng tôi nói điều này mà không có các chi tiết chính xác. Nó chỉ là lời nhận định ngỏ với tôi từ Ðức Hồng Y Errazuriz, nhưng tôi không muốn nói điều gì ngu xuẩn về việc này.
Tuy nhiên, có một điều tôi muốn làm sáng tỏ: lúc ở Nhà Thờ Chính Tòa Bolivia, tôi có đề cập tới vấn đề này một cách hết sức tế nhị, có lưu ý tới tình hình kháng án lên tòa án quốc tế. Tôi hoàn toàn nhớ ngữ cảnh này: anh em phải đối thoại với nhau, người Mỹ Châu La Tinh phải đối thoại với nhau. Ðể tạo ra một Quê Hương Vĩ Ðại, đối thoại là điều cần thiết. (Ðến đó) Tôi dừng lại, giữ im lặng, rồi nói: "tôi nghĩ tới biển" và rồi tôi tiếp tục "đối thoại và đối thoại". Tôi nghĩ điều rõ ràng là việc lên tiếng của tôi có ý nói tới vấn đề này, dù vẫn tôn trọng tình thế như đang được trình bầy.
Nó đang nằm ở tòa án quốc tế, một tòa án không thể nói tới trung gian hay điều giải. Chúng ta phải chờ đợi thôi.
...[Không nghe rõ câu hỏi tiếp tục của các nhà báo Bolivia]...
Ðức Phanxicô: Luôn luôn có nền tảng công lý khi có sự thay đổi các biên giới lãnh thổ, nhất là sau một cuộc chiến tranh. Thành thử, đang có sự liên tục duyệt lại việc này. Tôi xin nói rằng trình bầy một vấn đề như thế này, như nguyện vọng này, là điều không đúng đắn. Tôi nhớ năm 1960, không, năm 1961, lúc tôi học triết năm thứ nhất, chúng tôi có được phân phối một tài liệu về Bolivia, từ một Cha vừa đến từ Bolivia. Tôi tin nó có tựa đề "Mười Hai Ngôi Sao". Bolivia có bao nhiêu tỉnh nhỉ?
Dorado Nava: Chín phân bộ.
Ðức Phanxicô: Vậy thì nó có tựa là "Mười Ngôi Sao". Và nó trình bầy mỗi phân bộ trong 9 phân bộ này, và cuối cùng là phân bộ thứ mười, và cô thấy biển mà chẳng có lời ghi chú gì cả. Hình ảnh ấy còn mãi trong tâm trí tôi, thành thử rõ ràng đây là một nguyện vọng. Sau cuộc chiến tranh kiểu này, thiệt hại đã xẩy ra và tôi tin điều quan trọng là: trước nhất phải đối thoại, thương thuyết lành mạnh. Nhưng hiện nay, đối thoại đã bị ngưng vì việc kháng án lên The Hague.
Cha Federico Lombardi: Kính thưa Ðức Thánh Cha, xin cám ơn Ðức Thánh Cha ngàn lần. Bây giờ, chúng tôi nhường chỗ cho Freddy Paredes của Ecuador.
Freddy Paredes (Caceres, Teleamazonas): Thưa Ðức Thánh Cha, con xin chào Ðức Thánh Cha buổi tối. Xin cám ơn Ðức Thánh Cha nhiều. Ecuador bị rúng động trước chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha, và sau khi Ðức Thánh Cha rời xứ sở, những người chống đối chính phủ đã trở lại các đường phố. Xem ra họ muốn sử dụng sự hiện diện của Ðức Thánh Cha tại Ecuador một cách chính trị, nhất là vì câu Ðức Thánh Cha nói, "nhân dân Ecuador từng đứng lên một cách xứng phẩm giá". Con muốn hỏi Ðức Thánh Cha, nếu có thể, Ðức Thánh Cha có ý nói gì với câu nói đó? Ðức Thánh Cha có thiện cảm đối với dự án chính trị của Tổng Thống Correa không? Ðức Thánh Cha có tin rằng các khuyến cáo tổng quát ngài đưa ra trong chuyến viếng thăm Ecuador, các khuyến cáo tìm cách cải thiện phát triển, đối thoại, xây dựng dân chủ với niềm hy vọng để lại sau lưng nền văn hóa vứt bỏ, như Ðức Thánh Cha quen gọi nó, có đã được thực hành tại Ecuador chưa?
Ðức Phanxicô: Hiển nhiên, tôi biết có nhiều vấn đề và đình công chính trị. Tôi biết thế. Tôi không biết các phức tạp của nền chính trị Ecuador. Nên nếu tôi đưa ra ý kiến thì có thể là điều gây khó chịu. Sau này, người ta bảo tôi rằng trong chuyến viếng thăm của tôi có một thứ tạm ngưng nào đó mà vì vậy tôi rất cám ơn, vì đó là cử chỉ của dân phát biểu bằng chân một lòng tôn trọng nào đó đối với chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng. Tôi xin cám ơn vì điều đó và rất trân trọng nó. Nhưng nếu sự việc lại tái tục, thì hiển nhiên, các cuộc tranh luận chính trị... và liên quan tới câu nói ông nhắc lại: tôi có ý nói tới ý thức lớn hơn mà nhân dân Ecuador đã có được, đó là lòng can đảm... Không bao lâu trước đây, đã có một cuộc chiến tranh biên giới với Peru, thành thử có một lịch sử chiến tranh. Rồi, có một ý thức lớn hơn đối với hàng loạt các tính đa dạng của Ecuador về sắc tộc, và điều này đem lại phẩm giá. Ecuador không phải là một quốc gia của việc vứt bỏ, thành thử nó có ý nói tới nhân dân như một toàn thể và tất cả các phẩm giá của dân tộc này, một dân tộc, sau chiến tranh biên giới, đã đứng lên và một lần nữa ý thức rõ hơn phẩm giá của mình và sự phong phú của nó trong tính đa dạng và tính muôn mầu muôn vẻ của nó, nên không thể chỉ gán lời đó cho một tình thế chính trị cụ thể nào, từ dấu chỉ này qua dấu chỉ nọ, vì cùng câu nói đó đã được dùng để giải thích cả hai tình thế ấy, một ai đó bảo tôi thế, tôi không thấy điều đó.
Nói rằng Ecuador đứng lên và những người chống đối chính phủ# Một câu nói có thể bị lèo lái, và tôi tin rằng trong câu nói này, ta phải hết sức thận trọng. Và tôi xin cám ơn ông đã đặt câu hỏi vì đó là cách chứng tỏ sự thận trọng. Ông đã đưa ra một điển hình cho việc phải thận trọng.
Và nếu quí vị cho phép tôi, và nếu không ai hỏi tôi điều này nữa, thì tôi xin dành thêm 5 phút như một nhượng bộ, nếu chúng ta cần đến. Trong việc làm của qúi vị, việc giải thích một bản văn là điều rất quan trọng. Một bản văn không thể được giải thích chỉ trong một câu đơn độc. Việc giải thích phải áp dụng cho toàn bộ ngữ cảnh. Có những câu chính xác là chìa khóa để giải thích, lại có những câu không phải như thế, những câu nói "tiện thể" hay "có tính trang trí" (plasticas). Thành thử, nên nhìn hoàn cảnh trong toàn bộ ngữ cảnh của nó. Thành thử nhìn vào lịch sử, đang là lịch sử lúc đó hay đang nhìn vào quá khứ, ta cần giải thích một biến cố với một giải thích vế thời gian ấy. Tôi không biết, nhưng thí dụ thập tự chinh chẳng hạn, ta hãy giải thích các thập tự chinh bằng một lối giải thích người ta nghĩ gì lúc đó, không phải sao? Chìa khóa để giải thích một diễn từ, bất cứ bản văn nào, là khoa giải thích toàn diện, không rời rạc, tách biệt. Xin qúi vị tha thứ, tôi không muốn chơi trò "thầy giáo mận" (plum teacher = maestro ciruela, một kiểu nói của người Á Căn Ðình ám chỉ một thầy giáo luôn luôn nói huyên hoang, rỗng tuếch), nhưng tôi nói điều này để giúp qúi vị.
Bây giờ, ta nên nói tới người Guarani khải không?
Cha Federico Lombardi: Bây giờ, chúng ta nhường chỗ cho Stefania Falasca của tờ Avvenire, thuộc nhóm nói tiếng Ý và chúng ta chờ (Ðức Thánh Cha) trả lời bằng tiếng Guarani. Trong khi ấy, Anna Matranga, đang chuẩn bị cho nhóm nói tiếng Anh.
Stefania Falasca, (Avvenire): Thành thử, chúng con nghĩ điều này: trong bài diễn văn đọc tại Bolivia trước các phong trào bình dân, Ðức Thánh Cha nói tới chủ nghĩa tân thực dân và việc thờ ngẫu thần tiền bạc mà nền kinh tế đang vỡ hoang và về việc áp đặt các phương pháp khắc khổ luôn nhằm thắt "túi", thắt "đai lưng" người nghèo. Tuần này tại Âu Châu, chúng ta đang có trường hợp Hy Lạp và số phận của Hy lạp, có nguy cơ sẽ phải rời bỏ đồng tiền Âu Châu. Ðức Thánh Cha nghĩ gì về điều đang diễn ra tại Hy Lạp và nó liên quan tới toàn bộ Âu Châu ra sao?
Ðức Phanxicô: Trước nhất, tại sao lại có việc tôi lên tiếng tại hội nghị các phong trào bình dân? Ðây là hội nghị lần thứ hai. Lần đầu họp tại Vatican, tại hội đường cũ của thượng hội đồng. Tại đấy có khoảng hơn dưới 120 người. Ðây là điều (Hội Ðồng Giáo Hoàng về) Công Lý và Hòa Bình tổ chức, nhưng tôi khá gần gũi với nó vì đây là một biến cố trên toàn thế giới, khắp thế giới, cả ở Ðông Phương, ở Phi Luật Tân, ở Ấn Ðộ và ở Thái Lan. Ðây là các phong trào tự tổ chức lấy mình, không chỉ để phán đối nhưng để tiến về phía trước, để sống, họ là các phong trào có sức mạnh. Những người này, và có nhiều người, nhiều người trong số họ, không cảm thấy được các nghiệp đoàn đại diện vì họ nói nghiệp đoàn hiện đang là một thứ công ty không chịu đấu tranh, tôi hơi đơn giản hóa một chút, nhưng nhiều người có ý tưởng là các nghiệp đoàn không tranh đấu cho quyền lợi của những người nghèo khổ nhất. Giáo Hội không thể dửng dưng. Giáo Hội có một học thuyết xã hội, và các cuộc đối thoại với các phong trào này, và đối thoại rất tốt. Qúi vị thấy đó. Qúi vị thấy niềm phấn khởi khi cảm thấy Giáo Hội không sống xa chúng ta, Giáo Hội có một học thuyết giúp ta chiến đấu với tình thế này. Ðó là đối thoại. Không phải Giáo Hội chọn lựa một phương thức vô chính phủ. Không, Giáo Hội không phải là những người vô chính phủ. Giáo Hội làm việc. Giáo Hội cố gắng làm rất nhiều việc, ngay cả liên quan tới rác rưởi, những gì người ta bỏ đi. Giáo Hội là những công nhân thực sự. Ðó là điều đầu tiên, sự quan trọng của nó.
Rồi, người khác. Hãy cho tôi hay.
...[Không nghe thấy, câu hỏi để làm sáng tỏ]...
Ðức Phanxicô: Về Hy Lạp và hệ thống quốc tế, tôi khá dị ứng đối với các chuyện kinh tế, vì cha tôi vốn là một kế toán viên và khi ngài không làm xong việc tại xưởng, ngài mang nó về nhà vào thứ Bẩy và Chúa Nhật, với những cuốn sách mà hồi ấy, các tựa đề còn viết bằng chữ gôtích. Khi tôi thấy cha tôi, tôi bị dị ứng dữ lắm và chẳng hiểu công việc đó bao nhiêu. Chắc chắn sẽ là điều quá đơn giản khi cho rằng lỗi chỉ ở một phía. Nếu chính phủ Hy Lạp đã tạo nên tình huống nợ nần quốc tế này, thì họ cũng phải có một trách nhiệm. Với tân chính phủ Hy lạp, ta thấy có một cuộc duyệt xét lại và nó đúng đôi chút... Tôi hy vọng rằng họ sẽ tìm được cách giải quyết vấn đề Hy lạp và cũng tìm được cách có giám sát để vấn đề y như thế sẽ không giáng xuống các nước khác nữa. Và điều này giúp chúng ta tiến về phía trước vì con đường vay mượn và nợ nần, kết cục, chẳng bao giờ kết cục cả. Một năm rưỡi trước đây, người ta nói với tôi một điều gì đó nhưng đó là điều tôi nghe nói, tôi không biết có thực hay không, rằng có một kế hoạch tại Liên Hiệp Quốc, nếu có ai trong qúi vị biết điều gì về việc này, thì tốt nhất nên giải thích nó, có một dự án theo đó, một nước có thể tuyên bố vỡ nợ, một điều không là một với việc không trả được nợ (default). Ðây là một dự án đang có tại Liên Hiệp Quốc, người ta bảo tôi như thế. Tôi không biết kết cục nó sẽ ra sao hay liệu nó có thật hay không... Tôi chỉ xin dùng nó để làm sáng tỏ một điều tôi nghe được. Nhưng, nếu một công ty có thể khai vỡ nợ thì tại sao cả một quốc gia lại không được làm như thế và chúng ta tới giúp các nước khác? Và, đó là một trong các nền tảng của dự án, nhưng tôi không thể nói thêm điều gì về dự án này.
Và rồi, các vụ tân thực dân hóa. Hiển nhiên, tất cả các hình thức này đều có ý nói về các giá trị. Nó là việc thực dân hóa chủ nghĩa duy tiêu thụ. Thói quen của chủ nghĩa duy tiêu thụ là sản phẩm của thực dân hóa. Nó là một thói quen, không đúng sao? Nó đem lại một thói quen vốn không phải là thói quen của qúi vị và thậm chí nó còn gây ra bất quân bình trong nhân cách; chủ nghĩa duy tiêu thụ gây ra sự bất quân bình cho nền kinh tế nội bộ, cho công bình xã hội và thậm chí cho cả sức khỏe thể lý và tinh thần nữa, ấy là mới kể một vài thí dụ.
Cha Federico Lombardi: Bây giờ đến lượt Anna Matranga, nếu cô có thể ngồi ở ghế này.
Anna Matranga, (CBS News): Kính thưa Ðức Thánh Cha, một trong các sứ điệp mạnh mẽ nhất của chuyến đi này là: hệ thống kinh tế hoàn cầu thường áp đặt não trạng kiếm lời bằng bất cứ giá nào, gây hại cho người nghèo. Sứ điệp này bị người Hoa Kỳ coi như một chỉ trích trực tiếp đối với hệ thống và lối sống của họ. Ðức Thánh Cha trả lời thế nào đối với ý nghĩ này, và Ðức Thánh Cha đánh gía ra sao tác động của Hoa Kỳ trên thế giới?
Ðức Phanxicô: Ðiều tôi nói, câu ấy, không mới lạ gì. Tôi đã nói trong Niềm Vui Tin Mừng. Nền kinh tế này đang sát hại. Tôi nhớ câu đó lắm. Tôi có cả ngữ cảnh của nó nữa. Và tôi cũng đã nói nó trong Laudato Si' nữa. Ðó không phải là điều mới, ai cũng biết cả. Tôi không thể nói# Tôi nghe nói rằng đã có nhiều lời chỉ trích ở Hoa Kỳ.Tôi có nghe điều ấy, nhưng chưa có thì giờ nghiên cứu kỹ, vì mọi lời chỉ trích phải được tiếp nhận, nghiên cứu và rồi phải phát sinh ra đối thoại. Cô hỏi tôi nghĩ gì. Nếu chưa đối thoại với những người chỉ trích, thì tôi không có quyền phát biều ý kiến, tách biệt hẳn cuộc đối thoại, không phải sao? Ðó là điều nẩy ra trong đầu tôi.
Matranga: Nhưng nay Ðức Thánh Cha sắp đi Hoa Kỳ.
Ðức Phanxicô: Ðúng, tôi sẽ đi.
Matranga: Bây giờ, Ðức Thánh Cha sắp đi Hoa Kỳ. Chắc hẳn Ðức Thánh Cha phải có một ý niệm nó sẽ ra sao chứ, Ðức Thánh Cha phải có một số ý nghĩ về quốc gia này chứ.
Ðức Phanxicô: Không, hiện nay, tôi phải bắt đầu nghiên cứu đã. Cho tới nay, tôi đã nghiên cứu ba nước đẹp đẽ này [Ecuador, Bolivia, Paraguay]. Họ phong phú, đẹp đẽ quá... Bây giờ tôi bắt đầu nghiên cứu Cuba, nơi tôi sẽ tới hai ngày rưỡi. Và rồi Hoa Kỳ. Ba thành phố, miền đông. Tôi không thể tới miền tây vì ... Washinfton, New York, Philadelphia, không phải sao? Vâng, tôi phải bắt đầu nghiên cứu các lời chỉ trích đó, không phải sao? Và rồi đối thoại chút đỉnh về việc này.
Cha Federico Lombardi: Bây giờ, xin nhường chỗ cho Aura Miguel từ nhóm nói tiếng Bồ Ðào Nha, ngôn ngữ mà chị biết rõ.
Aura Vistas Miguel, (Radio Renascenca): Dạ thưa, không có nhóm (nói tiếng Bồ Ðào Nha) nào cả. Chỉ có con từ Bồ Ðào Nha thôi. (Cười). Kính thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha nghĩ gì khi Ðức Thánh Cha thấy cây búa liềm với Chúa Kitô trên đó, do Evo Morales dâng tặng? Và kết cục vật này sẽ ở đâu?
Ðức Phanxicô: À, vâng, đúng. Tôi nghe 'mantello' (ghi chú của ban biên tập: chữ mantello, tà áo, nghe như martello, tiếng Ý có nghĩa cây búa; chính vì thế Ðức Phanxicô muốn câu hỏi được lặp lại) và tôi không hiểu. Nó khá lạ, và tôi không hề biết nó, cũng không biết Cha Espinal là một điêu khắc gia và là một thi sĩ. Tôi chỉ mới biết trong mấy ngày nay. Tôi thấy nó và đối với tôi nó là một ngạc nhiên. Thứ hai, cô có thể xếp nó vào thể loại "nghệ thuật phản kháng", như ở Buenos Aires mấy năm trước đây, có một cuộc triển lãm của một điêu khắc gia tốt lành, đầy sáng tạo, người Á Căn Ðình, nay đã qua đời. Ðó là loại nghệ thuật phản kháng, và tôi nhớ một bức vẽ Chúa Kitô bị đóng đinh trên một oanh tạc cơ đang rơi, không phải sao? Kitô Giáo đó, nhưng là một phê phán, có thể nói, cho rằng Kitô Giáo liên minh với chủ nghĩa đế quốc, tức chiếc oanh tạc cơ. Trước nhất, tôi không biết thể loại này, và thứ hai, tôi xếp nó vào thể loại nghệ thuật phản kháng, một thể loại, trong một số trường hợp, có thể có tính xúc phạm, trong một số trường hợp thôi. Thứ ba, trong trường hợp cụ thể lần này, Cha Espinal bị sát hại năm 1980. Ðó là thời thần học giải phóng đã phát triển ra nhiều ngành khác nhau. Một trong các ngành này theo lối phân tích Mácxít về thực tại. Cha Espinal thuộc ngành này, ngành này. Vâng, tôi biết vì trong những năm đó, tôi là giám đốc một phân khoa thần học và chúng tôi thảo luận nhiều về chủ đề này, về các ngành khác nhau và ai là đại biểu, không phải sao? Cùng năm đó, cha bề trên cả của Dòng Tên, Cha Arrupe, viết một lá thư cho cả Dòng về lối phân tích thực tại theo Mácxít trong thần học. Dừng lại ở điểm này, ngài viết "Nó không tốt, chúng là những điều khác, nó không đúng, không chính xác". Và 4 năm sau, năm 1984, Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã công bố cuốn sách nhỏ đầu tiên, bản tuyên bố đầu tiên về thần học giải phóng để phê phán nó. Rồi tới cuốn thứ hai, cuốn này mở ra một viễn ảnh có tính Kitô Giáo nhiều hơn. Tôi có đang đơn giản quá không, không chứ? Ta hãy giải thích thời kỳ ấy: Cha Espinal là một người say mê lối phân tích Mácxít về thực tại, nhưng cả nền thần học sử dụng chủ nghĩa Mácxít nữa. Từ nền thần học này, ngài nghĩ ra công trình (nghê thuật) này. Thi ca của Cha Espinal cũng thuộc loại phản kháng này. Nhưng đó là đời sống của ngài, tư duy của ngài. Ngài là một người đặc biệt, rất có lòng tốt hết sức nhân bản, tranh đấu thực tâm, không phải sao? Dùng lối giải thích này, tôi hiểu được công rình này. Với tôi, nó không phải là một xúc phạm, nhưng tôi phải dùng khoa giải thích này, và tôi nói điều này cho cô để đừng có những ý kiến sai lạc.
Vistas: Ðức Thánh Cha có để nó lại đó không?
Ðức Phanxicô: Không, nó đi theo tôi. Có lẽ cô nghe người ta nói: Tổng Thống Morales muốn tặng tôi hai huy chương, quan trọng nhất của Bolivia (ghi chú của ban biên tập: huy chương Condor of Andes) và huy chương kia là Huy Chương Cha Espinal, một loại huy chương mới (ghi chú của ban biên tập: mới được Thượng Viện Bolivia chấp thuận ngày 30 tháng Sáu). Nếu tôi# trước nhất, tôi chưa bao giờ chấp nhận huy chương. Tôi không làm việc đó. Nhưng Tổng Thống làm việc này với một thiện chí và một nỗi vui lòng lớn lao đến làm tôi hết sức vui. Và tôi nghĩ chúng phát xuất từ nhân dân Bolivia. Nên tôi cầu nguyện về chúng (xem) tôi nên làm gì. (Tôi nghĩ) nếu đem về Vatican thì chúng sẽ kết cục nằm trong viện bảo tàng ở đấy và không ai... Tôi nghĩ đến việc để chúng lại với Ðức Mẹ Copacabana, Mẹ của Bolivia, và chúng sẽ tới đền thánh. Hai huy chương sẽ ở trong Ðền Ðức Mẹ Copacabana, trong khi Chúa Kitô thì về với tôi. Xin cám ơn.
Cha Federico Lombardi: Bây giờ, chúng ta nhường chỗ cho Anais Feuga thuộc nhóm nói tiếng Pháp.
Anais Feuga, (Radio France): Kính chào buổi tối. Trong Thánh Lễ tại Guayaquil, Ðức Thánh Cha nói rằng thượng hội đồng phải giúp đỡ một việc biện phân đích thực và trưởng thành để tìm ra các giải pháp cụ thể cho các khó khăn của gia đình, và rồi Ðức Thánh Cha yêu cầu người ta cầu nguyện để những gì xem ra dơ bẩn, gây gương mù gương xấu hay sợ hãi thì xin Thiên Chúa biến chúng thành phép lạ. Ðức Thánh Cha có thể giải thích cho chúng con Ðức Thánh Cha muốn nói tới những tình huống dơ bẩn, gây sợ hãi hay gây gương mù gương xấu nào?
Ðức Phanxicô: Cả ở đây, tôi cũng sẽ sử dụng "khoa giải thích" bản văn. Lúc ấy tôi đang nói tới phép lạ rượu ngon nhất. Tôi nói mấy chiếc lu, mấy chiếc lu đựng nước này đầy, nhưng chúng được dùng để rửa chân. Mọi người vào dự tiệc phải rửa chân và để lại "chất dơ thiêng liêng" của họ. Ðó là nghi thức rửa chân trước khi vào nhà hay đền thờ, không đúng sao? Thành thử ta có cái này trong nước thánh, nghĩa là cái còn lại của nghi thức Do Thái Giáo.
Tôi nói rằng chính Chúa Giêsu đã làm ra rượu ngon nhất từ cái nước dơ nói trên, thứ nước dơ nhất. Một cách tổng quát, tôi nghĩ tôi đã đưa ra lời bình luật ấy.
Nhưng, gia đình thì đang bị khủng hoảng, qúi vị biết đó. Tất cả chúng ta đều biết thế. Ta chỉ cần đọc "Instrumentum Laboris" (Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Ðồng tháng Mười này) - mà qúi vị biết rõ vì nó đã được trình bầy với qúi vị, và ở đó, tôi đã nói tới tất cả các khía cạnh này, một cách tổng quát. Rằng Chúa sẽ tẩy rửa chúng ta khỏi những khủng hoảng của không biết bao sự việc đã được mô tả trong cuốn "Instrumentum Laboris" đó. Nhưng, một cách tổng quát, lúc ấy tôi không nghĩ tới bất cứ điểm nào đặc thù cả. Rằng Người sẽ làm chúng ta nên tốt đẹp hơn, các gia đình sẽ trưởng thành hơn, tốt đẹp hơn. Gia đình đang gặp khủng hoảng, xin Chúa tẩy rửa chúng ta, và chúng ta hãy tiến lên. Còn những điều chuyên biệt của cuộc khủng hoảng này thì đều có trong Instrumentum Laboris của Thượng Hội Ðồng đã làm xong và qúi vị đã có.
Cha Federico Lombardi: Bây giời chúng ta nhường chỗ cho Javier Martinez Brocal thuộc nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, của Rome Reports.
Javier Martinez Brocal, (Rome Reports): Kính thưa Ðức Thánh Cha, con cám ơn Ðức Thánh Cha rất nhiều vì cuộc đối thoại này, một cuộc đối thoại giúp bản thân chúng con rất nhiều, vả cả công việc của chúng con nữa. Con đặt câu hỏi này nhân danh mọi ký giả nói tiếng Tây Ban Nha: nhận thấy việc làm trung gian giữa Cuba và Hoa Kỳ diễn tiến tốt đẹp xiết bao, Ðức Thánh Cha có nghĩ có thể làm một điều tương tự như thế giữa những tình thế tế nhị khác tại các nước khác của lục địa Mỹ Châu La Tinh không? Con nghĩ tới Colombia và Venezuela. Ngoài ra, vì tò mò, con có người cha còn trẻ hơn Ðức Thánh Cha vài năm nhưng mà về sinh lực thì chỉ bằng nửa của Ðức Thánh Cha. Chúng con thấy rõ điều đó trong chuyến đi này và trong hai năm rưỡi qua. Bí quyết của của Ðức Thánh Cha là đâu?
Ðức Phanxicô: 'Ðâu là món thuốc của Ðức Thánh Cha?' là điều ông ta muốn hỏi. Ðó mới là câu hỏi!
Diễn trình giữa Cuba và Hoa Kỳ không phải là một việc làm trung gian. Không, không, không, nó không có đặc điểm của một việc làm trung gian. Có một nguyện ước đã diễn ra, rồi từ phía kia cũng có một nguyện ước. Và rồi, và ở đây tôi xin nói thật, chuyện đã qua rồi, xẩy ra hồi tháng Giêng năm ngoái, 3 tháng đã trôi qua, và tôi chỉ biết cầu nguyện cho việc này mà thôi. Tôi không quyết định làm chi cả, tôi biết làm gì với hai đối tượng vốn cứ như thế này hoài cả hơn năm mươi năm nay. Thế rồi, Chúa khiến tôi nghĩ tới một vị Hồng Y, và vị Hồng Y này tới đó và nói chuyện. Rồi tôi không còn biết gì nữa; tháng ngày cứ trôi. Một ngày kia, quốc vụ khanh, vị đang có mặt ở đây, nói với tôi, "ngày mai, chúng ta sẽ có cuộc họp thứ hai với hai phái đoàn". Làm sao có chuyện đó? "Vâng, vâng, họ đang nói chuyện với nhau, giữa hai nhóm, họ đang nói chuyện với nhau, họ đang thực hiện#" Tự nó diễn tiến thôi. Chứ có làm trung gian gì đâu. Ðó là chuyện thiện chí của hai nước, và công phúc chính là của họ, họ có công thực hiện được điều đó. Chúng tôi gần như không làm được gì, chỉ là chuyện nhỏ mọn thôi. Và hồi tháng Mười Hai, giữa tháng Mười Hai, thì được công bố. Ðó là câu truyện, đúng thật, không có gì hơn thế cả.
Ngay bây giờ, tôi đang quan tâm tới việc diễn trình hòa bình tại Colombia đừng ngưng lại. Tôi phải nói như thế, và tôi hy vọng diễn trình này tấn tới. Theo chiều hướng này, chúng tôi luôn trong tư thế để giúp đỡ, chúng tôi có nhiều cách để giúp đỡ. Sẽ là điều không đẹp chút nào nếu diễn trình này không tấn tới. Tại Venezuela, hội đồng giám mục cũng đang làm việc để tạo chút hòa bình ở đấy. Nhưng không có chuyện làm trung gian, điều mà ông hỏi. Trường hợp Hoa Kỳ, là Chúa, rồi hai điều có lẽ do may mắn, và cứ thế dễn tiến. Trường hợp Colombia, tôi hy vọng và cầu nguyện, và chúng ta phải cầu nguyện, xin cho diễn trình này đừng dừng lại. Ðây là một diễn trình vốn đã tiếp diễn cả hơn 50 năm nay rồi. Có bao nhiêu người chết? Tôi nghe nói hàng triệu. Thế rồi, còn Venezuela, tôi không biết gì (về số người chết).
...(câu hỏi xin nói tiếp, nghe không rõ)...
Ðức Phanxicô: Thuốc! Vâng, trà (mate) có giúp tôi nhưng tôi không dùng thử (lá) coca. Rõ chứ hả!
Cha Federico Lombardi: Tốt, bây giờ, xin mời ông Ludwig Ring-Eifel, để chúng ta có đại diện của nhóm nói tiếng Ðức. Và rồi, nếu còn thì giờ, sẽ là Vania di Luca.
Ludwig Ring-Eifel, (CIC): Kính thưa Ðức Thánh Cha, về chuyến đi này, chúng con được nghe rất nhiều sứ điệp mạnh mẽ dành cho người nghèo, và cũng nhiều sứ điệp mạnh mẽ, đôi khi nghiêm khắc, dành cho người giầu và người có quyền thế, nhưng một điều chúng con ít được nghe là một sứ điệp dành cho giai cấp trung lưu, nghĩa là những người đi làm, những người nộp thuế, "những người bình thường". Câu hỏi của con là tại sao, trong huấn quyền của Ðức Thánh Cha, lại có quá ít sứ điệp về giai cấp trung lưu. Nếu có những sứ điệp như thế, thì chúng sẽ như thế nào?
Ðức Phanxicô: Cám ơn ông rất nhiều. Quả là một sửa sai tốt, cám ơn. Ông nói đúng. Tôi có cái sai lầm đã không nghĩ tới điều đó. Tôi sẽ đưa ra lời bình luận, nhưng không phải để biện minh cho mình. Ông nói đúng. Tôi phải nghĩ đôi chút.
Thế giới đang bị phân cực. Giai cấp trung lưu đang nhỏ dần. Sự phân cực giữa người giầu và người nghèo thì lớn quá. Thật như vậy. Và, có lẽ điều này không khiến tôi phải giải thích, không chứ? Một số quốc gia làm rất tốt, nhưng trên thế giới nói chung, sự phân cực thấy rất rõ. Và con số người nghèo thì to lớn. Và tại sao, tôi nói tới người nghèo? Vì họ nằm ở tâm điểm Tin Mừng. Và tôi luôn nói tới nghèo khó căn cứ trên Tin Mừng, không phải sao? Không phải vì tính xã hội học của nó. Còn về giai cấp trung lưu, tôi cũng đã nói dăm ba lời rồi, nhưng chỉ qua loa chiếu lệ. Nhưng những người bình thường, những người đơn sơ, các công nhân, đều là những người cao giá trị, không đúng sao? Và do đó, tôi nghĩ ông cho tôi hay một điều tôi cần phải làm. Tôi cần đào sâu hơn huấn quyền này.
Cha Federico Lombardi: Tốt, đúng thế. Bây giờ, xin hường chỗ cho Vania de Luca thuộc nhóm nói tiếng Ý.
Vania de Luca, (RAI - News 24): Trong mấy ngày nay, Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của các phương pháp hội nhập xã hội, chống lại nền văn hóa vứt bỏ. Ðức Thánh Cha cũng ủng hộ các dự án diễn tiến theo chiều hướng sống tốt đẹp này, Ðức Thánh Cha cũng nói Ðức Thánh Cha vẫn còn đang suy nghĩ về chuyến đi Hoa Kỳ. Ðức Thánh Cha có đụng tới các khía cạnh này khi tới Liên Hiệp Quốc, tới Tòa Bạch Ốc không? Ðức Thánh Cha có nghĩ tới chuyến đi này khi nhắc tới các vấn đề đó không?
Ðức Phanxicô: Không, không, tôi chỉ cụ thể nghĩ tới chuyến đi đó và tới thế giới cách chung thôi, thực thế.
Nợ nần của các nước vào chính lúc này thật là khủng khiếp; mọi quốc gia đều có những khỏan nợ. Có một hay hai nước mua khoản nợ của các nước lớn. Ðây là một vấn đề hoàn cầu. Nhưng tôi không nghĩ chuyên biệt về chuyến đi Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề này.
Cha Federico Lombardi: Bây giờ, chúng ta còn có Courtney Walsh thuộc nhóm nói tiếng Anh. Tôi nghĩ sẽ là chót, là câu hỏi chót. (Không nghe rõ) À mà không, còn hai người nữa. Courtney rồi sau đó là Benedicte.
Courtney Walsh, (Fox News): Vâng, kính thưa Ðức Thánh Cha, chúng ta đã đề cập chút đỉnh tới Cuba trước khi Ðức Thánh Cha đi Hoa Kỳ và vai trò Vatican đã đóng để đem hai người cựu bằng hữu trở lại với nhau. Bây giờ, Cuba sẽ có vai trò trong cộng đồng quốc tế, theo ý kiến Ðức Thánh Cha, Cuba có nên cải thiện thành tích nhân quyền của họ cũng như tự do tôn giáo hay không? Và, Ðức Thánh Cha có nghĩ Cuba sẽ liều mất điều gì đó trong mối liên hệ mới này với siêu cường bậc nhất thế giới không? Xin cám ơn Ðức Thánh Cha rất nhiều.
Ðức Phanxicô: Nhân quyền là dành cho mọi người. Và nhân quyền đang không được tôn trọng không phải chỉ một hay hai quốc gia mà thôi. Tôi dám nói tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhân quyền đang bị vi phạm. Nhiều quốc gia trên thế giới... còn Cuba mất chi hay Hoa Kỳ mất chi? Cả hai sẽ được một điều gì đó và mất một điều gì đó, vì việc này sẽ diễn ra trong các cuộc thương thuyết. Cả hai sẽ được, chắc chắn như thế: được hòa bình, gặp gỡ, tình bằng hữu, sự hợp tác. Họ sẽ được những thứ ấy... nhưng họ sẽ mất gì, tôi không thể tưởng nghĩ ra được. Chúng có thể là những điều cụ thể. Nhưng trong các cuộc thương thuyết người ta luôn vừa thắng vừa thua. Nhưng trở lại vấn đề nhân quyền, và tự do tôn giáo. Hãy nghĩ tới thế giới. Có một số nước cả ở Âu Châu nữa, ở đó, ông không được làm một dấu hiệu tôn giáo nào, vì nhiều lý do khác nhau, và tại các lục địa khác cũng hệt như thế. Ðúng. Tự do tôn giáo không hiện hữu khắp nơi trên thế giới, có những nơi không có nó.
Cha Federico Lombardi: Bây giờ, xin nhường chỗ cho cô Benedicte Lutaud thuộc nhóm nói tiếng Pháp.
Benedicte Lutaud, (I.Media): Kính thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha tự trình bày mình như nhà tân lãnh đạo thế giới của nền chính trị thay thế. Con muốn được biết: tại sao Ðức Thánh Cha ủng hộ các phong trào bình dân một cách mạnh mẽ đến thế, và không ủng hộ thế giới kinh doanh bao nhiêu? Và Ðức Thánh Cha có nghĩ thế giới sẽ theo Ðức Thánh Cha trong việc Ðức Thánh Cha rộng mở hai tay cho các phong trào bình dân, vốn có tính rất thế tục không?
Ðức Phanxicô: Thế giới của các phong trào bình dân là một thực tại. Các phong trào bình dân là một thực tại hết sức lớn lao, khắp thế giới. Tôi đã làm gì? Ðiều tôi đã cho họ là học thuyết xã hội của Giáo Hội, hệt như tôi đối đãi với thế giới kinh doanh. Học thuyết xã hội của Giáo Hội có đó. Nếu cô nhìn lại những điều tôi nói với các phong trào bình dân, một bài diễn văn tương đối dài, chúng quả phát xuất từ học thuyết xã hội của Giáo Hội, áp dụng vào tình thế của họ. Nhưng vẫn là học thuyết xã hội của Giáo Hội. Mọi điều tôi nói đều là học thuyết xã hội của Giáo Hội cả. Và, khi cần nói với thế giới kinh doanh, tôi cũng nói cùng một điều, vốn là học thuyết xã hội của Giáo Hội, điều nó muốn nói với thế giới kinh doanh. Trong Laudato Si', có một đoạn về ích chung và cả về món nợ xã hội của tư hữu nữa, mọi điều này đều diễn tiến theo chiều hướng này. Nhưng đều áp dụng học thuyết xã hội của Giáo Hội cả.
Lutaud: Ðức Thánh Cha có nghĩ Giáo Hội sẽ theo Ðức Thánh Cha trong việc gần gũi với các phong trào bình dân hay không?
Ðức Phanxicô: Chính tôi là người theo Giáo Hội! Vì tôi đơn giản chỉ giảng dạy giáo huấn xã hội của Giáo Hội cho các phong trào này thôi. Ðâu có giang rộng đôi tay cho kẻ thù đâu. Nó đâu có tính cách chính trị, không, nó là một sự kiện giáo lý. Tôi muốn điều này được sáng tỏ.
Cha Federico Lombardi: Vẫn còn một câu hỏi nữa, của Cristina Cabrejas thuộc nhóm nói tiếng Tây Ban Nha.
Cristina Cabrejas, (EFE): Kính thưa Ðức Thánh Cha, các ký giả nói tiếng Tây Ban Nha muốn được hỏi có phải Ðức Thánh Cha không sợ rằng Ðức Thánh Cha hay các bài diễn văn của Ðức Thánh Cha có thể bị khai thác bởi các chính phủ, bởi các nhóm gây áp lực, bởi các phong trào. Xin cám ơn Ðức Thánh Cha.
Ðức Phanxicô: Tôi nhắc lại một chút những gì tôi đã nói từ đầu. Mọi lời nói, mọi câu nói đều có thể bị khai thác. Ðiều ký giả ở Ecuador hỏi tôi, câu nói đó, có người bảo là nói cho chính phủ, có người lại bảo câu nói đó là chống chính phủ. Ðó là lý do tại sao tôi tự cho phép tôi nói khoa giải thích toàn bộ (ngôn từ). Chúng luôn có thể bị khai thác. Ðôi khi, một số tin tức chỉ lấy một câu, ra ngoài cả ngữ cảnh. Tôi không sợ. Tôi chỉ xin nói: hãy nhìn vào ngữ cảnh. Và nếu tôi phạm sai lầm, tôi sẽ bẽn lẽn đôi chút xin tha thứ, và tiếp tục tiến bước.
Cabrejas: Con có thể hỏi một câu hỏi khác, nhanh thôi không? Ðức Thánh Cha nghĩ gì về việc người ta chụp hình tự xướng (selfies) trong Thánh Lễ, điều mà người trẻ và thiếu nhi muốn làm với Ðức Thánh Cha?
Ðức Phanxicô: Tôi nghĩ gì về điều đó ấy à? Tôi cảm thấy như một người ông! Ðó là một văn hóa khác nữa. Hôm nay, khi tôi rời (Asuncion), một cảnh sát viên khoảng 40 tuổi xin tôi chụp một tấm tự xướng! Tôi bảo anh ta, này, nghe cho kỹ, anh là một thiếu niên! Quả là một nền văn hóa khác, tôi tôn trọng nền văn hóa này.
Cha Federico Lombardi: Bây giờ, chúng ta hãy dành cho câu hỏi cuối cùng và chúng ta sẽ để cho một người biết Ðức Giáo Hoàng, biết đặt câu hỏi này rất hay, ông Andrea Tornielli thuộc nhóm nói tiếng Ý.
Andrea Tornielli, (Vatican Insider): Kính thưa Ðức Thánh Cha, con muốn hỏi Ðức Thánh Cha: một cách tổng hợp, đâu là sứ điệp Ðức Thánh Cha muốn gửi Giáo Hội Mỹ Châu La Tinh trong những ngày này và Giáo Hội Mỹ Châu La Tinh có vai trò gì như là dấu chỉ đối với thế giới?
Ðức Phanxicô: Giáo Hội Mỹ Châu La Tinh có một sự phong phú lớn lao. Ðó là một Giáo Hội trẻ trung. Và điều đó quan trọng. Một Giáo Hội trẻ trung với một sự tươi mát nào đó. Với cả một số xuề xòa nữa, không trịnh trọng, không phải sao? Giáo Hội này có một nền thần học phong phú để nghiên cứu. Tôi muốn khuyến khích Giáo Hội trẻ trung này và tôi tin rằng Giáo Hội này sẽ trao tặng ta nhiều thứ. Tôi xin kể một điều thực sự làm tôi thán phục. Ở cả ba nước, cả ba, dọc các đường phố đều có các bà mẹ và ông bố với con cái, còn khoe con cái nữa. Tôi chưa bao giờ được thấy nhiều con nít như thế! Rất nhiều con nít. Ðấy là một dân tộc, và cả Giáo Hội nữa, há không giống như thế hay sao? Quả là một bài học cho chúng ta, há không phải thế sao? Ðối với Âu Châu, nơi sinh suất đang giảm, điều đó có hơi đáng sợ, không đúng sao? Nhưng các chính sách giúp các gia đình đông con thì rất ít. Tôi nghĩ tới Pháp, một nước có chính sách tốt đẹp trong việc giúp các gia đình đông con. Nhờ thế nước này đã đạt được một sinh suất cao hơn 2 phần trăm, còn các nước khác thì không phần trăm hay kém hơn. (Không nghe rõ) Ở Albania, chẳng hạn, tôi tin mức tuổi ở 45 phần trăm. (Ở) Paraguay 72 hay 75 phần trăm dân số trẻ hơn 40 tuổi. Sự phong phú của Giáo Hội này, quốc gia này, nhưng Giáo Hội này cũng sống động nữa. Ðây là một Giáo Hội của sự sống, không đúng sao? Và điều đó quan trọng. Chúng ta cũng cần học hỏi từ điều vừa nói và sửa sai nó vì, ngược lại, nếu con cái không sinh ra... Ðối với tôi cũng thế thôi, phí phạm. Con cái đang bị vứt bỏ. Người già đang bị vứt bỏ. Tất cả chúng ta đều biết người già... Thiếu việc làm, chúng ta vứt bỏ cả người trẻ, không phải sao? Và các nước trẻ trung của người trẻ này đem lại cho chúng ta nhiều sức mạnh hơn trong việc này, không đúng sao? Còn đối với Giáo Hội, tôi dám nói một Giáo Hội trẻ trung với rất nhiều vấn đề. Giáo Hội này có nhiều vấn đề và đây là sứ điệp tôi tìm ra. Ðừng sợ hãi. Tuổi trẻ này có sự tươi mát này của Giáo Hội. Ðây cũng có thể là một Giáo Hội vô kỷ luật, nhưng với thời gian, sẽ trở thành có kỷ luật. Nhưng nhất định nó sẽ đem tới cho chúng ta nhiều điều tốt. Tôi không biết liệu đó có phải là điều ông muốn hỏ tôi hay không. Xin cám ơn.
Cha Federico Lombardi: Kính thưa Ðức Thánh Cha, xin cám ơn Ðức Thánh Cha rất nhiều. Như thế, chúng ta sẽ kết thúc loạt câu hỏi. Cũng như thỉnh thoảng khi chúng ta hiện diện ở đây với nhau, chúng tôi thông báo cho qúi vị các sinh nhật của đồng nghiệp, giữa hôm nay và ngày mai, hay hôm qua và hôm nay, chúng ta có hai sinh nhật. Một là sinh nhật của cô Cristiana Caricato thuộc TV2000 và sinh nhật kia là của ông Antoine Marie Izoarde. Gì ạ? Cả ông Pablo nữa, hôm kia. Tuyệt.
...(Cha Lombardi bắt đầu hát: Happy Birthday)...
Xin cám ơn rất nhiều về các các câu trả lời và các câu hỏi và mọi công việc qúi vị đang thực hiện. Xin chúc qúi vị một hành trình tốt đẹp. Hẹn gặp lại qúi vị ngày mai.
...(Vỗ tay)...
Vũ Van An