Diễn Văn Của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô
tại Bolivia với Các Phong Trào Bình Dân
Diễn Văn Của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tại Bolivia với Các Phong Trào Bình Dân.
Bolivia (VietCatholic News 10-07-2015) - "Làm việc để phân phối công bình các hoa trái của trái đất và lao công con người không phải chỉ là chuyện từ thiện. Nó là một nghĩa vụ luân lý".
Dưới đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài nói chuyện của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô với Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Lần Thứ Hai Các Phong Trào Bình Dân tại Bolivia, chiều ngày 9 tháng 7 năm 2015: Ngài đọc hầu như nguyên văn bài nói chuyện đã soạn sẵn với một số ứng khẩu được Hãng Zenit ghi nhận trong ngoặc
Chúc anh chị em buổi chiều tốt!
Ít tháng trước đây, chúng ta đã gặp nhau tại Rôma, và tôi nhớ đó là buổi gặp gỡ đầu tiên. Trong khi đó, tôi vẫn giữ anh chị em trong tâm tư và lời cầu nguyện của tôi. Tôi sung sướng được thấy anh chị em một lần nữa, tại đây, khi anh chị em thảo luận các phương cách tốt đẹp nhất để vượt thắng các tình huống bất công trầm trọng do những người bị hất hủi trải nghiệm khắp thế giới hiện nay. Xin cám ơn ngài, thưa Tổng Thống Evo Morales, vì các cố gắng của ngài khiến cuộc gặp gỡ này trở thành khả hữu.
Trong cuộc gặp gỡ thứ nhất của chúng ta tại Rôma, tôi cảm nhận được một điều rất đẹp đẽ: tình huynh đệ, sự quyết tâm và dấn thân, một niềm khát khao công lý. Hôm nay, tại Santa Cruz de la Sierra này, tôi lại cảm nhận được nó một lần nữa. Xin cám ơn anh chị em vì thế. Tôi cũng được biết nhờ Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, do Ðức Hồng Y Turkson đứng đầu, nhiều người trong Giáo Hội cảm thấy rất gần gũi với các phong trào bình dân. Ðiều này làm tôi rất sung sướng! Tôi hài lòng thấy Giáo Hội mở cửa cho tất cả anh chị em, ôm ấp anh chị em, đồng hành với anh chị em và thiết lập tại mỗi giáo phận, tại mỗi ủy ban công lý và hòa bình, một sự hợp tác chân chính, liên tục và nghiêm túc với các phong trào bình dân. Tôi yêu cầu mọi người, giám mục, linh mục và giáo dân, cũng như các tổ chức xã hội tại các vùng ngoại vi thị thành cũng như thôn quê, đào sâu cuộc gặp gỡ này.
Hôm nay, Thiên Chúa ban ơn để chúng ta gặp lại nhau. Thánh Kinh dạy chúng ta rằng Thiên Chúa nghe thấy tiếng kêu của dân Người, và tôi góp tiếng nói của tôi vào tiếng nói của anh chị em đòi đất đai, đòi nơi ở và đòi việc làm cho mọi anh chị em của chúng ta. Tôi đã nói và đã lặp đi lặp lại điều này: đây là các quyền thánh thiêng. Ðiều này quan trọng, đáng để chúng ta tranh đấu. Ước mong cho tiếng kêu của những người bị loại trừ được nghe thấy tại Mỹ Châu La Tinh và khắp thế giới.
1. Ta hãy bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng thay đổi là điều cần thiết. Ở đây tôi xin nói cho rõ, kẻo lại bị hiểu lầm, rằng tôi đang nói về các vấn đề chung cho mọi người Mỹ Châu La Tinh và, một cách tổng quát hơn, cho nhân loại như một toàn thể. Chúng là các vấn đề hoàn cầu mà ngày nay không một quốc gia nào tự mình giải quyết được. Nay, với sự minh xác này, tôi đề nghị ta nên hỏi các câu hỏi sau đây:
Chúng ta có hiểu rằng hiện có một điều sai lạc trên thế giới nơi có quá nhiều công nhân nông nghiệp không có đất đai, có quá nhiều gia đình không có nhà ở, có quá nhiều người lao động không có quyền lợi, có quá nhiều người mà phẩm giá không được tôn trọng? Chúng ta có hiểu rằng hiện có một điều sai lạc khi có quá nhiều cuộc chiến tranh vô nghĩa đang diễn ra và quá nhiều hành vi bạo lực huynh đệ tương tàn đang diễn tiến ngay ở ngưỡng cửa nhà ta? Chúng ta có hiểu hiện có một điều sai lạc khi đất đai, nguồn nước, không khí và sinh vật của thế giới này đang bị không ngừng đe dọa?
Thành thử đừng sợ mà nói điều này: chúng ta cần thay đổi; chúng ta muốn thay đổi. Trong các lá thư của anh chị em và trong các cuộc gặp gỡ của chúng ta, anh chị em nhắc tới nhiều hình thức loại trừ và bất công mà anh chị em phải trải nghiệm tại nơi làm việc, tại khu xóm và khắp lãnh thổ. Chúng nhiều lắm và đa dạng nữa, cũng nhiều và đa dạng như các phương cách anh chị em dùng đương đầu với chúng. Ấy thế nhưng có một sợi chỉ vô hình nối kết mọi hình thức loại trừ này: anh chị em có nhận ra sợi chỉ này không? Ðây không phải là các vấn đề riêng rẽ. Tôi thắc mắc không hiểu liệu chúng ta có thấy rằng các thực tại phá phách này là thành phần của một hệ thống nay đã trở thành hoàn cầu. Chúng ta có hiểu: hệ thống này đã áp đặt não trạng kiếm lời bằng bất cứ giá nào, không một chút quan tâm tới việc loại trừ có tính xã hội hoặc phá hoại thiên nhiên?
Nếu đúng như thế, thì tôi xin nhấn mạnh, ta đừng sợ nói điều này: chúng ta muốn thay đổi, thay đổi thực chất, thay đổi cơ cấu. Hệ thống này đến nay không ai chịu đựng nổi nữa: công nhân nông nghiệp thấy nó không thể chịu đựng được, người lao công thấy nó không thể chịu đựng được, các cộng đồng thấy nó không thể chịu đựng được, các dân tộc thấy nó không thể chịu đựng được# Chính trái đất, chị ta, Mẹ Ðất, như Thánh Phanxicô từng gọi, cũng thấy nó không thể chịu đựng được.
Chúng ta muốn có sự thay đổi trong cuộc sống, trong các khu xóm của ta, trong thực tại hàng ngày của ta. Chúng ta muốn một sự thay đổi có thể tác động toàn diện thế giới ta, vì sự liên lập hoàn cầu đòi các giải đáp hoàn cầu cho các vấn đề địa phương. Việc hoàn cầu hóa lòng hy vọng, một lòng hy vọng nẩy sinh từ các dân tộc và bén rễ nơi người nghèo, phải thay thế việc hoàn cầu hóa sự loại trừ và sự dửng dưng!
Hôm nay, tôi muốn cùng anh chị em suy tư về sự thay đổi ta muốn và ta cần. Anh chị em biết rằng mới đây tôi đã viết về các vấn đề thay đổi khí hậu. Nhưng bây giờ, tôi muốn nói về thay đổi theo một nghĩa khác. Sự thay đổi tích cực, một sự thay đổi tốt cho chúng ta, một sự thay đổi, ta có thể nói, có tính cứu chuộc. Vì chúng ta cần nó. Tôi biết rằng anh chị em đang mong đợi thay đổi, và không riêng gì anh chị em: trong các cuộc gặp gỡ khác nhau của tôi, trong các cuộc du hành của tôi, tôi cảm nhận một niềm mong chờ, một niềm khát khao, một niềm ao ước thay đổi, nơi mọi người khắp thế giới. Ngay bên trong thiểu số người tin rằng hệ thống hiện tại mang lại phúc lợi, vẫn có một cảm thức man mác không thỏa mãn, thậm chí chán nản nữa. Nhiều người hy vọng một sự thay đổi có khả năng giải thoát họ khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa duy cá nhân và sự chán nản do nó đẻ ra.
Anh chị em thân mến, xem ra thì giờ không còn nữa; chúng ta chưa xé nát nhau, nhưng chúng ta đang xé nát căn nhà chung của chúng ta. Ngày nay, cộng đồng khoa học hiểu được điều người nghèo nói với chúng ta từ lâu: một sự thiệt hại, dường như không thể đảo ngược được, đang giáng xuống hệ sinh thái. Trái đất, toàn bộ các dân tộc và con người cá thể đang bị trừng phạt cách dã man. Và đàng sau mọi cơn đau, mọi chết chóc và tàn phá này, có một thứ mùi hôi từ điều [một trong các nhà thần học đầu tiên của Giáo Hội], Thánh Basilêô Thành Xêdarê, gọi là "đống phân của ma quỉ". Việc tự ý theo đuổi các qui luật của kim tiền. [Ðó chính là đống phân của ma qủi]. Việc phục vụ ích chung bị để lại phía sau. Một khi tư bản trở thành ngẫu tượng và điều hướng các quyết định của người ta, một khi lòng tham tiền tài thống trị toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội, nó sẽ phá hủy xã hội, nó sẽ kết án và nô dịch hóa con người nam nữ, hủy hoại tình huynh đệ nhân bản, khiến các dân tộc chống lại nhau và, như ta thấy rõ, thậm chí nó còn khiến căn nhà chung của chúng ta lâm nguy nữa. [Ðó là chị và Mẹ Ðất].
Tôi không cần tiếp tục mô tả các hậu quả xấu xa của ách độc tài tinh vi này: anh chị em quá biết chúng. Mà chỉ ra các nguyên nhân cơ cấu tạo ra cuộc khủng hoảng xã hội và môi sinh hiện nay cũng không đủ. Ta đang khốn khổ vì quá thặng dư việc định bệnh, điều đôi lúc dẫn ta tới việc nhân bội lời nói và miệt mài trong chủ nghĩa bi quan và tiêu cực. Xem tin tức hàng ngày, ta cho rằng chẳng còn gì để làm, ngoại trừ tự chăm sóc lấy mình và cái vòng bé nhỏ gồm gia đình và bạn bè ta.
Tôi có thể làm gì, trong tư cách người lượm giấy, quần áo cũ hoặc sắt đồng cũ, một người tái biến chế, tất cả các vấn đề này nếu tôi chỉ làm đủ tiền để đặt thức ăn lên bàn ăn? Tôi có thể làm gì, trong tư cách một thợ thủ công, một người bán rong ngoài phố, một người chạy xe tải, một công nhân bị chà đạp, nếu tôi không được hưởng cả quyền lợi của một công nhân? Tôi có thể làm gì, trong tư cách vợ nông dân, đàn bà thổ dân, một người đánh cá khó có thể tranh đấu chống lại sự thống trị của các đại công ty? Tôi có thể làm gì từ căn nhà bé nhỏ của tôi, khu ổ chuột của tôi, ấp của tôi, khu định cư của tôi, khi ngày nào tôi cũng gặp kỳ thị và đẩy ra bên lề? Ðiều gì có thể làm được bởi các sinh viên kia, những người trẻ kia, những nhà hoạt động kia, những nhà truyền giáo kia đến khu xóm tôi với những trái tim tràn đầy hy vọng và mộng ước, nhưng không một giải pháp thực chất nào cho các vấn đề của tôi? [Họ có thể làm] nhiều điều! Họ có thể làm nhiều điều. Anh chị em, những người thấp bé, những người bị bóc lột, những người nghèo và kém thế, có thể làm, và đang làm, nhiều điều. Thậm chí, tôi còn có thể nói rằng tương lai nhân loại phần rất lớn đang nằm trong tay anh chị em, nhờ khả năng tổ chức và thi hành các biện pháp thay thế đầy sáng tạo của anh chị em, nhờ các cố gắng hàng ngày của anh chị em nhằm bảo đảm ba chữ L (việc làm=labor, nhà ở=lodging, đất đai=land) và nhờ việc tham gia hợp lực của anh chị em vào các diễn trình thay đổi lớn lao trên các bình diện quốc gia, miền và hoàn cầu. Anh chị em đừng nản lòng!
2. Anh chị em là những người gieo thay đổi. Ở đây, ở Bolivia này, tôi đã nghe một câu nói mà tôi rất thích: "diễn trình thay đổi". Thay đổi được xem không phải như một điều, một ngày nào đó, sẽ phát sinh từ bất cứ một quyết định chính trị nào hay một thay đổi trong cơ cấu xã hội nào. Do kinh nghiệm đau lòng, ta biết rằng các thay đổi cơ cấu nào không kèm theo việc thành thực hóan cải tâm trí chẳng chóng thì chầy sẽ kết thúc ở bàn giấy hóa, ở tham nhũng và thất bại. Ðó là lý do tại sao tôi thích hình ảnh "diễn trình", trong đó, nỗ lực gieo, tưới tắm hạt giống mà người khác sẽ thấy nẩy mầm, thay thế cho tham vọng muốn chiếm địa vị có quyền hành và thấy kết quả tức khắc. [Phải chọn sản sinh ra diễn trình chứ không chiếm giữ địa vị]. Mỗi người chúng ta chỉ là một thành phần của một toàn thể phức tạp và dị biệt hóa, hành động qua lại trong thời gian: những con người biết đấu tranh để tìm ý nghĩa, một định mệnh, và sống xứng đáng, "sống tốt" [theo nghĩa xứng đáng].
Là những thành viên của Các Phong Trào Bình Dân, anh chị em tiến hành công việc của anh chị em trong tinh thần yêu thương huynh đệ, mà anh chị em chứng tỏ qua việc chống đối bất công. Khi ta nhìn vào mắt người đau khổ, khi ta nhìn vào gương mặt người nông dân đang lâm nguy, người lao công nghèo khổ, người bản địa bị chà đạp, gia đình vô gia cư, người di dân bị bách hại, người trẻ thất nghiệp, em bé bị khai thác, bà mẹ mất đứa con trong một trận bắn lộn vì khu xóm (barrio) bị thống lãnh bởi những tay buôn bán ma túy, người cha mất đứa con gái vì nạn nô dịch# khi ta nghĩ tới tất cả những tên tuổi và gương mặt này, trái tim ta tan nát vì quá nhiều sầu buồn và đớn đau như thế. Và ta xúc động sâu xa# Ta xúc động vì "ta đã thấy đã nghe" không phải con số thống kê lạnh lùng mà là nỗi đớn đau của một nhân loại khốn khổ, nỗi đớn đau của chính chúng ta, da thịt của chính chúng ta. Ðây là điều hoàn toàn khác với việc lý thuyết trừu tượng hay hùng hồn nổi cáu. Nó làm ta xúc động; nó làm ta chú ý tới người khác trong một cố gắng cùng nhau tiến lên. Xúc động biến cộng đồng thành hành động này không phải là điều có thể hiểu được duy bằng lý lẽ: nó có dư ý nghĩa mà chỉ người dân mới hiểu, và nó đem lại cho các phong trào bình dân chân chính một cảm nhận đặc biệt.
Hàng ngày, anh chị em đều bị cuốn vào những cơn bão táp của đời người. Anh chị em đã nói với tôi các nguyên nhân của những cơn bão táp này, anh chị em đã chia sẻ với tôi các cuộc đấu tranh riêng của anh chị em, [ngay lúc còn ở Buenos Aires] và tôi đã cám ơn anh chị em vì việc này. Anh chị em rất thân mến, anh chị em thường chỉ làm những việc nhỏ mọn, trong các hoàn cảnh địa phương, giữa nhiều hình thức bất công mà anh chị em không những không chấp nhận mà còn tích cực kháng cự lại, bằng cách đứng lên chống lại hệ thống ngẫu thần chuyên loại trừ, hạ nhân phẩm và sát hại. Tôi đã thấy anh chị em làm việc không mệt mỏi cho đất đai và mùa màng của các nông dân, cho lãnh thổ và cộng đoàn của họ, cho nền kinh tế địa phương có bề thế hơn, cho việc đô thị hóa nhà cửa và khu định cư của họ; anh chị em đã giúp họ xây dựng nhà cửa của họ và phát triển các hạ tầng cơ sở của khu xóm. Anh chị em cũng đã phát huy bất cứ con số sinh hoạt nào nhằm tái khẳng định một quyền lợi hết sức sơ đẳng nhưng cần thiết không ai chối cãi được đó là quyền của ba chữ "L": đất đai (land), nhà cửa (lodging) và công ăn việc làm (labor).
Tính cách bén rễ vào khu xóm, đất đai, văn phòng, nghiệp đoàn, khả năng biết tự thấy mình trong gương mặt người khác, sự gần gũi hàng ngày để chia sẻ các lo lắng phiền muộn [vì quả có các phiền muộn thật, chúng ta có các phiền muộn] và các nghĩa cử anh hùng nho nhỏ của họ: đó là điều giúp anh chị em thực hành giới luật yêu thương, không phải trên căn bản ý niệm hay quan niệm, mà đúng hơn trên căn bản gặp gỡ liên ngã thực sự. [Chúng ta phải thiết lập nền văn hóa gặp gỡ này]. Chúng ta không yêu thương các quan niệm hay các ý niệm; [không ai đi yêu một quan niệm. Không ai đi yêu một ý niệm]. Chúng ta yêu người... Dấn thân, dấn thân thật, phát sinh từ tình yêu người nam nữ, yêu trẻ em, yêu người cao niên, yêu các dân tộc, yêu các cộng đồng... những tên tuổi và gương mặt đầy ắp trái tim ta. Từ những hạt giống hy vọng kiên nhẫn gieo tại các khu ngoại vi bị quên lãng của hành tinh đó, từ những mầm mống âu yếm, những mầm mống biết cố gắng vươn lên giữa bóng tối của loại trừ ấy, cây to bóng cả sẽ mọc lên, nhiều khu rừng hy vọng sẽ đem dưỡng khí lại cho thế giới chúng ta.
Do đó, tôi rất hài lòng khi thấy anh chị em đang tận tay cố gắng chăm sóc cho các mầm mống trên, nhưng đồng thời, với một viễn ảnh bao quát hơn, anh chị em còn bảo vệ cả khu rừng nữa. Việc làm của anh chị em được tiến hành với một chân trời mà dù tập trung vào khu vực chuyên biệt của anh chị em, cũng nhằm giải quyết tận gốc những vấn đề tổng quát hơn về nghèo đói, bất bình đẳng và loại trừ.
Tôi khen ngợi anh chị em về điểm trên. Cùng với việc bảo vệ các quyền hợp pháp của họ, điều chủ yếu là người ta và các tổ chức xã hội của họ phải có khả năng xây dựng được một phương cách hợp nhân đạo cho một thứ hoàn cầu hóa chuyên loại trừ. Anh chị em là những người gieo thay đổi. Xin Thiên Chúa ban cho anh chị em lòng can đảm, niền vui tươi, lòng kiên vững và say mê để tiếp tục việc gieo vãi. Anh chị em hãy vững tin rằng chẳng chóng thì chầy, chúng ta sẽ thấy hoa trái của nó. Về việc lãnh đạo, tôi xin yêu cầu điều này: anh chị em hãy có óc sáng tạo và đừng bao giờ ngưng bén rễ vào các thực tại địa phương, vì cha của gian dối có khả năng chiếm đoạt lời lẽ cao vời, cổ vũ những mốt trí thức nhất thời và đưa ra các chủ trương ý thức hệ. Nhưng nếu anh chị em xây dựng trên các nền vững chãi, trên các nhu cầu thực chất và trên kinh nghiệm sống của anh chị em mình, của các nông dân và người bản địa, của các công nhân bị loại trừ và các gia đình bị đẩy qua bên lề, chắc chắn anh chị em sẽ đi đúng đường.
Giáo Hội không thể và không nên xa lánh diễn trình trên trong khi công bố Tin Mừng. Nhiều linh mục và nhân viên mục vụ tiến hành công trình vĩ đại trong việc đồng hành và cổ xúy người bị loại trừ khắp trên thế giới, song song với các hợp tác xã, cũng ủng hộ giới doanh thương, cung cấp nhà ở, làm việc cách quảng đại trong các lãnh vực y tế, thể thao và giáo dục. Tôi xác tín rằng sự hợp tác đầy tôn trọng với các phong trào bình dân có thể tái sinh lực các cố gắng này và tăng cường các diễn trình thay đổi.
Chúng ta hãy có Trinh Nữ Maria trong tâm hồn; ngài là một cô gái khiêm nhường, xuất thân từ một dân tộc nhỏ bé, mất hút ở bên lề một đế quốc vĩ đại, một bà mẹ không nhà chỉ có thể biến máng cỏ dành cho thú vật thành chỗ nằm cho Chúa Giêsu với một ít tã quấn nhưng thật nhiều âu yếm. Mẹ Maria là dấu chỉ hy vọng cho những con người đang đau cái đau sinh ra công lý. Tôi cầu xin Ðức Mẹ Núi Cácmen, quan thầy của Bolivia, cho cuộc gặp gỡ của chúng ta trở thành men thay đổi.
3. [Ông linh mục này nói dài quá, xem ra như thế, không phải sao?] Cuối cùng, tôi muốn tất cả chúng ta xem xét một số trách vụ quan trọng cho thời điểm lịch sử hiện tại, vì chúng ta muốn có thay đổi tích cực vì lợi ích của mọi anh chị em chúng ta. Chúng ta biết điều đó. Chúng ta muốn có sự thay đổi được phong phú hóa bởi sự hợp tác của các chính phủ, của các phong trào bình dân và của các lực lượng xã hội khác. Chúng ta cũng biết điều đó nữa. Quả không dễ khi phải ấn định nội dung của thay đổi, nói cách khác, một chương trình xã hội biết nhập thân dự án huynh đệ và công lý mà ta đang tìm. Bởi đó, anh chị em đừng hy vọng một công thức từ vị Giáo Hoàng này. Cả Ðức Giáo Hoàng lẫn Giáo Hội đều không có độc quyền đối với việc giải thích thực tại xã hội hay đề xuất giải pháp cho các vấn đề hiện thời. Tôi dám nói rằng không hề có một công thức. Lịch sử được làm nên từ mỗi thế hệ nhờ biết đi theo vết chân của thế hệ trước nó, nhờ dò dẫm đường đi của nó và nhờ biết kính trọng các giá trị mà Thiên Chúa đã đặt vào trái tim con người.
Dù sao, tôi cũng xin đề nghị ba trách vụ lớn đòi sự đóng góp chung và dứt khoát của các phong trào bình dân:
3.1 Trách vụ đầu tiên là đặt nền kinh tế vào việc phục vụ người dân. Con người nhân bản và thiên nhiên không phải là để phục vụ đồng tiền. Ta hãy nói Không với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng trong đó đồng tiền cai trị chứ không phải việc phục vụ. Nền kinh tế ấy chỉ có giết. Nền kinh tế ấy chỉ có loại trừ. Nền kinh tế ấy hủy diệt Mẹ Ðất.
Kinh tế không được là cơ chế để tích lũy của cải, nhưng đúng hơn là việc quản trị thích đáng căn nhà chung của chúng ta. Ðiều này bao hàm cam kết chăm sóc cho căn nhà đó và phân phối thích đáng các của cải của nó cho mọi người. Không phải chỉ bảo đảm việc cung cấp lương thực hay "nâng đỡ phải lẽ". Nó cũng không phải chỉ bảo đảm cho ba chữ "L" là đất đai (land), nhà ở (lodging) và công ăn việc làm (labor) mà anh chị em đang làm, dù đây đã là một bước tiến tới rồi. Một nền kinh tế thực sự có tính cộng đồng, một nền kinh tế có thể nói là theo linh hứng Kitô Giáo, phải bảo đảm phẩm giá người ta và "phúc lợi cũng như thịnh vượng trần thế tổng quát" của họ nữa (1). [Câu này do Ðức Gioan XXIII nói cách nay 50 năm. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy rằng ai tự phát cho người đang khát một ly nước sẽ được tưởng nhớ trong nước thiên đàng. Thành thử...]
Ðiều này bao gồm ba chữ "L", nhưng cũng bao gồm quyền được giáo dục, chăm sóc y tế, các kỹ thuật mới, các biểu hiện nghệ thuật và văn hóa, truyền thông, thể thao và giải trí. Một nền kinh tế công chính phải tạo ra các điều kiện để mọi người đều được vui hưởng tuổi thơ không thiếu thốn, phát triển các tài năng khi trẻ, làm việc với đầy đủ các quyền lợi trong những năm tháng hoạt động, và vui hưởng một cuộc hưu trí xứng đáng khi họ về già. Ðó là một nền kinh tế trong đó con người nhân bản, trong sự hoà hợp với thiên nhiên, tạo cơ cấu cho toàn bộ hệ thống sản xuất và phân phối theo đường lối trong đó các tài năng và nhu cầu của mỗi cá nhân được phát biểu cách thích đáng trong đời sống xã hội. Anh chị em, và cả những người khác, đã tóm lược nguyện vọng này trong một cách nói đơn sơ nhưng đẹp đẽ là "sống tốt" [vivir bien không y hệt cách nói pasarla bien , chúc vui vẻ].
Một nền kinh tế như thế không những đáng ước ao và cần thiết, mà còn khả hữu nữa. Nó không ảo tưởng hay mây khói. Nó là một viễn ảnh cực kỳ hiện thực. Ta có thể đạt được nó. Các tài nguyên hiện có trên thế giới của chúng ta, hoa trái công lao của nhiều thế hệ con người và hồng phúc tạo thế, quá đủ để phát triển toàn diện "mỗi người và trọn con người" (2). Vấn nạn là một chuyện khác. Hiện đang có một hệ thống với các mục tiêu khác. Một hệ thống, trong khi gia tốc nhịp độ sản xuất một cách vô trách nhiệm, trong khi sử dụng các phương pháp kỹ nghệ và canh nông gây hại tới Mẹ Ðất nhân danh "năng xuất", đang tiếp tục bác bỏ các quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa sơ đẳng nhất của hàng triệu anh chị em chúng ta. Hệ thống này đi ngược lại kế hoạch của Chúa Giêsu. [Chống lại tin mừng mà Chúa Giêsu đã mang tới].
Làm việc cho việc phân phối công bằng các hoa trái của trái đất và lao công của con người không phải chỉ là việc từ thiện. Nó là một nghĩa vụ luân lý. Ðối với các Kitô hữu, trách nhiệm lại càng lớn hơn: đây là một giới răn. Nó liên quan tới việc dành cho người nghèo và mọi người những gì là của họ theo quyền lợi. Ðích điểm phổ quát của của cải không phải là hình ảnh để nói trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Nó là một thực tại có trước tư hữu. Tài sản phải luôn luôn phục vụ nhu cầu của người ta, nhất là khi đụng tới tài nguyên thiên nhiên. Và các nhu cầu này không bị giới hạn vào việc tiêu thụ. Chỉ rót vài giọt bất cứ khi nào người nghèo lắc ly tách, một ly tách chưa bao giờ tràn đầy, là điều không đủ. Các chương trình phúc lợi nhắm vào một số tình trạng khẩn cấp chỉ có thể được coi như các giải pháp tạm thời. Chúng không bao giờ có khả năng thay thế được việc bao gồm đích thực, một việc bao gồm đem lại việc làm có giá trị, tự do, có óc sáng tạo, có tham dự và đầy liên đới.
Trên con đường trên, các phong trào bình dân đóng vai trò chủ chốt, không những qua việc tạo yêu sách và đưa ra phản kháng, mà, một cách còn nền tảng hơn, là phải có óc sáng tạo. Anh chị em là các thi sĩ xã hội: những nhà sáng tạo ra việc làm, những nhà xây dựng nhà ở, những nhà sản xuất ra thực phẩm, trước hết cho những người bị thế giới thị trường bỏ lại sau lưng.
Tôi đã đầu tay được chứng kiến nhiều trải nghiệm trong đó các công nhân, hợp nhất trong các hợp tác xã và nhiều hình thức tổ chức cộng đồng khác, đã có thể tạo công ăn việc làm ở những nơi nền kinh tế ngẫu tượng chỉ để lại chút cơm thừa canh cặn. Các cơ sở kinh doanh được phục hồi, các hội chợ địa phương và các hợp tác xã của người lượm giấy là điển hình của nền kinh tế đại chúng này, một nền kinh tế phát sinh từ loại trừ nhưng đã từ từ, kiên nhẫn và cương quyết chấp nhận các hình thức liên đới giúp nó ra bề thế. Khác biết bao so với tình huống trong đó những người bị thị trường chính thức bỏ rơi bị bóc lột như những người tên nô lệ!
Các chính phủ nào biết nhận trách nhiệm đặt nền kinh tế phục vụ nhân dân cần phải cổ xúy việc tăng cường, cải thiện, phối hợp và mở rộng các hình thức của nền kinh tế bình dân và nền sản xuất cộng đồng này. Việc này bao hàm: phải cải thiện các diễn trình làm việc, cung cấp các hạ tầng cơ sở thích đáng và bảo đảm đầy đủ quyền lợi của công nhân trong khu vực thay thế này. Khi nhà nước và các tổ chức xã hội hợp tác làm việc cho ba chữ "L", thì các nguyên tắc liên đới và phụ đới là điều phải có; và các nguyên tắc này cho phép người ta đạt được ích chung trong một nền dân chủ trọn vẹn và có tham gia.
3.2. Trách vụ thứ hai là hợp nhất người dân của ta trên đường hòa bình và công lý. Các dân tộc trên thế giới muốn là những người làm nên định mệnh riêng của họ. Họ muốn tiến tới công lý một cách hòa bình. Họ không muốn các hình thức giám hộ hay can thiệp mà các cường quốc quen dùng bắt các nước yếu hơn phải phụ thuộc. Họ muốn nền văn hóa, ngôn ngữ, các diễn trình xã hội và các truyền thống tôn giáo của họ được kính trọng. Không quyền lực thực tế hay có uy tín nào có quyền tước đoạt khỏi các dân tộc này quyền thực thi chủ quyền của họ. Bất cứ khi nào quyền lực ấy hành động như thế, ta đều thấy xuất hiện các hình thức mới của chủ nghĩa thực dân, các hình thức làm tổn hại nghiêm trọng khả thể hòa bình và công lý. Vì "hoà bình được xây dựng không những trên việc tôn trọng các nhân quyền mà còn trên việc tôn trọng quyền của các dân tộc nữa, nhất là quyền độc lập" (3).
Các dân tộc Mỹ Châu La Tinh đã chiến đấu giành độc lập chính trị và trong gần hai thế kỷ, lịch sử của họ khá bi thảm và đầy mâu thuẫn, khi họ cố gắng giành cho bằng được nền độc lập trọn vẹn.
Trong những năm gần đây, sau một số hiểu lầm, nhiều nước Mỹ Châu La Tinh đã được chứng kiến sự lớn mạnh của tình huynh đệ giữa các dân tộc. Các chính phủ trong vùng đã gom sức lực để bảo đảm sự tôn trọng chủ quyền của đất nước họ và của toàn vùng, mà cha ông chúng ta đã gọi một cách đẹp đẽ là "đất nước vĩ đại hơn". Anh chị em thân mến trong các phong trào bình dân, tôi xin anh chị em phát huy và gia tăng sự hợp nhất này. Nó cần thiết để duy trì đoàn kết trước mọi cố gắng chia rẽ, nếu vùng này muốn tăng trưởng trong hoà bình và công lý.
Bất chấp các tiến bộ đã thực hiện, có nhiều nhân tố vẫn còn đang đe dọa sự phát triển nhân bản về công bình này và giới hạn chủ quyền các nước của "đất nước vĩ đại hơn" và nhiều khu vực khác của hành tinh chúng ta. Chủ nghĩa tân thực dân đang mang nhiều khuôn mặt khác nhau. Có lúc, nó xuất hiện dưới ảnh hưởng nặc danh của thần tài: các công ty, các cơ quan cho vay, một vài hiệp ước "tự do buôn bán", và áp đặt các biện pháp "khắc khổ" luôn thắt lưng các công nhân và người nghèo. Các giám mục của Mỹ Châu La Tinh lên án việc này một cách hết sức rõ ràng trong Văn Kiện Aparecida; các ngài quả quyết rằng "các định chế tài chánh và các công ty đa quốc đang trở nên mạnh hơn tới chỗ các nền kinh tế địa phương phải tùy thuộc, nhất là làm suy yếu các chính phủ địa phương, là các chính phủ xem ra càng ngày càng ít quyền lực để thực thi các dự án phát triển nhằm phục vụ dân chúng của họ" (4). Có lúc, dưới bộ dạng cao qúi đánh tham nhũng, buôn bán ma túy và khủng bố, những cái ác của thời ta đang đòi phải có hành động có phối hợp của quốc tế, ta thấy các chính phủ đang chất đầy các biện pháp chẳng ăn nhập gì với việc giải quyết các vấn nạn này và thường làm cho chúng ra tệ hại hơn.
Cũng thế, việc độc quyền hóa các phương tiện truyền thông, là các phương tiện hiện đang áp đặt nhiều điển hình tha hóa của chủ nghĩa tiêu thụ và một hình thức độc dạng văn hóa nào đó, là một hình thức nữa trong số các hình thức do chủ nghĩa tân thực dân đưa ra. Ðây là thứ chủ nghĩa thực dân có tính ý thức hệ. Như các giám mục Phi Châu đã nhận xét, các nước nghèo thường bị đối xử như "những bộ phận của một cỗ máy, những cái răng trên chiếc bánh xe khổng lồ" (5).
Cần phải nhìn nhận rằng không vấn đề nào trong số các vấn đề nghiêm trọng của nhân loại có thể được giải quyết nếu không có hành động qua lại giữa các chính phủ và nhân dân trên bình diện quốc tế. Mọi hành động có ý nghĩa thực hiện tại một nơi trên hành tinh đều có một tiếng vang phổ quát, sinh thái, xã hội và văn hóa. Ngay tội ác và bạo lực cũng được hoàn cầu hóa. Thành thử, không chính phủ nào có thể thi hành trách nhiệm chung một cách độc lập. Nếu chúng ta thực sự muốn có thay đổi tích cực, chúng ta phải khiêm nhường chấp nhận tính liên lập. [Nghĩa là, tính liên lập lành mạnh của ta]. Tuy nhiên, hành động qua lại không giống như việc áp đặt; nó không phải là việc khuất phục nước này để phục vụ quyền lợi nước kia. Chủ nghĩa thực dân nào, cả cũ lẫn mới, nhằm giản lược các nước nghèo thành người cung cấp các nguyên liệu và nhân công rẻ mà thôi, sẽ sản sinh ra bạo lực, nghèo khổ, cưỡng bức di dân và mọi cái ác khác vốn đi đôi với những cái ác này, chính bởi vì, khi đặt ngoại vi vào việc phục vụ trung tâm, nó đã bác bỏ quyền phát triển toàn diện của các nước này. [Và điều này, thưa các anh em] là bất bình đẳng, và bất bình đẳng sẽ sản sinh ra bạo lực mà không tài nguyên cảnh sát nào, quân đội hay tình báo nào có thể kiểm soát được.
Ta hãy nói Không với các hình thức thực dân chủ nghĩa cũ và mới. Ta hãy nói Có với cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Phúc cho những người kiến tạo hòa bình.
Ở đây, tôi muốn nêu lên một vấn đề quan trọng. Một số người có thể đúng khi nói rằng "khi Ðức Giáo Hoàng nói tới chủ nghĩa thực dân, ngài quên khuấy một số hành động của Giáo Hội". Tôi xin ân hận nói với anh chị em điều này: nhiều tội lỗi nặng nề đã xúc phạm tới các dân tộc bản địa của Mỹ Châu, nhân danh Thiên Chúa. Các vị tiền nhiệm của tôi đã thừa nhận điều ấy, CELAM đã nói lên điều ấy, và cả tôi nữa muốn nói lên điều ấy. Giống như Thánh Gioan Phaolô II, tôi xin Giáo Hội "hãy qùy trước Thiên Chúa và khẩn cầu sự tha thứ đối với các tội lỗi quá khứ và hiện tại của con cái nam nữ của mình" (6). Tôi cũng xin nói, và ở đây, tôi muốn hết sức rõ ràng, như Thánh Gioan Phaolô II: tôi khiêm cung xin sự tha thứ, không những cho các xúc phạm của chính Giáo Hội, mà còn cho các tội ác đã phạm đối với các dân tộc bản địa thời gọi là chinh phục Mỹ Châu.
[Và với lời xin tha thứ này, và để cho công bằng, tôi cũng muốn chúng ta nhìn nhận các linh mục và các giám mục đã từng mạnh mẽ chống đối luận lý học gươm giáo bằng sức mạnh của thập giá. Có tội lỗi. Có tội lỗi, và dư thừa là đàng khác, và vì vậy chúng tôi xin tha thứ. Nhưng cũng có việc ở đâu có tội lỗi, ở đâu có dư thừa tội lỗi, ơn thánh cũng dư thừa, qua những con người biết bảo vệ công lý của các dân tộc bản địa].
Tôi cũng yêu cầu mọi người, tin hay không tin, nghĩ tới nhiều giám mục, linh mục và giáo dân đã rao giảng và còn tiếp tục rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu một cách can đảm và hiền từ, tôn trọng và hoà bình; [tôi nói các giám mục, linh mục và giáo dân; tôi không muốn quên các nữ tu, những người đã vô danh dọc ngang khắp các khu xóm mang đến cho họ sứ điệp hoà bình và công lý] những người đã để lại sau lưng các việc làm gây ấn tượng có thể đem lại thăng thưởng và yêu thương của con người, để thông thường sát cánh với các dân tộc bản địa hay đồng hành với các phong trào bình dân của họ thậm chí cho tới chết vì đạo. Giáo Hội, con cái nam nữ của Giáo Hội, là thành phần trong căn tính các dân tộc Mỹ Châu La Tinh. Một căn tính mà ở đây, cũng như ở các nước khác, một số quyền lực cương quyết xóa bỏ, đôi khi vì đức tin của chúng ta có tính cách mạng, vì đức tin của chúng ta thách thức nền bạo chúa của kim tiền. Ngày nay, chúng ta thất vọng khi thấy tại Trung Ðông và nhiều nơi khác trên thế giới, nhiều anh chị em chúng ta đang bị bách hại, tra tấn và sát hại vì đức tin của họ vào Chúa Giêsu. Ðiều đó cũng cần được tố cáo: trong thứ thế chiến thứ ba này, đang được tiến hành từng mảnh, mà hiện ta đang trải nghiệm, một hình thức diệt chủng đang xẩy ra, và nó cần phải được kết thúc.
Với các anh chị em của chúng ta trong phong trào thổ dân Mỹ Châu La Tinh, xin cho phép tôi bày tỏ lòng âu yếm sâu xa và đánh giá cao các cố gắng của họ nhằm đem các dân tộc và các nền văn hóa lại với nhau trong một hình thức sống chung mà tôi muốn gọi là đa diện (polyhedric), trong đó, mỗi nhóm duy trì căn tính riêng của mình bằng cách cùng nhau xây dựng một tính đa nguyên không đe dọa nhưng đúng hơn tăng cường sự hợp nhất. Việc các bạn mưu cầu một chủ nghĩa liên văn hóa (interculturalism), là chủ nghĩa phối hợp việc bảo vệ quyền lợi các dân tộc bản địa với việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, đối với tất cả chúng ta là một nguồn của phong phú hóa và khích lệ.
3.3. Trách vụ thứ ba, có lẽ quan trọng nhất đang thách thức chúng ta ngày nay, là bảo vệ Mẹ Ðất.Căn nhà chung của chúng ta đang bị cướp phá, làm cho hoang phế và tàn hại mà không sợ bị trừng phạt. Sự hèn nhát không dám bảo vệ nó là một tội nặng. Ta càng ngày càng thất vọng thấy hết thượng đỉnh quốc tế này tới thượng đỉnh quốc tế khác diễn ra mà chẳng đem lại kết quả nào có ý nghĩa. Hiện có một mệnh lệnh đạo đức rõ rệt, dứt khoát và khẩn cấp để thực thi điều chưa được thực thi. Chúng ta không thể cho phép một số quyền lợi, các quyền lợi tuy hoàn cầu nhưng không phổ quát, tiếm quyền, thống trị các quốc gia và các tổ chức quốc tế, và tiếp tục hủy diệt tạo thế. Người dân và các phong trào của họ được mời gọi lên tiếng, động viên và đòi yêu sách, một cách hòa bình nhưng cương quyết, điều này: phải đưa ra các biện pháp thích đáng và đang rất cần. Tôi xin anh chị em, nhân danh Thiên Chúa, bảo vệ Mẹ Ðất. Tôi đã bàn tới vấn đề này một cách thỏa đáng trong thông điệp Laudato Si' của tôi.
4. Ðể kết luận, tôi muốn được nhắc lại: tương lai nhân loại không chỉ nằm trong tay các nhà lãnh đạo vĩ đại, các cường quốc và giai cấp ưu tú. Xét trong căn bản, nó nằm trong tay người dân và khả năng tổ chức của họ. Nó nằm trong tay họ, những bàn tay có thề điều hướng diễn trình thay đổi này một cách khiêm nhường và xác tín. Tôi về phía anh chị em. Chúng ta hãy cùng nhau nói từ thâm tâm rằng: không còn gia đình nào không có nhà ở, không còn công nhân nông nghiệp nào không có đất đai, không còn lao công nào không có quyền lợi, không còn dân tộc nào không có chủ quyền, không còn cá nhân nào không có phẩm giá, không còn em bé nào không có tuổi thơ, không có người trẻ nào không có tương lai, không người cao niên nào không có tuổi già đáng kính. Anh chị em hãy giữ vững cuộc đấu tranh và, vui lòng, chăm sóc Mẹ Ðất. Tôi cầu xin cho anh chị em và với anh chị em, và tôi xin Thiên Chúa Cha đồng hành với anh chị em và chúc phúc cho anh chị em, đổ đầy tình yêu của Người xuống anh chị em và bảo vệ anh chị em trên con đường của anh chị em bằng cách ban cho anh chị em dư đầy sức mạnh có khả năng giữ vững bước chân ta đi: sức mạnh ấy là lòng hy vọng, [và là điều quan trọng], lòng hy vọng không hề làm thất vọng. Tôi xin cám ơn anh chị em và yêu cầu anh chị em, vui lòng, cầu nguyện cho tôi. Và nếu một hay hai anh chị em không thể cầu nguyện, tôi tôn trọng điều đó, thì xin nghĩ tới tôi, và xin anh chị em gửi cho tôi các rung cảm tốt lành.
Vũ Van An
- - - - - - - - - - -
(1) Ðức Gioan XXIII, thông điệp Mater et Magistra (15 thang 5, 1961), 3: AAS 53 (1961), 402.
(2) Ðức Phaolô VI, thông điệp Populorum Progressio (26 tháng 3, 1967), 14: AAS 59 (1967), 264.
(3) Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình, Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 157.
(4) Hội Nghị Toàn Thể Lần Thứ Năm Các Giám Mục Mỹ Châu La Tinh và Vùng Caribean, Văn Kiện Aparecida (29 tháng 6, 2007), 66.
(5) Ðức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng, Giáo Hội Tại Phi Châu, (14 tháng 9, 1995), 52: AAS 88 (1996), 32-22; ID., thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30 tháng 12, 1987), 22: AAS 80 (1988), 539.
(6) Sắc chỉ Ấn Ðịnh Ðại Năm Thánh 2000, Incarnationis Mysterium (29 tháng 11, 1998),11: AAS 91 (1999), 139-141.