Diễn Văn của Ðức Phanxicô

với đại diện các tổ chức dân sự Ecuador

 

Diễn Văn của Ðức Phanxicô với đại diện các tổ chức dân sự Ecuador.

Quito, Ecuador (VietCatholic News 8-07-2015) - "Các bức tường, các sân trong và các hành lang có rào vây của thành phố này hùng hồn nói lên điều này: bắt nguồn từ nền văn hóa Incan và Caranqui, hết sức đẹp đẽ trong kích thước và dáng vẻ, mạnh bạo và đầy thán phục tổng hợp được nhiều họa phong khác nhau, các công trình nghệ thuật do 'trường phái Quito' sáng tạo này tóm tắt nói lên cuộc đối thoại vĩ đại trên, với đủ thành công và thất bại của nó, vốn là lịch sử của Ecuador. Ngày nay ta thấy nó đẹp xiết bao".

Trên đây là lời Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các nhà lãnh đạo dân sự Ecuador vào buổi tối ngày 7 tháng 7 năm 2015 tại Nhà Thờ San Francisco ở Quito, Ecuador. Tại đây ngài đã gặp gỡ đại diện các tổ chức công dân, các nhà doanh nghiệp, các cộng đồng bản địa và các nhóm giáo dân Công Giáo.

Lễ đón tiếp ngài có một bài hát hát bằng tiếng bản địa Quichua gọi là "Taita" có nghĩa là "papa". Bài hát này đặc biệt được soạn cho Ðức Phanxicô. Cả nhà thờ lẫn khuôn viên bên ngoài đều chật ních hàng ngàn người ái mộ; họ hoan hô và vỗ tay vang dội mừng đón ngài.

Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài nói chuyện của Ðức Phanxicô trong dịp này:

Các bạn thân mến

Tôi rất vui được hiện diện với các bạn, những người nam nữ đại diện cho và thăng tiến đời sống xã hội, chính trị và kinh tế của đất nước này.

Khi tôi bước vào nhà thờ này, Thị Trưởng Quito đã trao cho tôi các chìa khóa của thành phố. Việc ông biểu lộ sự gần gũi thân tình, mở các cánh cửa của các bạn cho tôi, giúp tôi, đến lượt mình, nói tới một số chìa khóa khác: các chìa khóa dẫn vào đời sống của chúng ta trong xã hội, bắt đầu với đời sống gia đình.

Xã hội chúng ta được hưởng nhờ khi mỗi người và mỗi nhóm xã hội cảm nhận mình đang thực sự ở trong nhà. Trong gia đình, cha mẹ, ông bà và con cái luôn cảm thấy mình ở trong nhà; không ai bị loại trừ. Nếu ai đó có vấn đề, dù là nghiêm trọng, ngay cả nếu họ là nguyên nhân, thì cả gia đình sẽ tới giúp đỡ họ; cả gia đình nâng đỡ họ. Các vấn đề của họ cũng là các vấn đề của gia đình. Chả lẽ không nên như thế trong xã hội hay sao? Dù các liên hệ của ta trong xã hội và đời sống chính trị thường dựa trên đối chất và mưu toan loại bỏ các địch thủ của ta. Chủ trương của tôi, các ý tưởng của tôi và các kế hoạch của tôi chỉ có thế tấn tới nếu tôi thắng vượt được người khác và áp đặt được ý muốn của mình. Gia đình có nên như thế không? Trong các gia đình, mọi người đều góp phần vào mục đích chung, mọi người đều làm việc cho ích chung, không bác bỏ quyền lợi cá nhân của mỗi người nhưng khuyến khích và hỗ trợ nó. Các vui buồn của mỗi người đều được mọi người cảm nhận. Là gia đình có nghĩa như thế đấy! Nếu ta có thể nhìn các địch thủ hay láng giềng chính trị của ta cùng một cách như ta nhìn con cái hay người phối ngẫu, người mẹ hay người cha, thì hay biết bao! Ta có yêu xã hội của ta không? Ta có yêu đất nước ta không, cái cộng đồng mà ta đang cố gắng xây dựng? Ta có yêu nó cách trừu tượng, trong lý thuyết không? Ta hãy yêu nó bằng hành động hơn là bằng lời nói! Trong mọi người, trong các hoàn cảnh cụ thể, trong đời sống chung của ta, tình yêu luôn dẫn ta tới thông đạt, không bao giờ dẫn tới cô lập cả.

Cảm nhận trên có thể làm phát sinh những cử chỉ nho nhỏ nhằm củng cố các dây liên kết có tính bản thân. Tôi thừơng nói tới sự quan trọng của gia đình như là tế bào đệ nhất đẳng của xã hội. Trong gia đình, ta tìm được các giá trị nền tảng của tình yêu, của tình huynh đệ và lòng kính trọng lẫn nhau, mà ta có thể diễn dịch thành các giá trị chủ yếu cho xã hội như một toàn thể: lòng biết ơn, tình liên đới và tính phụ đới.

Cha mẹ biết rằng mọi con cái của họ đều được yêu thương bằng nhau, cho dù mỗi đứa có đặc điểm riêng của nó. Nhưng khi con cái khước từ, không chịu chia sẻ những gì chúng đã nhận được cách nhưng không, thì mối liên hệ này sẽ tan vỡ. Tình yêu của cha mẹ chúng giúp con cái thắng vượt được tính ích kỷ của chúng, học cách sống với người khác, biết nhượng bộ và kiên nhẫn. Trong cuộc sống rộng lớn hơn của xã hội, ta sẽ tiến tới chỗ thấy rằng "tính nhưng không" ("gratuitousness") không phải là một cái gì phụ trội, ở bên ngoài, mà đúng hơn là một điều kiện cần thiết của công lý. Ta là ai và ta có gì đều đã được ban cho ta để ta dùng nó phục vụ người khác. Trách vụ ta là làm cho nó sinh kết quả trong các việc làm tốt. Các thiện ích của trái đất được dành cho mọi người, và dù ai đó có phô trương tài sản của họ ra sao, nó vẫn mang giấy nợ của xã hội. Theo cách này, ta sẽ vượt ra ngoài công lý thuần kinh tế, đặt căn bản trên thương mại, để bước vào công lý xã hội, là thứ công lý chống đỡ nhân quyền nền tảng cho những cuộc đời xứng đáng. Không được quan tâm tới các lợi ích ngắn hạn khi khai thác các tài nguyên thiên nhiên, là thứ rất phong phú tại Ecuador. Là những người quản lý các tài nguyên này, những tài nguyên mà ta nhận được, ta có nghĩa vụ đối với xã hội như một toàn thể và đối với các thế hệ tương lai. Ta không thể để lại di sản này cho họ nếu không chăm sóc thích đáng cho môi sinh, nếu không ý thức được tính nhưng không phát sinh từ việc chiêm ngưỡng thế giới tạo dựng. Sống giữa chúng ta hiện nay là một số anh chị em của chúng ta đại biểu cho các sắc dân bản địa của Amazon Xích Ðạo. Vùng này là một trong "những khu vực phong phú nhất cả về con số các chủng loại lẫn các chủng loại đặc hữu, hiếm hoi hoặc ít được bảo vệ# nó đòi được bảo vệ nhiều hơn vì tầm quan trọng lớn lao của nó đối với hệ sinh thái hoàn cầu# nó có một tính đa diện sinh học cực kỳ phức tạp gần như không thể nào đánh giá đầy đủ được, ấy thế nhưng khi [các vùng rừng này] bị cháy rụi hay san bằng vì mục đích canh tác, thì chỉ trong vòng ít năm, vô vàn chủng loại sẽ không còn và các khu vực này thường sẽ trở thành đất hoang khô cằn" (xem Laudato Si', 37-38). Ecuador, cùng với các nước khác dọc theo Amazon, có cơ hội trở thành người dạy người ta về nền sinh thái toàn diện. Ta nhận được thế giới này như một của thừa kế từ các thế hệ đã qua, nhưng cũng như một khoản vay từ các thế hệ sắp tới, những người chúng ta sẽ phải hoàn trả nó lại!

Từ cảm nghiệm huynh đệ của gia đình phát sinh ra tình liên đới trong xã hội; tình liên đới này không chỉ hệ ở việc ban phát cho người túng thiếu, mà còn ở việc cảm thấy có trách nhiệm đối với nhau. Nếu ta coi người khác như anh chị em ta, thì không có ai bị bỏ rơi hay bị đẩy qua bên lề. Giống các quốc gia khác của Mỹ Châu La Tinh, Ecuador hiện đang trải nghiệm nhiều thay đổi xã hội và văn hóa sâu xa, nhiều thách đố mới cần được đương đầu bởi mọi bộ phận trong xã hội. Di dân, các đô thị đông người, chủ nghĩa tiêu thụ, các khủng hoảng trong gia đình, nạn thất nghiệp và nhiều khu vực nghèo đói: tất cả các nhân tố này đều tạo ra bất trắc và căng thẳng đe dọa tới sự hài hòa trong xã hội. Luật lệ và các qui định cũng như việc đặt kế hoạch xã hội, cần phải nhắm vào việc bao gồm mọi người, tạo cơ hội để đối thoại và gặp gỡ, trong khi loại bỏ mọi hình chức áp chế, kiểm soát quá trớn hay tước đoạt tự do, coi chúng như những ký ức đớn đau của quá khứ. Hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn đòi hỏi phải cung hiến cho người ta, nhất là giới trẻ, các cơ hội có thực chất, tạo công ăn việc làm, và đảm bảo tăng trưởng kinh tế được mọi người chia sẻ (hơn là chỉ hiện hữu trên giấy tờ, trong những con số thống kê kinh tế vĩ mô), và cổ vũ việc phát triển lâu dài, có khả năng tạo ra một cơ cấu xã hội vững vàng và gắn bó.

Cuối cùng, việc tôn trọng người khác mà ta học được trong gia đình được xã hội phát biểu qua ý niệm phụ đới. Thừa nhận rằng các chọn lựa của ta không nhất thiết duy nhất hợp pháp là một thao tác lành mạnh của đức khiêm nhường. Bằng cách nhìn nhận điều tốt cố hữu nơi người khác, dù họ có các giới hạn của họ, ta sẽ nhìn ra sự phong phú trong tính đa dạng và giá trị của việc bổ túc cho nhau. Các cá nhân và các nhóm có quyền theo các phương cách riêng của họ, cho dù đôi lúc họ có thể mắc sai lầm. Trong lòng tôn trọng trọn vẹn đối với quyền tự do đó, xã hội dân sự được mời gọi giúp mỗi người và mỗi tổ chức xã hội nhận lãnh vai trò chuyên biệt của họ và nhờ đó góp phần vào ích chung. Ðối thoại là điều cần thiết và có tính nền tảng để đạt tới sự thật, một điều không thể áp đặt được, nhưng phải được kiếm tìm bằng một tinh thần thành thực và có phê phán. Trong một nền dân chủ có tham gia, mỗi nhóm xã hội, các sắc dân bản địa, Ecuador-Phi Châu, phụ nữ, các hiệp hội công dân và những ai dấn thân trong công vụ đều là những tham dự viên không thể thiếu trong cuộc đối thoại này.

Các bức tường, các sân trong và các hành lang có rào vây của thành phố này hùng hồn nói lên điều này: bắt nguồn từ nền văn hóa Incan và Caranqui, hết sức đẹp đẽ trong kích thước và dáng vẻ, mạnh bạo và đầy thán phục tổng hợp được nhiều họa phong khác nhau, các công trình nghệ thuật do "trường phái Quito" sáng tạo này tóm tắt nói lên cuộc đối thoại vĩ đại trên, với đủ thành công và thất bại của nó, vốn là lịch sử của Ecuador. Ngày nay ta thấy nó đẹp xiết bao. Nếu quá khứ được đánh dấu bằng lầm lẫn và lạm dụng, làm sao ta có thể bác bỏ được điều này!, thì ta có thể nhận thấy: việc tổng hợp do đó mà ra hiện rực lên một vẻ xum xuê đẹp đến độ ta có thể nhìn về tương lai với một niềm hy vọng lớn lao.

Về phần mình, Giáo Hội mong ước được hợp tác trong việc theo đuổi ích chung, qua các công trình xã hội và giáo dục của mình, cổ vũ các giá trị đạo đức và tâm linh, và phục vụ trong tư cách dấu chỉ tiên tri đem lại một tia ánh sáng và hy vọng cho mọi người, nhất là những người túng thiếu nhất. Xin cám ơn các bạn đã có mặt ở đây, đã lắng nghe tôi. Tôi xin các bạn vui lòng đem những lời khuyến khích của tôi tới các cộng đồng và các nhóm khác nhau mà các bạn làm đại diện. Xin Chúa ban ơn để xã hội dân sự mà các bạn đại diện sẽ luôn là một khung cảnh thích hợp để trải nghiệm và thực hành các giá trị mà tôi vừa nói.

 

Vũ Van An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page