Luôn luôn trợ giúp, an ủi

và gần gũi các bệnh nhân

 

Luôn luôn trợ giúp, an ủi, và gần gũi các bệnh nhân.

Vatican (Vat. 10-06-2015) - Bệnh tật của những người thân yêu khiến cho cuộc sống gia đình khổ đau và khó khăn hơn, nhưng chúng cũng củng cố các liên hệ gia đình và có thể là trường học của đời sống, của lời cầu nguyện, tình liên đới và sự gần gũi săn sóc yêu thương đối với nhau.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 10 tháng 6 năm 2015. Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã khai triển đề tại giáo lý gia đình và bệnh tật. Ngài nói:

Bệnh tật là một kinh nghiệm về sự giòn mỏng, mà chúng ta sống đặc biệt trong gia đình, từ khi là trẻ em, rồi nhất là khi già yếu, với các đau nhức liên miên. Trong bối cảnh của các tương quan gia đình, bệnh tật của các người chúng ta thương mến gia tăng nỗi khổ đau và lo lắng. Chính tình yêu khiến cho chúng ta cảm nhận điều này nhiều hơn. Biết bao nhiêu lần đối với một người cha và một người mẹ việc chịu đựng bệnh tật của một đứa con trai hay con gái khó khăn hơn là chịu đựng bệnh tật của riêng mình. Chúng ta có thể nói rằng gia đình đã luôn luôn là nhà thương gần nhất. Cả ngày nay nữa, trong biết bao nhiêu phần trên thế giới này, nhà thương là một đặc ân cho ít người và thường khi ở xa. Chính mẹ cha, các anh chị em và bà nội bà ngoại bảo đảm các săn sóc và giúp chúng ta khỏi bệnh.

Trong các Phúc Âm có nhiều trang kể lại các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các bệnh nhân và dấn thân của Ngài chữa lành họ. Chúa được giới thiệu một cách công khai như là một người chiến đấu chống lại bệnh tật và đến để chữa lành con người khỏi mọi bệnh tật: bệnh tật tinh thần và bệnh tật thân xác. Thật rất cảm động cảnh vừa được nhấn mạnh trong Phúc Âm thánh Marcô. Nó kể như thế này: "Lúc chiều đến, sau khi mặt trời lặn, người ta đem đến cho Chúa mọi bệnh nhân và những người bị quỷ ám" (Mc 1,29). Nếu tôi nghĩ tới các thành phố lớn ngày nay, tôi tự hỏi đâu là các cửa nhà trước đó có thể đem các người bệnh tới, với niềm hy vọng là họ được chữa lành? Chúa Giêsu đã không bao giờ lảng tránh việc chữa lành họ; Ngài đã không bao giờ đi qua, Ngài đã không bao giờ ngoảnh mặt đi nơi khác. Và khi một người cha hay một người mẹ, hay chỉ một cách đơn sơ các bạn hữu, đem một người bênh tới trước mặt Ngài để Ngài đụng vào họ và chữa họ lành, thì Ngài không bắt chờ đợi. Việc chữa lành đến trước luật lệ,. kể cả luật thánh như việc nghỉ ngơi ngày sabát (x. Mc 3,1-6). Các tiến sĩ luật quở trách Chúa Giêsu, bởi vì Ngài chữa lành ngày thứ bẩy, làm việc lành ngày thứ bẩy. Nhưng tình yêu của Chúa Giêsu là trao ban sức khỏe, làm việc lành: và điều này luôn luôn chiếm chỗ nhất!

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi thành toàn công trình của chính Ngài, và ban cho các ông quyền chữa lành, hay tới gần người bệnh và săn sóc họ cho tới cùng (x. Mt 10,1). Chúng ta phải chú ý tới điều Chúa nói với các môn đệ trong giai thoại người mù bình sinh (Ga 9,1-5). Các môn đệ, với người mù từ lúc mới sinh đứng trước mặt, thảo luận xem ai là người đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta, đến khiến cho anh bị mù. Chúa nói rõ ràng là không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh, mà như thế là để cho các công trình của Thiên Chúa được biểu lộ nơi anh. Và Ngài chữa anh lành. Ðó là vinh quang của Thiên Chúa! Ðó là nhiệm vụ của Giáo Hội! Trợ giúp các bệnh nhân, chứ không mất hút đi trong các bép xép, luôn luôn trợ giúp, an ủi, làm vợi nhẹ, gần gũi các bệnh nhân: đó là bổn phận.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha nhấn mạnh bổn phận phải cầu nguyện cho các người ốm yếu bệnh tật như sau:

Giáo Hội mời gọi liên lỉ cầu nguyện cho những người thân bị bệnh. Không bao giờ được thiếu lời cầu nguyện cho các bệnh nhân. Tráí lại, chúng ta phải cầu nguyện cho họ nhiều hơn, một cách cá nhân cũng như trong cộng đoàn. Chúng ta hãy nghĩ tới giai thoại người đàn bà xứ Canaan (c. Mt 15,21-28) Bà là một người ngoại đạo, không phải tín hữu do thái, nhưng là người ngoại đạo. Bà khẩn nài Chúa Giêsu chữa lành con gái của bà. Ðể thử lòng tin của bà trước hết Chúa Giêsu cứng cỏi trả lời: "Tôi không thể, tôi phải nghĩ tới các chiên của nhà Israel trước". Người đàn bà không tháo lui - một bà mẹ khi xin trợ giúp cho con mình thì không bao giờ tháo lui - chúng ta tất cả đều biết các bà mẹ chiến đấu cho con cải của họ - và bà trả lời: "Cả chó con khi chủ đã no nê cũng cho chúng cái gì đó", như thể bà nói "Ít nhất hãy đối xử với tôi như mộ con chó con!" Khi đó Chúa Giêsu trả lời: "Bà ơi, lòng tin của bà thật lớn lao! Hãy xảy ra cho bà như bà mong ước" (c. 28).

Trước tật bệnh, cả trong gia đình cũng nổi lên các khó khăn, vì sự yếu đuối nhân loại cùa chúng ta. Nhưng nói chung, thời gian bệnh tật làm gia tăng sức mạnh của các dây liên kết gia đình. Và tôi nghĩ tới việc quan trọng phải giáo dục con cái từ nhỏ biết sống tình liên đới trong thời gian bệnh tật. Một nền giáo dục mà che chở chúng khỏi sự nhậy cảm đối với bệnh tật, thì làm cho con tim của chúng khô cằn đi. Phải làm sao để người trẻ đừng bị gây mê đối với nỗi khổ đau của người khác, không có khả năng đối đầu với khổ đau và sống kinh nghiệm sự hạn hẹp.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Biết bao nhiêu lần chúng ta thấy một người đàn ông một phụ nữ đến làm việc với gương mặt mệt mỏi, vói một thái độ mệt mỏi và khi người ta hỏi "Chuyện gì xảy ra vậy?", thì họ trả lời: "Tôi đã chỉ ngủ được có hai giờ, bởi vì ở nhà chúng tôi thay phiên nhau để ở gần cháu bé trai, bé gái, gần người bệnh, gần ông nội ông ngoại, bà nội bà ngoại" Và họ tiếp tục ngày sống với công việc. Những người này là những anh hùng: đó là sự anh hùng của các gia đình! Các anh hùng dấu ẩn đó khiên cho chúng ta mềm lòng và can đảm khi trong nhà có ai đau yếu.

Sự yếu đuối và khổ đau của các tình yêu mến thân thương và thánh thiêng nhất của chúng ta, đối với con cái cháu chắt chúng ta, có thể là một trường học dậy sống. Thật quan trọng giáo dục con cái cháu chắt hiểu sự gần gũi này trong gia đình, khi có người đau yếu - và chúng trở thành như vậy, khi chúng được tháp tùng bởi lời cầu nguyện và sự gần gũi trìu mến và sốt sắng của các người trong gia đình trong những lúc yếu đau. Cộng đoàn kitô biết rõ rằng gia đình không bị bỏ rơi một mình trong thử thách của bệnh tật. Và chúng ta phải cám ơn Chúa vì những kinh nghiệm hay đẹp của tình huynh đệ trợ giúp các gia đình trải qua lúc khó khăn của khổ đau. Sự gần gũi kitô đó, từ gia đình này với gia đình kia, là một kho tàng đích thật cho giáo xứ; một kho tàng của sự khôn ngoan giúp các gia đình trong các thời điểm khó khăn và làm cho người ta hiểu Nước Thiên Chúa hơn biết bao nhiêu điễn văn!

Ðức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ các nưóc Bắc Mỹ và châu Âu, cũng như các nhóm hành hương đến từ Trung Quốc, cộng hòa Dominicana, Argentina, Mêhicô và Brasil.

Ngài xin mọi người đặc biệt nâng đỡ các gia đình với lời cầu nguyện và các công tác cụ thể trợ giúp vật chất và tinh thần cho các gia đình đang phải đương đầu với bệnh tật của người thân. Ngài cũng chào một nhóm tín hữu giáo phận Saint Denis Pháp do Ðức Giám Mục sở tại Pascal Delannoy hưỡng dẫn, cũng như một nhóm người mù trường Carl-Strehl tỉnh Marburg bên Ðức, và các thành viên hiệp hội nam giới công giáo tỉnh Fribourg Thụy Sĩ, các tu huynh tôi tớ Mẹ Maria và các tu sĩ Salesien Hiệp hội thánh Jose de Nazaré bên Angola, các kitô hữu tỵ nạn Nigeria và Ghana. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm mộ hai thánh Tông Ðồ Phêrô Phaolô và hành hương củng cố đức tin của mọi người, và tăng cường tình liên đới đối với những người cần trợ giúp nhất.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn Ðức Thánh Cha nhắc cho mọi người nhớ thứ bẩy 13 tháng 6 năm 2015 là lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Ngài xin Mẹ giúp người trẻ hiểu tầm quan trọng của tình yêu trong sạch, nâng đỡ các người bệnh trong những lúc khó khăn, và trợ lực các đôi tân hôn trên con đường cuộc sống hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page