Ðức Thánh Cha Phanxicô
cử hành Thánh lễ tại Sarajevo
thành phố của đối thoại và chung sống hoà bình
Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Sarajevo, thành phố của đối thoại và chung sống hoà bình.
Sarajevo (WHÐ 08-06-2015) / Radio Vatican - Từ sáng sớm thứ Bảy 06 tháng 06 năm 2015, hàng chục ngàn tín hữu đã chen chúc tại sân vận động Olympic ở Sarajevo để tham dự Thánh lễ do Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành, ngay tại nơi Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô đã chủ sự Thánh lễ vào năm 1997. Trong khi Ðức Thánh Cha Phanxicô còn đang gặp gỡ các giới chức chính quyền, đám đông đã cất tiếng hát chào mừng và hoan hô ngài.
Ðức Thánh Cha tới sân vận động trên một chiếc xe Jeep, dưới bầu trời đầy nắng, và được đám đông vỗ tay nhiệt liệt chào đón. Trong bài giảng Thánh lễ, Ðức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi: "Ðừng bao giờ để xảy ra chiến tranh nữa", và ngài nhắc nhở mọi người: để xây dựng hoà bình, không phải chỉ hô hào mà còn phải tích cực tham gia kiến tạo hoà bình nữa. Ngài đả kích những kẻ, cho tới tận hôm nay, còn "tìm cách gây ra đối nghịch giữa các nền văn hoá và văn minh khác nhau" và cả "những ai đang đầu cơ chiến tranh để buôn bán vũ khí".
"Mir" - nghĩa là "hoà bình" trong ba ngôn ngữ chính thức (Serbe, Croate và Bosniaque) của quốc gia này, không ngừng được nhắc đi nhắc lại trong bài giảng của Ðức Thánh Cha và trong các bài ca của cộng đoàn. Hoà bình - mir mà Ðức giáo hoàng đặt đối nghịch với chiến tranh, đang ở trước mặt một dân tộc đã từng trải qua chiến tranh 20 năm nay.
Sarajevo, nơi đối thoại và chung sống hoà bình
Hoà bình, giấc mơ, dự án của Thiên Chúa về nhân loại, lại gặp phải sự chống đối của con người. Ðức Thánh Cha lấy làm tiếc là đã có bao nhiêu xung đột vũ trang trên thế giới: ngài nói ngài cảm nhận "một bầu khí chiến tranh", một thứ "chiến tranh thế giới lần thứ ba, được xé nhỏ thành nhiều mảnh". Ngài đã lên án những kẻ chủ trương, những kẻ "đầu cơ chiến tranh để buôn bán vũ khí, những kẻ tìm cách tạo sự đối nghịch giữa các nền văn hoá và văn minh khác nhau".
Vậy làm sao để xây dựng hoà bình? Ðức Thánh Cha trả lời: không chỉ hô hào mà phải tham dự tích cực: không phải ngẫu nhiên mà trong Tin Mừng, từ được sử dụng là "người kiến tạo hoà bình" chứ không phải là "người rao giảng hoà bình". Là người kiến tạo hoà bình, cũng đồng thời, và trước hết, là một cách xử sự thường ngày. Và Ðức Thánh Cha trích dẫn thánh Phaolô: "Hãy mặc lấy tâm tình dịu dàng và cảm thông, nhân hậu và khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nại".
Ðức Thánh Cha hy vọng rằng sau "mùa đông lạnh giá, là mùa xuân nở hoa" đối với đất nước này. Quả là những lời gây xúc động đặc biệt đối với những người dân đã phải trải qua cuộc chiến tranh mới 20 năm trước, một cuộc chiến vốn đồng nghĩa với "trại tị nạn", "tản cư bất đắc dĩ", "nhà cửa, đường xá tan hoang" và nhất là "những mạng người mất đi".
Trước một cảnh tượng như thế, Ðức Thánh Cha kêu gọi mọi người hãy "chống lại sự tàn bạo man rợ muốn biến mọi khác biệt thành cơ hội và chiêu bài cho bạo lực ngày càng ác liệt hơn". Ðó cũng là những lời ngài đã nói với các nhà cầm quyền chính trị trước đó. Và cả những lời hy vọng : ngài đã chia sẻ niềm vui được đến thành phố Sarajevo - nay "đã trở lại thành nơi của đối thoại và chung sống hoà bình". Bosnia-Herzegovina có một vai trò quyết định: làm chứng cho châu Âu và thế giới biết rằng "sự hợp tác giữa các sắc tộc và các tôn giáo khác nhau vì lợi ích chung là điều có thể".
Mai Tâm