Lễ Mình Máu Thánh Chúa

mời gọi dấn thân tiếp đón và liên đới

 

Lễ Mình Máu Thánh Chúa mời gọi dấn thân tiếp đón và liên đới.

Ðức Thánh Cha nhắc lại chuyến viếng thăm của ngài tại Sarajevo bên Bosnia Erzegovina, như là người hành hương của hòa bình và niềm hy vọng.

Vatican (Vat. 7-06-2015) - Ước chi Lễ Mình Máu Thánh Chúa luôn linh hứng và nuôi dưỡng nơi từng người chúng ta ước muốn dấn thân cho một xã hội tiếp đón và liên đới hơn, đặc biệt đối với các anh chị em nghèo nàn, đói khát, không có thực phẩm nuôi thân.

Kính thưa quý vị thính giả, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 7 tháng 6 năm 2015. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Hôm nay tại nhiều quốc gia trong đó có Italia, người ta mừng lễ trọng Mình và Máu cực thánh Chúa Kitô, hay theo kiểu nói latinh quen biết nhất là Corpus Domini lễ Mình Chúa.

Phúc Âm giới thiệu trình thuật việc thành lập Thánh Thể, do Chúa Giêsu thành toàn trong Bữa Tiệc Ly, tại Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem. Hôm trước ngày chết cứu độ trên thập giá, Ngài đã thực hiện trước điều Ngài đã nói: "Ta là bánh hằng sống, từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời và bánh Ta sẽ ban là thịt Ta cho sự sống của trần gian... Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy" (Ga 6,14-22). Chúa Giêsu cầm lấy bánh trong tay và nói: "Hãy nhận lấy, này là mình Thầy" (Mc 14,22). Ðức Thánh Cha giải thích lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu như sau:

Với cử chỉ và các lời nói này Chúa ban cho bánh một nhiệm vụ không còn là nhiệm vụ đơn sơ nuôi thân xác nữa, mà là nhiệm vụ khiến cho Con Người của Ngài hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu.

Bữa Tiệc Ly diễn tả điểm tới của toàn cuộc sống Chúa Kitô. Nó không chỉ là việc thực hiện trước hiến tế của Ngài sẽ thành toàn trên thập giá, nhưng cũng là tổng hợp của một cuộc sống hiến dâng cho ơn cứu rỗi của toàn nhân loại. Vì thế khẳng định rằng Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể thì không đủ, mà cần phải trông thấy trong đó sự hiện diện của một cuộc sống cho đi và tham dự vào đó nữa. Khi chúng ta cầm và ăn Bánh ấy, chúng ta được sáp nhập vào sự sống của Chúa Giêsu, chúng ta bước vào sự hiệp thông với Ngài, chúng ta dấn thân hiện thực sự hiệp thông giữa chúng ta, để biến dổi cuộc sống chúng ta thành quà tặng, nhất là cho người nghèo.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ như sau:

Ngày lễ hôm nay gợi lại sứ điệp liên đới đó và thúc đẩy chúng ta tiếp nhận lời mời gọi thân tình hoán cải và phục vụ, yêu thương và tha thứ. Nó khích lệ chúng ta bắt chước điều chúng ta cử hành trong phụng vụ với cuộc sống. Chúa Kitô dưỡng nuôi chúng ta dưới hình bánh và rượu cũng chính là Chúa Kitô đến gặp gỡ chúng ta trong các biến cố thường ngày; Ngài ở trong người nghèo mà chúng ta giang tay cho, trong người đau khổ van nài sự trợ giúp, trong người anh em xin sự sẵn sàng của chúng ta và chờ đợi sự tiếp đón của chúng ta. Ngài ở trong em bé không biết gì về Chúa Giêsu, về ơn cứu rỗi, không có đức tin. Ngài ở trong mọi người, cả nơi người bé nhỏ và không được bênh đỡ nhất.

Thánh Thể, suối nguồn tình yêu của cuộc sống giáo hội là trường học của tình bác ái và liên đới. Ai nuôi mình bằng Bánh của Chúa Kitô thì không thể thờ ơ trước biết bao người không có bánh ăn hằng ngày. Và ngày nay chúng ta biết đây là một vấn đề ngày càng trầm trọng hơn.

Ước chi lễ Mình Chúa Kitô luôn ngày càng linh hứng và nuôi dưỡng ước muốn và dấn thân cho một xã hội tiếp đón và liên đới hơn. Chúng ta hãy đặt để các cầu chúc này trong con tim của Trinh Nữ Maria, Phụ Nữ của Thánh Thể. Xin Mẹ dấy lên trong tất cả chúng ta niềm vui tham dự vào Thánh Lễ, đặc biệt trong ngày Chúa Nhật, và lòng can đảm tươi vui làm chứng cho tình bác ái vô cùng của Chúa Kitô.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Ðức Thánh Cha đã cám ơn tín hữu giăng băng rôn chào mừng ngài từ Sarajevo trở về. Ngài nhắc lại chuyến viếng thăm của ngài tại Sarajevo bên Bosnia Erzegovina, như là người hành hương của hòa bình và niềm hy vọng. Ngài nói: Trong nhiều thế kỷ vùng đất này đã là nơi sinh sống giữa các dân tộc và các tôn giáo, đến độ nó được gọi là "Giêrusalem của tây phương". Trong quá khứ mới đây, nó đã trở thành biểu tượng các tàn phá của chiến tranh. Giờ đây đang có một tiến trình hòa giải và nhất là chính vì thế mà tôi đã đi để khích lệ con đường chung sống hòa bình này giữa các dân tộc khác nhau. Nó là một con đường mệt nhọc, khó khăn, nhưng có thể. Họ đang làm tốt điều này.

Tôi xin lập lại lòng biết ơn của tôi đối với các giới chức chính quyền và toàn dân thành phố vì sự tiếp đón nồng hậu. Tôi xin cám ơn cộng đoàn công giáo, mà tôi đã muốn đem lòng trìu mến của Giáo Hội hoàn vũ đến cho. Và tôi cũng xin đặc biệt cám ơn tất cả mội tín hữu: chính thống, hồi giáo, do thái và các người thuộc các tôn giáo khác.

Tôi đánh giá cao dấn thân cộng tác và liên dới giữa các người thuộc các tôn giáo khác nhau, và thúc đẩy họ tiếp tục công trình tái thiết tinh thần và luân lý của xã hội. Họ làm việc với nhau như anh em. Xin Chúa chúc lành cho Sarajevo và Bosnia Erzegovina.

Thứ sáu tới đây là lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta hãy nghĩ tới tình yêu của Ngài, Ngài đã yêu thương chúng ta như thế nào! Trong tim Ngài là tất cả tình yêu ấy. Thứ sáu tới cũng là Ngày thế giới chống tệ nạn trẻ em lao động. Có biết bao nhiêu trẻ em trên thế giới không được tự do vui chơi, đến trường học và kết cục bị khai thác bóc lột như nhân công. Tôi cầu mong cộng đồng thế giới mau chóng dấn thân để thăng tiến việc thực sự thừa nhận các quyền của trẻ em.

Ðức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu đến từ khắp nơi trong nước Italia cũng như các nước khác, đặt biệt là từ Madrid, Brasilia và Curitiba. Ngài chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và xin mọi người nhớ cầu nguyện cho ngài.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page