70 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ

với Ðức Thánh Cha tại Sarajevo

 

70 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ với Ðức Thánh Cha tại Sarajevo.

Sarajevo (Vat. 6-06-2015) - 70 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ do Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại thủ đô Sarajevo của Bosni Erzegovine sáng ngày 6 tháng 6 năm 2015.


70 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ do Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại thủ đô Sarajevo của Bosni Erzegovine sáng ngày 6 tháng 6 năm 2015.


Thánh lễ này là sinh hoạt thứ 2 của ngài trong cuộc viếng thăm từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối thứ bẩy, 6 tháng 6 năm 2015 tại Cộng hòa Bosni Erzegovine.

Sân vận động Kosevo, nơi Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ là nơi đã diễn ra thế vận hội Olimpic mùa đông năm 1984. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã từng dâng thánh lễ tại đây trong cuộc viếng thăm của ngài hồi tháng 4 năm 1997.

Khi từ Phủ Tổng thống Bosni đến nơi, Ðức Thánh Cha đã dành 20 phút tiến qua các lối đi ở thao trường để chào thăm 70 ngàn tín hữu chờ đợi tại đây. Họ đến từ các nơi ở Bosni Erzegovine nhưng còn từ các nước láng giềng, và cả những nước xa xăm như Trung Quốc và Ucraina.

Chủ đề được chọn cho thánh lễ là "Bình an cho các con!". Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có khoảng 30 Giám Mục, đứng đầu là Ðức Hồng Y Puljic Tổng Giám Mục sở tại, Ðức Hồng Y Josip Bozanic, Tổng Giám Mục giáo phận Zagreb, các Giám Mục đến từ Cộng hòa Croát, Macedonia, Serbia, ngoài ra có hơn 1 ngàn Linh Mục đồng tế. Phần thánh ca do một ca đoàn 1,700 ca viên đảm trách.

Vì đa số tín hữu hiện diện là người Croát nên thánh lễ được cử hành bằng tiếng này, nhưng ÐTC đọc các lời nguyện bằng tiếng la tinh.

Bài giảng của Ðức Thánh Cha

Bài giảng của ngài bằng tiếng Ý xen lẫn các đoạn dịch bằng tiếng Croát. Ngài khẳng định rằng hòa bình là một dự phóng của Thiên Chúa cho nhân loại, nhưng dự phóng này luôn gặp sự chống đối từ phía con người và ma quỉ. Cả ngày nay, khát vọng hòa bình và sự dấn thân xây dựng hòa bình đụng độ với sự kiện trên thế giới có nhiều cuộc xung đột võ trang đang diễn ra. Ðó là một thứ thế chiến thứ 3 diễn ra từng mảnh, và trong bối cảnh thông tin hoàn vũ, người ta nhận thấy có bầu không khí chiến tranh. Ðức Thánh Cha tố giác rằng:

"Có những người muốn tạo ra bầu không khí chiến tranh ấy và cố tình nuôi dưỡng nó, đặc biệt những kẻ tìm kiếm sự đụng độ giữa các nền văn hóa và văn minh, và có cả những kẻ đầu cơ chiến tranh để bán võ khí. Nhưng chiến tranh có nghĩa là trẻ em, phụ nữ và người già ở trong các trại tị nạn; có nghĩa là bó buộc phải di tản; có nghĩa là nhà cửa, đường xá, công xưởng bị tàn phá; nhất là chiến tranh có nghĩa là bao nhiêu sinh mạng bị tàn hại. Anh chị em biết rõ điều đó, vì anh chị em đã cảm nghiệm nó tại đây: bao nhiêu đau khổ, tàn phá, đau nhiêu đau thương! Anh chị em thân mến, ngày nay một lần nữa từ thành phố này, tiếng kêu của dân Chúa và mọi người nam nữ thiện chí được gióng lên: không bao giờ chiến tranh nữa!

Ðức Thánh Cha nhận xét rằng "giữa bầu không khí chiến tranh ấy, có một tia sáng mặt trời chiếu qua các đám mây, vang vọng lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm: "Phúc cho những người xây dựng hòa bình" (Mt 5.9). Ðó là lời kêu gọi rất thời sự, có giá trị đối với mọi thế hệ. Chúa không nói: "Phúc cho những người rao giảng hòa bình": tất cả đều có khả năng công bố hòa bình, kể cả theo cách thức giả hình hoặc dối trá. Nhưng Chúa nói: "Phúc cho những người xây dựng hòa bình", nghĩa là những người thực thi hòa bình. Kiến tạo hòa bình là một công việc thủ công, nó đòi phải có sự say mê, kiên nhẫn, kinh nghiệm, kiên trì. Phúc cho những người gieo vãi hòa bình bằng những hành động thường nhật, bằng những thái độ và cử chỉ phục vụ, huynh đệ, đối thoại, từ bi.. Những người ấy sẽ được gọi là con Thiên Chúa, vì Thiên Chúa gieo vãi hòa bình, luôn luôn và ở mọi nơi; khi thời gian viên mãn, Ngài đã gieo Con của Ngài trong trần thế, để chúng ta được an bình! Kiến tạo hòa bình là một công việc cần phải thực hiện mỗi ngày, từng bước một, không bao giờ mệt mỏi".

Ðức Thánh Cha đặt câu hỏi: "Nhưng làm thế nào để kiến tạo hòa bình? Ngôn sứ Isaia đã nhắc nhở chúng ta một cách ngắn gọn: "Thực thi công lý sẽ mang lại hòa bình" (32,17). "Opus justitiae pax", theo bản Kinh Thánh Phổ Thông (Vulgata), trở thành khẩu hiệu thời danh đã được Ðức Giáo Hoàng Piô 12 đón nhận. Hòa bình là công trình của công lý. Ở đây cũng vậy, đó không phải là thứ công lý được công bố, lý thuyết hóa, kế hoạch hóa.. nhưng là thứ công lý thực hành, được sống thực. Và Tân Ước dạy chúng ta rằng sự thực thi trọn vẹn công lý chính là yêu tha nhân như chính mình. (Mt 22,39; Rm 13,9).

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Khi chúng ta theo giới răn này, với ơn Chúa, thì bao nhiêu điều sẽ thay đổi! Vì chúng ta thay đổi chính mình! Những người, những dân tộc mà trước đây tôi coi như kẻ thù, trong thực tế họ có cùng khuôn mặt của tôi, cùng trái tim, cùng linh hồn như tôi. Chúng ta có cùng Cha trên trời. Khi ấy công lý đích thực chính là làm cho người ấy, cho dân tộc ấy, điều mà tôi muốn được làm cho tôi, cho dân tộc tôi (Xc Mt 7,12).

"Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai chúng ta vừa nghe, đã chỉ cho chúng ta những thái độ cần thiết để thực thi hòa bình. Thánh nhân viết: "Anh chị em hãy mặc lấy những tâm tình dịu dàng, nhân lành, khiêm tốn, hiền từ, đại đảm, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau, nếu ai có điều than phiền về người khác. Như Chúa đã tha thứ cho anh chị em, anh chị em cũng hãy làm như vậy" (3,12-13).

Sau thánh lễ, Ðức Thánh Cha đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa với 6 Giám Mục của 4 giáo phận tại Bosni và các vị thuộc đoàn tùy tùng.

Ban chiều ngài gặp các Linh Mục, tu sĩ, chủng sinh ở Nhà thờ chính tòa Sarajevo, rồi gặp các vị lãnh đạo tôn giáo tại Học viện quốc tế của dòng Phanxicô cách Nhà thờ chính tòa Sarajevo, sau cùng cuộc gặp gỡ giới trẻ Bosni tại Trung tâm giới trẻ "Gioan Phaolô 2" của giáo phận vào lúc 6 giờ rưỡi chiều. Sau đó, Ðức Thánh Cha ra phi trường để đáp máy bay trở về Roma.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page