Kỷ niệm 70 năm thành lập UNESCO
Toà Thánh và UNESCO tiếp tục phát triển sự hợp tác
Hướng
đến kỷ niệm 70 năm thành lập UNESCO: Toà Thánh và UNESCO
tiếp tục phát triển sự hợp tác.
Ðức Gioan Phaolô II đọc bài diễn văn tại trụ sở UNESCO cách nay đúng 35 năm (ngày 02 tháng 06 năm 1980). |
Roma (WHÐ 02-06-2015) - Năm 2015, UNESCO mừng 70 năm thành lập. UNESCO, tức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc, được thành lập ngày 16 tháng Mười Một năm 1945, trong bối cảnh châu Âu và các quốc gia khác vừa bước ra từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai với những khó khăn chồng chất. Ðược thành lập nhằm phát triển sự liên đới của nhân loại về tri thức và đạo đức, UNESCO nói lên tầm quan trọng của giáo dục nhằm phát triển xã hội, đối thoại, gặp gỡ và hoà bình. Lời mở đầu bản Hiến chương thành lập tổ chức này nêu rõ: "Chiến tranh phát sinh trong tâm thức con người, nên phải trau dồi cho tâm thức việc bảo vệ hoà bình".
Toà Thánh mong muốn được cùng UNESCO mừng ngày kỷ niệm này. Vào thứ Tư 3 tháng Sáu năm 2015, tại trụ sở của UNESCO ở Paris, Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại Liên hiệp quốc và Bộ Giáo dục Công giáo tổ chức cuộc hội thảo mang tên "Giáo dục hôm nay và ngày mai". Cuộc hội thảo được đặt dưới sự chủ tọa của bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO. Ðức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, sẽ phát biểu tại cuộc hội thảo, một dấu chỉ cho thấy Toà Thánh rất coi trọng việc giáo dục. Trong bài diễn văn đáng nhớ tại trụ sở UNESCO cách nay đúng 35 năm (ngày 02 tháng 06 năm 1980, Ðức Gioan Phaolô II đã nêu rõ, sở dĩ đất nước Ba Lan của ngài vẫn giữ được bản sắc dân tộc trước những cuộc xâm lăng của các nước láng giềng, không phải nhờ nguồn sức mạnh vật chất, mà dựa vào nền văn hoá của mình, một chỗ dựa vững chắc hơn mọi nguồn lực khác.
UNESCO đã góp phần tái thiết các trường học, thư viện, viện bảo tàng bị phá hủy trong Thế chiến II, cổ võ cuộc đấu tranh chống mù chữ và tình trạng làm nghèo sự đa dạng sinh học. UNESCO đấu tranh cho sự phát triển bền vững và tính đa dạng về văn hoá. Tổ chức này đấu tranh cho tự do ngôn luận và quyền được thông tin của các công dân, lập ra chương trình Di sản thế giới để bảo vệ các di tích có giá trị toàn cầu. Tin rằng giáo dục phải được ưu tiên tuyệt đối, UNESCO tiếp tục ủng hộ công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng xã hội của tri thức và mở mang hiểu biết tin học.
(Theo Radio Vatican)
Thành Thi