Giới khoa học đang chờ mong
thông điệp môi sinh của Ðức Phanxicô
Giới khoa học đang chờ mong thông điệp môi sinh của Ðức Phanxicô.
Roma (VietCatholic News 31-05-2015) - Theo tin Zenit ngày 31 tháng Năm năm 2015, Giám Ðốc Nhà Xuất Bản Vatican, cha Giuseppe Costa, cho biết: thông điệp về môi sinh của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được công bố vào giữa tháng Sáu năm 2015, tựa đề là "Laudato Sii" nghĩa là "Ngợi Khen Ngài", lấy từ "Ca Khúc Mặt Trời" của Thánh Phanxicô Assisi, một bài ca được Thánh Nhân sáng tác năm 1224.
Cha Costa cho biết thêm: thông điệp sắp được công bố đang lôi kéo được nhiều chú ý quốc tế. Nhiều nhà xuất bản trên thế giới rất muốn được ấn hành văn kiện này tại đất nước họ.
Nhận định trên phù hợp với nhận định của Seth Borenstein, thuộc Associated Press. Ký giả này thuật lại nhận định của Veerabhadran Ramanathan, một khoa học gia về khí hậu thuộc Hải Học Viện Scripps, người từng thuyết trình cho Ðức Phanxicô về việc thay đổi khí hậu. Theo khoa học gia này, các khoa học gia nói chung, từ trước tới nay, đã thất bại không giúp thế giới hiểu được mối nguy về tinh thần do hiện tượng con người làm nóng bầu khí gây ra. Nhưng nay, ngay cả các khoa học gia ít khi lưu ý tới tôn giáo cũng đang chờ mong được nghe các tuyên bố của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô.
Trong một bài gửi đi ngày 28 tháng Năm năm 2015, ký giả Borenstein cho hay: từ Galileo tới di truyền học, Giáo Hội Công Giáo vốn đã khiêu vũ với khoa học, có lúc trong một điệu tango căng thẳng cao độ, nhưng thông thường hơn, trong một điệu waltz hỗ trợ. Và Ðức Phanxicô sắp sửa tạo ra một khúc quanh mới: việc hâm nóng hoàn cầu.
Ai cũng biết lãnh vực di truyền học đã được một giáo sĩ Công Giáo, Gregor Mendel, khởi sự. Toàn bộ các khía cạnh của khoa thiên văn, kể cả việc khai sinh ra lý thuyết Big Bang, cũng đã do thành viên của hàng giáo sĩ Công Giáo khởi đầu. Trong khi nhiều tôn giáo bác bỏ ý niệm biến hóa, thì Ðạo Công Giáo, từ 65 năm qua, vẫn đã dạy rằng ý niệm này không mâu thuẫn với trình thuật sáng thế.
Ấy thế nhưng, theo Borenstein, khi người bình dân nghĩ tới Giáo Hội và khoa học, họ thường chỉ nghĩ tới việc kết án Galileo Galilei. Ông bị Giáo Hội lên án là lạc giáo vì đã cho rằng trái đấy xoay quanh mặt trời, chứ không phải ngược lại.
Viết tiểu sử Galileo, nhà sử học về khoa học là John Heilbron, giáo sư hưu trí của Ðại Học Berkeley ở California, cho rằng: Giáo Hội Công Giáo "vốn có một mối tương quan thất thường và không luôn luôn tương đắc với khoa học". Nhưng sau khi liệt kê một số tiến bộ khoa học được Giáo Hội bảo trợ, ông viết: "có lẽ, xét một cách cân bằng, việc Giáo Hội Công Giáo trao đổi với điều ta vẫn gọi là khoa học khá tốt đẹp".
Giáo Hội Công Giáo hiện nay dạy rằng khoa học và đức tin không mâu thuẫn với nhau, thậm chí còn làm việc với nhau một cách tốt đẹp. Sau khi lạnh nhạt chống đối lý thuyết biến hóa ở cuối thế kỷ thứ 19, Giáo Hội đã ủng hộ lãnh vực khoa học này trong khi nhiều tín ngưỡng khác không nhìn nhận nó. Tuy vẫn còn những va chạm về đạo đức đối với một số thực hành khoa học và y khoa, như phá thai và sử dụng tế bào gốc từ phôi thai để nghiên cứu, nhưng phần lớn là va chạm về luân lý tính hơn là về chính thực tại của khoa học.
Tháng Mười năm 2014, khi nhắc lại các nhận định của các vị tiền nhiệm, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô từng cho rằng "Lý thuyết Big Bang, mà hiện nay được định đề như là nguồn gốc của vũ trụ, không mâu thuẫn với hành vi sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng đúng hơn đòi hỏi hành vi này. Việc biến hóa của thiên nhiên không đối nghịch với ý niệm sáng tạo, vì biến hóa giả thuyết phải có việc tạo ra các hữu thể biến hóa".
Với bối cảnh lịch sử phức tạp ấy, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, trước đây vốn là một nhà hóa học, sắp sửa cho công bố văn kiện có thẩm quyền của Giáo Hội, nhằm biện minh về luân lý cho cuộc chiến đấu chống lại việc hâm nóng hoàn cầu, nhất là để phục vụ hàng tỷ người nghèo khổ nhất của thế giới.
Khoa học gia Veerabhadran Ramanathan thì cho rằng "Khoa học và tôn giáo không hoà nhập, nhưng môi sinh là một ngoại lệ trong đó khoa học và tôn giáo cùng nói về một sự việc. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã tìm ra một cơ sở chung".
Nhưng cách nay 382 năm, Giáo Hội thấy ít có cơ sở chung với Galileo. Thầy Guy Consolmagno, nhà thiên văn và là chủ tịch của Qũy Ðài Thiên Văn Vatican ở Arizona, cho hay: "Mọi điều bạn biết (về Galileo) đều sai, nhưng chẳng may sự thật không làm cho Giáo Hội có dáng vẻ gì tốt đẹp hơn".
Galileo bị giam tại gia mãn đời sau khi ông tiếp tục cho công bố các công trình chứng minh trái đất xoay quanh mặt trời, bất chấp các cảnh cáo của Ðức Giáo Hoàng và của Tòa Trừng Giới (Inquisition). Tuy nhiên, cả Heilbron lẫn Ron Numbers, nhà sử học về khoa học của Ðại Học Wisconsin, đều nói rằng đây không hẳn chỉ là một vấn đề thần học.
Vì một phần, nó là vấn đề tranh chấp nhân cách giữa Galileo và Ðức Giáo Hoàng Urbanô thứ Tám, trước đây vốn là bằng hữu của nhau. Theo Heilbron, Ðức Urbanô cảm thấy mình bị nhà thiên văn phản bội vì Galileo từng hứa sẽ thêm, trong phần ghi chú của ông, lý chứng triết học của ngài để phản bác công trình của Galileo. Nhưng nhà thiên văn này đã không giữ lời hứa của mình. Và đây cũng là một vấn đề địa chính trị nữa, vì lúc ấy Giáo Hội đang cố gắng chống lại Phong Trào Cải Cách Thệ Phản, không muốn tỏ cho người khác thấy có sự bất đồng trong nội bộ.
Galileo không bị giam tù. Theo Numbers, trong cuốn Galileo Vào Nhà Tù và Các Huyền Thoại Khác về Khoa Học và Tôn Giáo, "Ông được Tòa Ðại Sứ Tuscan cung cấp thực phẩm chứ không phải dùng thực phẩm của Tòa Trừng Giới".
Cũng theo Numbers, vốn là cháu của vị chủ tịch Giáo Hội Ngày Thứ Bẩy Phục Lâm (Adventist), cái quá khứ trên hầu như đã lui vào bóng tối, nhưng tới giữa thế kỷ thứ 19, tại Hoa Kỳ, một vài cuốn sách về sự tranh chấp giữa tôn giáo và khoa học đã trích dẫn trường hợp Galileo mục đích để bôi lọ Giáo Hội Công Giáo.
Ngày nay, một số chính khách và nhiều người khác bác bỏ nền khoa học chính dòng về khí hậu, như Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, Cộng Hoà Texas, tự so sánh mình với Galileo vì họ bị các khoa học gia phản đối. Nhưng trên thực tế, theo Naomi Oreskes, nhà sử học về khoa học của Ðại Học Harvard, Galielo bị bách hại vì bênh vực khoa học, chứ không bác bỏ nó.
Borenstein cho rằng hàng thế kỷ trước và sau Galileo, Giáo Hội Công Giáo là người ủng hộ chính của thiên văn học, thường sử dụng các đỉnh nhà thờ để nghiên cứu bầu trời. Linh mục Jose Funes, giám đốc Ðài Thiên Văn Vatican ở Ý, nói rằng "Giáo Hội đã cổ vũ khoa học bằng nhiều cách. Nhờ Galileo, chúng ta đang ở đây. Nhờ Giáo Hội Công Giáo, Galileo đã hiện hữu vì ông là người Công Giáo, một người Công Giáo tốt".
Theo Thầy Consolmagno, người đi tiên phong của khoa thiên văn mặt trời, Angelo Secchi, vốn là một linh mục người Ý. Ngài đã quan sát mặt trời và các hành tinh bằng một viễn vọng kính đặt trên mái một nhà thờ. Người khám phá ra lý thuyết Big Bang, Georges Lemaitre, vốn là một linh mục người Bỉ. Ðức Giáo Hoàng Piô XII, lúc ấy, không bác bỏ lý thuyết Big Bang, nhưng muốn thích ứng nó làm bằng chứng cho thấy công trình của Thiên Chúa.
Vatican thậm chí còn có một hàn lâm viện khoa học. Werner Arber, chủ tịch hàn lâm viện này và là nhà vi trùng học được giải thưởng Nobel, cho hay: "trên nguyên tắc, công việc của chúng tôi là theo dõi xít xao sự phát triển của khoa học rồi thông báo cho Vatican hay các phát triển mới, trong những dịp đặc biệt". Ông vốn là một người Thệ Phản. Các thành viên của hàn lâm viện bao gồm nhiều người không phải là Công Giáo, như Ramanathan, và thậm chí cả nhà vô thần Stephen Hawking nữa.
Ðối với Thầy Consolmagno, nhà thiên văn và là một tu sĩ, điều trên không có gì là quan trọng cả: "Nếu bạn tin sự thật, bạn vẫn đang thờ phượng cùng một Thiên Chúa như tôi".
Vũ Van An