Ngày đại học công giáo lần thứ 91
Giới trẻ là môi trường
rao truyền Tin Mừng của Giáo Hội
Ngày đại học công giáo lần thứ 91. Giới trẻ là môi trường rao truyền Tin Mừng của Giáo Hội.
Roma ((RG 19-04-2015; Vat. 28-04-2015) - Một số nhận xét của Linh Mục Davide Sironi, dòng Anh em Phanxicô hèn mọn, tuyên uý Ðại học công giáo Thánh Tâm.
19 tháng 4 năm 2015 là Ngày đại học công giáo lần thứ 91 về đề tài "Giới trẻ, các vùng ngoại biên ở trung tâm". Trong sứ điệp gửi ngày này do Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin ký, Ðức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng "Việc đầu tư giáo dục là phương thuốc tốt nhất chống lại cảnh người trẻ bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. mà vài năng động xã hội xấu xa xem ra muốn kết án họ. Ước chi đại học công giáo có thể tiếp tục ở bên cạnh giới trẻ, nhất là bằng cách trợ giúp các người trẻ xứng đáng nhưng có ít khả thể". Ðức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng cảnh thất nghiệp cũng ngăn chặn việc hiện thực các khát vọng chính đáng trong lãnh vực nghề nghiệp cũng như trong việc thành lập một gia đình. Và như thế người trẻ có nguy cơ ngày càng bị gạt ra ngoài lề trong hệ thống xã hội với các hậu qủa nghiêm trọng đối với cuộc sống và tương lai của tất cả cộng đoàn. Chính vì thế giới trẻ cần phải trở lại trung tâm sự chú ý và là các tác nhân của cuộc sống xã hội. Sứ điệp của Ðức Thánh Cha cũng nêu bật sự dấn thân của Giáo Hội trong việc yểm trợ sự hăng say tích cực hiện hữu nơi người trẻ, và trong viễn tượng này thật là đáng ghi nhận phần đóng góp của Ðại học công giáo. Khi lãnh nhận được một nền giáo dục luân lý và văn hóa cao, người trẻ sẽ có thể tìm được trở lại các lý do đích thực của niềm hy vọng cho tương lai của họ, và sẽ có thể góp phần loại bỏ các lý do đã xác định việc thành hình của biết bao nhiêu vùng ngọai biên vật chất và hiện sinh của thời đại chúng ta ngày nay.
Ngày Ðại học công giáo đã bắt đầu được cử hành từ năm 1924 nhằm mục đích thăng tiến nền giáo dục theo tinh thần và tôn chỉ của Giáo Hội công giáo, muốn cống hiến cho người trẻ một nền giáo dục phát huy con người toàn diện dựa trên các giá trị Tin Mừng. Trong một giai đoạn như hiện nay sự hiện diện của Ðại học công giáo ngày càng trở nên quan trọng như là nơi ươm trồng nền văn hóa và các giá trị có thể trở thành trung tâm cho sức lớn mạnh của tương lai và đất nước Italia.
Trong sứ điệp gửi Ngày đại học công giáo lần thứ 91 ông Franco Anelli, viện trưởng Ðại học công giáo Thánh Tâm trích dẫn thống kê "Tường trình giới trẻ" của Học Viện Toniolo cho biết 85% trên 5,000 người trẻ tuổi từ 19 tới 32 được phỏng vấn nhận thấy Italia là nơi ít cống hiến khả thể có công ăn việc làm cho người trẻ theo các khả năng chuyên môn của họ, hay có cung cấp công ăn việc làm nhưng rất giới hạn. Ðây là một sự kiện báo động, vì nó sẽ gây ra hiện tượng mất chất xám, do ngưởi trẻ bỏ nước ra đi, khiên cho đất nước Italia mất đi nhân lực và tài nguyên trí thức và các chuyên viên của mình. Từ gần một thế kỷ qua Ðại học công giáo đã luôn luôn dấn thân và canh tân nỗ lực vun trồng các nén bạc của các thế hệ mới, canh tân việc tiếp đón và giáo dục sinh viên qua việc cập nhật các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong viễn tượng này đại học liên tục suy tư và cống hiến các chương trình tiến sĩ và cử nhân, gia tăng liên lạc với thế giới kinh doanh, nghề nghiệp và hành chánh công cộng, cũng như củng cố các liên hệ quốc tế, qua đó gia tăng các khả thể nghiên cứu, đào tạo và làm việc thiện nguyện tại nước ngoài. Tuy tình hình kinh tế không thuận lợi nhưng năm 2014 đại học đã cấp 864 học bổng cho các sinh viên xuất sắc. Ðại học công giáo Thánh Tâm cảm thấy mình có trách nhiệm đồng hành với các sinh viên, và qua việc đào tạo vững chãi được nâng đỡ bởi các nguyên tắc luân lý và tinh thần, không chỉ nhắm tới các khả năng chuyên môn nhưng cũng tham dự vào nỗ lực tập thể, tránh không rơi vào một nền kinh tế của sự loại trừ và gian ác. Sứ mệnh giáo dục này được liên tục nuôi dưỡng và khích lệ bởi tương quan sâu đậm và sinh động với Giáo Hội, và dặc biệt với các Giáo Hội địa phương và từng giáo dân. Mọi đóng gớp giúp Ðại học công giáo đạt được các mục tiêu này đều rất quý báu và đáng trân trọng. Trợ giúp Ðại học công giáo có phương tiện theo đuổi lý tưởng giáo dục đào tạo giới trẻ theo tinh thần kitô là trợ giúp cuộc tái sinh của toàn nước Italia, vì các sinh viên sẽ là các tác nhân chính của một thuyết nhân bản mới và một xã hội mới bình đẳng và công bằng hơn.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận xét của Linh Mục Davide Sironi, dòng Anh em Phanxicô hèn mọn, tuyên uý Ðại học công giáo Thánh Tâm.
Hỏi: Thưa cha Sironi, mục đích của Ðại học công giáo là cống hiến cho các bạn trẻ một nền đào tạo văn hóa vun trồng liên minh giữa lý trí và đức tin một cách khôn ngoan, có đúng thế không?
Ðáp: Vâng, đó là một thách đố nảy sinh từ vị sáng lập đại học là cha Agostino Gemelli, con người của lý trí và của khoa học, và cũng là con người của đức tin. Thật thế, dự án của ngài đã chính là điều này: duy trì hai chiều kích nền tảng này của con người với nhau. Tôi tin rằng sẽ không có một sự hiểu biết mà không có một lòng tin tưởng nơi người khác, nơi một ai đó cống hiến cho tôi một viễn tượng mới, khiến cho tôi di chuyển khỏi các lập trường, các an ninh các xác tín của chính tôi. Tôi tin rằng học hiểu cũng có nghĩa là tin tưởng và tín thác. Như vậy, tôi nhìn đức tin như là một sụ tin cậy nơi Ðấng Khác, nơi Chúa, là Ðấng làm nở lớn chân trời hiểu biết của tôi. Liên minh giữa lý trí và đức tin vì thế cần thiết để có một sự lớn lên toàn vẹn của con người. Cha Agostino Gemelli không chú ý một cách đơn sơ đến việc đào tạo các nhà khoa học, mà đào tạo các bản vị con người.
Hỏi: Kinh nghiệm là tuyên úy Ðại học công giáo đã đem lại cho cha những gì trong việc tiếp xúc thường ngày với người trẻ, cũng như với niềm hy vọng và các thất vọng của họ?
Ðáp: Tôi tin rằng các người trẻ ngày nay cần được gặp gỡ trong nơi họ sinh sống, họ cần được trông thấy. Họ có ước mong được người khác trông thấy. Họ ước mong được người khác chú ý, và nhất là họ hy vọng có một cuộc sống đích thực, cho phép họ diễn tả các tiềm năng của họ, các tài khéo của họ. Là ngưới lớn trước hết chúng ta phải là các chứng nhân tốt cho các giá trị không gây thất vọng và đâm rễ sâu trong kinh nghiệm tin mừng.
Hỏi: Và đây chính là điều mà giới trẻ tìm kiếm trong các phòng của đại học, gặp gỡ với sự thật mà không phải chỉ là sự thật khoa học mà thôi, có đúng không thưa cha?
Ðáp: Ðúng thế. Tôi tin là như vậy. Giới trẻ kiếm tìm một đụng chạm, một liên hệ., một nền nhân bản. Xem ra người trẻ ngày nay bị cám dỗ khép kín trong một thực tại ảo, vì họ thường xuyên tiếp xúc với hệ thống liên mạng internet, các tổ chức mạng xã hội, và có nguy cơ là đôi khi họ sống trong một loại thực tại ảo. Trái lại, tôi tin rằng họ cần một thực tại cụ thể đi qua việc tiếp xúc với người khác, có thể nhìn vào mắt người khác, biết rằng người khác có ở đó cho tôi. Tôi tin rằng chúng ta đã đi tới một xã hội " đã biến thành hơi ", đang bốc hơi, trở thành khí ê te, trong khi các người rẻ ngày nay cần được đem trở lại một kinh nghiệm cụ thể, vững chãi. Cũng thật là cần thiết trong các phòng lớp đại học người ta lại cống hiến trở lại sự cụ thể này của cuộc sống, một sự hiểu biết ảnh hưởng trên cuộc sống của mỗi sinh viên, trao ban cho họ các câu trả lời, trước hết là các câu trả lời cho các vấn nạn nền tảng mà người trẻ có trong tim.
Hỏi: Cha cầu mong gì cho Ngày đại học công giáo lần thứ 91 này ?
Ðáp: Tôi muốn rằng ngưởi ta trả lại cho giới trẻ các nơi đích thực, các nơi gặp gỡ. Ðại học Công giáo là một nơi rộng mở không chỉ cho trí tuệ, mà cũng rộng mở cho con tim của người trẻ nữa. Tôi nhớ rằng tên trọn ven của đại học là " Ðại học công giáo Thánh Tâm ", quy chiếu về hình ảnh Trái Tim của Chúa Giêsu. Tuy nhiên cũng thật là đẹp khi nghĩ rằng mỗi một sinh viên bưóc vào Ðại học này cần có một con tim được đạo tạo vun xới, lắng nghe. Và đại học Công giáo muốn làm cho con tim của các sinh viên lớn lên để con tim của họ cũng là " một con tim thánh thiện "
(RG 19-4-2015)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)