Cáo phó:

Ðức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

nguyên Giám đốc chương trình Ðài Chân Lý Á Châu

(Radio Veritas Asia)

được Chúa gọi về vào lúc 2 giờ 30

sáng Thứ Ba, ngày 21 tháng 4 năm 2015

Hưởng thọ 68 tuổi

 

 

Tòa Giám Mục Vĩnh Long

103 đường 3 tháng 2

Vĩnh Long, Việt Nam

 

"Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,25)

 

Cáo Phó

 

Tòa Giám Mục Vĩnh Long

trân trọng báo tin:

Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

(1947 - 2015)

Nguyên Giám Ðốc Chương Trình

Ðài Chân Lý Á Châu

- Sinh ngày 17-12-1947 tại Tập Ngãi - Rạch Lọp, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, thuộc Họ Ðạo Rạch Lọp, Giáo Phận Vĩnh Long.

- Vào Tiểu Chủng viện Vĩnh Long năm 1958.

- Từ năm 1965 đến năm 1973: học Triết và Thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X Ðà Lạt và tốt nghiệp tại học viện này với văn bằng Cử Nhân Thần Học.

- Ngày 19-12-1973: thụ phong Linh Mục tại Nhà Thờ Rạch Lọp.

-Từ năm 1974: Du học tại Ðại Học Truyền Giáo - Roma và tốt nghiệp với văn bằng Tiến Sĩ Triết Học.

- Từ năm 1978 đến nay: phục vụ tại Ðài Chân Lý Á Châu, Manila, Philippines

- Ðược Chúa gọi về vào lúc 2 giờ 30 sáng Thứ Ba, ngày 21 tháng 4 năm 2015, Hưởng thọ 68 tuổi

- Nghi thức tẩm liệm vào lúc 15g00, Thứ Ba ngày 21 tháng 4 năm 2015 tại Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Giáo Phận Vĩnh Long.

- Linh cửu Ðức Ông Phêrô được quàn tại Nhà thờ Chính Toà Vĩnh Long,

- Thánh lễ An táng cử hành tại Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long vào lúc 10g00 sáng Thứ Sáu ngày 24 tháng 4 năm 2015.

Sau Thánh Lễ An Táng linh cữu Ðức Ông Phêrô được đưa về Nhà thờ Rạch Lọp. Ngài sẽ an nghỉ nơi phần mộ các Linh Mục trong khuôn viên nhà thờ Rạch Lọp - Giáo Phận Vĩnh Long.

Xin hiệp ý cầu nguyện cho Linh hồn Ðức Ông Phêrô.

R.I.P.

- - - - - - - - - - - -

Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu Thông Báo:

Tin Buồn từ Ðài Chân Lý Á Châu , trong nỗi đau buồn thương tiếc, và trong niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, xin được thông báo đến mọi người: Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài (Ðặng Thế Dũng, Nguyên Trưởng Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu) đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 02h30 sáng Thứ Ba ngày 21 tháng 04 năm 2015. Như một lời tri ân vì những đóng góp to lớn của Ðức Ông cho Ðài Chân lý Á Châu gần 40 năm qua, rất mong mọi người hiệp ý cầu nguyện cho Linh Hồn Phêrô!

- - - - - - - - - - - -

Lần Cuối Cùng Gặp Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

Bình Minh - Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu

Cách đây một tuần tôi có về Việt Nam với con gái với chủ ý là về Sàigòn chơi 6 ngày rồi quay lại Philippines. Trước khi về Việt Nam tôi đã hay tin Ðức Ông rất yếu, bác sĩ bó tay, không ăn uống gì được nữa nên khi về đến Sàigòn cha Vũ đã đưa tôi đến dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán để thăm Ðức Ông ngay.


Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài (Ðặng Thế Dũng, Nguyên Trưởng Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu) vẫn thích đến văn phòng với từng bước chân thật yếu và chậm. Thích ngồi vào cái bàn làm việc của mình.


Cám ơn Chúa vì Ngài cho tôi một cơ hội rất quý giá đó là được gặp mặt và trò chuyện với Ðức Ông Tài suốt hơn 1 tiếng đồng hồ. Ðây quả là một sự ưu ái rất quý giá là vì Ðức Ông rất yếu và không muốn tiếp ai, ngay cả là bà con thân thuộc của mình. Ngài cần được nghỉ ngơi. Mọi người tới thăm cũng chỉ được gặp Ngài vài phút để nhìn mặt, bắt tay rồi ra về. Tuy nhiên, sự ưu ái mà Ðức Ông dành cho tôi không phải vì bản thân tôi nhưng chính là vì tôi mang hình ảnh, mang hơi thở của RVA đến với Ðức Ông. Ngài rất nhớ RVA, nhớ ban Việt Ngữ, nhớ lắm... và Ngài đã khóc nhiều lần khi tâm sự với tôi...

Từ khi Ngài phát bệnh và buộc lòng phải về Việt Nam để chữa trị. Dù vậy cứ mỗi lần "vô hóa trị" xong, đợi xem cơ thể có bị phản ứng phụ của thuốc hay không là Ngài lại bay sang Philippines. Mỗi lần sang Philippines đều phải có chú Thế, em trai của cha Tài theo chăm sóc sức khỏe. Về tới Ðài, Ngài vẫn thích đến văn phòng với từng bước chân thật yếu và chậm. Thích ngồi vào cái bàn làm việc của mình. Có hôm Ngài ói ngay lúc đang ngồi máy tính . Bị hạn chế rất lớn về sức khỏe nhưng Ngài vẫn muốn về Ðài, muốn ngồi làm việc ở văn phòng vì Ngài yêu công việc, yêu ban Việt Ngữ, yêu nơi chốn làm việc mà Ngài đã gắn bó trong suốt gần bốn thập kỷ qua...

Trong lần nói chuyện cuối cùng với tôi, Ngài nói rằng: " Mình không nghĩ là sẽ về Việt Nam, là cố vấn của ban giám đốc, mình vẫn có thể tiếp tục phục vụ cho Ðài... nhưng rồi Chúa đã mang mình về Việt Nam..." Ngài tuân theo thánh ý Chúa mặc dù khi xa RVA Ngài phải sống trong nỗi nhớ thương ngập tràn...

Suốt buổi nói chuyện, Ngài không có một lời than trách hay bộc lộ những đau đớn về về bệnh tật mình đang gánh chịu. Tuyệt nhiên không. Ngài chỉ hỏi về RVA, hỏi về từng người trong ban Việt Ngữ, nhắn nhủ lại đường hướng truyền thông Công Giáo trong ôn hòa và mềm mại mà những người thừa kế sự nghiệp của Ngài nên tuân theo... Ðến khi hơi tàn, sức kiệt, Ngài cũng chỉ nghĩ về RVA và ban Việt Ngữ.

Tôi cũng vốn biết là Ðức Ông gắn bó suốt cuộc đời mình với RVA và ban Việt Ngữ nhưng mãi đến lúc này tôi mới hiểu tình yêu của Ngài dành cho RVA và ban Việt Ngữ là lớn đến như thế nào? Khi các xơ báo là có khách dưới quê Ngài đến và đang chờ được thăm, Ngài còn nán thêm 10 phút nữa... Lúc chia tay, Ngài nắm lấy tay tôi, ánh mắt như hốt hoảng... Tôi cảm nhận là Ngài đau buồn vì có cảm giác như lại phải rời xa RVA... Và quả đúng như thế, Ngài bật khóc... Ra tới cửa phòng, tôi quay lưng lại... và gương mặt Ngài đang khóc là hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi Ngài vĩnh viễn ra đi...

Sau lần gặp đó, tôi tiếp tục ở Sàigòn và 5 ngày sau được tin Ngài mất và thi hài được đưa về Vĩnh Long. Sáng hôm đó tôi và con gái xuống Vĩnh Long tham dự đám liệm của Ngài và quay lại Sàigòn ngay trong chiều tối vì khuya hôm đó tôi phải bay về Philippines Tôi an lòng vì biết rằng Ngài ra đi rất bình an và điều đó thể hiện trên gương mặt bình thản như đang ngủ của Ngài. Ngủ ngon cha nhé! Giờ thì cha có thể ngủ ngon, khi còn làm việc ở Ðài cha rất thèm ngủ mà, cha luôn thiếu ngủ vì cứ ham thức khuya làm việc... Mỗi lần cha edit bài phát thanh cha cứ ngủ gật khiến con phải nhắc "Cha ơi! Lỗi kìa, cha sửa đi..."

Thánh lễ cầu nguyện cho Ngài ở RVA có rất đông người tham dự kể cả những nhân viên cũ. Một bầu khí buồn bã nhưng vô cùng ấm cúng, thân thương bao trùm thánh lễ. Ngài tuy đã Chết nhưng vẫn còn Sống trong tim mọi người, ai cũng có thể như nhìn thấy nụ cười đôn hậu, nghe giọng nói hiền từ của Ngài dành cho mình cả...

Giờ này tại Việt Nam đang thánh lễ cầu nguyện cho Ngài. Giờ thì Ngài hết đau đớn thân xác cũng như không còn đau đớn trong lòng nỗi nhớ RVA và ban Việt Ngữ, Chúa đã ôm Ngài vào lòng vì Ngài là người học trò xuất sắc của Chúa về sự hiền lành và khiêm nhường, chúng ta tin như thế. Xin cha cầu nguyện cho RVA, cho ban Việt Ngữ. Trong văn phòng, bàn làm việc của cha được đặt ở vị trí giúp cha có thể nhìn thấy hết mọi người và ngược lại, thì giờ đây cha vẫn cứ hiện diện ở đó để sát cánh đồng hành với chúng con trong sứ mệnh truyền thông Công Giáo là loan truyền tình thương của Chúa cho mọi người, cha nhé!

- - - - - - - - - - - -

Ðiền Sơn Thạch: Tiễn Biệt Người Thầy


Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài (Ðặng Thế Dũng, Nguyên Trưởng Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu) đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 02h30 sáng Thứ Ba ngày 21 tháng 04 năm 2015.


Tối hôm qua tôi còn nghe được bài chia sẽ của Ô. trên đài Chân lý Á châu . Tôi không nghe lầm , nhưng giờ đây nghe tin Ô. đã mất, tôi nghĩ những gì tôi nghe được, là những gì đã ghi âm lại. Ðặng Thế Dũng đã trở nên quen thuộc với những bạn nghe đài Chân lý Á châu. Sự ra đi của Ô. để lại cho lòng thính giả nghe đài niềm tiếc thương - ngở ngàng. Ô. đã đi một chặng đường dài, đóng góp rất nhiều vào việc loan báo Tin Mừng, và thăng tiến con người, mà công lao đó không mấy ai làm được. Nhờ Ô. chúng tôi, những người nghe đài đã biết chọn lựa được những của ăn tinh thần quí giá. Và biết vận dụng những phương tiện truyền thông trong thế giới hiện đại này, để phục vụ cho phần rỗi của mình, và góp phần lắng nghe - truyền bá ánh sáng Tin Mừng vào trong đời sống.

Những điều ấy không phải dễ dàng với xu thế thời đại ngày nay, một khi sự chọn lựa luôn nghiên chiều theo sở thích, và thỏa mãn nhu cầu vật chất. Luôn bị lấn át bởi bao nhiêu tiếng ồn, những xung động thời đại của kỹ thuật tiên tiến. Mà những sự lôi kéo đó, không mấy gì có thể dứt bỏ một sớm, một chiều. Cuộc vật lộn này, giữa Tin Mừng và thế gian vẫn mãi sẽ đeo bám con người cho đến tận thế. Mà chỉ có Thánh giá và sự Phục sinh của Ðức Kitô mới giải thoát.

Nhờ những gì nghe được và thu nhận vào trong đời sống, những giá trị của Tin Mừng, tôi biết rằng đời mỗi người, đều là những cuộc vượt qua. Bao lâu vẫn còn khao khát biến đổi cuộc đời, bao lâu còn trăng trở với kiếp người, thì bấy lâu còn phải bám víu vào Thập giá và Phục sinh nơi Ðức Kitô. Chúng là những hiện thực nơi đời sống, thân phận của mỗi người. Và trên thế giới hiện nay, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối đang đến hồi cực điểm của tranh chấp. Những người có đức tin và thực hành những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống, đã gần như trở thành thiểu số, luôn bị áp đảo và lấn lướt bởi xu thế và những trào lưu của thời đại tiên tiến, luôn bị lèo lái, ngã chiều theo những đòi hỏi của vị kỹ, hơn là ý thức về một mối tương - hệ trong cộng đồng nhân loại.

"Chiến đấu qua cửa hẹp", Lời nhắn nhủ nơi Ðức Kitô vẫn còn vang vọng trong tâm hồn của những kẻ tin. Bên cạnh những cam go, thử thách, mà thường khi gieo những chán chường, thất vọng. Và một bên sự xác tín vào niềm hy vọng mai hậu. Chúng tưởng chừng luôn để lại những đau khổ, đắng cay trên thân phận, và nỗi niềm thất vọng. Mà ngược lại, chúng như những dấu tích của tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, ngang qua thập giá của người tin đã gánh vát.

Những điều đó, không mấy ai dễ dàng cãm thấu, ngoài trừ những Tin - Yêu. Như lời nói của Thánh nữ Madadela, trước mộ Chúa: "Họ đã lấy mất đi Chúa tôi rồi". Chỉ khi thật sự để cho những giá trị của niềm tin và Tình yêu chiếm hữu cuộc đời, thì khi ấy mới cảm nhận được một cuộc đời mất Chúa, từ đây bơ vơ lạc lỏng, chỉ còn những nổi trống vắng trong tâm hồn.

Những điều đó luôn là hiện thực trong cuộc sống, trên thân phận của bao người cùng khổ. Của bao hy sinh, quên mình vì hạnh phúc của kẻ khác. Chúng luôn là những dấu tích của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Như những của lễ hiến tế đền thay tội lỗi con người. Ta thử hỏi, nếu không có những điều này, nhân loại trên trái đất này đã phải gánh lấy những hậu quả tàn khốc của tội lỗi, và đã phải bị diệt vong từ bao giờ.

- - - - - - - - - - - -

Ðức ông Phêrô Nguyễn văn Tài, thành viên đồng sáng lập Liên Hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam Hải ngoại

Lm Gioan Trần Công Nghị 4/20/2015

Chúng tôi vừa nhận được tin Ðức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài đã ra đi và an nghỉ trong Chúa tại Saigòn, thật là một tin đột ngột và gợi lên trong tôi biết bao kỷ niệm quá khứ xa xưa, một người bạn, một người anh em, một đồng chí cùng sát cánh làm việc trong lãnh vực truyền thông Công Giáo bao nhiêu năm qua.

Cá nhân tôi biết Ðức ông Tài lúc đầu là trong thời gian cùng học bên Roma từ quãng năm 1968 tới 1971. Rồi sau đó khi đức ông phụ trách Ðại Phát thanh Veritas, chúng tôi thỉnh thoảng có trao đổi thông tin.


Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài và Linh Mục John Trần Công Nghị gặp lần cuối cùng tại Rôma (28 tháng 7 năm 2013).


Ðặc biệt trong thời gian năm 1980 khi thuyền nhân người Việt Nam sống tạm cư tại đảo Palawan và ở Baatan, tôi được Ủy Ban Di Dân Công Giáo Quốc tế International Catholic Migration Commission (ICCM) cử đến trại làm một cuộc nghiên cứu về tình hình người di cư trong các trại tị nạn trong vòng 3 tháng trời, tôi đã có dịp đến thăm đài Veritas và gặp gỡ Ðức ông trao đổi kinh nghiệm về di cư cũng như về truyền thông.

Chúng tôi trao đổi thông tin và các cuộc điện đàm thường xuyên hơn, nhất là từ sau khi thành lập Liên Hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam, chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận và những cuộc gặp gỡ nhau. Biết bao nhiêu kỉ niệm đang sống lại...

Tắt một lời, với tôi, Ðức ông Phêrô là một người anh em bình dị, nhã nhặn, từ tốn và rất hăng say trong sứ mạng truyền thông đã được trao phó. Là một người nhiệt huyết hết lòng dấn thân cho Giáo Hội và Quê hương Việt Nam, dù có những khi gặp sóng gío và khó khăn, nhưng với nụ cười niềm nở hiền hòa, ngài đã mở ra cánh cửa đối thoại chân thành cho người đối diện. Và đó chính là chìa khóa cho sự thành công của đức ông Phêrô.

Nhân dịp này, chúng tôi các thành viên Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam hải ngoại, xin dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Ðức ông Phêrô, xin Chúa trả công cuộc sống vĩnh cửu trên Thiên Quốc. Và với tâm tình tri ân sâu xa một người đã cùng sát cánh với chúng tôi trong lãnh vực tông đồ truyền thông Công Giáo trong suốt nhiều năm qua.

- - - - - - - - - - 

Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài và nỗi lòng thao thức đào tạo người cho giáo hội Việt Nam

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh 4/22/2015

Chiều ngày 29-7-2010, nhân lễ trao giải cuộc xướng họa Sen Giữa Lầy, các tác giả hiện diện trong buổi giao lưu tại Trung tâm Mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã nhất trí sẽ mở cuộc thi viết thứ hai trên mạng về đức khiết tịnh, mang tên "Nhánh Huệ Nước Trời", với nội dung "tôn vinh Thánh Giuse và cổ võ đức khiết tịnh".

Bản thể lệ cuộc thi mở đầu với chi tiết sau đây: "Cuộc thi sẽ có bốn bộ môn: văn xuôi, kịch bản, thơ mới và xướng họa thơ Ðường luật. Văn xuôi: dài không quá 800 từ, tối đa là 1 trang A4 và ¼, trừ lề như định sẵn trong máy vi tính, chữ Times New Roman 12 hoặc Times New Roman 11. Có thể là truyện, suy tư, tùy bút, ký sự."

Chi tiết 800 từ cho văn xuôi là do Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài đặt hàng. Với những chuyện ngắn có chiều dài ấy, ngài sẽ thêm mấy câu mở đầu và mấy câu kết thúc để có 10 phút phát thanh. Kết quả, cuộc thi có 20 truyện ngắn vào chung khảo, của 12 tác giả trẻ. Qua việc hỗ trợ tài chánh và gợi hứng cho Ban Tổ chức, Ðức Ông đã góp phần thiết thực vào "Chương trình tìm kiếm và đào tạo tài năng văn thơ trẻ" mà lúc ấy Ban mục vụ Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn mới khởi sự được hơn một năm. Trong số 12 tác giả ấy có người nay đã thành đạt trên đường văn chương, và ít ra 7 người khác vẫn còn hăm hở trau dồi ngòi bút của mình để phục vụ công cuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu.

Hơn mười năm trước đó, tôi có cơ duyên chuyển đơn đặt hàng một chương trình suy niệm mùa Chay, mỗi ngày một bài, dài khoảng 800 từ. Người anh em cựu chủng sinh nhận việc đã viết đi viết lại theo những nhận xét góp ý của tôi và rồi anh đã trở thành một cây bút khá vững.

Bên cạnh những công việc miệt mài thầm lặng, đảm bảo đầy đủ bài vở cho chương trình phát thanh đều đặn mỗi ngày suốt gần 40 năm, Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài có một thao thức lớn về việc đào tạo người cho Giáo Hội Việt Nam, đồng thời đã có những nỗ lực linh động và hữu hiệu cho việc ấy. Ngài đã là chỗ dựa và người định hướng cho tập thể anh chị em giới Công Giáo du học tại Phi trong nhiều năm. Nhiều anh chị em có thể thuật lại những can thiệp, những giúp đỡ rất cụ thể ngài dành cho bản thân họ. Ðức Ông dành thời giờ cho tất cả những ai cần đến ngài. Hơn nữa Ðức Ông còn tư vấn cho các cộng đoàn trong việc gửi người đi du học. Mấy năm ở Phi, tôi có nghe ngài nói tới một số vị bề trên từ chối gửi người đi học nước ngoài kèm theo lý do tại sao. Ngài cũng thường nhắc đi nhắc lại: Gửi người đi học nước ngoài thì tốt, nhưng phải chuẩn bị kỹ ở nhà trước đã. Môi trường học vấn ở nước ngoài như một siêu thị bán đủ thứ hàng tùy chọn, người du học sinh cần có khả năng phê bình để tiếp thu cái hay, loại trừ cái dở. Theo ngài, nếu là những tu sĩ đã khấn trọn vài năm, nếu đã là linh mục có sẵn kinh nghiệm mục vụ thì sẽ có ích lợi nhiều cho Giáo Hội quê nhà.

Với sự hiện diện, tình cha và tình anh em của Ðức Ông Phêrô, nhà Thánh Giuse ở trụ sở đài Chân lý Á Châu tại Fairview, Manila, Philippines, mỗi Chúa Nhật và lắm khi cả ngày thường, đã là chỗ dừng chân đầy an ủi cho những người xa quê hương, từ những giáo dân di tản, các chủng sinh, nam nữ tu sĩ và linh mục. Mái ấm ấy đã để lại trong tâm hồn tôi những kỷ niệm rất đẹp về tình nghĩa anh chị em hiệp thông và hiệp nhất, những hy vọng xanh tươi cho Giáo Hội Việt Nam. Những năm về sau, tôi trở lại Phi, không gian của nó đã bị thu hẹp lại, nhưng sự ấm áp và nụ cười tươi của người anh, người cha vẫn còn đấy, vẫn gợi lại một thời mà những người Việt xa quê tại Phi cần một chỗ để có thể cảm thấy như nhà của mình.

Anh Tài ơi, em không về dự tang lễ của anh được, xin viết mấy dòng thành kính tiễn đưa anh. Anh đã bao năm tạo cho những người xa xứ một quê hương nhỏ, thì giờ đây, Chúa không để anh nằm xuống lẻ độc giữa quê người nhưng đã đưa anh về trong lòng đất mẹ, giữa anh em và bà con thân thuộc. Xin chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

Qui Nhơn 22-4-2015

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

- - - - - - - - - - - - -

Ðức Ông Nguyễn Văn Tài: Cây đại thụ truyền thông Công Giáo đã về với Chúa

Micae Bùi Thanh Châu 4/20/2015

Tờ mờ sáng, nghe tin Cha đã ra đi ! Cây đại thụ truyền thông Việt Nam: Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài đã ngã!

Một ơn gọi rất đặc biệt đến với Ðức Ông Phêrô.


Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài (Ðặng Thế Dũng, Nguyên Trưởng Ban Việt Ngữ Ðài Chân Lý Á Châu) đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 02h30 sáng Thứ Ba ngày 21 tháng 04 năm 2015.


Ðức Ông là người con thứ tư trong gia đình có 6 anh chị em. trong một gia đình nông dân ở họ đạo Rạch Lọp, giáo phận Vĩnh Long. Khi được 10 tuổi, Ðức Ông được gửi vào Tiểu Chủng Viện và đi tu từ đó. Và rồi Ðức Ông lãnh sứ vụ linh mục nhưng gần như cả đời Ðức Ông chưa bao giờ làm cha sở.

Hơn một lần tôi được nghe Ðức Ông chia sẻ cuộc đời Ðức Ông như cuộc đời của ngôn sứ Gio-na. Khi đang học ở Roma năm thứ hai, Ðức Ông được cha thư ký của Ðức Thánh Cha thông báo cha sẽ đi Phi Luật Tân để làm việc cho Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu.

Nghe tin ấy, Cha như người từ trên trời rơi xuống đất vậy. Với bản tính của con người, ai ai muốn an thân cũng như không muốn cuộc sống bị xáo trộn, Cha cũng vậy, Cha không muốn đi và lấy cớ sang Ðức học tiếng, nhưng cũng chỉ học được một kỳ hè và phải trở về Roma chuần bị cho nhiệm vụ ở Manila.

Cha vẫn cứ đinh ninh rằng Cha làm việc cho đài vài ba năm nhưng Chúa để Cha hiện diện như một ơn gọi đặc biệt suốt 38 năm. 38 năm dài đăng đẳng với công việc âm thầm trong một góc phòng để làm truyền thông, để loan báo Tin Mừng cho Chúa một cách khiêm hạ.

Một cuộc đời dài loan báo Tin Mừng qua Radio, chẳng ai biết mặt nhưng chỉ biết giọng của Ngài, giọng đọc của Cha không lẫn đi đâu được. Giọng đặc sệt người miền Nam truyền cảm và nhẹ nhàng đã để lại trong lòng thính giả qua những dòng tin tức, những dòng suy niệm Tin Mừng và những câu chuyện Cha góp nhặt trong Lẽ Sống.

Ai cũng nhớ, thời bao cấp ở Việt Nam cũng là thời có quá nhiều khó khăn của nền kinh tế thế giới và Châu Á, nhờ Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu mà biết bao nhiêu anh chị em không có điều kiện tham dự thánh lễ được thông công. Hơn thế nữa, không ai thống kê được đã có bao nhiêu anh chị em nhờ vào cái radio nho nhỏ và giọng đọc trầm ấm mỗi ghe được mà xin rửa tội gia nhập vào Giáo Hội. Những công việc âm thầm trong phòng thu âm và những ngày tháng rút ruột nhả tơ để có chương trình phát mỗi ngày quả là một thách đố lớn.

Ðiều kỳ diệu là Ðức ông đã miệt mài cần mẫn trong công việc đòi hỏi nhiều tài lực này suốt bốn thập kỷ.

Cha đã nhiều lần và quá nhiều lần tạ ơn Thiên Chúa đã cho Cha sống đến hôm nay và đó là một ngạc nhiên lớn cho Cha. Cha chia sẻ Cha ngạc nhiên vì khi chịu chức, Cha chỉ xin cho sống được 20 năm, vậy mà Chúa để cho đến hôm nay là 40 năm. Hơn thế nữa, Cha đã hai lần bị nhồi máu cơ tim và gần đây nhất một cơn nữa, vậy mà Chúa vẫn để cho Cha còn sống. Chắc có lẽ Chúa cứ cho Cha được gấp đôi.

Với ân huệ đó, Cha cũng dí dỏm: "Tôi xin Chúa cho tôi 40, có thể Chúa cho tôi gấp đôi chăng?"

Ước muốn của con người, mơ ước của một người tha thiết với loan báo Tin Mừng bằng truyền thông đã khép lại bởi giới hạn cũng như không qua khỏi bàn tay Thiên Chúa.

Do hoàn cảnh, do sứ vụ Cha đã rời xa quê hương vài chục năm trường nhưng ước mơ đau đáu được trở về quê hương luôn ở trong Cha. Chính vì thế, sau khi rời nhiệm vụ, Cha đã trở về quê hương để sống trong âm thầm lặng lẽ và nhất là để đón nhận những đau đớn từ căn bệnh thể xác mà Cha đang mang.

Sống âm thầm, làm việc cũng âm thầm và ra đi cũng âm thầm.

Ðức Ông chưa bao giờ nói rẳng phải sống như thế này như thế kia hay như cách tôi đã sống nhưng qua đời sống chân chất của một người miền Nam cũng đã để lại cho mọi người nhiều bài học. Ít nhiều về chuyện truyền thông, con đường truyền thông Ðức Ông đi là con đường ôn hòa và mềm mại. Ðã không biết bao nhiêu lần Ðức Ông như là sứ giả của Tin Mừng, sứ giả của Thiên Chúa để nối kết lại những hiểu lầm, những đối chọi của tôn giáo, của kỳ thị tín ngưỡng... tất cả đều âm thầm và dường như Ðức Ông không muốn cho ai biết công việc âm thầm đó. Ðức Ông không một lần phô trương rằng tôi đã làm được chuyện này chuyện kia trong đối thoại, trong giảng hòa một cách êm thắm ... và rồi Ðức Ông cũng không hề bám víu một chút gì đó cho Ðức Ông vào những ngày cuối đời.

Ẩn náu trong căn phòng nhỏ bé của các nữ tu Mến Thánh Giá Chợ Quán đối với Ðức Ông cũng là đủ.

Ðức Ông đã sống sứ mạng truyền thông cách đặc biệt bằng chính đời sống nhỏ bé khiêm nhu.

Cây đại thụ truyền thông Việt Nam đã ngã nhưng hình bóng cũng như cách sống của Cha vẫn còn mãi trong lòng của thính giả, của những ai đã hơn một lần quen biết Ðức Ông.

Xin Chúa thương đón nhận Ðức Ông và để cho Ðức Ông một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa như suốt cả cuộc đời Ðức Ông hằng mong ước. Lẽ nào cả cuộc đời loan báo Tin Mừng, loan báo Tình Thương Thiên Chúa cho mọi người mà Chúa lại bỏ Ðức Ông sao? Chúng con tin tưởng tín thác Ðức Ông vào lòng thương xót của Chúa.

Xin tạm biệt Ðức Ông và thầm mong gặp Ðức Ông trong Nước Trời.

- - - - - - - - - - - -

Nhớ Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

Micae Bùi Thanh Châu 4/21/2015

Con và Cha có duyên được sinh ra ở họ đạo nghèo của Vĩnh Long.

Sau những năm tháng thăng trầm của lịch sử, cha một nơi, con một nẻo. Vả lại, con là đứa con hoang đàng nên cũng ít có cơ hội gặp lại Cha. Con chỉ gặp Cha đôi lần có dịp cũng như sẻ chia những tâm tình, thao thức của Cha khi trở về với quê hương đất Việt.

Vẫn bình dị và dị rất là bình từ lời ăn tiếng nói cũng như cách ăn mặc, cách chi tiêu trong cuộc sống.

Một cuộc đời dài đăng đẳng ở trời Phi để giúp cho Giáo Hội trong âm thầm lặng lẽ, khi về già, Cha vẫn chọn cho mình một con đường khiêm hạ.

Những mối tương quan, những điều kiện lẽ ra có được với cương vị mà Cha cầm giữ suốt gần 40 năm cũng đủ để cho Cha có một nơi nghỉ dưỡng thật khang trang và đầy đủ như bao nhiêu người khác. Thế nhưng, vẫn âm thầm trong căn phòng nhỏ dưỡng bệnh của Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán thân quen. Ít ai có thể nghĩ ra được một cuộc đời lớn như thế mà lại thầm lặng như thế. Ðó là lối cha sống, cách cha chọn.

Như hành lý mang theo đến quê người đất khách gói ghém 20 ký hành lý trong tay thì khi trở về quê hương đất Việt cũng vậy! Như hành trang mà bà Cố gói ghém cho Cha như thế nào thì khi già bệnh cũng là như thế!

Nói như thế chứ không phải dễ sống bởi lẽ con người ai ai cũng muốn cho mình có chút gì đó để lại cho đời. Cha không nói gì nhưng Cha đã sống trọn vẹn cuộc đời dâng hiến cách khiêm nhu của Cha.

Ðặc biệt, Cha được Chúa ban qua bà Cố để Cha sở hữu một nụ cười rất đặc biệt với cái tên của Cha. Cha không chỉ có "Tài" để mang Chúa đến cho mọi người qua con đường truyền thông nhưng Cha còn có cái "Tài" để cho mọi người đến với Chúa, đến với Cha một cách gần gụi nhất đó là nụ cười và lối sống hiền hòa giản dị của một con người đặc sệt chất miền Nam.

Nhiều lần nhiều lúc có người này người kia quý mến cũng đã ngỏ ý và đã dành cho Cha những tấm chân tình để lo cho Cha về vật chất nhưng Cha vẫn lặng lẽ và không hề đòi hỏi cũng như chẳng bao giờ hưởng dùng. Ðặc biệt, những ngày dưỡng bệnh, Cha vẫn vui vẻ để dùng những gì dành cho những người bình dị nhất dù trong tư cách của một người được thụ hưởng.

Không phải con ca tụng, không phải con tâng bốc nhưng con tin chắc rằng anh chị em bất cứ ai khi hơn một lần tiếp xúc với Cha, làm việc với Cha, sống với Cha hay chỉ nhìn Cha ngang qua đều cảm nhận được một lối sống hiền hòa kèm với nụ cười dễ mến.

Cha thật "Tài" trong cách đưa Chúa đến với mọi người và Cha cũng thật "Tài" để hướng dẫn đời sống khiêm nhu cho chúng con.

Qua Cha, bản thân con học được chút gì đó bài học và con đường khiêm nhượng mà Cha đã đi. Và, đúng với thánh bổn mạng mà ông bà cố đặt để cho Cha ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy với thánh hiệu Phêrô. Ngày còn trẻ, Thánh Phêrô đi đâu thì đi nhưng khi về già, Chúa mới chính là người dẫn Phêrô. Cha cũng vậy, về già, Chúa đã dẫn Cha đi theo con đường của Chúa dành cách đặc biệt cho Cha trước khi Chúa gọi Cha về nhà của Chúa.

Giữa một cuộc sống mà người ta chạy theo đua đòi và hưởng thụ cũng như tìm kiếm quyền danh nhưng Cha đã chọn lối sống nghèo phải chăng là điều chúng con phải suy nghĩ. Lẽ ra Cha được tận hưởng những thành quả mà Cha đã làm cũng như những gì những người thương yêu dành cho Cha nhưng Cha đều từ khước để chọn con đường khiêm hạ cũng là điều chúng con phải học theo.

Con xin mạo muội thưa rằng Cha là một cuộc đời đáng sống và một cuộc đời đáng nhớ. Ðáng sống vì lẽ Cha đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời phục vụ của Cha cách âm thầm qua cách lối của truyền thông. Ðáng nhớ vì Cha đã để lại cho chúng con gương mẫu của khiêm hạ hy sinh.

Cha đã đi rồi, chúng con nhớ Cha lắm! Chúng con nhớ nhất là lối sống bình dân giản dị của người nghèo miền sông nước Vĩnh Long.

Xin thắp nén hương lòng kính nhớ Cha và xin nhớ bài học khiêm hạ mà Cha đã để lại cho chúng con. Và, khi gần Chúa hơn, xin Cha cầu thay nguyện giúp để chúng con luôn bước theo Ðức Kitô trên con đường khiêm hạ.

Cha Phêrô ơi! Chúng con, bản thân con đây nhớ Cha nhiều lắm!

- - - - - - - - - - - -

Rose Nga: Vô cùng thương tiếc Cha

Chúng con toàn thể Admin cùng thành viên Trang Nhà Thờ vô cùng thương tiếc Cha và xin chia sẻ sụ mất mát của quý Cha ở Ðài Phát Thánh Á Châu.

Nguyện Xin Lòng Thương Xót Chúa đem Linh Hồn Phêrô về bên Chúa - Amen.

- - - - - - - - - - - -

Viết về Ðức ông Pietro Nguyễn văn Tài

LM Francis Lý văn Ca 4/29/2015

Trong tuần vừa qua tôi có dịp đọc những bài viết về Ðức Ông Phêrô Tài trên mạng lưới Truyền Thông của Vietcatholic và trên vài mạng lưới điện toán khác. Từ những mạng lưới nầy chuyển sang nhiều mạng lưới khác khắp nơi trên thế giới cho đến những youtube cá nhân. Chỉ trong một buổi sáng của ngày thứ Ba 21 tháng 4 năm 2015, cả thế giới đều hay tin Ðức Ông Pietro Nguyễn văn Tài đã an nghỉ trong Chúa sau một thời gian chống chọi với bệnh tật.

Trong các bài viết về Ðức Ông Pietro Tài, chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều phải công nhận một điều là sự chiến đấu kiên cường không ngừng nghỉ - mỏi mệt của người chiến sĩ Pietro Tài của Giáo Hội Việt Nam trên 'Mặt Trận Truyền Thông' vì 'Nước Trời' đã gặp rất nhiều khó khăn, như tinh thần bài Tin Mừng chúng tôi chọn để đọc trong thánh lễ cầu nguyện cho Ðức Ông Phêrô Tài tại VietCatholic Studio ở Perth, miền Tây Australia tối ngày hôm nay: "Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao."

Trong gần 4 thập niên phụ trách 'Radio Veritas Of Asia - Ðài Chân Lý Á Châu'. Tôi muồn dùng lại cầu đầu xướng lên trong chương trình Phát Thanh của làn sóng Việt Nam luôn bắt đầu là như thế.

Tôi đã đến Ðài nhiều lần và trong gần 40 năm phục vụ của Ðức Ông tại Ðài Phát Thanh Chân Lý, it là gần 30 năm tôi đã được biết Ðức Ông và trong khoảng thời gian đó, tôi đã đến Phi hơn 10 lần và cư ngụ tại Ðài Chân Lý và thỉnh thoảng được Ngài cho dâng thánh lễ và phát thanh về quê Mẹ Việt Nam. Tôi cũng đã mời Ngài sang giảng Tĩnh Tâm cho Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Tây Úc (Perth) khi tôi làm Quản Nhiệm... Mỗi lần tôi báo sẽ sang Phi thăm là chính Ðức Ông tận tình ra phi trường đón tôi về Ðài và nghỉ ngơi tại đó.

Có một lần, tôi xin đi nghỉ sau hơn 10 năm phục vụ, Ngài đã giúp tôi sang Phi tham dự khoá bồi dưỡng tại EAPI trong 3 tháng, ở Manila. Mỗi cuối tuần, chính Ngài ra EAPI đón tôi về Ðài để gặp quý Linh Mục Tu Sĩ từ Việt Nam sang Phi tu nghiệp và chúng tôi cùng chung vui, chia sẻ bữa cơm Việt Nam tại Ðài hằng tuần và khi các Linh Mục Tu Sĩ về lại những nơi tạm trú, Ngài cố gắng sắp xếp xe chuyên chở trong phạm vi và điều kiện mà Ngài có thể bảo bọc được. Như một người Cha, người Anh Cả lo cho các em xa Quê Mẹ sang Phi Tu Nghiệp.

Tôi có thể nói Ðài Chân Lý Á Châu là Chiếc 'Nôi Mẹ của Giáo Hội Việt Nam trong suốt nhiều năm đã qua tại Phi Luật Tân. Nếu những ai đã sang Phi Tu Nghiệp hay chỉ ghé Phi mà đã đến Ðài rồi chắc hẵn phải công nhận chiếc 'Nôi' của Ðức Ông Tài đã giúp hay cây 'Dù' Tình Thương mà Ðức Ông Pietro đã giương ra bao bọc biết bao nhiêu người không những Linh Muc Tu Sĩ mà cả Giáo Dân và Ðồng Bào Tỵ Nạn tại Phi nữa. Có những vị đã sang Phi Tu Nghiệp bây giờ là Bề Trên, Tổng Phụ Trách và có vị lên hàng Giám Mục, Bề Trên Tổng Ðại Diện hay hiện đang giữ những chức vụ quan trọng trong các Ðịa Phận hay các Dòng Tu...

Những việc Thiện mà Ðức Ông đã giúp cho Giáo Hội Việt Nam. Giờ đây có thể mượn lời Ông Gióp như trong bài đọc I chúng ta đã nghe công bố: "Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người". Thiên Chúa là Cha nhân từ sẽ trả công cho Ðức Ông Pietro Tài thay cho chúng ta, trong đó có cả tôi nữa...

Trong chuyến đi tham quan Miến Ðiện đầu năm 2014..., phái đoàn của chúng tôi có dịp ghé Phi. Chuyến đi nầy có 3 ngày, mục đích là thăm Ðức Ông, vì tôi biết Ðức Ông sẽ từ Việt Nam về lại Manila để nhập viện. Ngày mà Ðức Ông Tài nhập viện ở Quezon City Hospital là ngày chùng tôi đặt chân đến Manila... Cho dù phải nhập viện, nhưng Ngài vẫn không quên phái đoàn của chúng tôi đang từ Miến Ðiện sang Manila... Ngài cho tài xế ra phi trường đón chúng tôi với tấm giấy đề tên tôi và Ngài cũng dàn xếp xe đưa chúng tôi đi đó đây ngay cả việc đưa chúng tôi ra phi trường ngày hôm sau... cho dù Ngài đang nằm bệnh viện. Họ đã đưa chúng tôi về Ðài và từ Ðài chúng tôi có thể đi bộ ra bệnh viện để thăm Ngài... nhìn thấy Ngài... Ðó là lần cuối...

Ngài xin tôi ban phép lành... Trong nghẹn ngào, Ngài nói với người nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán bên cạnh giường bệnh cũng như nói với tôi... 'Cám ơn Cha.' Lúc đó dường như Ngài đang ức nghẹn vì cảm giác khó chịu trong người... như muốn ói... Người nữ tu nhanh nhẹn chuẩn bị phục vụ người Cha và là người Ân Nhân của hội Dòng bằng một trái tim của một người con thay thế chị em mình săn sóc ngưòi Cha và là Ân Nhân của Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán.

Ngày hôm sau tài xế đưa chúng tôi ra phi trường thì các con cái Việt Nam, chăm sóc Ngài cũng theo đoàn y tá đưa Ngài tới cửa phòng phẫu thuật... Về đến Perth cùng ngày, tôi đã điện thoại cho người nữ tu săn sóc Ngài để vấn an sức khoẻ của Ngài sau ca mổ của ngày hôm ấy...

Có đông đảo các Tổng Giàm Mục, Giám Mục, Ðức Ông, Linh Mục Tu Sĩ Nam Nữ từ khắp mọi miền của Quê Mẹ và ở Hải Ngoại để đưa Ðức Ông Pietro đền nơi an nghỉ cuối cùng trong ngày lễ an táng 24 tháng 4 năm 2015. Sự hiện diện đông đảo của Hàng Giáo Phẩm, Quý Ðức Ông, Linh Mục, Tu Sĩ, Các Dòng Tu và Giáo Dân bên những thân bằng quyến thuộc của Ðức Ông cùng với toàn thể Ðịa Phận Mẹ Vĩnh Long đã nói lên lòng cảm mến sâu xa của Giáo Hội đối với Ngài. Như tôi được biết là những lần đầu về Việt Nam để phục vụ... và sau nầy trị bệnh, vì Ngài làm việc Truyển Thông, nhiều người biết và ngay cả chính quyền...

Ngài đã trải qua những khó khăn trong vấn đề tạm trú... về mặt pháp lý. Nhưng nếu những ai đã đi tham dự Lễ Nghi An Táng thì không thể nào mà không nhìn thấy ngoài những lẵng hoa của các Ðịa Phận, Dòng Tu, Hội Ðoàn, Truyền Thông... không những ở trong nuớc mà còn ở ngoại quốc nữa.

Mượn tư tưởng của bài đọc thứ 2 để kết thúc bài suy niệm về Ðức Ông Phêrô trong thánh lễ cầu nguyện cho Ngài như sau: "Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Ðấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người".

Vâng, suốt gần 40 năm làm chiến sĩ kiên cường đã làm chứng về Ðức Kitô Phục Sinh, về Giáo Hội của Chúa trên mặt trận truyền thông không ngừng nghỉ-không mỏi mệt cho dù thân xác bi hạn hẹp trong những căn bệnh nan y... Chúng ta ngưỡng mộ Ðức Ông Phêrô, Giáo Hội ngưỡng mộ và tri ân trong số đó có những người không cùng tôn giáo, không cùng chung một chiến tuyến. Nhưng qua cái chết, sự hiện diện của họ nói lên một điều, ít là trong lễ Nghi An Táng của Ðức Ông Phêrô... mà tôi tạm nghĩ và chọn làm câu kết của bài viết: "Cho dù không cùng chung lý tưởng, nhưng chúng tôi phải cảm phục và ngưỡng mộ sự kiên cường của người chiến sĩ Công Giáo Ðức Ông Pietro Nguyễn văn Tài trên chiến tuyến Truyền Thông Ðại Chúng, cho nên chúng tôi đến đặt vòng hoa tưởng niệm Ông..."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page