Trở nên nhân chứng Phục Sinh

bằng đời sống

 

Trở nên nhân chứng Phục Sinh bằng đời sống.

Vatican (Vat. 19-04-2015) - Trưa ngày Chúa nhật 19 tháng 04 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng vào lúc 12h trưa trước sự hiện diện của vài chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Ngài nhắn nhủ mọi người hãy trở nên nhân chứng cho Ðấng Phục Sinh bằng đời sống Kitô hữu của chính mình.

Sau đây là nội dung chính bài giảng của Ðức Thánh Cha, Ngài nói:

"Trong các bài đọc Kinh Thánh của phụng vụ hôm nay, ngôn từ "chứng nhân" được nhắc đi nhắc lại những hai lần. Lần đầu tiên, ngôn từ ấy phát xuất từ môi miệng của Phêrô: sau khi đã chữa lành người què tại cửa Ðền thờ, ông đã lớn tiếng: "Anh em đã giết Ðấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng" (Cv 3,15). Ngôn từ ấy xuất hiện lần thứ hai từ môi miệng của Ðức Giêsu Phục Sinh: chiều tối ngày lễ Vượt Qua, Ngài đã mở lòng mở trí cho các môn đệ về mầu nhiệm của cái chết và sự sống lại của mình và Ngài nói với họ: "Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24, 48).

Các tông đồ, những người đã tận mắt nhìn thấy Ðức Kitô Phục Sinh, chẳng thể nào câm nín về kinh nghiệm dị thường của họ. Ðức Giêsu đã tự tỏ mình ra cho các tông đồ để rồi chân lý về sự sống lại của Ngài được tất cả mọi người lãnh hội thông qua chứng từ của các tông đồ."

Nhắc đến sứ mạng của Giáo Hội phải làm chứng cho Ðấng Phục Sinh, Ðức Thánh Cha nói:

"Và Giáo Hội có nghĩa vụ phải tiếp tục sứ mạng này: những ai đã chịu phép rửa đều được kêu gọi để làm chứng, bằng lời nói và đời sống, rằng Ðức Giêsu đã sống lại, Ngài hằng sống và hiện diện giữa chúng ta.

Chúng ta có thể tự chất vấn mình: nhưng nhân chứng là ai? Nhân chứng là người đã chứng kiến nên đã hồi tưởng và thuật lại. Nhìn thấy, hồi tưởng và thuật lại là ba động từ diễn tả căn tính và sứ mạng của nhân chứng. Nhân chứng là người đã nhìn thấy bằng con mắt khách quan một thực tại, nhưng không phải với con mắt dửng dưng; nhân chứng đã nhìn thấy và dính líu đến biến cố. Vì thế, hồi tưởng lại, không phải chỉ bởi vì người ta tái thiết lại biến cố đã diễn ra một cách chính xác, nhưng bởi vì những biến cố này đã ngỏ lời với nhân chứng và người này lãnh hội biến cố ấy một cách sâu xa. Và rồi nhân chứng thuật lại, không phải với một cách thức lạnh lùng và xa cách, nhưng như thể một người để cho mình dính líu đến sự việc và từ ngày đó nhân chứng đã thay đổi cuộc sống mình. Chứng nhân là người đã làm cho đời sống mình biến đổi.

Nội dung của chứng tá Kitô giáo không phải là một lý thuyết, một ý thức hệ hay một hệ thống phức tạp của giáo huấn và cấm đoán hay là chủ nghĩa duy đạo đức, nhưng như một sứ điệp của cứu độ, một sự kiện cụ thể, đúng hơn là một Con Người: là Ðấng Kitô Phục Sinh, Ðấng Cứu chuộc hằng sống và duy nhất của tất cả mọi người. Ngài có thể được minh chứng bởi những ai đã có kinh nghiệm cá nhân với Ngài, trong cầu nguyện và qua Giáo Hội, ngang qua cuộc lữ hành được đặt nền nơi Bí tích Thánh Tẩy, từ sự nuôi dưỡng của Bí tích Thánh Thể, từ dấu ấn của Bí tích Thêm Sức, và sự hoán cải liên lỉ của họ nơi Bí tích Hòa giải. Ðể biết ơn cuộc lữ hành này, vốn luôn được Lời Chúa hướng dẫn, mỗi Kitô hữu có thể trở nên nhân chứng cho Ðức Giêsu Phục Sinh."

Nhắc đến chứng từ cần thiết của Kitô hữu cho Ðấng Phục Sinh, Ðức Thánh Cha nói:

"Và chứng từ của họ sẽ càng khả tín hơn nếu nơi họ toát lên sắc nét lối sống của tin mừng là hoan hỷ, can đảm, ôn hòa, bình an, biết thương xót. Ngược lại nếu Kitô hữu để cho mình rơi vào sự tiện nghi, sự kiêu ngạo, hay tính vị kỷ và nếu họ trở nên câm điếc và mù lòa trước đòi buộc phải làm cho biết bao nhiêu anh chị em khác được "sống lại", thì làm sao Kitô hữu có thể loan truyền rằng Ðức Giêsu hằng sống, Ngài có uy quyền giải thoát và sự âu yếm của Ngài đến vô ngần vô hạn được ?

Ðức Maria từ mẫu, phù trợ chúng ta cùng với sự chuyển cầu của Mẹ, để rồi chúng ta có thể trở nên những nhân chứng cho Ðấng Phục Sinh, cùng với những giới hạn của mình, và cả với ân huệ của đức tin, hầu mang lại cho mọi người chúng ta gặp gỡ những tặng phẩm của Phục Sinh là niềm vui và bình an."

Sau kinh lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, Ðức Thánh Cha đã gửi lời chào đến tất cả khách hành hương đến từ nước Ý và khắp mọi nơi trên thế giới. Ngài nhắc đến những tin tức liên quan đến thảm kịch mới xảy ra trước đó ở vùng biển Ðịa Trung Hải. Một xà lan chở đầy người di dân đã bị lật úp đêm hôm qua cách bở biển Libia khoảng 60 hải ký và người ta lo lắng rằng có hàng trăm nạn nhân nơi đó. Ðức Thánh Cha đã diễn tả nỗi đau buồn của ngài khi đối diện với thảm kịch này và ngài đoan chắc sẽ tưởng nhớ đến những người thiệt mạng và gia đình của họ trong lời cầu nguyện của mình. Ðức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi cách phiền não để cộng đồng quốc tế hành động với tính quả quyết và sự khẩn trương, hầu tránh cho những thảm kịch tương tự khỏi lặp lại.

Ðức Thánh Cha nhắn nhủ rằng Chúa nhật 19 tháng 4 năm 2015 ở Torino cũng bắt đầu cuộc trưng bày trọng thể tấm khăn liệm thành Turin. Ngài cũng nói rằng nếu Chúa muốn, Ngài sẽ đến viếng khăn liệm vào ngày 21 tháng 06 năm 2015. Ngài nguyện chúc cho hành vi tôn kính này có thể giúp mọi người tìm thấy nơi Ðức Giêsu Kitô khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa, và nhận ra Ngài nơi khuôn mặt của anh chị em mình, đặc biệt nơi những người đau khổ nhất. Trước khi chào tạm biệt mọi người, Ðức Thánh Cha không quên nhắn nhủ mọi người cầu nguyện cách đặc biệt cho Ngài.

 

Jos. Nguyễn Huy Mai

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page