Tòa Thánh không trả lời Thổ Nhĩ Kỳ

 

Tòa Thánh không trả lời Thổ Nhĩ Kỳ.

Vatican (Tổng hợp 15-04-2015) - Tòa Thánh không trả lời những phản ứng phẫn nộ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 15 tháng 4 năm 2015, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã trả lời câu hỏi của một ký giả nêu lên về phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những lời Ðức Thánh Cha Phanxicô trong buổi lễ ngày 12 tháng 4 năm 2015 gọi đích danh cuộc tàn sát 1.5 triệu người Armeni cách đây 100 năm là "cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20". Cha nói:

"Những lời của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô về cuộc "diệt chủng người Arméni phải được xét trong một đường hướng rõ ràng, và trước sau như một, theo hướng đối thoại. Ðức Giáo Hoàng đã đắn đo trong bài diễn văn của Ngài và nhắc lại điều đã được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 khẳng định. Chúng tôi ghi nhận phản ứng của Thổ nhĩ kỳ nhưng chúng tôi không nghĩ đây là trường hợp để tranh luận hoặc để cãi vã nhau. Bài diễn văn của Ðức Giáo Hoàng ghi nhận những gì đã xảy ra để có một thái độ thích hợp hầu đạt có một lịch sử tốt đẹp hơn trong tương lai".

Sau những phản ứng gay gắt của thủ tướng, ngoại trưởng và đại sứ của Thổ nhĩ kỳ cạnh Tòa Thánh, về bài diễn văn của Ðức Thánh Cha, hôm 14 tháng 4 năm 2015, đến lượt tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ muốn "lên lớp" cho Ðức Giáo Hoàng và nói rằng: "Tôi muốn cảnh giác Ðức Giáo Hoàng đừng lập lại sai lầm ấy". Ông cũng kêu gọi hãy tín nhiệm "các sử gia để tránh nói sảng" và có một cái nhìn tốt về "các thực tại".

Hôm trước đó, ngoại trưởng Thổ cho rằng những lời tuyên bố của Ðức Giáo Hoàng hôm 12 tháng 4 năm 2015 là một "sự vu khống", không hợp với luật pháp về từ "diệt chủng".

Thật ra trong diễn văn đầu thánh lễ ngày 12 tháng 4 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã trưng dẫn nguyên văn Tuyên ngôn chung của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và Ðức Tổng thượng phụ Karekin II của Giáo Hội Arméni Tông Truyền ký kết tại Etchmiadzin ngày 27 tháng 9 năm 2001. Tuyên ngôn này định nghĩa cuộc tàn sát 1.5 triệu người Arméni hồi năm 1915 là "cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20", và cầu mong mở lại con đường hòa giải giữa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và Arméni.

Trong bối cảnh này, cần ghi nhận rằng chính tổng thống Erdogan, tuy phê bình mạnh mẽ, nhưng đã lập lại đề nghị với Arméni thành lập một ủy ban chung gồm các sử gia để nghiên cứu văn khố của hai nước về vấn đề này.

Nghị viện Âu Châu ở Strasbourg sẽ bỏ phiếu ngày 16 tháng 4 năm 2015 về một nghị quyết trong đó có những đoạn khẳng định rằng "Những gì xảy ra từ 1915 đến 1917 trong Ðế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) gây thiệt hại cho người Arméni là một "cuộc diệt chủng". Chính Phủ Thổ nhĩ kỳ phải tôn trọng những cam kết của mình về việc bảo vệ gia sản văn hóa, mở các văn khố của mình và trả lẽ với quá khứ, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Arméni cần phải bình thường hóa quan hệ với nhau".

Trong dự thảo nghị quyết, các đại biểu nghị viện Âu Châu lên án mọi tội ác chống lại nhân loại và diệt chủng, đồng thời mạnh mẽ lên án mọi toan tính phủ nhận".

Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ bỏ ngoài tai bất kỳ nghị quyết nào của Nghị viện Âu Châu về vấn đề "diệt chủng". (Tổng hợp 15-4-2015)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page