Ngày quốc tế bảo vệ nước
Ngày quốc tế bảo vệ nước.
Roma (Vat. 7-04-2015) - Chúa Nhật 22 tháng 3 năm 2015 là "Ngày quốc tế bảo vệ nước". Ngày này đã do Liên Hiệp Quốc thành lập năm 2005 nhằm mục đích gây ý thức cho người dân năm châu biết bảo vệ, quý trọng và tiết kiệm nước ngọt cần thiết cho sự sống của con người cũng như thú vật và thảo mộc. Ðây là chương trình mười năm có tên gọi là "Nước cho sự sống".
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 22 tháng 3 năm 2015 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc tới ngày này và nói: "Nước là yếu tố nòng cốt nhất cho sự sống, tương lai của nhân loại tùy thuộc nơi khả năng của chúng ta biết giữ gìn và chia sẻ nước. Tôi khích lệ cộng đồng quốc tế canh thức để nước của địa cầu được bảo vệ một cách thích đáng, và để không ai bị loại trừ hay kỳ thị trong việc sử dụng thiện ích này, là thiện ích chung tuyệt diệu. Cùng với thánh Phanxicô thành Assisi chúng ta hãy nói: "Xin chúc tụng Chúa, lậy Chúa của con, vì nước, rất ích lợi và khiêm tốn, qúy báu và trong sạch" (Bài ca của anh Mặt Trời).
Lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha và nhiều giới lãnh đạo tôn giáo, chính trị xã hội trên thế giới liên tục trong nhiều năm qua rất cấp bách. Lý do vì thế giới hiện đang đứng trước các thảm họa ô nhiễm môi sinh khiến cho người dân địa cầu ngày càng thiếu nguồn nước ngọt trong lành để sống. Không kể các nước vùng nam sa mạc Sahara hay các quốc gia ngày càng bị sa mạc xâm lấn và phải thường xuyên đương đầu với nạn thiếu nước ngọt, tại một số quốc gia trên thế giới hiện nay nước của các sông ngòi, ao hồ đã trở thành dơ bẩn, hôi thối, đầy các chất thải độc hại của các nhà máy cũng như chất bẩn của các hệ thống cống rãnh các thành phố, khiến không còn một loại cá nào có thể sống nổi, và từ nhiều năm qua các dòng sông đó đã trở thành các dòng sông chết. Ðiển hình nhất là nhiều con sông bên Trung Quốc, là quốc gia, trong đó nhà nước cộng sản quyết tâm phát triển kỹ nghệ bằng mọi cách, một cách rừng rú, đần độn, vô trách nhiệm, vô luật lệ, bất chấp mọi hậu qủa thiệt hại cho môi sinh và sức khỏe của người dân. Ðây cũng là điều đang xảy ra một cách trầm trọng tại một số vùng ở Việt Nam.
Hiện nay Liên Hiệp Quốc đang dự kiến có các biện pháp mới giúp cho người dân thế giới có được nước trong lành để uống, và có các dịch vụ vệ sinh cũng như đáp ứng nhu cầu nước gia tăng trên bình diện quốc tế, ước lượng khoảng 55% từ nay cho tới năm 2050.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn bà Michela Miletto, phối hợp viên chương trình lượng định các nguồn nước ngọt của Liên Hiệp Quốc.
Hỏi: Thưa bà Miletto, chương trình do Liên Hiệp Quốc đề ra có tên gọi là gì và nhắm mục đích nào?
Ðáp: Chương trình này gọi là "Wwap" nghĩa là chương trình lượng định các nguồn nước trên bình diện toàn cầu. Chương trình này do tổ chức UNESCO đỡ đầu, nhưng do chính quyền Italia tài trợ hoàn toàn. Chúng tôi đã làm việc từ ba năm nay tại Italia để đưa ra bản tường trình tựa đề "World water Development Report", nghĩa là Bản tường trình vế sự phát triển các nguồn nước trên bình diện toàn cầu. Từ năm ngoái trở đi chúng tôi soạn bản tường trình hằng năm với các đề tài khác nhau. Năm nay đề tài liên quan tới sự phát triển có thể chịu đựng nổi, nghĩa là nguồn nước và việc phát triển có thể chịu đựng được.
Hỏi: Việc duyệt xét hành động của các nước thành viên từ phiá Liên Hiệp Quốc có đem lại các kết qủa tích cực hay không thưa bà?
Ðáp: Có nhiều tổ chức của Liên Hiệp Quốc đã cùng chúng tôi phát triển việc kiểm soát này liên quan tới nhiều khía cạnh khác nhau của các nguồn nước ngọt và cả khiá cạnh y tế và vệ sinh nữa. Ngay từ năm 2010 chúng tôi đã đạt được mục đích đầu tiên, nghĩa là việc có được nước trong lành để uống đã được cải tiến. Khoảng 87% dân chúng hiện nay có nguồn nước trong lành để uống, trong khi liên quan tới các dịch vụ vệ sinh chúng tôi còn hơi ở đàng sau. Công việc tới của chúng tôi là tìm đạt việc có nước trong lành để uống trên bình diện đại đồng.
Hỏi: Thưa bà, hành động của từng người có thể có sức nặng nào trên bình diện quốc tế không?
Ðáp: Có chứ. Thật là nền tảng, việc mỗi công dân cảm thấy trách nhiệm riêng của mình đối với nước uống, bởi vì nước là một thiện ích chung, một thiện ích rất qúy báu. Có nước, nhưng cần phải rất chú ý giữ gìn và tiết kiệm nước, vì nhu cầu nước uống đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng tôi đang đợi nhu cầu nước uống tăng lên 55% từ nay cho đến năm 2050. Và thời điểm này cũng không còn xa lắm đâu. Vì thế cũng cần phải học một hình thức giáo dục liên quan tới việc tái sử dụng nguồn nước ngọt.
Hỏi: Vậy thì đâu là các dự kiến và các hy vọng cho mười năm tới đây thưa bà?
Ðáp: Số lượng nước trên địa cầu đủ để có thể đáp ứng thực thụ nhu cầu có nước ngọt để uống, chỉ khi chúng ta thành công trong việc quản lý nguồn nước một cách tốt đẹp. Thật là điều rất quan trọng và cần thiết ngay bây giờ có một việc cai quản bao gồm việc tham gia của tất cả mọi người sử dụng nước trong một cách thế nào đó, như trong các lãnh vực nông nghiệp, nặng lượng, du lịch. Cần phải có một thế quân bình và cả việc trao đổi các thiện ích nữa.
Liên quan tới vấn đề các nguồn nước ngọt trên thế giới cũng có các chiến cuộc và xung khắc nảy sinh vì các dân tộc tranh giành các nguồn nước ngọt. Hiện nay trên thế giới có 145 quốc gia đang tranh giành các nguồn nước ngọt trên các vùng biên giới. Ðiển hình nhất là chiến tranh giữa người Israel và người Palestin. Lý do là vị nguồn nước ngọt duy nhất của Israel là hồ Galilea và sông Giordan.
Nếu người Palestin có khả năng ngăn chặn không cho nước hồ Galiea và sông Giordan chảy xuống miền nam nữa, thì Israel sẽ khốn đốn vì thiếu nước ngọt. Ðây đã là lý do khiến cho Israel phải tìm mọi cách để chiếm đất và duy trì các vùng đất tại miền bắc trong vùng Galilea, và chiếm cả cao nguyên Golan của Siria nữa. Tuy không bao giờ nói ra, nhưng một trong những lý do chính của chiến tranh giữa Israel và người Palestin là việc tranh giành nguồn nước ngọt.
Trong vùng Ðông Nam Á, sông Mêkông là một thí dụ điển hình khác nữa. Sông Mêkông dài 4,880 cây số, bắt nguồn từ cao nguyên Tibét Tây Tạng, chảy qua vùng Vân Nam của Trung Quốc, rồi chảy qua biên giới giữa hai nước Lào và Myanmar, rồi Lào và Thái Lan, sau đó sông Mêkông chảy vào Campuchia rồi sang Việt Nam chia thành 9 nhánh gọi là Cửu Long giang. Sự kiện nhà nước cộng sản Trung Quốc xây hàng chục con đập để sản xuất thủy điện lực đã khiến cho sông Mêkông bắt đầu bị ô nhiễm, chặn nguồn nước ngọt của các quốc gia khác, cũng như khiến cho lượng cá trong sông Mêkông ngày càng giảm sút trong các năm qua. Nếu tình trạng náy kéo dài, chắc chắn sẽ đưa tới tranh chấp giữa các quốc gia nói trên, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh việc tranh giành các nguồn nước ngọt là các lợi nhuận của các tổ chức đa quốc có các cơ sở trong các vùng tranh chấp nguồn nước này. Ai kiểm soát được các nguồn nước ngọt, người ấy chiếm thế thượng phong và có thể đưa ra các yêu sách đối với phe yếu thế.
Sau đây là một số nhận định của ông Pasquale Steduto, trưởng văn phòng tiểu miền của tổ chức Lương Nông Quốc Tế gọi tắt là FAO tại Cairo thủ đô Ai Cập.
Hỏi: Thưa ông Steduto, ông nghĩ gì về tình hình các nguồn nước ngọt trên thế giới hiện nay?
Ðáp: Chúng ta đang trải qua một giai đoạn, trong đó chúng ta đứng trước một sự gia tăng nhu cầu nước ngọt, và như vậy việc khan hiếm nước ngọt cũng đang gia tăng. Nhất là tại các quốc gia, nơi cảnh khô cằn khá cao, tất cả các dự đoán thay đổi khí hậu dẫn đưa tới chỗ cho thấy chính các vùng này lại càng trở nên khô cằn hơn. Tại đó sẽ có việc tranh giành lớn hơn liên quan tới nhu cầu có nước ngọt, và vì thế các nguy cơ xung đột tranh giành trên vùng biên giới cũng sẽ gia tăng. Hiện nay chúng ta đang ở trước tình trạng nguồn nước ngọt xuyên biên giới giữa 145 quốc gia. Chúng ta có thể tìm thấy các điều kiện này ở khắp nơi trên thế giới: từ Á châu tới châu Mỹ Latinh, nhưng nhất là giữa các nước trong vùng Vịnh Ba Tư, Bắc Phi và Trung Ðông. Sông Nil, sông Tigre và sông Eufrate, sông Giordan đều là các con sông ở trong điều kiện của một nhu cầu nước ngọt lớn của nhiều nước khác nhau.
Hỏi: Thưa ông, bình thường có các căng thẳng giữa các cộng đoàn địa phương và các hãng xưởng quốc tế khai thác các nguồn nước ngọt này. Các tổ chức quốc tế có thể can thiệp bằng cách nào?
Ðáp: Các tổ chức đa quốc sử dụng các nguồn nước ngọt và vì thế bước vào thế xung khắc với dân chúng các địa phương cũng thường là các tổ chức do chính quyền của nước đó điều khiển hay quản trị. Như vậy, một đàng có một quyền tối thượng đưa ra các quyết định, nhưng rốt cuộc đi ngược lại các lơi ích của chính dân chúng địa phương. Như là tổ chức của Liên Hiệp Quốc, như là tổ chức Lương Nông Quốc Tế, chúng tôi tìm lượng định các nguồn nước có thể gây ra các hệ lụy của việc thiết lập một nhà máy kỹ nghệ chẳng hạn. Thật ra chúng tôi luôn luôn khởi hành từ một phân tích các nguồn nước có được, các việc sử dụng khác nhau, cũng như các nhu cầu cuối cùng trong phương trình để có thể hiểu biết xem chúng sẽ vang vọng lây lan một cách tiêu cực trong bao lâu.
Hỏi: Ðâu là các dự kiến liên quan tới các xung đột này và khả thể của một việc hưởng dùng công bằng các nguồn nước ngọt đó, thưa ông Steduto?
Ðáp: Ðiều này được lượng định tùy theo từng vùng. Không phải ở đâu cũng có sự khan hiếm nước ngọt trầm trọng, nhưng tại những nơi nào đã có sự khan hiếm thì sự cạnh tranh gia tăng. Ngay bên trong một nước cũng thế, nơi nào khan hiếm nước ngọt thì có thể xảy ra các vấn đề xung khắc. Nó là hậu qủa của chính sự phát triển. Ðiều phải làm đó là có một cơ may phân tích các quang cảnh phát triển để có thể lượng định số lượng nước cần thiết đòi buộc phải có. Rồi dựa trên đó cần phải cùng với chính quyền trung uơng và địa phương vạch ra một giới hạn được quyền sử dụng và một giới hạn không được sử dụng.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)