Việc Kitô hữu bị bách hại tại Trung Ðông

 

Việc Kitô hữu bị bách hại tại Trung Ðông.

Iraq (VietCatholic News 24-03-2015) - Hơn 125,000 Kitô hữu Iraq đã buộc phải trốn khỏi quê cha đất tổ nơi họ từng sống gần 2,000 năm nay sau khi bị ISIS đe dọa và cưỡng bức.

Ngày 22 tháng Ba năm 2015, chương trình 60 Minutes của Ðài CBS, Hoa Kỳ, đã cho chiếu phóng sự của phóng viên Lara Logan về "Các Kitô Hữu Iraq".

Lara cho rằng ít nơi nào trên trái đất mà Kitô Giáo lại cổ xưa bằng ở Iraq. Tại đây, các Kitô hữu có thể mở lại lịch sử của họ từ các tông đồ thuộc thế kỷ thứ nhất. Nhưng ngày nay, sự hiện diện của họ đã và đang bị đe dọa bởi nhóm khủng bố tự gọi là Nhà Nước Duy Hồi Giáo (IS). Hơn 125,000 Kitô hữu, gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em, đã buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ trong hơn 10 tháng qua.

Mùa hè năm 2014, Nhà Nước Duy Hồi Giáo đã tràn vào thành phố lớn thứ nhì của Iraq là Mosul, và chiếm giữ nó. Từ đó, chúng xâm chiếm các làng và thị trấn lân cận thuôc Bình Nguyên Ninivê, một vùng rộng lớn vốn là quê hương của Kitô hữu từ thế kỷ thứ nhất sau Chúa Kitô. Phần lớn những gì cần tới gần 2,000 để xây dựng đã bị mất hết trong vòng vài tháng.

Trên sườn một ngọn núi, nhìn xuống Bình Nguyên Ninivê là Ðan Viện Thánh Mátthêu, một trong các đan viện lâu đời nhất trên trái đất.

Thực vậy, tiếng nói của các đan sĩ đã vang vọng ở đây từ thế kỷ thứ tư, dâng lên những lời cầu nguyện chưa bao giờ thay đổi.

Lara Logan: Cha cầu nguyện bằng tiếng Aram?

Cha Joseph Ibrahim: Vâng.

Lara Logan: Là ngôn ngữ của Chúa Giêsu.

Cha Joseph Ibrahim: Ðúng thế.

Lara Logan: Cha là một trong những người cuối cùng trên trái đất nói thứ ngôn ngữ ấy?

Cha Joseph Ibrahim: Chúng tôi nghĩ vậy vì chúng tôi giữ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ cầu nguyện.

Những lời cầu nguyện xuyên suốt nhiều thế kỷ bị bách hại. Cha Joseph Ibrahim là một trong số 7 đan sĩ còn sót lại ở đây. Ngài cho chúng tôi hay đan viện được thành lập năm 363, và từng sống thoát các đế quốc Ba Tư và Ottoman, các cuộc xâm lăng của Mông Cổ và các cuộc chiếm đóng của người Kurds. Ngày nay, nó đang bị Nhà Nước Duy Hồi Giáo đe dọa: các chiến binh của họ đã tiến sát cổng của đan viện sau khi chiếm giữ Mosul mùa hè năm rồi. Các chiến binh người Kurds đã đẩy lui chúng trở lại ngôi làng kia nơi cờ của chúng vẫn còn tung bay chỉ cách đan viện bốn dặm.

Lara Logan: Cha sợ gì nhất?

Cha Joseph Ibrahim: Tương lai mù mịt.

Lara Logan: Tương lai mù mịt sao?

Cha Joseph Ibrahim: Ðúng.

Lara Logan: Cha nghĩ điều gì sẽ xẩy ra?

Cha Joseph Ibrahim: Chúng tôi không biết đích xác nhưng sẵn sàng chờ đợi điều tệ hơn.

"Họ lấy hết mọi sự của chúng tôi, nhưng họ không thể lấy mất Chúa khỏi trái tim chúng tôi, họ không thể"

Con đường từ Ðan Viện Thánh Mátthêu dẫn chúng tôi tới tuyến đầu, chỉ cách ngoại biên Mosul 6 dặm. Mọi thị trấn và làng mạc giữa chỗ này và thành phố bị chiếm đóng hiện nằm trong tay Nhà Nước Duy Hồi Giáo. Và nay, người ta kể cho chúng tôi hay: lần đầu tiên trong gần 2,000 năm nay, không còn một Kitô hữu nào bên trong Mosul cả.

Ðức Tổng Giám Mục Nicodemus Sharaf: họ lấy hết mọi sự của chúng tôi, nhưng họ không thể lấy Chúa khỏi trái tim chúng tôi, họ không thể.

Ðức Cha Nicodemus Sharaf là Tổng Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Syriac tại Mosul, một trong khoảng 10,000 Kitô hữu trốn khỏi thành phố. Chúng tôi tìm được ngài đang sống tị nạn tại thủ phủ người Kurds là Erbil. Ngài cho hay lúc ngài trốn thoát, các binh sĩ của ISIS đã có mặt trong Mosul rồi.

Ðức Tổng Giám Mục Nicodemus Sharaf: Tôi không có được một phút để lấy theo bất cứ vật dụng gì. Tôi chỉ lấy theo 5 cuốn sách rất cổ mà thôi.

Trong số đó, có cuốn thủ bản bằng tiếng Aram này. Ngài cho chúng tôi hay cuốn sách được viết cách nay 500 năm và hàng trăm cuốn bị để lại còn cổ hơn cuốn này nữa, những di cảo Kitô Giáo sẽ chẳng bao giờ tìm lại được.

Ðức Tổng Giám Mục Nicodemus Sharaf: Tôi nghĩ họ đã đốt sạch các sách này. Trong đó, có những cuốn từ thế kỷ thứ nhất của Kitô Giáo.

Lara Logan: Ðức Cha nói từ thế kỷ thứ nhất...

Ðức Tổng Giám Mục Nicodemus Sharaf: Vâng, của Kitô Giáo. Khi nhớ lại, tôi không thể... (ngài khóc) từ khởi thủy Kitô Giáo, đây là lần đầu tiên chúng tôi không thể cầu nguyện trong các nhà thờ của mình.

Trong cố gắng xoá sạch Kitô Giáo khỏi khu vực, Nhà Nước Duy Hồi Giáo không chừa bất cứ biểu tượng nào của tôn giáo này. Chúng vừa công bố các hình ảnh cho thấy việc chúng phạm tới ngôi thánh đường mà người ta tin là đan viện Mar Gorgis, phía bắc Mosul.

Và không còn gì là thánh thiêng nữa. ISIS vừa cho nổ tung ngôi đền Hồi Giáo này chỉ hơn một tháng sau khi chiếm đóng nơi đây, đây là địa điểm thánh thiêng đối với cả người Kitô Giáo lẫn người Hồi Giáo vì tiên tri Giôna của Cựu Ước được truyền tụng là chôn ở bên trong.

Giống Quốc Xã từng đánh dấu nhà cửa của người Do Thái, nhà cửa của các Kitô hữu tại Mosul cũng bị đánh dấu với biểu tượng mầu đỏ này. Ðó là chữ N trong tiếng Ả Rập, viết tắt chữ Masara, mà Hồi Giáo sơ khai vốn dùng chỉ các Kitô hữu. Khi ISIS viết nó lên nhà bạn, một là bạn trở lại Hồi Giáo, hai là đóng thứ thuế tống tiền hoặc bị chém.

Issah Al Qurain là một trong hàng nghìn người đã phải chọn lựa như thế. Ông đang ở nhà với gia đình tại ngôi làng Kitô Giáo nơi ông từng sống suốt đời, thì các chiến binh ISIS tới tìm ông. Ông cho chúng tôi hay: đầu tiên, chúng lấy hết tiền bạc của ông, rồi vợ và con ông.

Lara Logan: Chúng có nói với ông phải trở lại, trở lại, trở lại không?

Issah Al Qurain: Có, phải trở lại. Thoạt đầu, tôi từ khước. Tôi bảo chúng tôi là Kitô hữu, tôi có tôn giáo của tôi, chúng có tôn giáo của chúng. Nhưng chúng bảo tôi, nếu không trở lại, bọn tao sẽ giết mày rồi bắt vợ và con cái mày.

Cuối cùng, ông ưng thuận và được đưa tới Mosul để trở lại. Chính tại đó, ông được đoàn tụ với gia đình. Chẳng bao lâu, các binh lính ISIS hỏi thăm về đứa con gái nhỏ của ông, và ông cho chúng tôi hay điều ấy làm ông khiếp sợ hơn bất cứ điều gì khác.

Issah Al Qurain: Chúng bảo tôi rằng trong Hồi Giáo, luật Sharia dạy: con gái đến 10 tuổi nên đi lấy chồng. Ngay khi chúng rời khỏi, vợ tôi và tôi bèn đóng cửa lại. Chúng tôi nhìn nhau và vợ tôi oà lên khóc và bắt đầu cầu nguyện. Chúng tôi hết sức kinh hãi sợ chúng sắp đến cướp mất đứa con gái nhỏ.

Rồi họ chạy trốn trong một chiếc taxi. Issah nói rằng họ năn nỉ qua được 3 trạm kiểm soát của ISIS và theo đường tắt tới Erbil sau hơn 4 giờ du hành. Tại Erbil, họ hiện sống như người tị nạn, giống Ðức Tổng Giám Mục Sharaf.

Khoảng 30,000 Kitô đã sống tại Erbil trước khi có cuộc khủng hoảng lần này, phần lớn họ là người Công Giáo theo nghi lễ Canđê, được phép duy trì các truyền thống xưa nhưng thừa nhận thẩm quyền của Ðức Giáo Hoàng. Ðức Cha Bashar Warda là Tổng Giám Mục của giáo phận này. Ngài nói: cộng đoàn của ngài đã tăng thêm hơn 60,000 người tị nạn... vì vùng người Kurds gần như tự trị ở phía bắc Iraq này đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho người Kitô Giáo trốn chạy Nhà Nước Duy Hồi Giáo.

Lara Logan: Ðây có phải là một trong những cộng đồng Kitô giáo cổ xưa nhất trên thế giới không? Hàng nghìn năm?

Ðức Tổng Giám Mục Bashar Warda: Gần 2,000 năm rồi.

Lara Logan: Và khi Ðức Cha nhìn nó ngày nay, thì cộng đồng ấy đang ở đâu?

Ðức Tổng Giám Mục Bashar Warda: Nó đang biến dạng. Ðang chết dần.

Ðức Tổng Giám Mục Warda cho biết: một cách nghịch lý, dưới thời Saddam Hussein, các Kitô hữu ở Iraq cảm thấy an toàn hơn. Dân chủ đem tới một làn sóng bách hại mới, buộc các Kitô hữu ồ ạt kéo nhau trốn chạy. Khi Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn vào năm 2011, Ðức Tổng Giám Mục Warda nói rằng tình thế còn trở nên xấu hơn nữa vì các nhà tân lãnh đạo của Iraq không có khả năng cai trị nếu không được người ngoài trợ giúp.

Ðức Tổng Giám Mục Bashar Warda: Tôi nghĩ sự trợ giúp của Hoa Kỳ là điều cần thiết, cần thiết một cách mạnh mẽ. Bạn không thể để lại một đất nước như thế này mà bảo: "đó, chúng tôi đã giải phóng các anh rồi. Chúng tôi không thể làm công việc thay cho các anh được, chúng tôi phải bước khỏi đây thôi. Ðây là đất nước của các anh, liệu mà cai trị".

Lara Logan: Thành thử, theo Ðức Cha, việc bỏ đi năm 2011 cũng gây thiệt hại cho Iraq y như cuộc xâm lăng của Mỹ năm 2003?

Ðức Tổng Giám Mục Bashar Warda: Ðúng. Tôi không đổ lỗi đâu, đây là thực tế. Ðây không phải là điều năm 2003 bạn vào đây để làm. 4,000 sinh mạng lính Mỹ chắc chắn không nhằm để tiến tới như ngày hôm nay.

Kitô Giáo ở Iraq được hạ sinh tại các thị trấn và làng mạc ở Bình Nguyên Ninivê, giống như thị trấn này, tên là Tel Isqof, tọa lạc chưa tới 20 dặm về phía bắc Mosul.

Các Kitô hữu sống tại đây và từng đi lại trên các đường phố của nó hơn một nghìn năm nay. Nhưng ngày nay, không còn ai cả, họ đã bỏ đi tất cả. Trốn chạy vì sợ. Và một trong những điều ngỡ ngàng bạn lưu ý ngay là sự im lặng.

Mọi con đường đều hoang vắng. Nhà cửa đồ đoàn bị bỏ rơi. Những thứ khác bị phá hủy. Tel Isqof, trước đây, vốn là nơi nương náu của người Kitô hữu Iraq, cho tới tháng Tám năm 2014 khi ISIS tiến vào và 7,000 Kitô hữu bỏ trốn. Ba tuần sau, binh sĩ Kurds đẩy lui được các tên khủng bố.

Nhưng Cha Rony Hana cho hay ISIS đã làm dân chúng ở đây sợ đến nỗi không dám hồi hương. Ngài cũng sợ như thế, nhưng mỗi sáng trở về hai, ba giờ để trông nom ngôi nhà thờ vốn bị binh lính ISIS sử dụng làm căn cứ. Ngài cho chúng tôi hay: một trong bọn binh lính ấy còn gọi số di động của ngài để hỏi cách sử dụng máy phát điện.

Lara Logan: Chúng thực sự làm thế, chúng hỏi cha điều ấy? Và cha cho chúng biết?

Ngài bảo chúng tôi: "tôi cho chúng hay nó nằm ở góc phía kia và giải thích cách cho máy nổ. Ðiều cuối cùng tôi nói với chúng là làm ơn trông nom ngôi nhà thờ, nhưng chúng chỉ cúp máy"

Việc thanh trừng các Kitô hữu Iraq khỏi mảnh đất này là một điều mà Ðức Tổng Giám Mục Sharaf tin các bạn hữu và hàng xóm Hồi Giáo của ngài đáng lý ra phải lớn tiếng phản đối hơn nữa.

Ðức Tổng Giám Mục Nicodemus Sharaf: Hãy lớn tiếng phản đối. Dĩ nhiên, vẫn còn những người tốt lành trong số các người Hồi Giáo. Không phải mọi người Hồi Giáo đều xấu. Tôi tin như thế. Nhưng nếu còn người tốt thì tiếng nói của họ ở đâu? Không có gì cả. Ít lắm. Ít lắm.

Lara Logan: Với mọi sự xẩy ra cho Kitô hữu ở đây, điều gì mất mát?

Ðức Tổng Giám Mục Nicodemus Sharaf: Họ làm chúng tôi mất phẩm giá. Tôi xin lỗi khi nói như thế. Chúng tôi không có phẩm giá ngay trên quê hương mình, trên lãnh thổ mình.

Phần lớn những người chúng tôi gặp đều hoan nghinh các cuộc không kích do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhưng họ cũng nói rằng chúng gần như không đủ. Lấy lại Mosul, một thành phố vào khoảng 1.5 triệu dân, được coi là một nhiệm vụ khó khăn. Ðức Tổng Giám Mục Warda tin rằng quân đội Iraq không thể một mình làm được và bao lâu thành phố còn nằm trong tay ISIS, không một Kitô hữu nào dám hồi hương.

Ðức Tổng Giám Mục Bashar Warda: Ðối với tôi, ISIS là một bệnh ung thư. Nó là một thứ bệnh. Thành thử, đôi khi bạn phải đưa ra biện pháp mạnh, những biện pháp không may để đương đầu và trị dứt chứng ung thư này.

Lara Logan: Vậy là Ðức Cha muốn thấy một cuộc tấn công quân sự lớn để lấy lại Mosul?

Ðức Tổng Giám Mục Bashar Warda: Ðúng, để đưa Iraq trở lại tình thế bình thường.

Lara Logan: Và Ðức Cha hiểu việc đưa Iraq trở lại tình hế bình thường là tái lập biên giới giữa Iraq và Syria?

Ðức Tổng Giám Mục Bashar Warda: Ðúng thế.

Lara Logan: Bằng cách loại bỏ ISIS, loại bỏ Nhà Nước Duy Hồi Giáo?

Ðức Tổng Giám Mục Bashar Warda: Không sai chút nào.

Lara Logan: Ðánh bại chúng về quân sự?

Ðức Tổng Giám Mục Bashar Warda: Xin Chúa vui lòng.

Cộng đồng Kitô Giáo đã vội vàng tổ chức dân quân để canh giữ các làng mạc và nhà cửa bị bỏ hoang của họ dọc theo giới tuyến, và họ đang nhận được một ít trợ giúp. Chúng tôi ngạc nhiên tình cờ gặp được người Mỹ tên Brett Felton, một cựu chiến binh theo Kitô Giáo trong chiến tranh Iraq, người đã bằng tiền túi từ Detroit tới đây để huấn luyện các chí nguyện quân Kitô Giáo. Và cả người này nữa, anh Khamis, người cho biết phát xuất từ Úc, được thúc đẩy phải bảo vệ mảnh đất nơi anh sinh ra.

Lara Logan: Anh nghĩ Nhà Nước Duy Hồi Giáo có ý định làm gì với các Kitô hữu ở đây?

Khamis: Quét sạch họ đi. Trở thành số không. Không còn nơi nào mang danh Kitô hữu hay Kitô Giáo.

Các Kitô hữu ở thị trấn tuyến đầu là al Qosh đang sống dưới bóng Nhà Nước Duy Hồi Giáo. Bị đe dọa thường xuyên, các dân quân Kitô Giáo luôn canh chừng dù là lúc đang cử hành đức tin của họ... và tiếp tục thực hành các truyền thống vốn xưa như chính Kitô Giáo trên Bình Nguyên Ninivê này.

 

Vũ Van An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page