Ðức Thánh Cha kêu gọi
các Hợp tác xã ở Italia tìm phương thức mới
Ðức Thánh Cha kêu gọi các Hợp tác xã ở Italia tìm phương thức mới.
Vatican (SD 28-02-2015) - Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các hợp tác xã tìm ra những hình thức và phương pháp mới để bài trừ thứ "văn hóa gạt bỏ", đồng thời hoàn vũ hóa tình liên đới.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 28 tháng 2 năm 2015, dành cho phái đoàn gồm 7 ngàn người thuộc Liên đoàn các hợp tác xã miền Emilia Romagna, bắc Italia. Họ đại diện cho 1,700 hợp tác xã với 385 ngàn xã viên, với khoảng 73 ngàn nhân viên, và doanh số của họ lên tới gần 27 tỷ Euro với các ngân hàng tín dụng hợp tác xã.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, sau khi nhắc đến sự cổ võ của Giáo Hội trong quá khứ đối với các hợp tác xã, Ðức Thánh Cha mời gọi các vị hữu trách và các xã viên hãy hướng đến những viễn tượng, trách nhiệm, và những hình thức sáng kiến mới của các xí nghiệp hợp tác. Ngài nói: "Ðây là một sứ mạng đích thực đòi chúng ta phải có tinh thần sáng tạo để tìm ra những hình thức, phương pháp và thái độ để bài trừ "thứ văn hóa gạt bỏ" do những quyền lực đang điều khiển các chính sách kinh tế tài chánh của thế giới hoàn cầu hóa cổ võ".
Ðức Thánh Cha giải thích rằng: "Ngày nay, hoàn cầu hóa tình liên đới có nghĩa là nghĩ đến sự tăng vọt con số những người thất nghiệp, đến những giọt lệ không ngừng của người nghèo, nghĩ đến sự phát triển đích thực và toàn diện cho con người, một sự phát triển chắc chắn là cần lợi nhuận, nhưng không phải chỉ có lợi nhuận mà thôi!"
Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến những nhu cầu sức khỏe mà chế độ an sinh xã hội truyền thống không còn đáp ứng được, những đòi hỏi cấp thiết của tình liên đới đặt phẩm giá con người ở trung tâm nền kinh tế thế giới.
Ngài nhắn nhủ các thành viên hợp tác xã ở Italia rằng: "Anh chị em hãy tiếp tục kiện toàn, củng cố và canh tân những thực tại tốt đẹp và vững chắc mà anh chị em đã kiến tạo. Nhưng anh chị em hãy có can đảm ra khỏi những thực tại ấy, với những kinh nghiệm và phương pháp mới, để mang sự hợp tác tới những biên cương mới của những thay đổi, cho đến tận những khu vực ngoại ô của đời sống, nơi mà chúng ta cần làm nổi bật niềm hy vọng, và tới những nơi mà chế độ chính trị xã hội hiện nay dường như bóp nghẹt hy vọng bằng cách gia tăng những rủi ro và đe dọa". (SD 28-2-2015)
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)