Thảm cảnh của người di cư chết trên biển
Thảm cảnh của người di cư chết trên biển.
Phỏng vấn ông Oliviero Forti, nhân viên Caritas Italia.
Roma (RG 10.12-02-2015; Vat. 11-03-2015) - Thứ tư mùng 4 tháng 3 năm 2015 lại có thêm một con tầu chở người di dân tỵ nạn vượt biển bị lật ngoài khơi đảo Sicilia, khiến cho ít nhất 10 người thiệt mạng và 50 người mất tích. Trước đó ngày mùng 10 tháng 2 năm 2015 đã có hơn 400 người di cư tỵ nạn bị chết ngoài khơi đảo Lampedusa, nam Italia. Trong số hơn 500 người đã chỉ có 76 người sống sót. Biến cố này đã lại gây ra tranh luận liên quan tới chiến dịch vớt người di cư tỵ nạn "Mare nostrum" của Italia, bị bãi bỏ từ năm 2014 vì áp lực của Liên Hiệp Âu châu. Ðức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia, đã yêu cầu Liên Hiệp Âu châu đừng giả bộ không nhận ra rằng Italia là cánh cửa của Âu châu. Ông Pitella, dân biểu Quốc hội âu châu, thì tố cáo các chính quyền không muốn dấn thân hơn nữa để bảo đảm cho có các phương tiện và ngân qũy cho chương trình Triton canh phòng biên giới Âu châu. Cả ông Avramopoulos, ủy viên Liên Hiệp Âu châu đặc trách về di cư, cũng khẳng định rằng: cuộc chiến đấu chống lại các tay buôn người tiếp tục một cách thường hằng và được phối hợp nhưng cần phải làm hơn thế nữa".
Theo ông Pietro Badacchi, giám đốc nguyệt san Bảo vệ Italia, hoặc là phải cứu người di cư tỵ nạn bên ngoài hải phận các quốc gia, hoặc là chấp nhận để cho họ chết ngoài biển, hay can thiệp tại các nước, nơi có các tổ nguyên do bất ổn khiên cho người dân các nước ấy phải liều lĩnh ra đi. Không có các lựa chọn khác, và từ quan điểm này thì Âu châu không thể lần lữa khước từ trách nhiệm rộng rãi hơn và được chia sẻ. Chiến dịch vớt người trên biển "Mare nostrum" đã chỉ là giải pháp cấp thời. Ðể chữa lành căn bệnh di cư tỵ nạn cần phải can thiệp một cách sâu xa hơn bằng cách giúp ổn định tình hình khủng hoảng khiến cho người dân trốn chạy quê hương của họ. Ở đây chúng ta có các bối cảnh như Libia, toàn vùng Bắc Phi và vùng nam sa mạc Sahara, hoàn toàn nằm trong tình trạng bất ổn, bất ổn chính trị, bất ổn kinh tế, thiếu an ninh. Vì thế nếu không tạo ra các điều kiện giúp ổn định các vùng này, thì chiến dịch "Mare nostrum" có thể là một liều thuốc chiến thuật. Nhưng chiến lược: đó là đem các điều kiện ổn định đến các nơi này, trong các vùng kể trên, là các vùng mà hiện tượng "mùa xuân A rập" đã không đem lại các kết quả mong muốn, nhưng đã tạo ra hiệu qủa ngược lại. Vấn đề đó là đường lối chính trị phải chú ý trở lại tới sự ổn định, hòa bình và chiến tranh. Ðiều này không chỉ có giá trị đối với Libia, mà cả Ucraina và tất cả các bối cảnh, nơi có bất ổn và chiến tranh. Cần phải đưa ra các lựa chọn chiến lược và chính trị mà một quốc gia trưởng thành, có một quyền lực trung bình như Italia không thể cứ lần lữa chần chờ đến muôn thuở.
Liên quan tới cái chết của hơn 400 người di cư tỵ nạn, Ðức Cha Francesco Monotenegro, Tổng Giám Mục Agrigento, bầy tỏ đau buồn trước thảm cảnh này. Ngài nói: các anh chị em này đã phải chịu một cái chết bất xứng với phẩm giá là người. Họ tiếp tục gõ cửa nhà chúng ta và xin được tiếp tục sống. Chỉ hạn chế bảo vệ biên giới âu châu thôi sẽ không đem lại các kết qủa to lớn. Cần phải có các lựa chọn chính trị can đảm tôn trọng con người phù hợp với thế giới ngày nay. Linh mục Camillo Ripamonti, giám đốc trung tâm Astalli, yêu cầu mở các hành lang nhân đạo để trợ giúp các anh chị em trốn chạy các bách hại và chiến tranh. Họ tìm cách đến Âu châu và phó thác số phận cho các tổ chức buôn người làm giầu trên sinh mạng của họ. Theo cha Âu châu phải đương đầu với hiện tượng này và tìm ra các đầu cầu an toàn và phải thảo luận các mô thức thực hiện để tránh cho các thảm cảnh tiếp tục lập lại.
Trong các năm từ 2000 tới 2013 đã có 23,000 người di cư tỵ nạn bị chết khi vượt biển tìm đến Âu châu. Cứ trung bình mỗi năm có 1,600 người chết trên đường vượt biên. Năm 2014 là năm thê thảm nhất với 3,419 người chết, nghĩa là hơn tổng số của cả bốn năm trước đó cộng lại. Ðây quả là một tai ương nhân đạo chưa từng có. Chỉ nội trong năm ngày hồi trung tuần tháng 9 đã có 800 người chết. Năm trước đó đêm ngày mùng 3 tháng 10 đã có 366 người thiệt mạng ngoài khơi đảo Lampedusa. Ðịa Trung Hải đã biến thành mồ chôn người di cư tỵ nạn.
Bà Carlotta Sami, phát ngôn viên của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc Nam Âu châu, cho biết 60% những người tới bến bằng an là người tỵ nạn, trốn chạy chiến tranh, bách hại và khủng bố. Trong 10 tháng đầu năm 2014 đã có khoảng 150,000 người di cư cặp bến Italia, tức gấp ba lần nhiều hơn năm 2013, đa số là ngưởi Eritrea và Siria. Do địa thế gần Phi châu nhất nên Italia là cửa ngõ người di cư tỵ nạn tìm tới để từ đó sang các nước Âu châu khác, nhất là Ðức và Thụy Ðiển.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị thính giả một số nhận xét của ông Oliviero Forti, nhân viên Caritas Italia, về thảm cảnh của những người di cư tỵ nạn liều chết đi tìm một cuộc sống mới.
Hỏi: Thưa ông, theo tin tức của các nhân viên điều tra, số người di cư bị chết đuối trong eo biển đảo Sicilia nam Italia ngày 10 tháng 2 vừa qua có thể lên tới 400 người. Thảm cảnh này của người di cư khiến cho xã hội dân sự Italia yêu cầu chính quyền tái lập chương trình cứu người trên biển "Mare nostrum"-. Tổ chức Caritas Italia đã kêu gọi Âu châu cương quyết lãnh lấy trách nhiệm và can thiệp, có đúng thế không?
Ðáp: Ðúng vậy. Một Âu châu bất động trước những gì đã xảy ra. Cho tới nay đã có hàng ngàn người chết và trong các năm qua chúng tôi đã phải liên tục đếm xác họ, và trong một cách thức nào đó thảm cảnh này là bằng chứng cho thấy hoàn toàn vắng bóng một đường lối chính trị giúp đương đầu với vấn đề người di cư. Bởi vì chúng ta hãy gọi các chuyện này với tên thật của chúng, nó là một vấn đề chính trị. Nó không chỉ là một vấn đề nhân đạo, nó không chỉ là một vấn đề kiểm soát, nó không chỉ là một vấn đề của các băng đảng tội phạm đưa 400 người ra khơi trong các điều kiện thời tiết không thể nào chịu nổi# Ðây là một vấn đề cần phải đối phó với khunh hướng chính trị thực tế, nhưng rất tiếc là không có. Nhưng không thể chịu đựng được thái độ này nữa.
Hỏi: Vậy thì đâu là các giải pháp có thể có cho vấn đề này?
Ðáp: Cần soạn thảo các đề nghị một cách cụ thể, và tôi xin lập lại chúng phải có tính cách âu châu, với Italia là quốc gia ở bên trong Âu châu tôn trọng các bối cảnh của cuộc khủng hoảng mạnh mẽ này. Nếu chúng ta quyết định tấn công một cách nghiêm chỉnh cuộc xung khắc tại Siria, với các hành động cụ thể, cả khi và nhất là có tính cách nhân đạo, thế nào chúng ta cũng phải tính sổ trong các năm tới đây, với nhiều người tới không từ Siria cho bằng từ các nước Libăng, Giordania, Thổ Nhĩ Kỳ, từ các nước đang cho hàng trăm ngàn người tỵ nạn trú ngụ, là những người không thể ở đó mãi hết năm này sang năm khác trong các trại tỵ nạn được thiết kế cách sơ sài tạm bợ# Ai có thể nghĩ tới chuyện kéo cả một gia đình đi lên được, với con cái phải nuôi nấng giáo dục, bên trong một trại tỵ nạn, nơi một căn lều và bùn lầy là các bạn đường duy nhất của ngày sống? Ðây là điều không thể chịu đựng nổi!
Hỏi: Như vậy chiến dịch vớt người di cư tỵ nạn "Mare nostrum" có phải tái khởi hành hay không thưa ông?
Ðáp: Chắc chắn đáng lý ra chiến dịch "Mare nostrum" đã phải tiếp tục. Liên quan tới sự kiện nó có tái khởi hành hay không, thì rõ ràng là tôi phải tính sổ với thực tại của các sự việc. Nó rất phức tạp, bởi vì "Mare nostrum" là một chiến dịch ngoại thường, một chiến dịch nhân đạo đã bị đóng cửa vì các lý do chính trị, chứ không phải là vấn đề mắc mỏ, bởi vì đó không phải là vấn đề thật. Trái lại nếu làm tính thì sẽ thấy nó ít mắc mỏ hơn nhiều. Vì chiến dịch "Mare nostrum" không huy động các phương tiện cứu ít mạng sống trên biển và chỉ dùng để kiểm soát hải phận. Các hải phận này có thể bị xâm nhập, bởi vì người ta ra đi và dù sao đi nữa cũng tìm cách tới. Do đó như ông Letta đã phát biểu, đương nhiên là vô trách nhiệm, trong vài khiá cạnh nào đó, việc mau chóng chấm dứt chiến dịch đã đem được nhiều người vào Âu châu, do sự thúc đẩy của Liên Hiệp Âu châu không muốn cho hành động vớt người ngoài biển tiếp tục. Như vậy từ quan điểm này chúng tôi sẽ rất vui mừng thấy chiến dịch vớt người trên biển được trang bị trở lại, lần này có tính cách âu châu với sự tham gia của tất cả mọi nước, để nó có một giá trị khác và một cách biểu tượng quan trọng hơn của một Âu châu cùng nhau đứng ra lo lắng cho một vấn đề chung, không phải của Italia, cũng không phải của Hy Lạp, của Tây Ban Nha, của Ðức, của Thụy Ðiển... Nhưng nó là vấn để của tất cả mọi người, nếu chúng ta muốn tiếp tục gọi là Âu châu liên đới.
Hỏi: Chung cục chúng ta có thể nói không phải là chửi tục, khi nói rằng cần phải trợ giúp các ngưởi di cư tỵ nạn tại chính nhà họ, trên chính quê hương của họ?
Ðáp: Không, không phải là nói tục đâu. Thật không thực tế khi nghĩ rằng đây là giải pháp duy nhất: nó là một trong các dụng cụ có thể dùng để trợ giúp bao nhiêu người - và ở đây chúng ta nói tới hàng triệu người - nhưng nhất là trợ giúp cả một vùng rộng lớn trải dài từ Phi châu nam sa mạc Sahara cho tới vùng Trung Ðông, Âu châu, Bắc Âu là các vùng có liên lụy với các làn sóng di cư tỵ nạn, hiện xem ra không còn có thể kiểm soát được nữa. Ðó, nếu chúng ta bắt đầu lý luận một cách nghiêm chỉnh liên quan tới các dụng cụ riêng rẽ: các kênh nhân đạo, các chiếu khán nhân đạo, đường lối chính trị đối ngoại hữu hiệu hơn, các đường lối phát triển hữu hiệu hơn, điều hợp các làn sóng nhập cư# tất cả đều là các mảnh của một vấn đề khó xử rất phức tạp, được tạo thành bởi biết bao nhiêu mảnh nhỏ, nhưng phải có ai đó lấy trách nhiệm sắp xếp chúng lại với nhau để sau cùng có một bức tranh rõ ràng hơn.
(RG 10.12-2-2015)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)